Trung Quốc làm cảng nổi ở Trường Sa
Trung Quốc đang phát triển nhiều cảng nổi để hỗ trợ cho các dự án cải tạo đảo tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền VN) ở Biển Đông, theo các quan chức công nghiệp đóng tàu và thông tin được cung cấp tại triển lãm Shiptec China 2014 ở Đại Liên.
Mô hình cảng nổi gồm nền tảng đa năng có thể lai dắt và cầu nối.
Tuần báo Quốc phòng IHS Jane’s dẫn lời các quan chức thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu biển TQ (CSSRC) trực thuộc tập đoàn Công nghiệp đóng tàu TQ (CSIC) rằng, nước này đang phát triển các cảng nổi đa năng được triển khai ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền VN).
Phiên bản đồ họa của các cảng này được trưng bày tại Shiptec China 2014. Cảng nổi sẽ được đóng ở đất liền, sau đó đưa ra các đảo để lắp ráp cuối cùng. Hệ thống cảng nổi gồm một nền tảng chức năng lớn có thể lai dắt, có cầu nối nền tảng này với một đảo.
Đầu tiên, TQ sẽ triển khai các cảng nổi tới quần đảo Hoàng Sa để thử nghiệm. Sau khi giai đoạn hoàn tất, các cảng này sẽ được triển khai tới quần đảo Trường Sa, quan chức CSSRC nói.
Hiện có hai biến thể đang được xây dựng. Cảng nổi với nền tảng đa năng có thể hỗ trợ làm chỗ cập bến cho tàu 1.000 tấn, các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa tàu cá, trạm điện, kho trữ nước sạch, khử muối nước biển, trữ nước mưa, kho chứa các trang thiết bị và hậu cần.
Biến thể thứ hai của cảng nổi dựa vào tàu bán chìm.
Biến thể thứ hai dựa vào tàu bán chìm, có thể tự di chuyển ở khoảng cách gần. Biến thể này có thể được sử dụng cho xây dựng hạng nhẹ, duy trì bảo dưỡng một hòn đảo như nâng cao các bãi cát hay loại bỏ rặng san hô, vỉa đá ngầm. CSSRC đưa ra các khả năng bổ sung của biến thể này như là nơi ở tạm thời cho công nhân xây dựng, xử lý nước thải. Cầu nối của nó đủ chịu đựng sức nặng của xe tải 10 tấn.
Những cảng nổi này sẽ giúp TQ có khả năng xây dựng những khu định cư nhỏ trên các đảo xa xôi một cách nhanh chóng. Nó có thể cung cấp những nhu cầu cơ bản cho một khu định cư. Biến thể thứ hai có thể hỗ trợ việc mở rộng và cải tạo các đảo. Nếu những cảng này được triển khai ở quy mô lớn, TQ có thể xây dựng những khu dân cư lớn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó bọc lót cho yêu sách chủ quyền trái phép.
Tuy nhiên, cảng nổi phụ thuộc hoàn toàn vào việc cung ứng nhiên liệu bên ngoài nên bị hạn chế các tiện ích. CSSRC hiện đang nghiên cứu phát triển các biến thể mới chạy bằng phong điện.
Video đang HOT
Việc phát triển cảng nổi chỉ là một trong vô số nỗ lực mà TQ đang tăng tốc thực hiện để độc chiếm Biển Đông. TQ đưa ra tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông thông qua bản đồ 9 đoạn xuất bản từ năm 1947. Tại điểm cực nam, yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh kéo dài hàng trăm km tới gần bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á.
Sử dụng tàu nạo vét khổng lồ, TQ đã dần dần biến các vỉa đá ngầm thành đảo mọc lên giữa biển. Những nước tuyên bố chủ quyền khác tại Biển Đông lo ngại Bắc Kinh muốn xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo này bao gồm cả căn cứ không quân.
Theo Vietnamnet
Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ lập Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông
Trung Quốc đã mở rộng tiền đồn quân sự Phú Lâm, xây đảo nhân tạo, cộng với yêu sách chủ quyền và một loạt động thái đánh chặn máy bay Mỹ là những dấu hiệu...
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Tờ "China in Brief" - Quỹ Jamestown Mỹ ngày 23 tháng 10 có bài viết cho rằng, mở rộng đường băng sân bay và công trình lấn biển xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp), làm cho đảo Phú Lâm ở Biển Đông lại trở thành trung tâm chú ý của truyền thông thế giới.
Đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là "bộ phận quan trọng" trong "chiến lược lãnh thổ Biển Đông" (một yêu sách/âm mưu bất hợp pháp) của Trung Quốc. Là đảo lớn nhất mà Trung Quốc dùng vũ lực ăn cướp được ở Biển Đông, đảo Phú Lâm là một trong số ít đảo có thể dựng lên hạ tầng quân dụng như đường băng sân bay ở Biển Đông.
Bài viết cho rằng, mở rộng đường băng đảo Phú Lâm (- hành động bất hợp pháp này) làm cho Bắc Kinh có thể mở rộng vai trò ảnh hưởng đối với Biển Đông, đồng thời có thể lập ra (bất hợp pháp) Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông trong tương lai.
Bài viết cho rằng, hiện nay, đảo Phú Lâm có một đường băng sân bay có độ dài tương đương căn cứ không quân Lăng Thủy mà Trung Quốc xây ở Biển Đông. Trung Quốc có khả năng sẽ mở rộng đường băng máy bay trên hòn đảo này, để triển khai máy bay chiến đấu (có khả năng nhất sẽ triển khai máy bay J-11 ở đây) và nhiều máy bay vận tải hạng nặng hơn, để điều động tốt hơn lực lượng đường không.
Nếu tình hình Biển Đông leo thang như tình hình đảo Senkaku, thực lực quân sự được tăng cường này có thể hỗ trợ tốt hơn cho Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc lập ra (bất hợp pháp) ở vùng biển có ý nghĩa chiến lược này trong tương lai.
Máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc
Bài viết chỉ ra, so với độ lớn về diện tích, vị trí của đảo Phú Lâm quan trọng hơn. Trong 10 năm qua, rất nhiều sự kiện xung đột đều tập trung ở đây. Ngày 19 tháng 8 năm 2014, khi một máy bay tuần tra P-8A Hải quân Mỹ tiến hành trinh sát thường lệ ở trên không Biển Đông, bị một chiếc máy bay chiến đấu Su-27 Trung Quốc quấy rối.
Tháng 12 năm 2013, tàu tuần dương tên lửa Cowbens Hải quân Mỹ thiếu chút nữa va chạm với một tàu chiến Trung Quốc ở khu vực cách đảo Phú Lâm khoảng 100 hải lý về phía bắc. Sự kiện va chạm máy bay EP-3 năm 2001 cũng xảy ra ở khu vực lân cận đảo Phú Lâm, sự kiện đó khiến cho một phi công Trung Quốc thiệt mạng.
Đường băng máy bay trên đảo Phú Lâm đã mở rộng 400 m (bất hợp pháp), trong tương lai có thể sẽ phát huy vai trò quan trọng hơn trong việc hỗ trợ cho Trung Quốc đáp trả hoạt động trinh sát Biển Đông của Mỹ và lập ra (bất hợp pháp) Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông.
Đường băng máy bay dài hơn có thể làm cho nhiều loại máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hơn của Trung Quốc sử dụng (bất hợp pháp), bao gồm máy bay chiến đấu có thể mang theo nhiều hệ thống vũ khí hơn như nhiên liệu và tên lửa chống hạm YJ-8.
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Trung Quốc
Triển khai vĩnh viễn (bất hợp pháp) một biên đội máy bay chiến đấu nhỏ cũng hỗ trợ cho đánh chặn máy bay trinh sát Mỹ, đã thể hiện sự "cảnh cáo" của Bắc Kinh đối với việc Washington thực hiện nhiệm vụ tuần tra thu thập tình báo điện tử ở duyên hải của họ.
Phần lớn máy bay quân dụng Trung Quốc có thể sử dụng an toàn đường băng này, nhưng từ góc độ tác chiến và chiến lược, 2 biên đội máy bay chiến đấu J-11BH và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc có khả năng nhất sẽ triển khai ở đây, bởi vì 2 loại máy bay này đều có thể thực hiện nhiệm vụ chống hạm, hơn nữa hành trình khá xa.
Bài viết cho rằng, một trong những tính toán chủ yếu trong chương trình mua sắm máy bay chiến đấu của Trung Quốc chính là tăng cường năng lực tuần tra của Quân đội Trung Quốc ở khu vực mà họ có yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp). Đường băng máy bay sau khi mở rộng (bất hợp pháp) sẽ cho phép máy bay Trung Quốc tiến hành tuần tra tầm xa (bất hợp pháp), tiến tới hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền đối với "lãnh thổ tranh chấp" của Bắc Kinh.
Tương tự, tàu tuần tra cỡ lớn hiện nay đang chế tạo của Trung Quốc sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc có thể lưu lại ở vùng biển nhạy cảm thời gian dài hơn, dự án "đảo nhân tạo" ở vùng biển phía nam Biển Đông như đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ làm cho Trung Quốc có thể triển khai quân đội vĩnh viễn ở đá ngầm mà Trung Quốc kiểm soát (bất hợp pháp) trên Biển Đông.
Máy bay chiến đấu Su-27 Không quân Trung Quốc
Bài viết chỉ ra, lập ra "Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông" còn có thể làm cho Trung Quốc kịp thời hơn trong đánh chặn (bất hợp pháp) đối với máy bay xâm nhập. Nếu triển khai ở đảo Phú Lâm, máy bay chiến đấu J-11 sẽ có thể bao quát toàn diện phạm vi "đường chín đoạn" (yêu sách vô lý, vô hiệu và bất hợp pháp) của Trung Quốc.
So với Hải Nam và tỉnh Quảng Đông, nếu Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu ở đảo Phú Lâm thì có thể mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu và rút ngắn phản ứng của máy bay chiến đấu.
Đối với Hải quân Trung Quốc, đảo Phú Lâm còn có lợi ích khác. Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã mở rộng (bất hợp pháp) bến tàu của đảo Phú Lâm, có thể sử dụng cho tàu cỡ lớn, tàu hải cảnh mới (cảnh sát biển) Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ "tuần tra" (bất hợp pháp) ở vùng biển tranh chấp trong tương lai.
Sự tính toán quan trọng thứ hai đối với đảo Phú Lâm có liên quan đến năng lực tác chiến săn ngầm, bởi vì đảo này cách căn cứ hải quân ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc tương đối gần, tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn Trung Quốc triển khai ở đó. Sức mạnh uy hiếp hạt nhân của tàu ngầm mới Trung Quốc tùy thuộc vào năng lực tránh bị theo dõi của tàu ngầm và năng lực tự do đi lại của tàu ngầm ở vùng biển phía nam Hải Nam hoặc ít nhất tàu ngầm có thể xâm nhập vùng biển khác trong tình hình không bị phát hiện.
Trung Quốc đang lấn biển, xây đảo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Đảo Phú Lâm nằm ở mặt nam của vùng biển "hình hộp" mà Mỹ dùng để theo dõi hoạt động tàu ngầm Trung Quốc ở Tam Á hiện nay, Trung Quốc triển khai máy bay quân dụng ở đảo này thì họ có thể theo dõi và đánh chặn có hiệu quả hơn máy bay Mỹ có ý định thu thập tình báo tàu ngầm Trung Quốc.
Đồng thời, trên đảo Phú Lâm còn có rất nhiều nhân viên phi quân sự, đảo Phú Lâm xem ra không giống như một tiền đồn quân sự, mà là một bộ phận "lãnh thổ" mà Bắc Kinh đã ăn cướp của Việt Nam, không bao giờ đạt được hợp pháp. Thông qua làm như vậy, đảo Phú Lâm được xây dựng (bất hợp pháp) thành một tuyến đánh chặn có hiệu quả hơn, các sự kiện xảy ra ở xung quanh đảo Phú Lâm đã thể hiện "giá trị chiến lược" của hòn đảo này đối với Trung Quốc, cũng đã phản ánh ý đồ tiếp tục tăng cường kiểm soát (bất hợp pháp) các đảo đá ở Biển Đông của Trung Quốc.
Bất kể đảo Phú Lâm trở thành một tiền đồn quân sự toàn diện hay trở thành một trạm giám sát, triển khai máy bay quân sự và tàu thuyền ở đó đều có thể tham gia vào bất cứ cuộc xung đột nào xảy ra ở Biển Đông trong tương lai.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc đang mở rộng gấp đôi diện tích đảo ở Trường Sa Trang tin Người quan sát của Trung Quốc loan báo nước này đang gấp rút mở rộng diện tích đảo Đã Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 đến nay). Trang tin Người quan sát của Trung Quốc hôm 20/10 nói từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã không ngừng...