Trung Quốc, Nga và Đông Âu tăng mạnh chi tiêu quân sự
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về chi tiêu quân sự. Trung Quốc, Nga và các quốc gia Đông Âu cũng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng.
Tên lửa tối tân của Trung Quốc xuất hiện trong cuộc diễu hành mừng ngày Quốc khánh ở thủ đô Bắc Kinh – Ảnh: AFP
AFP ngày 13.4 dẫn báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm – SIPRI (Thụy Điển) cho biết chi tiêu quân sự trên toàn thế giới trong năm 2014 là 1,8 nghìn tỉ USD.
Theo báo cáo, chi tiêu quân sự của Trung Quốc và Nga tăng mạnh. Căng thẳng chính trị tại miền đông Ukraine cũng khiến các nước ở khu vực Đông Âu tăng ngân sách và sửa đổi kế hoạch cho các chương trình quốc phòng.
“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã thay đổi căn bản tình hình an ninh châu Âu. Dù vậy, cho đến nay, các tác động của tình hình Ukraine ảnh hưởng lên chi tiêu quân sự chủ yếu chỉ rõ rệt ở các nước có chung biên giới với Nga”, tiến sĩ Sam Perlo-Freeman từ SIPRI cho biết.
Đối với Mỹ, mặc dù vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về chi tiêu cho quốc phòng, nước này đã giảm 6,4% chi tiêu quân sự trong năm qua so với năm 2013 và giảm đi 1/5 so với đỉnh điểm hồi năm 2010. Khu vực Tây Âu cũng trong tình trạng tương tự.
Video đang HOT
Trong khi đó, Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út là 3 nước chi tiêu cho quốc phòng xếp ngay sau Mỹ.
Cụ thể, chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2014 là 216 tỉ USD, tăng 9,7% so với năm 2013. Ả Rập Xê Út tăng 17%, là nước có mức tăng chi tiêu quốc phòng cao nhất trong số 15 quốc gia hàng đầu thế giới về chi tiêu quân sự.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng chỉ ra rằng dù giảm nhưng chi tiêu dành cho quân sự của Mỹ vẫn cao hơn 45% so với thời điểm trước vụ tấn công khủng bố 11.9.2001.
Ngân sách quốc phòng của Ukraine trong năm qua là 4 tỉ USD, tăng 20%. Số liệu này của Nga thì tăng 8% so với năm 2013, lên 84,5 tỉ USD. Chính phủ Nga thậm chí còn dự trù ngân sách quốc phòng trong năm 2015 tăng thêm 15%, mặc dù thực trạng nền kinh tế Nga có thể gây khó cho mục tiêu này.
Ở khu vực châu Phi, chi tiêu quân sự tăng khoảng 6%. Hai nước dẫn đầu ở khu vực này là Algeria và Angola, SIPRI cho biết.
Ông Perlo-Freeman cho hay: “Tổng chi tiêu quân sự trên thế giới năm 2014 hầu như không thay đổi nhiều. Các khu vực như Trung Đông và châu Phi vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu cho lĩnh vực này, đặt thêm gánh nặng lên nền kinh tế của nhiều nước”.
SIPRI là một tổ chức nghiên cứu về xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Trung Quốc có thêm hàng chục tỉ phú mới
Việc giá cổ phiếu ở đại lục gần đây tăng mạnh đã giúp ít nhất 41 người Trung Quốc gia nhập nhóm siêu giàu với giá trị tài sản cá nhân hơn 1 tỉ USD, tạp chí kinh doanh Forbes ước tính.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh thời gian gần đây - Ảnh: AFP
Một nửa trong số những người giàu này làm việc trong các ngành sản xuất, số còn lại chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực tài chính, năng lượng và bán lẻ.
Chu Quần Phi, người sáng lập hãng sản xuất màn hình cảm ứng Lens Technology, đứng đầu danh sách này.
Bà Chu nắm giữ 90% cổ phần của công ty với tổng giá trị tài sản cá nhân lên tới 67,4 tỉ NDT (10,9 tỉ USD). Bà cũng là người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc. Công ty của Chu Quần Phi cung cấp màn hình cho các "ông lớn" như Apple và Samsung.
Chu Quần Phi là nữ tỉ phú giàu nhất Trung Quốc - Ảnh: AFP
Những tỉ phú mới khác bao gồm Zhang Desheng, người sáng lập tập đoàn kinh tế đa ngành Zhejiang Wanma. Ông Zhang và con gái sở hữu 50% cổ phần của công ty với giá trị tài sản hơn 1,06 tỉ USD. Cổ phiếu của Zhejiang Wanma tăng gấp đôi trong năm qua.
Tuy vậy tài sản của các tỉ phú mới cũng thay đổi liên tục do sự biến động chóng mặt của thị trường chứng khoán.
Yeo Wenchen, Chủ tịch của Shanghai Yaoji Playing Card, vụt thành tỉ phú hôm 7.4 khi giá cổ phiếu của công ty này đạt mức kỷ lục 25,65 NDT/cổ phiếu trên sàn Thâm Quyến. Tuy nhiên qua ngày 9.4 giá cổ phiếu giảm xuống còn 23,41 NDT/cổ phiếu khiến tài sản của Yeo xuống dưới mốc 1 tỉ USD.
Trung Quốc hiện đang giữ kỷ lục có 213 tỉ phú trong danh sách các tỉ phú năm 2015 của tạp chí Forbes, đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ.
Uyên Lê
Theo Thanhnien
Nga: NATO đang thực hiện hành động nguy hiểm chưa từng có ở Đông Âu Vào hôm 2-4, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích việc NATO xây dựng quân đội ở Đông Âu là hành động nguy hiểm chưa từng có và vi phạm những thoả thuận đang tồn tại giữa Nga và NATO. "Việc NATO xây dựng quân đội ở Đông Âu là hành động nguy hiểm chưa từng có và vi phạm mọi...