Trung Quốc làm gì nếu Mỹ điều tiếp tàu tuần tra quanh đảo nhân tạo?
Cho tàu đâm vào tàu Mỹ là một trong 2 kịch bản mà Trung Quốc có thể sẽ thực hiện nếu Washington tiếp tục cho tàu chiến tiến vào những khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, theo nhận định của một trang tin quân sự Trung Quốc.
Tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ. Lần tới nếu tàu Mỹ tiếp tục tuần tra gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông, liệu sẽ có sự cố đâm va tàu xảy ra? – Ảnh: Hải quân Mỹ
Trang tin quân sự Sina (trụ sở tại Bắc Kinh) cho rằng tàu hải quân Trung Quốc có thể sẽ cố tình đâm vào tàu tuần tra của Mỹ ở Biển Đông nếu Washington lại đưa tàu vào những khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền vô lý. Đây là một trong 2 kịch bản mà quân đội Trung Quốc sẽ tính đến nếu tàu Mỹ lại xâm nhập vào khu vực giới hạn 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông, trang tin Want China Times ngày 27.10 dẫn lại Sina.
Sau nhiều tháng ngần ngại, ngày 27.10, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép. Động thái này khiến Trung Quốc tức giận, Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Mỹ ngay trong ngày 27.10 để phản đối. Sau khi vào “vùng biển nóng”, USS Lassen đã quay về.
Giới chức Mỹ “hứa” sẽ quay lại tuần tra ở khu vực Biển Đông vào một dịp gần nhất, hành động được Washington xem là nhằm thể hiện tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển quốc tế.
Trang tin Sina đưa ra 2 đối sách mà quân đội Trung Quốc có thể sẽ triển khai nếu đối đầu với tình huống tàu Mỹ trở lại. Đối sách đầu tiên là đưa tàu Trung Quốc áp sát tàu chiến của Mỹ và buộc tàu này rời khỏi vùng biển “cấm” mà Bắc Kinh tự nhận thuộc chủ quyền của mình.
Video đang HOT
Tiếp theo sau sẽ là đối sách bạo lực hơn, Trung Quốc sẽ cho một tàu khác cố tình đâm va vào tàu chiến Mỹ. Đối sách va đụng này sẽ được Bắc Kinh xem như là một “sự cố” trên biển và nói rằng đó là tai nạn đáng tiếc, Sina dự đoán.
Những đối sách trên không phải chưa từng có tiền lệ trong quá khứ, mà đã từng xảy ra giữa tàu Mỹ và tàu Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Hồi tháng 2.1988, Liên Xô đã phái 2 tàu hộ tống áp sát 2 tàu chiến Mỹ gồm tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Yorktown và khu trục hạm Caron ở Biển Đen sau khi tàu Mỹ đi vào giới hạn 12 hải lý ở Crimea. Sau đó 2 tàu Liên Xô đâm vào tuần dương hạm và khu trục hạm Mỹ khi 2 bên đối đầu căng thẳng.
Ngày hôm sau Liên Xô ra thông cáo nói rằng hai tàu hộ tống “do mất điều khiển” nên đã đâm vào tàu Mỹ. Sự cố đâm va này làm tình hình đối đầu Mỹ – Liên Xô thêm căng thẳng vào thời đó.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Tàu Mỹ tuần tra quanh Đá Xu Bi, Vành Khăn nhìn từ góc độ pháp lý
Dưới góc độ pháp lý quốc tế, việc tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn không bị coi là vào lãnh hải, theo phân tích trên chuyên san The Diplomat.
Dưới góc độ pháp lý, việc tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn không bị coi là vào lãnh hải - Ảnh minh hoạ: Hải quân Mỹ
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng việc Mỹ điều tàu khu trục tới tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông là hành động quyết liệt nhất của Washington từ trước tới nay nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực này, trong đó có các yêu sách đối với các bãi đá đã bị Trung Quốc cải tạo trái phép thành các đảo nhân tạo.
Sáng 27.10, tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Đây là hai trong số 7 bãi đá Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng và xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép không có lãnh hải
Ông Ankit Panda, chuyên gia phân tích về quan hệ quốc tế của chuyên san The Diplomat ngày 27.10 cho biết, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn có điểm khác biệt so với 5 bãi đá còn lại, vì đây là hai thực thể trước khi bị Trung Quốc bồi đắp thì chìm hoàn toàn chứ không phải nửa chìm nửa nổi như các bãi đá khác.
Về mặt pháp lý, Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định: "Những đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc hoạt động kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa". Theo đó, chỉ có các đảo tự nhiên mới được hưởng quy chế về đảo.
Hơn thế nữa, các quy định về việc áp dụng phương pháp đường cơ sở để xác định lãnh hải theo UNCLOS cũng chỉ đề cập đến các bãi cạn lúc chìm lúc nổi khi đáp ứng khoảng cách đối với lục địa hoặc đảo tự nhiên, chứ không áp dụng đối với các đá chìm hoàn toàn. Do vậy, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn dù Trung Quốc có cải tạo thành đảo nhân tạo như hiện nay thì các thực thể này cũng không có vùng lãnh hải 12 hải lý, mà chỉ có vùng an toàn không quá 500 m theo quy định tại Điều 60 của UNCLOS.
Với lý do đó, Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý nào để nói Mỹ "xâm phạm lãnh hải" dù Bắc Kinh đã ngang ngược đưa ra yêu sách chủ quyền tại các đảo nhân tạo, vốn là các bãi đá mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Thêm vào đó, ông Ankit Panda nhận định hoạt động tuần tra của Mỹ cũng không đi vào vùng an toàn 500 m nói trên, theo bài phân tích của ông trên The Diplomat.
Ông Panda cho rằng hoạt động tuần tra của Mỹ quanh các đảo nhân tạo dù không trực tiếp thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc nhưng là "lời khẳng định" rằng Mỹ không công nhận các tuyên bố pháp lý mà Trung Quốc đưa ra với căn cứ là các đảo nhân tạo vốn là các bãi đá chìm này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng coi vùng nước quanh các đảo nhân tạo đó thuộc vùng biển sâu, nên có quyền tiến hành các hoạt động hàng hải, tuần tra.
Mỹ không dùng quyền "qua lại vô hại"
Ngoài ra, ông Panda chỉ ra một điểm đáng chú ý trong thông báo của Hải quân Mỹ về hoạt động tuần tra của tàu USS Lassen, đó là phía Mỹ không sử dụng cụm từ "qua lại vô hại". Theo định nghĩa của UNCLOS, quyền "qua lại vô hại" là hành động tàu thuyền của nước khác đi qua lãnh hải của một nước mà không gây ra bất cứ mối đe dọa nào, và cũng không cần xin phép nước sở tại.
Hải quân Mỹ không sử dụng thuật ngữ quyền "qua lại vô hại" trong hoạt động tuần tra quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông, vì nếu vận dụng quyền này nghĩa là ngầm định công nhận lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép, theo The Diplomat.
Những phân tích trên của ông Panda đưa ra cho thấy Trung Quốc hoàn toàn đuối lý với những tuyên bố của mình liên quan đến phản ứng sau khi Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Mỹ - Trung leo thang đối đầu ở Trường Sa Giới quan sát cho rằng Mỹ đang gửi thông điệp mạnh mẽ khi điều tàu khu trục đến tuần tra sát hai đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa. Tàu khu trục Mỹ USS Lassen (gần) trong một chuyến hải hành trên Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters Sáng 27.10, khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đã đi...