Trung Quốc nêu điều kiện phê chuẩn vaccine
Cơ quan quản lý Trung Quốc nói vaccine Covid-19 được phê chuẩn phải có tỷ lệ hiệu quả 50% và cung cấp khả năng miễn dịch ít nhất 6 tháng.
Theo tài liệu dự thảo từ Trung tâm Đánh giá Dược phẩm Trung Quốc (CCDE), dù vaccine Covid-19 được quy định có tỷ lệ hiệu quả tối thiếu là 50%, mục tiêu là chúng phải có hiệu quả với 70% người dân.
Việc sử dụng khẩn cấp các loại vaccine đã đạt được tỷ lệ hiệu quả tối thiểu nhưng chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng vẫn có thể được chấp nhận, tài liệu của CCDE cho biết thêm. Các giai đoạn cuối cùng của những thử nghiệm này có thể mất tới một năm, song lãnh đạo nhà nước đang rất mong muốn đưa ra một loại vaccine hiệu quả càng sớm càng tốt.
Theo South China Morning Post, tỷ lệ hiệu quả của vaccine được CCDE quy định đã tuân theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). CCDE cho biết họ đưa ra điều kiện phê chuẩn vaccine sau khi xem xét lời khuyên của WHO và tham khảo ý kiến của hơn 50 chuyên gia cùng 37 nhóm khoa học.
Vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Silvio Avila.
Video đang HOT
Thông tin trên được đưa ra khi 4 ứng cử viên vaccine Covid-19 Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng tại UAE, Brazil, Arab Saudi và Indonesia. Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc, quản lý CCDE, hiện chưa bình luận về thông tin.
Trung Quốc thuộc những nước dẫn đầu “cuộc chạy đua” sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên, bao gồm cả Nga và Mỹ. Theo dữ liệu dự thảo do WHO công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine đang được đánh giá lâm sàng.
Thử nghiệm lâm sàng, hay thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định tiếp xúc với virus để theo dõi hiệu quả của vaccine, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
Nga ngày 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Vaccine được đặt tên là “Sputnik V”, theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới “Sputnik 1″ được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.
Giới khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã “đốt cháy giai đoạn”, song Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định những hoài nghi về vaccine này là “vô căn cứ”.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 21,8 triệu người nhiễm và hơn 770.000 người chết. Đại dịch khiến nhiều quốc gia huy động kinh phí và nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vaccine có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới.
Nga tiết lộ lý do phát triển nhanh vaccine Covid-19
Kinh nghiệm từ nghiên cứu vaccine Ebola và MERS giúp Nga phát triển Sputnik V trong vòng 5 tháng.
Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, cho biết các liều tiêm ngừa nCoV "không đi lên từ số 0".
"Cả một thế hệ bác sĩ, chuyên gia virus, nhà miễn dịch học... đã phát triển công nghệ được sử dụng để tạo ra vaccine này và 6 loại khác nữa trong hơn 20 năm", ông nói.
Theo ông, công trình nghiên cứu vaccine Ebola GamEvac-Combi vài năm trước đặc biệt hữu ích, giúp xác định thành phần và liều lượng tiêm chủng. "Số thí nghiệm chúng tôi tiến hành khi ấy không chỉ khiến vaccine Ebola hiệu quả, nó còn tạo tiền đề cho nghiên cứu về vaccine Covid-19", ông nói.
Các nhà khoa học cũng sử dụng kiến thức thu được trong quá trình điều chế liều tiêm phòng MERS, mầm bệnh có độ tương đồng đến 80% với nCoV song gây chết người nhiều hơn.
Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya, trong buổi họp tại Moskva, tháng 8/2020. Ảnh: TASS
Thông tin được hé lộ hôm 15/8. Cùng ngày, giới chức y tế tuyên bố bắt đầu sản xuất đại trà Sputnik V, sau khi sản phẩm được cơ quan quản lý phê duyệt. Động thái tiếp tục khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: liệu việc phát triển có quá gấp rút, liệu vaccine có đủ an toàn để phân phối trước khi thử nghiệm giai đoạn ba hoàn tất hay không.
Đáp lại những hoài nghi này, ông Gintsburg khẳng định các liều tiêm tuân thủ nghiêm ngặt quy định của đất nước. Luật pháp Nga cho phép rút ngắn quá trình phát triển do tình thế cấp bách của đại dịch, song không có tiêu chuẩn an toàn nào bị loại bỏ.
"Hơn 3.500 người đã tiêm vaccine. Chúng tôi không ghi nhận bất cứ tác dụng phụ nào, ngoại trừ phản ứng thường thấy xảy ra trong tất cả đợt tiêm chủng, như sốt nhẹ...", ông nói.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối năm ngoái, hàng loạt quốc gia và công ty công nghệ sinh học tham gia vào cuộc chạy đua tìm cách đẩy lùi đại dịch. Nga là nước đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa nCoV. Song đối với ông Gintsburg, điều này không nhằm mục đích chiến thắng cuộc đua.
"Thứ duy nhất thôi thúc chúng tôi là trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, với tư cách 'thợ săn virus' chuyên nghiệp", ông nói.
Đến nay, toàn thế giới có khoảng 150 loại vaccine đang trong các công đoạn phát triển khác nhau, trong đó hơn 25 "ứng viên" đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng.
Gần 22 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu Thế giới ghi nhận gần 22 triệu người nhiễm nCoV, gần 773.000 người chết, nhiều nước tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới tăng đột biến. 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 21.813.891 ca nhiễm và 772.630 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 232.635 và 4.887 ca sau 24 giờ, trong khi 14.547.722 người đã bình phục,...