Trung Quốc lý giải việc giàn khoan Hải Dương 981 ngừng hoạt động
Công ty TNHH cổ phần dịch vụ mỏ dầu trên biển Trung Quốc (CNPC), đơn vị vận hành giàn khoan Hải Dương 981, tuyên bố giàn khoan này đã ngưng hoạt động và được đưa về khu vực Lăng Thủy thuộc đảo Hải Nam.
Trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm nay (16-7) đã chính thức xác nhận việc Bắc Kinh di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đi cùng với giàn khoan, tất cả tàu hải giám, hải cảnh và tàu hộ vệ của Trung Quốc cũng di chuyển ra khỏi khu vực, hướng về phía đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đến trưa nay, theo báo cáo của lực lượng kiểm ngư Việt Nam, tại vị trí trước đó giàn khoan trái phép hạ đặt không còn có tàu của Trung Quốc.
Theo lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, giàn khoan đã hoàn thành chu trình hoạt động của nó, đồng thời cho biết cơ quan hữu quan sẽ căn cứ trên kết quả khoan thăm dò lần này để lên phương án hoạt động tiếp theo của Hải Dương 981.
Qiu Zhongjian, một nhà địa chất học của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết hoạt động khoan thăm dò đã có kết quả tốt và lý do để ngưng hoạt động vào lúc này là do CNPC cân nhắc các mối nguy hiểm có thể xảy ra trong mùa mưa bão, có thể ảnh hưởng và làm hại đến giàn khoan.
Giàn khoan Hải Dương 981
Video đang HOT
Thông tin này cũng được Wang Zhen, Phó Giám đốc CNPC, xác nhận. Ông Wang Zhen phát biểu với giới truyền thông rằng theo các đánh giá bước đầu, vị trí trên có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành khai thác dầu khí. Tuy nhiên, hoạt động này chưa thể tiến hành ngay vì việc đánh giá dữ liệu chưa thực sự hoàn chỉnh. Thêm nữa, tháng 7 là bắt đầu mùa mưa bão trên biển Đông, vì lý do an toàn nên công ty này không sắp xếp các hoạt động khác và quyết định đưa giàn khoan này về đảo Hải Nam.
“Dự án khoan thăm dò vừa qua đã mở rộng thông tin về kỹ thuật khai thác và điều kiện địa chất trong khu vực biển này, qua đó tạo điều kiện để phát triển công nghệ khoan biển sâu, đem lại nhiều nguồn lợi to lớn”, ông Wang Zhen nói. Vị này nói thêm là việc ngưng hoạt động và di chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển trên là hoàn toàn nằm trong kế hoạch.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Liên quan đến động thái này của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định quan điểm của Việt Nam từ đầu đến cuối không thay đổi. Đó là việc hạ đặt, hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 cùng tất cả các tàu hộ tống của Trung Quốc từ ngày 2-5 đến nay là hoàn toàn bất hợp pháp. Vị trí giàn khoan đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, do đó đã vi phạm luật pháp quốc tế, làm trái Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trong quá trình giàn khoan trái phép này hoạt động, Trung Quốc đã bố trí hơn 100 tàu xung quanh khu vực trên, dùng nhiều cách để cản phá, vây ép, đâm húc, xịt vòi rồng vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư Việt Nam thực thi nhiệm vụ quản lý biển, nhằm ngăn cản hoạt động đấu tranh chủ quyền một cách hòa bình của Việt Nam. Hành động này của các tàu Trung Quốc đã gây tổn hại về tài sản, làm bị thương nhiều cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam. Đáng nói hơn, tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá của Việt Nam đang hoạt động đánh bắt bình thường trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa.
Nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại, đồng thời không đưa bất kỳ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở vị trí khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam và tất cả khu vực khác thuộc vùng biển của Việt Nam, đã được quy định rõ ràng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế.
Theo Pháp Luật
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan quay trở lại
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam..."
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Đó là thông điệp người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra vào hôm nay 16/7, liên quan đến việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981.
Người phát ngôn nêu rõ: "Từ ngày 02/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 và nhiều tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Vị trí hoạt động của giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý. Các tàu của Trung Quốc đã vây ép, cố tình đâm húc, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư đang thực thi nhiệm vụ quản lý biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam và gây tổn thất cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Việt Nam đã đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình.
Một lần nữa, Việt Nam khẳng định khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 từ đầu tháng 5 đến nay thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn 2 tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế."
PV
Theo Dantri
Tòa Trọng tài thường trực xử tranh chấp ra sao? Một bên vắng mặt hoặc không trình bày các lý lẽ của mình (như trường hợp của Trung Quốc) cũng không làm cản trởtiến trình giải quyết tranh chấp tại Tòa Trọng tài. LTS: Mới đây Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã ký hiệp định nước chủ nhà và thư trao đổi hợp tác. Trước đó, Philippines cũng đã...