“Trung Quốc ngạo mạn nguy hiểm trên Biển Đông”
Đây là nhận định của phóng viên, nhà phân tích Philip Bowring của tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng tại Hồng Kông. Theo đó, chuyên gia này nhận định lối cư xử hung hăng, ngạo mạn của Bắc Kinh khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.
Hành động của Trung Quốc trên biển Đông bị quốc tế lên án là ngang ngược và nguy hiểm
Trong bài viết được đăng tải hôm 18/5, ông Bowring đã có những chỉ trích gay gắt lối hành xử của Trung Quốc, mà theo ông là “mang nặng màu sắc chủ nghĩa sôvanh Đại Hán, chủ nghĩa vị chủng, cho rằng dân tộc mình là nhất”.
“Vượt qua khuôn khổ của việc thể hiện lòng tự tôn dân tộc, lối cư xử đó đang khiến cho chủ nghĩa yêu nước bị nhuốm một màu sắc xấu”, nhà bình luận này khẳng định, và kêu gọi những người Hong Kong yêu nước nên nhận ra đúng bản chất của nó là: một mưu đồ nham hiểm.
“Bắc Kinh không chỉ đang lộ rõ nanh vuốt của kẻ bành trướng với Việt Nam và Philippines, họ còn thành công trong việc khiến Indonesia chuyển từ vị thế của trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước thành viên Đông Nam Á, trở thành người đối đầu với mình.
Trong những tháng gần đây, 2 lần Indonesia cáo buộc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với một phần quần đảo Natuna. Như vậy là quá đủ cho cái gọi là “trỗi dậy hòa bình”, một khi họ đã chọc tức những người láng giềng với dân số hơn 400 triệu dân, mà họ xem là yếu đuối”, tác giả viết
Tất cả những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc nằm gọn trong đường 9 đoạn, cách xa bờ biển tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam tới trên 1000 hải lý, gần sát đảo Borneo, khu vực được Malaysia, Indonesia và Brunei cùng chia sẻ, và ôm trọn hầu như toàn bộ vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố này tương đương hơn 90% diện tích vùng biển trên, cho dù Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) chỉ có khoảng 20% đường bờ biển.
Những tuyên bố này đều dựa trên căn cứ là chủ quyền lịch sử, vốn dễ dàng phớt lờ sự tồn tại của những người khác và lịch sử vươn khơi, giao thương của họ từ 2000 năm trước, tức là trước cả những chuyến đi của Trung Quốc xuống vùng biển Đông và xa hơn.
Về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc thềm lục địa, và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philip Bowring khẳng định Trung Quốc vin vào việc họ đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, vốn gần giàn khoan hơn so với khoảng cách từ giàn khoan tới Việt Nam.
“Nhưng bản thân quần đảo này từ lâu là tranh chấp giữa hai nước, và vấn đề hiện chỉ tạm lắng sau cuộc xâm chiếm không báo trước của Trung Quốc năm 1973″, Bowring khẳng định.
“Nhưng do họ chưa bao giờ thực sự từng định cư lâu dài tại đây, Trung Quốc có lý lẽ rất yếu để đòi hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý so với Việt Nam. Lịch sử cũng cho thấy rằng, bờ biển này từng là trái tim của quốc gia thương nghiệp Chăm, những người trong suốt 1000 đi đầu trong thương mại của khu vực”.
Theo tác giả, tranh chấp có thể được giải quyết bằng đối thoại và nhượng bộ, như Malaysia và Thái Lan đã làm đối với vùng Vịnh Thái Lan giàu khí đốt. Indonesia, Singapore và Malaysia cũng đã đưa vấn đề sở hữu hòn đảo lên Tòa công lý quốc tế và chấp nhận phán quyết.
Video đang HOT
Nhưng Trung Quốc thì vừa không chịu nhượng bộ, vừa không muốn ra tòa phân xử. Trong khi đó việc cùng khai thác là không thể, bởi Trung Quốc luôn gắn việc này với điều kiện Việt Nam phải chấp nhận chủ quyền của họ.
Ngụy tạo lịch sử
Trong trường hợp các bãi cạn ngoài khơi Philippines, lập luận của Trung Quốc đã dựa trên sự ngụy tạo lịch sử và thực tế rằng họ đưa ra tuyên bố chủ quyền trước. Tất cả đều là những căn cứ nghèo nàn khi họ không có sự hiện diện liên tục tại những vùng này, còn Philippines được thừa hưởng lại sau một hiệp ước giữa 2 cường quốc thực dân phương Tây.
“Những bãi cạn đó và các đặc điểm của nó mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển từ lâu người Philippines đã khai thác, đến mức không có gì để bàn cãi”, bài báo viết.
Bãi cạn Scarborough cách đảo Luzon khoảng 200km trong khi cách Trung Quốc tới 650 km. Hay việc tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Half Moon (Bán Nguyệt) còn trắng trợn hơn. Đây chính là khu vực Philippines đã bắt các ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc bắt những con rùa khổng lồ, một lòai được bảo vệ. Dân chúng Trung Quốc đã biểu tình dữ dội. Nhưng bãi san hô này cách Trung Quốc gần 1500 km
Bài báo khẳng định không có việc các nhà nước xưa kia thường cống nạp cho Bắc Kinh. Với các quốc gia thương mại đó, cống nạp là một loại thuế, là chi phí để giao thương với Trung Quốc, và không thể mang hàm ý về chủ quyền của Trung Quốc. Hay những tuyên bố chủ quyền ngang ngược rằng Trung Quốc có chủ quyền từ thời Quốc Dân Đảng cũng không thể chấp nhận.
Theo Dantri
Người Việt tại nhiều nước tiếp tục phản đối Trung Quốc
Làn sóng biểu tình phản đối các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng người Việt tại các nước Anh, Úc và Angola tổ chức với một lòng hướng về quê hương, Tổ quốc.
Cộng đồng người Việt tại Anh tập trung biểu tình hòa bình ở thủ đô London.
Sau 12h00 trưa ngày hôm qua (18/5), hàng trăm người Việt Nam ở thủ đô London (Anh) đã xuống đường tuần hành đến trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc.
Cuộc biểu tình thu hút 300 - 400 người tham gia với mục đích "phản đối chính sách Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam". Những người biểu tình mang theo nhiều cờ đỏ sao vàng và băng rôn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt gây hấn ở Biển Đông.
"Tôi nghĩ rằng cuộc biểu tình ít nhiều có ảnh hưởng đến dư luận thế giới. Họ sẽ viết, sẽ lên tiếng ủng hộ (Việt Nam) mình", một người biểu tình cho biết.
Cuộc biểu tình diễn ra trong trật tự và ôn hòa, nhưng không kém phần sôi động, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người qua đường cũng như người dân sống ở khu vực xung quanh.
Gần như cùng thời điểm, cộng đồng người Việt ở Úc cũng biểu tình rầm rộ phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981, các tàu vũ trang và máy bay hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
Hàng trăm người tụ tập trươc cửa Đai sư quan Trung Quôc tai thu đô Canberra va Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tai thanh phô Melbourne.
Họ giơ cao quôc ky Việt Nam cùng các biểu ngữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án hành động của Trung Quốc và kêu gọi chính phủ Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Những người biểu tình còn hát quốc ca và nhiều bài hát ca ngợi sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, khẳng định trách nhiệm và tâm thế sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc
"Cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông", ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc kêu gọi.
Đáng chú ý, rất đông bạn bè Úc cũng tham gia vào cuộc tuần hành vì chính nghĩa của người dân Việt Nam. Họ cho biết đến tham gia biểu tình để thể hiện sự ủng hộ, sát cánh cùng Việt Nam phản đối hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Việt Nam có quyền bảo vệ vùng biển của mình và Việt Nam sẽ không đơn độc", một người bạn Úc nói'.
Ông John Hamilton, giảng viên Đại học Victoria, còn cầm loa phóng thanh để nói lên tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và con người Việt Nam, phản đối hành động và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông yêu cầu Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng hòa bình.
Tại đất nước châu Phi xa xôi Angola, Hội người Việt Nam cũng tổ chức mít- tinh để thể hiện sự gắn kết chặt chẽ với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân trong nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cuộc mít-tinh có sự tham gia của khoảng 200 người Việt Nam và một số bạn bè người Angola với tinh thần chung toát lên là lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và DOC, tôn trọng thỏa thuận đã được lãnh đạo hai nước ký kết về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Những người biểu tình kêu gọi nhân dân Trung Quốc nói chung, cộng đồng người Trung Quốc tại Angola và các nước châu Phi nói riêng, cùng với nhân dân Việt Nam ngăn chặn các hành động tác động tiêu cực và làm tổn thương tình cảm hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.
Đại diện các chuyên gia y tế, chuyên gia giáo dục, giới doanh nghiệp và Hội thanh niên Việt Nam tại Angola lần lượt phát biểu về tình hình ở Biển Đông với một lòng đoàn kết hướng về Tổ quốc.
Đại diện Hội thanh niên Việt Nam tại Angola, anh Cù Hoàng Thắng, còn nêu cao tình yêu, khát vọng hòa bình, lòng yêu nước và nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam tại Angola qua bài thơ gửi thanh niên và nhân dân trong nước:
"Việt Nam ơi, hãy cùng nắm chặt tay,
Ừ nước bé, nhưng hùng gan, bền chí,
Quyết không để bọn ngoại bang khinh thị,
Bốn ngàn năm phải giữ trọn biển, đất này"
Ngoài ra, Hội thanh niên Việt Nam tại Angola còn viết thư gửi lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam.
"Suốt những ngày qua, chúng tôi luôn quan tâm sát sao đến tình hình biển Đông, hồi hộp dõi theo từng con sóng, từng bước đi của các anh, nhớ từng số tàu 4028, 4032, 4033... như số nhà của chúng tôi vậy", bức thư có đoạn viết.
"Hình ảnh lực lượng tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân ta trước áp lực của vòi rồng và sự bao vây của dàn tàu Trung Quốc đông gấp nhiều lần làm mỗi trái tim Việt Nam trong chúng tôi như bị bóp nghẹt vì phẫn uất. Nhưng chúng tôi thực sự tự hào vì các anh vẫn ở đó, kiên cường, anh dũng bảo vệ vùng biển máu thịt của Tổ quốc, hiên ngang như tinh thần Việt Nam trong câu thơ của Lý Thường Kiệt "Nam Quốc Sơn Hà Nam đế cư... " hay lời hiệu triệu ngày nào của Bác "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước,...!". Chúng ta, muôn triệu con tim Việt Nam tha thiết với hoà bình và ổn định để phát triển đất nước, nhưng chúng ta quyết không vì ổn định mà hy sinh sự toàn vẹn lãnh thổ".
Cũng tại cuộc mít-tinh, những người tham dự đã quyên góp tiền làm quà tặng gửi lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tính tới ngày 18/5, Hội thanh niên Việt Nam tại Angola đã quyên góp được trên 27.000 USD. Đợt quyên góp kéo dài từ ngày 14/5 đến ngày 14/6 tới.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Biểu tình phản đối giàn khoan 981 tại Washington Chiều 18/5, hàng trăm người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở khu vực thủ đô Washington, bang Virginia, Maryland, các vùng phụ cận cùng một số bạn bè Mỹ và bà con Việt kiều đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương...