Trung Quốc lập hơn 450 trung tâm cách ly tập trung ở thành phố Thạch Gia Trang
Ngày 21/1, giới chức địa phương cho biết tổng cộng 458 trung tâm giám sát ở thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc, đang được sử dụng cho việc cách ly tập trung.
Cảnh sát gác tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 7/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thạch Gia Trang đang là một trong những tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm dịch mới tại Trung Quốc đại lục.
Phát biểu họp báo, bà Mạnh Tường Hồng, Phó Thị trưởng Thạch Gia Trang, cho biết các trường hợp mắc COVID-19 lẻ tẻ trên địa bàn thành phố đã giảm dần và hầu hết các ca mắc mới được phát hiện ở các trung tâm giám sát. Tất cả các cá nhân bị cách ly đều phải xét nghiệm axit nucleic 2 ngày một lần. Tính tới trưa 21/1, tổng cộng 34.029 người đã được cách ly tại các trung tâm trên.
Trong ngày 21/1, tỉnh Hà Bắc đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng và 4 trường hợp không có triệu chứng lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả các ca mắc này đều ở Thạch Gia Trang.
* Ngày 21/1, Bộ trưởng Giáo dục Australia Alan Tudge cảnh báo các trường đại học của nước này rằng Australia sẽ “rất khó” tiếp tục nhận một số lượng lớn du học sinh tới học tập trong năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trả lời truyền thông địa phương, ông Tudge cho biết sẽ có nhiều thách thức trong việc vực dậy lĩnh vực giáo dục quốc tế vào cuối năm nay trong bối cảnh chính phủ liên bang ưu tiên đưa công dân Australia bị mắc kẹt ở nước ngoài trở về nước và bảo đảm an toàn dịch bệnh trong nước. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ sẽ theo dõi sát tình hình dịch bệnh hằng tuần và sẽ đưa ra quyết định phù hợp theo khuyến cáo của giới chức y tế.
Hy vọng của sinh viên nước ngoài được quay trở lại học ở Australia trong học kỳ mới của năm 2021 đã bị tiêu tan trong những tuần gần đây sau khi Chính phủ Australia quyết định siết chặt giới hạn số người được nhập cảnh. Vào đầu tuần này, chính quyền bang Victoria, bang có nhiều du học sinh nhất đến học, thừa nhận không có khả năng tiếp đón hàng nghìn sinh viên quốc tế trong thời gian tới.
Ngành giáo dục quốc tế Australia ước tính sẽ mất 8 tỷ AUD (6 tỷ USD) học phí đại học của học kỳ I nếu không có sinh viên nước ngoài nào được phép nhập cảnh. Con số thiệt hại này sẽ tăng lên 10 tỷ AUD (7,5 tỷ USD) nếu không có sinh viên quốc tế nào tới trong năm nay.
Video đang HOT
Trong năm ngoái, hơn 12.000 nhân viên và giảng viên các trường đại học ở Australia đã bị mất việc làm. Các chuyên gia giáo dục đại học dự đoán tình hình năm 2021 sẽ còn khó khăn hơn nếu học phí từ các sinh viên quốc tế không đủ cho các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học.
* Liban ngày 21/1 thông báo gia hạn thêm 2 tuần lệnh phong tỏa được áp dụng vào đầu tháng này trong bôi cảnh số ca mắc COVID-19 đang khiến hệ thống y tế quá tải.
Chính phủ Liban cho biết những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt về hoạt động di chuyển trên toàn quốc, dự kiến sẽ hết hạn vào 25/1 tới, giờ đây sẽ có hiệu lực tới ngày 8/2. Quyết định này được đưa ra nhằm đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt.
Trong ngày 20/1, Bộ Y tế Liban thông báo có thêm 4.332 ca mắc và 64 ca tử vong do COVID-19. Hiện số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên hơn 250.000 ca trong khoảng 6 triệu dân.
* Cùng ngày, Hạ viện Ai Cập đã thông qua sắc lệnh của tổng thống về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 3 tháng, kể từ ngày 24/1 tới. Quyết định này được đưa ra nhằm đối phó với “tình trạng y tế và an ninh nguy hiểm đang diễn ra trong nước”.
Theo sắc lệnh, các lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để chống khủng bố và hoạt động tài trợ khủng bố, duy trì an ninh trên toàn quốc, bảo vệ tài sản công và tư, cũng như tính mạng của người dân. Theo Hiến pháp Ai Cập, các quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp của tổng thống phải được quốc hội thông qua.
Ai Cập đã áp đặt tình trạng khẩn cấp vào năm 2017 sau hai vụ đánh bom tại nhà thờ khiến ít nhất 45 người thiệt mạng. Kể từ đó, quy định về tình trạng khẩn cấp liên tục được đổi mới để phù hợp với Hiến pháp.
Thế giới tuần qua: Nước Mỹ rối ren trước lễ nhậm chức của ông Biden, cuộc chiến chống COVID-19 còn cam go
Đấu đá chính trị nội bộ, nguy cơ bất ổn an ninh trước thời điểm ông Joe Biden lên nhậm chức cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu là hai chủ đề nổi bật trong tuần.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) cùng các quan chức Hạ viện công bố điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump được Hạ viện thông qua ngày 13/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nước Mỹ rối ren trước thời điểm chuyển giao quyền lực
Vụ biểu tình bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội hôm 6/1 gây ra những hệ lụy không nhỏ, đẩy căng mâu thuẫn đảng phái, tạo nguy cơ bất ổn an ninh thường trực trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Đảng Dân chủ thúc đẩy tiến trình pháp lý nhằm hạ uy tín, loại bỏ vai trò của đương kim Tổng thống Mỹ.
Tối muộn ngày 12/1 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết hối thúc Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ để phế truất ông Trump, với 220 phiếu thuận, 205 phiếu chống và 8 nghị sĩ không bỏ phiếu.
Sau khi ông Pence từ chối sử dụng Tu chính án để loại bỏ ông Trump, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát chuyển sang bước hai, thúc đẩy tiến trình luận tội Tổng thống, cũng bằng một phiên họp toàn thể được thực hiện sau đó chưa đầy 24 giờ. Với đa số phiếu tán thành, trong đó có 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa, Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết, với điều khoản luận tội duy nhất, cáo buộc ông chủ Nhà Trắng "kích động bạo loạn chống chính phủ".
Sau bước này, phiên tòa xét xử ông Trump tại Thượng viện dự kiến sẽ chỉ diễn ra sau khi chính quyền mới lên nắm quyền tại Nhà Trắng. Lý do là bởi lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết sẽ không sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để lập tức triệu tập phiên họp của Thượng viện, khẳng định sẽ không có bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào tại Thượng viện cho tới khi ông Biden chính thức trở thành Tổng thống vào ngày 20/1.
Theo Hiến pháp Mỹ, sẽ không thể tiến hành luận tội một Tổng thống không còn tại vị. Khi ông Trump rời Nhà Trắng, Quốc hội sẽ mất thẩm quyền theo hiến pháp để tiếp tục các thủ tục luận tội chống lại ông. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý do phe Dân chủ khởi xướng đã tạo ra một thực tế không mấy dễ chịu cho ông Trump: ông là Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần trong một nhiệm kỳ.
Trên thực địa, lực lượng thực thi pháp luật siết chặt biện pháp bảo đảm an ninh, nhất là tại vùng thủ đô Washington, lên cấp độ cao nhất kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Quân đội Mỹ đã triển khai khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia tại thủ đô Washington phục vụ lễ nhậm chức của ông Biden. Sở Mật vụ Mỹ đã thiết lập "vùng Xanh" ở gần như toàn bộ khu trung tâm Washington, cấm đi lại trên 17 tuyến phố chính, dừng hoạt động của tàu điện ngầm, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đóng cửa Công viên National Mall...
Bước đi này được tiến hành sau khi Cục Điều tra Liên bang cùng các đơn vị tình báo, phản gián cảnh báo các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp nước Mỹ rằng, các nhóm biểu tình đang kêu gọi tấn công tòa án liên bang, tòa án bang và các địa phương ở tất cả 50 tiểu bang trong trường hợp có bất kỳ biến động nào liên quan tới Tổng thống Donald Trump trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden hôm 20/1.
Cuộc chiến chống COVID-19 còn cam go
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Một năm sau ca tử vong đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán, Trung Quốc, thế giới lại phải chứng kiến một cột mốc buồn: Đã có hơn 2 triệu người tử vong tính đến ngày 16/7. Nhiều loại vaccine đã được đưa vào lưu thông, các nước đẩy nhanh triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, mới nhất là tại Ấn Độ. Tuy nhiên, đại dịch vẫn là thách thức lớn với toàn cầu.
Tại Mỹ, đã có hơn 388.000 ca tử vong, gần tiến sát với ngưỡng dự báo tồi tệ nhất "400.000 người Mỹ có thể thiệt mạng vì COVID-19" mà giới khoa học nước này đưa ra hồi giữa năm. Trong nhiều ngày trở lại đây, Mỹ ghi nhận trung bình trên 3.000 người chết/ngày vì dịch bệnh. Tình hình có thể còn tệ hơn, khi các chuyên gia dự đoán chủng virus đột biến có nguồn gốc ở Anh sẽ đạt đỉnh lây lan tại Mỹ trong tháng 3 tới.
Các bệnh viện tại Mỹ hiện đã ở vào tình trạng quá tải bệnh nhân, đe dọa chất lượng chăm sóc người bệnh cũng như đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Không loại trừ khả năng COVID-19 sẽ là đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, vượt cả đại dịch cúm muầ năm 1918 vốn cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng hơn 30 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây và hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của COVID-19 trên thế giới. Số ca mắc COVID-19 tại Đức đã vượt 2 triệu người, trong khi số ca tử vong đã lên gần 45.000 ca.
Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, Đức cần bổ sung các biện pháp kiểm soát, giãn cách bổ sung, chặt hơn, bởi chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Tại Pháp, chính quyền thông báo các du khách tới từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể nhập cảnh thông qua việc nộp xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Châu Á cũng nổi lên là điểm nóng đáng chú ý. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 15/1 nước này ghi ghi nhận thêm 144 ca nhiễm mới trong phạm vi đại lục và là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở nước này kể từ tháng 3/2020. Tâm dịch là ở tỉnh Hà Bắc - tỉnh hiện vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa. Giới chức Trung Quốc cho biết số ca nhiễm gia tăng dường như là do các ca không biểu hiện triệu chứng và phần lớn ở vùng nông thôn hay ngoại ô các thành phố.
Indonesia cùng ngày cũng ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 12.818 ca, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 882.418 ca, với 25.484 trường hợp tử vong. Indonesia nằm trong số những nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất ở châu Á.
Nước láng giềng Malaysia cũng áp tái áp đặt phong tỏa, khi chính quyền phải tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 13-26/1 tại nhiều địa phương do Lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) không thể mang lại hiệu quả mong muốn trong ngăn chặn, giảm lây nhiễm.
Trước sự lan nhanh dịch bệnh cùng với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn trong năm thứ 2 của đại dịch. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong phiên họp khẩn cấp được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 15/1 cho biết thế giới đang "ở trong giai đoạn quyết định trong đại dịch".
Còn theo ông Mark Ryan - chuyên gia hàng đầu về tình trạng khẩn cấp của WHO, trong năm 2021, các nước sẽ phải đối diện với thách thức nhiều hơn nữa khi tình hình lây nhiễm vẫn diễn biến nghiêm trọng. Lãnh đạo WHO cũng kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoành hành khắp thế giới.
Trung Quốc tăng cường chống dịch COVID-19 Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết ngày 16/1, Trung Quốc xác nhận thêm 109 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 13 ca nhập cảnh và 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng (Hà Bắc 72 ca, Hắc Long Giang 12 ca, Cát Lâm 10 ca,...