Trung Quốc nhân đôi ‘đặt cược’ cho chiến lược ‘Zero COVID’
Ở ngoại ô thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, một khu phức hợp rộng bằng 46 sân bóng đá tiêu chuẩn đang được gấp rút hoàn thành với thời gian xây dựng ngắn kỉ lục.
Drone và robot sẽ phục vụ bữa ăn và khử khuẩn, vệ sinh buồng cách ly tại Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu. Ảnh: AP
Ảnh chụp trên không Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu do truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy hàng dãy nhà ba tầng màu xám đang được hoàn thiện. Địa điểm này cách xa các khu vực đông dân cư của Quảng Châu. Theo kế hoạch, khu phức hợp này sẽ chuyên cách ly người từ nước ngoài vào Trung Quốc, với 5.000 phòng.
Tại đây, thiết bị bay không người lái (drone) và robot sẽ đảm nhận việc phân phát bữa ăn, vệ sinh buồn từng phòng. Mỗi phòng cũng sẽ được bố trí hệ thống điều hòa, thông gió hoàn chỉnh, bảo đảm dịch vụ cách ly phi tiếp xúc trực tiếp. Trong khu này cũng có đủ 2.000 giường cho nhân viên sống, sinh hoạt ngay tại chỗ và họ cũng sẽ phải trải qua quy trình cách ly sau quá trình làm việc luân phiên một tháng.
Trạm y tế này có chi phí xây dựng lên đến 250 triệu USD và là khu vực cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ nguồn nhập khẩu. Trạm sẽ thay thế hệ thống cách ly bằng khách sạn vốn tồn tại nhiều bất cập, không đảm bảo tiêu chuẩn chống dịch. Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng những cơ sở tương tự trên khắp cả nước.
Đó không phải là tín hiệu cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới đang chuẩn bị có các bước đi để sống chung với COVID-19. Ngược lại, Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược “không COVID” (Zero COVID).
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) trong tuần này đã kêu gọi các cấp chính quyền thực thi biện pháp kiểm soát dịch bệnh “tăng cường và có mục tiêu” khi mùa đông đang đến gần. Một số thành phố tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm đối tượng người dân, ví dụ như nhân viên làm việc tại sân bay.
Video đang HOT
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Rome, Italy vào cuối tháng này cũng như Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra ở Glasgow, Anh vào đầu tháng sau. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa hề ra nước ngoài kể từ khi dịch bùng phát.
Giới ngoại giao và lãnh đạo các doanh nghiệp tại Trung Quốc ngầm bày tỏ rằng Trung Quốc sẽ đóng cửa biên giới thêm ít nhất là 6 tháng nữa. Còn hạn chế với người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có thể phải tính bằng năm. Đây có thể là tin buồn với nhiều nước, trong đó có Australia, muốn đón dòng khách du lịch Trung Quốc khi mở cửa trở lại, gỡ rối cho ngành du lịch.
Ngay cả kỳ Olympic mùa Đông diễn ra từ ngày 4-20/2/2022 cũng không phải là ngoại lệ. Vận động viên và giới phóng viên, truyền thông quốc tế nhập cảnh vào Trung Quốc sẽ phải sống trong điều kiện “bong bóng” giám sát cẩn trọng, với nhiều quy định hạn chế khắt khe hơn so với kỳ Olympic Tokyo vừa qua
Tại Trung Quốc, không hề có thảo luận công khai về kế hoạch dài hạn nhằm quản trị COVID-19. Những nhà khoa học có ngụ ý muốn Trung Quốc học cách cùng tồn tại với dịch bệnh thường sẽ bị bêu danh là kẻ thù của nhà nước. Zhang Wenhong, chuyên gia dịch tế hàng đầu ở Thượng Hải, từng bị chỉ trích dữ dội hồi tháng 8 vừa qua khi ông lên tiếng khuyến nghị Trung Quốc cần phải xem xét cách tiếp cận chung sống với virus.
Tuy nhiên, công chúng tại đại lục về cơ bản ủng hộ các chính sách chống dịch của chính quyền – điều giúp tránh được tình cảnh đóng cửa và tổn thất nhiều về người mà nhiều nơi trên thế giới phải trải qua. Dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, nhưng Trung Quốc đã tránh được các làn sóng dịch diện rộng sau đó. Tính kể từ đầu dịch cho đến ngày 13/10, Trung Quốc ghi nhận 4.636 ca tử vong. Đây là con số nhỏ so với nhiều nước, ví dụ như Mỹ.
Biến thể Delta đã một vài lần chọc thủng hệ thống phòng ngự COVID-19 ở Trung Quốc. Ổ dịch nghiêm trọng nhất khởi phát từ sân bay tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hồi tháng 7 và lây sang nhiều thành phố khác. Chính quyền các thành phố phản ứng bằng việc đóng cửa sân bay, bến cảng và cuối cùng là đóng cửa toàn diện các thành phố và nhờ đó chặn được đợt dịch quy mô lớn, khi số ca mắc theo ngày chỉ ở mức hai con số.
Đặc khu Hong Kong cũng bị mắc kẹt với chiến lược “Zero COVID” của Trung Quốc. Chính sách này đã tạo ra cơn ác mộng đối với các doanh nhân, chuyên gia quốc tế sống và làm việc tại Hong Kong. Nhiều người Australia, do bực bội với viễn cảnh bắt buộc phải cách ly từ 2-3 tuần nếu có kế hoạch di chuyển, đi lại khỏi Hong Kong, đang tính đến giải pháp rời bỏ vùng đất này.
Nguy cơ khủng hoảng y tế từ COVID-19 tại Trung Quốc hiện thấp hơn ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng liệu khả năng chống cự dịch bệnh bền vững kéo dài trong bao lâu là điều còn chưa rõ.
Chiến lược 'nhổ tận gốc' COVID-19 của Trung Quốc gặp thử thách biến thể Delta
Cách tiếp cận "nhổ tận gốc" COVID-19 mà Trung Quốc áp dụng trong suốt thời gian qua để chặn đứng dịch bệnh đang đối mặt với thử thách lớn từ biến thể Delta.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán (Hồ Bắc), Trung Quốc chọn cách tiếp cận quyết đoán để kiểm soát virus, từ đóng cửa toàn bộ thành phố đến kiểm soát chặt biên giới để giữ mức lây nhiễm thấp. Giới chức Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến lược này trong xử lý các ổ dịch bùng phát sau đó, mới nhất là ở Nam Kinh thuộc tỉnh Chiết Giang. Toàn bộ 9,3 triệu dân tại thành phố này đã bị đặt trong tình trạng bán phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ. Chính quyền cấm hoạt động tiếp xúc trực tiếp về giao thương và xã hội, các địa điểm lân cận thuộc diện nguy cơ cao bị phong tỏa chặt.
Tuy nhiên, ở nhiều thành phố khác, số ca mắc mới tiếp tục gia tăng trong tuần này do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Bùng phát lây nhiễm tại Trung Quốc lên mức cao nhất trong 6 tháng trở lại đây, khiến một số chuyên gia cho rằng cần phải hay đổi chiến lược ngăn ngừa, kiểm soát COVID-19.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 29/7, Zhang Wenhong, chuyên gia dịch tễ hàng đầu tại Trung Quốc, nhận định ổ dịch tại Nam Kinh là bài thử nghiệm tầm quốc gia đầy căng thẳng, là mốc để định hình phương pháp đối phó dịch bệnh trong tương lai. Ông Zhang cảnh báo rằng nếu ổ dịch diễn biến xấu, chính quyền có thể phải cần đến các biện pháp mạnh tay hơn. Ổ dịch tại Nam Kinh tính đến ngày 29/7 đã ghi nhận 177 ca nhiễm.
Vị chuyên gia hàng đầu về dịch tễ tại Trung Quốc hối thúc người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, ở trong nhà. Tuy nhiên, ông Zhang lần đầu tiên phát đi tín hiệu khác biệt so với cách tiếp cận chính thức của Trung Quốc, khi thừa nhận rằng cuối cùng cũng phải học cách sống chung với COVID-19.
"Dù chúng ta có muốn hay không, luôn có nguy cơ ở phía trước. Tất cả các nước đều đang phải gồng mình để tìm ra câu trả lời cho vấn đề sống chung với virus. Trung Quốc từng đưa ra được câu trả lời tuyệt vời, và sau ổ dịch Nam Kinh, chúng ta sẽ phải rút ra nhiều điều nữa", ông Zhang nêu quan điểm.
Trên thế giới, chính phủ các nước đang đối mặt với thử thách lớn khi phải cân bằng được việc tái mở cửa kinh tế, xã hội với kiểm soát Delta - biến thể siêu lây nhiễm có thể gây bệnh nặng với người chưa tiêm vaccine và lây nhiễm cả với người đã tiêm đủ hai liều.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhiều khu vực ở châu Âu đã mở cửa đón khách du lịch có chứng nhận tiêm vaccine, nhưng cũng đã phải tái áp đặt các quy định hạn chế trong nội địa. Tại châu Á, Singapore đã phải thay đổi lộ trình thực thi chiến lược sống chung với COVID-19, sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục liên quan đến ổ dịch tại các quán karaoke và cảng cá Jurong.
Tại Trung Quốc, nơi tính ưu việt của biện pháp "nhổ tận gốc" đối với COVID-19 được ca ngợi ở cả trong và ngoài nước, giới chức chính quyền dường như bắt đầu nhận ra tình thế lưỡng nan khi phải tính đến con đường phía trước. Hơn 50% dân số Trung Quốc đã được tiêm đủ liều, nhưng từng đó là chưa đủ, bởi các chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước này cho rằng phải nâng lên mức 80% mới đủ để đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Dong-Yan Jin, chuyên gia virus học tại Đại học Hong Kong, Trung Quốc sẽ không thay đổi cách tiếp cận "nhổ tận gốc" và sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu đưa số ca nhiễm về số 0. Một số nước đang tìm cách thoát khỏi chiến lược đưa số ca lây nhiễm về số 0, như trường hợp của Singapore. Nhưng hiện không rõ Trung Quốc có thể thực hiện an toàn bước chuyển này không, vì chưa thể xác định được chính xác mức độ hữu hiệu của hai loại vaccine chính là Sinopharm và Sinovac được dùng cho chiến dịch tiêm chủng ở đại lục.
Ổ dịch tại Nam Kinh bùng phát tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu, nơi phần lớn các nhân viên, người lao động đã được tiêm vaccine. Liền sau đó, các ca nhiễm có liên quan đến ổ dịch này đã xuất hiện ở ít nhất 11 thành phố tại 6 tỉnh, thành ở Trung Quốc. Giới chức chính quyền cho biết chỉ có một số ít ca diễn tiến nặng và đến lúc này chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Hàn Quốc nâng giới hạn số người được phép tụ họp sau 18h Ngày 15/10, Chính phủ Hàn Quốc quyết định nâng giới hạn tối đa tụ tập lên mức 8 người ở vùng thủ đô Seoul và 10 người ở những khu vực khác, trong bối cảnh nước này đang tiến tới chuyển sang "sống chung với COVID-19" vào tháng 11 tới. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh...