Trung Quốc lắp ba triệu thang máy ‘nâng’ kinh tế
Kế hoạch lắp thang máy cho ba triệu chung cư cũ của Trung Quốc được kỳ vọng tạo ra hàng chục triệu việc làm và thúc đẩy kinh tế.
Khi Trung Quốc đối mặt với các đợt suy thoái kinh tế trước đây, họ ưu tiên các đại dự án xây dựng trị giá nhiều tỷ USD để nhanh chóng bơm tiền vào nền kinh tế. Một mạng lưới tàu cao tốc hình thành từ đó, hiện kết nối 700 thành phố, cùng những tuyến cao tốc hiện đại, dài hơn cả đường cao tốc liên bang Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sở hữu 81 trên 100 cây cầu cao nhất thế giới.
Năm nay, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào suy thoái sau nhiều năm tăng trưởng liên tục, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất một ý tưởng mới để tạo động lực mới, bắt nguồn từ những chiếc thang máy.
Theo kế hoạch, ông Lý muốn trang bị thang máy cho ba triệu tòa chung cư cũ vốn chỉ có thang bộ. Chi phí mỗi dự án chỉ khoảng 100.000 USD.
Chiếc thang bộ dốc đứng trong một căn chung cư cũ của Trung Quốc. Ảnh: NYTimes.
Dù Trung Quốc vẫn thích các dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng, chúng không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước. Các tuyến đường sắt cao tốc và siêu xa lộ đã liên kết mọi thành phố lớn. Vậy nên, nếu xây dựng thêm mới, chúng sẽ chỉ có thể kết nối những cộng đồng dân cư nhỏ hơn, song chi phí lại quá cao. Mặt khác, nợ công quốc gia đã tăng cao đến mức nó trở thành một lực cản nghiêm trọng đối với tăng trưởng.
Dự án thang máy có thể chỉ là một cú hích kinh tế nhỏ nhưng nó lại mang đến lợi ích xã hội to lớn cho những người cao tuổi. Một xã hội Trung Quốc giàu có hơn cũng đang đòi hỏi nhiều hơn từ các lãnh đạo của họ.
Kong Ting đã trải qua 9 tháng mang thai trong căn hộ trên tầng 10 của một chung cư chỉ có thang bộ ở Quảng Châu, phía đông nam Trung Quốc. Vài lần mỗi ngày, cô phải lê bước lên xuống trên 162 bậc thang. “Phần khó nhất là mang thức ăn và nước uống”, cô nói.
Hàng ngày, Kong ngồi ở khoảng sân nhỏ trên tầng ba tòa nhà và phàn nàn với hàng xóm, rất nhiều người trong đó là người già. Năm ngoái, mỗi hộ ở khu chung cư đã đóng góp 4.300 USD để lắp một thang máy nhỏ phía bên hông tòa nhà.
Hàng loạt tòa nhà cao tầng khác ở Trung Quốc cũng cần được nâng cấp tương tự.
Video đang HOT
Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1976, những người nhập cư trẻ ùn ùn chuyển dịch từ nông thôn lên làm việc cho các nhà máy mới xây mọc lên như nấm sau mưa. 25 năm tiếp theo, các thành phố Trung Quốc có lượng dân cư gần bằng toàn bộ dân số Mỹ.
Để tạo nơi ở cho các cư dân mới của thành phố, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đã vội vàng xây dựng các tòa chung cư cao từ 7 đến 10 tầng trên khắp đất nước. Các tòa chung cư mang phong cách Liên Xô nhanh chóng hình thành và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, đặc biệt là tại những trung tâm sản xuất như Quảng Châu.
Nhưng hầu hết những chung cư này không có thang máy. Trung Quốc lúc đó vẫn còn là nước nghèo. Họ có rất ít nhà sản xuất thang máy, trong khi hàng nhập khẩu rất đắt đỏ.
Tình trạng thiếu thang máy giờ đây trở thành một vấn đề lớn trong một xã hội đang già đi nhanh chóng như Trung Quốc.
Vào thập niên 1960, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông khuyến khích các gia đình sinh nhiều con. Câu khẩu hiệu được đưa ra là “càng nhiều người, chúng ta càng mạnh”.
Những đứa trẻ sinh ra thời bấy giờ đến nay cũng đã bước sang tuổi 60, tuổi về hưu phổ biến ở Trung Quốc. Họ không có nhiều con cháu để giúp đỡ mình, bởi Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách “một con” nghiêm ngặt từ những năm 1970.
“Nếu không chuẩn bị trước, chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng khi số người cao tuổi ở Trung Quốc tăng mạnh”, Lu Jiehua, giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Bắc Kinh, cho hay.
Không có thang máy, những cư dân lớn tuổi sẽ bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của họ, sống phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng, không thể gặp gỡ bạn bè hay thậm chí là đi dạo.
Trước khi thang máy được lắp bổ sung tại tòa chung cư, bà Jiang Weixing, 90 tuổi, gần như không bao giờ rời khỏi căn hộ bởi nếu muốn xuống tầng, bà cần 2-3 người trợ giúp.
Thang máy, hay tình trạng thiếu thang máy, đã trở thành một nguyên nhân khác làm gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở Trung Quốc.
Quảng Châu, một thành phố khá giàu có và tiến bộ về mặt xã hội, đủ khả năng trợ cấp cho các dự án bổ sung thang máy và đã được thêm khoảng 6.000 thang cho các chung cư cũ.
Tại Bắc Kinh, chính quyền thủ đô chi trả gần như toàn bộ chi phí lắp đặt thang máy, cung cấp khoản trợ cấp 93.000 USD cho các tòa chung cư cũ chỉ có thang bộ trong phạm vi thành phố.
Nhưng nhiều thành phố kém phát triển hơn lại không có chương trình lắp đặt thang máy, nếu có, mức trợ cấp cũng rất nhỏ. Tại miền nam Trung Quốc, Trạm Giang chỉ trợ cấp khoảng 3.000 USD cho mỗi tòa chung cư.
Dự án bổ sung thang máy còn không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn, nhất là đối với các cư dân ở tầng trệt. Thang máy lắp bổ sung bên hông thường chặn cửa sổ căn hộ của họ và chúng gần như không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho họ.
Chen Xin, 52 tuổi, chủ căn hộ ở tầng trệt một căn chung cư ở Quảng Châu, ban đầu phản đối dự án bổ sung thang máy trong tòa nhà của bà vì nó chặn cửa trước căn hộ, buộc bà phải đi bằng lối cửa phụ để vào sân chung. Sau khi được các cư dân tầng trên trả 3.500 USD, bà mới đồng ý việc lắp thang máy.
Nhằm tránh các vụ tranh cãi và kiện tụng, Quảng Châu đã thiết lập một số quy định cho những dự án lắp đặt bổ sung thang máy, ví dụ, nếu 2/3 số căn hộ trong một nhà chung cư hay số căn hộ chiếm 2/3 diện tích tòa nhà ủng hộ lắp thang máy thì dự án phải được triển khai.
Chính sách của Quảng Châu đang được áp dụng ngày càng rộng rãi. Hợp Phì, đô thị với 8 triệu dân ở miền trung Trung Quốc, hôm 1/9 thông báo họ sẽ áp dụng các quy tắc tương tự Quảng Châu.
Từ góc độ kinh tế, chính sách lắp đặt thang máy trên quy mô quốc gia, được Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất hồi tháng 5, có thể giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch đối với tầng lớp công nhân lao động.
Việc lắp đặt thang máy bên hông các tòa nhà là một công việc rất tốn công sức. Nó có thể mang tới việc làm cho hàng triệu lao động nhập cư đang thất nghiệp của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa thể hiện sự ủng hộ đặc biệt nào đối với chương trình lắp đặt thang máy quốc gia, dù ông từng kêu gọi giải quyết tình trạng nghèo đói và cải thiện nhà ở cho người cao tuổi.
Đôi vợ chồng già trong căn hộ trên tầng 8 một căn chung cư đang chờ chiếc thang máy mới đi vào hoạt động. Ảnh: NYTimes.
Các chuyên gia nhà ở tự tin rằng Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề thiếu thang máy. “Tất cả cùng hợp sức và giải quyết vấn đề”, Huo Jinhai, kỹ sư cấp cao tại Bộ Xây dựng và Nhà ở Trung Quốc, nói.
Kế hoạch này còn được Bộ Tài chính ủng hộ và đây là điều khá hiếm hoi, theo giới quan sát. Một trong những tiếng nói ủng hộ lớn nhất từ Bộ Tài chính là giám đốc nghiên cứu Jia Kang.
Jia, 66 tuổi, và vợ ông, Jiang Xiaoling, 63 tuổi, mua một căn hộ nhỏ ở tầng trệt chung cư cách đây nhiều năm. Sau đó, họ mua thêm căn khác rộng hơn ở tầng ba một căn chung cư gần đó. Hai vợ chồng đi qua lại giữa hai căn hộ vài lần mỗi ngày, vậy nên họ muốn lắp thang máy để không phải vất vả leo cầu thang bộ.
“Vài năm trở lại đây, vợ tôi thường xuyên phàn nàn rằng ‘Vì sao chúng ta phải chịu cảnh này?’”, ông chia sẻ.
Trung Quốc chi hơn 14 tỷ USD khắc phục hậu quả lũ lụt
Chính phủ Trung Quốc sẽ chi khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) để phục hồi và tái thiết sau đợt lũ lụt lịch sử vừa qua.
Chủ trì cuộc họp tại Quốc vụ viện hôm 26/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh những nỗ lực kiểm soát lũ lụt, cứu trợ và khắc phục hậu quả sau thiên tai để hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo sinh kế của người dân.
Tổng cộng 100 tỷ nhân dân tệ (14,48 tỷ USD) sẽ được phân bổ từ nguồn tài chính trung ương và địa phương để phục hồi và tái thiết sau thiên tai. Một cơ chế sẽ được thiết lập để đảm bảo tiền hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng đến các khu vực bị thiên tai, theo nội dung cuộc họp.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) thăm vùng ngập lũ ở thành phố Trùng Khánh hôm 23/8. Ảnh: Xinhua.
Số vốn huy động được thông qua trái phiếu chính phủ đặc biệt và trái phiếu chính quyền địa phương, được phép sử dụng để phục hồi và tái thiết sau thiên tai. Các biện pháp cụ thể sẽ được đưa ra để hướng dẫn các tổ chức tài chính nhà nước và hợp tác xã tín dụng nông thôn tăng cường hỗ trợ cho việc phục hồi sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nên đi đôi với việc quản lý hợp lý hơn và cải thiện các dịch vụ công để thị trường có thể được khơi thông hơn nữa.
Trung Quốc hàng năm đều hứng chịu lũ lụt, đặc biệt tại khu vực miền trung và miền nam, song các trận lũ năm nay lớn hơn bình thường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc hôm 13/8 cho biết mưa lũ từ đầu tháng 6 đã tấn công hệ thống sông ngòi lớn khắp miền trung và miền nam Trung Quốc, khiến 219 người chết hoặc mất tích, phá hủy 54.000 ngôi nhà và buộc hàng triệu người phải sơ tán.
Thiệt hại kinh tế do đợt lũ lụt này gây ra ước tính lên tới 178,9 tỷ nhân dân tệ (25,7 tỷ USD), cao hơn 15,9% mức trung bình thiệt hại do mưa lũ gây ra trong 5 năm qua.
CEO bị chặt xác trong nhà riêng ở New York Giám đốc điều hành một công ty công nghệ chết trong căn hộ hạng sang ở New York trong tình trạng xác bị chặt thành nhiều mảnh. Fahim Saleh, 33 tuổi, nhà đầu tư mạo hiểm kiêm CEO của Gokada, công ty cho thuê xe tại Nigeria, chết trong căn hộ ở Manhattan, New York, hôm 15/7. Lần cuối Saleh xuất hiện là...