Trung Quốc làm nóng cuộc đua vũ khí diệt vệ tinh
Trung Quốc vừa khiến thế giới giật mình khi công bố thông tin đã bắn hạ thành công một vệ tinh nhân tạo bằng vũ khí chuyên dụng hồi tháng 7/2014.
Thông tin này được Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc công bố. Dù chưa biết độ xác thực của thông tin, tuy nhiên việc Bắc Kinh công bố thông tin như vậy đang làm cho cuộc đua vũ khí chống vệ tinh của các cường quốc thêm tăng nhiệt.
Chương trình phát triển vũ khí vũ trụ của Mỹ
Hồi năm 2008, một vệ tinh hỏng chứa hóa chất độc hại đã được quân đội Mỹ bắn hạ, để hóa chất và các mảnh vỡ của nó không gây hại cho trái đất. Nhưng sự kiện này làm dấy lên mối lo ngại rằng các chương trình chống vệ tinh có thể biến vũ trụ thành bãi chiến trường.
Ngay từ năm 1997, từ bang New Mexico, quân đội Mỹ đã phát chùm tia laser vào chiếc tàu vũ trụ của Mỹ. Năm 2001, một hội đồng do Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld lãnh đạo đã cảnh báo rằng, nếu không đẩy nhanh nhịp độ phát triển vũ khí trên vũ trụ, Mỹ rất có thể phải đối mặt với “Sự kiện Trân Châu cảng trên vũ trụ”.
Sau đó, Mỹ đã khởi động chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí trên vũ trụ mang tên “Hỏa tinh”. Được biết, mục đích của chương trình này là nhằm “có được kỹ thuật đặc biệt về chế tạo vũ khí tia laser năng lượng cao”. Tia laser với sức công phá mạnh có thể phá hủy vệ tinh nhân tạo.
Quan chức cấp cao chuyên trách giám sát phát triển vũ khí laser trên vũ trụ của Lầu Năm Góc cho biết, “Hỏa tinh” là chương trình thận trọng và cần thiết, bởi vì kể từ nay đến mấy chục năm tới, Mỹ cần phải bảo vệ vệ tinh của mình khỏi bị tấn công.
Tháng 10/2006, “Chính sách vũ trụ Quốc gia” được Tổng thống Mỹ Bush ký thông qua, đã cho thấy một cách rất rõ ràng rằng Mỹ sẽ loại bỏ thế lực “thù địch” và nắm quyền kiểm soát vũ trụ. “Chính sách vũ trụ Quốc gia” đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch quân sự hóa trên vũ trụ của Mỹ.
Tàu không gian X-37B đầy bí ẩn của Mỹ.
Bước sang năm 2007, quân đội Mỹ tích cực ấn định kế hoạch tác chiến trên vũ trụ, cơ quan nghiên cứu khoa học bắt đầu thúc đẩy triển khai trang bị quân sự trên vũ trụ. Quân sự hóa vũ trụ do Mỹ sắp đặt đã từ kế hoạch trở thành hiện thực.
Video đang HOT
Hành động tích cực thúc đẩy kế hoạch vũ khí trên vũ trụ của Mỹ đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc vè vũ trụ không giạn. Tính tới tháng 12/2013, tàu không gian không người lái X-37B của Mỹ đã có trọn một năm hoạt động trong không gian.
Đến nay, nhiệm vụ và chức năng của con tàu vẫn được giữ tuyệt mật, làm nảy sinh rất nhiều đồn đoán. Theo chuyên trang Space.com, tàu này có thể cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng thay thế những vệ tinh bị tiêu diệt trong trận chiến không gian.
Kẻ hủy diệt vệ tinh của Nga
Trước sự tiến bộ về chương trình khoa học không gian, đặc biệt là những nghi ngờ về chương trình phát triển vũ khí tấn công vệ tinh của Mỹ, Nga không muốn mình là kẻ đứng ngoài cuộc.
Tính đến năm 2006, Nga đã công bố “Chương trình vũ trụ liên bang 10 năm” nhằm tăng cường thực lực vũ trụ của Nga. Căn cứ vào chương trình này, vũ khí phòng chống vệ tinh là dự án phát triển trọng điểm của Nga. Hiện nay, Nga chủ yếu nghiên cứu chế tạo hai loại vũ khí phòng chống vệ tinh lớn. Năm 2007, dự toán ngân sách tài chính dành cho dự án vũ trụ Liên bang của Nga sẽ vượt 50 tỉ rúp.
Căn cứ vào chương trình hữu quan, trong 10 năm tới, vốn đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ của Nga sẽ vượt mức kỷ lục, 486,8 tỉ rúp. Ngoài ra, Nga còn đề ra nhiều chương trình tác chiến khác trên vũ trụ nhằm đánh trả vệ tinh quân sự trong tương lai.
Đồ họa một vụ tấn công vệ tinh bằng tên lửa.
Sau sự kiện Liên Xô bắn rơi máy bay do thám U-2 của Mỹ vào năm 1960, nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev quyết định phải tìm cách dập tắt mối nguy hiểm đến từ vệ tinh do thám trên không gian, đặc biệt là chương trình SAINT của Mỹ, vốn được bí mật phát triển vào cuối những năm 1950 và công khai vào năm 1960, theo trang tin Popular Mechanics.
Ban đầu, các chuyên gia cân nhắc thử nghiệm tàu không gian được trang bị tên lửa, nhưng lúc đó ý tưởng này quá khả năng thực tiễn. Tiếp theo, cha đẻ của chương trình không gian Liên Xô là Sergei Korolev đề nghị dự án phóng tên lửa liên lục địa R-7 mang theo thiết bị đánh chặn có thể phóng thẳng vào mục tiêu đã định tầng địa tĩnh, còn chuyên gia Vladimir Chelomei cho rằng nên triển khai một thiết bị tự hành trên quỹ đạo, tự động áp sát vệ tinh địch, phát nổ ở cự ly gần và phá hủy hoàn toàn mục tiêu.
Vào năm 1960, Điện Kremlin quyết định chọn ý tưởng của Chelomei. Mang tên Istrebitel Sputnikov (tức Kẻ hủy diệt vệ tinh, viết tắt IS), phi thuyền được gắn 17 thiết bị đẩy và được hỗ trợ bởi một hệ thống phức tạp gồm các trạm trải khắp lãnh thổ Liên Xô để dò tìm dấu vết các vệ tinh địch và phát lệnh dẫn đường.
Sau nhiều cuộc thử nghiệm, đến tháng 11/1968, Liên Xô đánh chặn thành công và phá hủy mục tiêu đặt sẵn trên quỹ đạo, theo trang Russiaspaceweb.com. Tuy nhiên, phải mất thêm hơn 10 năm để hoàn chỉnh hệ thống. Năm 1978, một tên lửa liên lục địa R-36 mang theo thiết bị IS được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan đến thẳng mục tiêu chỉ trong vòng 1 giờ rưỡi.
Từ đó, kế hoạch “sát thủ vệ tinh” của Liên Xô liên tục được nâng cấp với các ý tưởng đột phá như thiết lập các trạm chiến đấu trên quỹ đạo và vũ khí laser. Đầu thập niên 1990, Liên Xô rồi sau đó là Nga bắt tay vào dự án IS-MU nhằm xây dựng khả năng đuổi theo vệ tinh địch. Nhưng do tình hình Nga lúc đó, Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố chấm dứt dự án.
Đến năm 2000, chương trình chống vệ tinh Nga cuối cùng có dấu hiệu hồi sinh, khi Mỹ và Trung Quốc liên tục phô diễn khả năng tấn công và hủy diệt vệ tinh.
RIA Novosti dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan Không gian liên bang Vladimir Popovkin tuyên bố Nga vẫn duy trì năng lực bảo vệ không gian với hệ thống Naryad-V. “Chúng tôi không thể ngồi yên và nhìn những nước khác hành động. Tôi chỉ có thể nói rằng các dự án tương tự cũng đã được Nga hoàn tất”, ông Popovkin nói.
Russiaspaceweb.com dẫn các nguồn tin cấp cao cho hay, Naryad-V nói nôm na là một loại vũ khí diệt vệ tinh kế thừa của IS thời Liên Xô. Nhờ thiết bị vận hành hiện đại mang tên Briz-K, vũ khí này có thể “lờ lững” trong thời gian dài trên quỹ đạo để chờ lệnh. Sau khi nhận chỉ thị từ mặt đất, Naryad-V sẽ đặt mục tiêu vào tầm ngắm rồi phóng đầu đạn tấn công tiêu diệt.
Naryad-V được phóng lên bằng tên lửa đẩy Rockot, phiên bản điều chỉnh của tên lửa đạn đạo UR-100NU. Ngoài ra, theo tờ Izvestia, Nga cũng đang tìm cách khôi phục lại chương trình phát triển tên lửa phá hủy vệ tinh chở trên máy bay mang tên Kontakt, vốn đã bị ngưng từ năm 1989.
Giới phân tích lo ngại rằng, cuộc đọ sức giành “quyền kiểm soát trên vũ trụ” rất có thể dẫn tới sự đối đầu quân sự trên vũ trụ giữa các nước, trong khi đó việc triển khai vũ khí trên vũ trụ sẽ đe dọa tới hòa bình và an ninh thế giới.
Trung Quốc không đứng ngoài cuộc
Là một cường quốc quân sự mới nổi, Trung Quốc cũng không muốn đứng ngoài cuộc đua phát triển vũ khí tấn công vệ tinh. Chương trình phát triển vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc được đánh dấu sau vụ thử tên lửa chống vệ tinh hồi năm 2007, quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch phát triển từ 20-30 tên lửa chống vệ tinh nhằm cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến vũ trụ, trang Strategy Page đưa tin.
Trong một bài viết mang tựa đề ” m mưu của Trung Quốc trong vũ trụ”, Strategy Page cho hay Trung Quốc sẽ có trên 200 vệ tinh đến năm 2020. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành khoảng 30 vụ phóng vệ tinh thương mại, đưa 36 vệ tinh lên quỹ đạo cho tới nay.
Tên lửa Trường Chinh-3B mang tàu vũ trụ Hằng Nga-3 rời bệ phóng.
Strategy Page cho biết thêm, từ nay đến năm 2020 Trung Quốc sẽ có trên 200 vệ tinh. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành khoảng 30 vụ phóng vệ tinh thương mại, đưa 36 vệ tinh lên quỹ đạo cho tới nay.
Do sự tiến bộ về công nghệ, Trung Quốc giờ đây có thể phóng số vệ tinh đó chỉ trong 18 tháng. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ phóng 30 vệ tinh mỗi năm.
Hiện nay, trong số 900 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, gần một nửa trong số đó là của Mỹ. 25 trong số các vệ tinh đó được sử dụng cho mục đích quân sự. Để ngăn chặn sự độc quyền của Mỹ trên vũ trụ, quân đội Trung Quốc đã phát động hàng loạt chương trình để phá hủy hoặc chặn các vệ tinh đối phương bằng tên lửa và laser.
Đặc biệt là vào ngày 2/12, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga-3 để đưa xe thám hiểm tự hành Thỏ Ngọc lên mặt trăng. Theo Tân Hoa xã, đây là những bước đầu tiên của Bắc Kinh tiến tới mục tiêu xây dựng trạm nghiên cứu trên mặt trăng vào năm 2020.
Trang tin Breitbart dẫn lời giới quan sát tỏ ra lo ngại rằng từ trạm nghiên cứu đến căn cứ quân sự không phải là con đường quá dài, trong khi việc phóng thành công Hằng Nga-3 chứng tỏ Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa mang nhiều đầu đạn cùng tấn công một nhóm mục tiêu.
Vụ phóng tên lửa chống vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2007 và tàu tàu vũ trụ Hằng Nga-3 lên Mặt trăng thành công đã cho thấy quyết tâm của Trung Quốc nhằm đóng một vai trò lớn trong các hoạt động vũ trụ quân sự và để chứng tỏ với thế giới, mà đặc biệt là Mỹ, rằng Bắc Kinh có khả năng đánh chặn bất kỳ vệ tinh nào trên vũ trụ.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, trong thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh ngày 23/7/2014, Trung Quốc đã bắn thử tên lửa đánh chặn chống vệ tinh DN-1. Trung Quốc cũng sở hữu loại tên lửa chống vệ tinh thứ hai, đó là DN-2 bắn thử năm 2013, tên lửa này thiết kế dùng để tấn công vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo cao, đó là vệ tinh tình báo, dẫn đường và định vị.
Báo chí Nga nhận định, chương trình vũ khí laser trên vũ trụ của Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, nếu muốn hoàn thành, có lẽ còn phải bỏ ra nhiều năm nữa. Nhưng vũ khí trên vũ trụ là một vấn đề có thể đe dọa tới hòa bình và an ninh toàn cầu. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần phải sớm đi đến nhận thức chung, cấm triển khai vũ khí và chạy đua vũ khí trên vũ trụ.
Theo Đất Việt