Trung Quốc không thể là “phao cứu sinh” cho Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ
Trong bối cảnh Mỹ tiếp tục chiến lược gây sức ép tối đa đối với Iran, quan hệ Washington- Tehran đang chứng kiến giai đoạn căng thẳng chưa từng thấy trong những thập kỷ gần đây.
Cơ sở lọc dầu Lavan của Iran ở đảo Lavan thuộc Vịnh Persian. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo mạng tin Al-Monitor, để giảm bớt “gánh nặng” này, giới phân tích cho rằng Iran đang coi Trung Quốc là một phần quan trọng của giải pháp nhằm hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Có rất nhiều điều để biến Trung Quốc trở thành một đồng minh giá trị đối với Iran: Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Tehran, từng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran và cũng là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Điều quan trọng nhất, Trung Quốc là một trong những bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran hồi năm 2015, được biết đến là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đồng thời là một trong những đồng minh chính trị lớn của quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ Iran-Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây có tính chất ba bên hơn là song phương, khi Mỹ luôn tìm cách áp đặt để định hình mối quan hệ bằng cách này hay cách khác. Áp lực từ Washington đối với Bắc Kinh đã đặt ra những hạn chế đối với mối quan hệ đó, song những lo ngại chung về chính sách đối ngoại của Mỹ cũng khiến Iran và Trung Quốc xích lại gần nhau, tạo cơ sở cho sự hợp tác sâu rộng hơn.
Video đang HOT
Các biện pháp của Mỹ nhằm giảm thiểu tương tác giữa Iran và Trung Quốc trên thực tế không mới. Những chính sách như vậy đã xuất hiện trong giai đoạn thập niên 1980, khi Washington không ngừng phản đối các thương vụ mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Iran.
Áp lực (từ Mỹ) đối với Trung Quốc hồi giữa những năm 1990 về hợp tác hạt nhân với Iran cũng khiến sự hợp tác này rơi vào trạng thái đình trệ. Tuy nhiên, bất chấp những thăng trầm, Trung Quốc và Iran theo thời gian vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ.
Trong bối cảnh hiện nay, trục tam giác Mỹ-Iran-Trung Quốc đang được định hình lại. Bắc Kinh và Washington thời gian qua đã tích cực đàm phán về một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại, vốn là điều có ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Chương trình nghị sự của tiến trình đàm phán bao gồm việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng mua dầu của Iran. Nếu đạt được đồng thuận, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể là đòn giáng mạnh vào quan hệ Tehran-Bắc Kinh. Tuy nhiên, với những động thái thay đổi bất ngờ trong lập trường của Mỹ và Trung Quốc , cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước nhiều khả năng sẽ không thể kết thúc sớm.
Một điểm quan trọng không kém là cách Trung Quốc sẽ đáp ứng các điều kiện của Mỹ về việc mua dầu từ Iran như thế nào. Bắc Kinh thường đưa ra phản ứng phức tạp đối với các cuộc khủng hoảng quốc tế, đặc biệt nếu nó có liên quan tới Mỹ.
Về mặt kỹ thuật, việc ngừng nhập khẩu dầu từ Iran sẽ không phải là một quyết định đơn giản đối với Trung Quốc, khi điều này sẽ gây tổn hại tới lợi ích của Bắc Kinh vì Tehran vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến các cuộc khủng hoảng, với một số nhà sản xuất dầu mỏ như Libya rơi vào tình cảnh hỗn loạn.
Tại các quốc gia sản xuất “vàng đen” khác, Algeria đang trong tình trạng bất ổn chính trị, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela cũng làm phức tạp thị trường dầu mỏ, trong khi sản lượng từ Angola – nơi cung cấp một phần đáng kể nhu cầu của Trung Quốc – đang giảm dần.
Nếu chấm dứt việc mua dầu từ Iran, Trung Quốc đứng trước rủi ro đánh mất sự hỗ trợ của Tehran trong vấn đề an ninh năng lượng. Hơn nữa, trong số các nhà cung cấp dầu mỏ Trung Đông của Trung Quốc, Iran là quốc gia duy nhất nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Mỹ. Một khi cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh nóng dần lên, Iran sẽ có một vị thế đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Việc Mỹ tìm cách đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức “không” cũng có những tác động về chính trị và an ninh khác, châm ngòi cho những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz chiến lược. Trung Quốc nhập khẩu gần một nửa lượng dầu mỏ từ Vịnh Ba Tư, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào trong quá trình vận chuyển dầu thô ở khu vực này cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt.
Ngoài ra, trong kịch bản xấu nhất, tình trạng bất ổn có thể diễn ra ở Iran dưới áp lực của Mỹ và gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc, đồng thời đe dọa thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông chống lại Trung Quốc. Sự bất ổn trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến sự tham gia của Bắc Kinh trong các dự án quốc tế, như Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, với tham gia của một số quốc gia Trung Đông.
Ở góc độ rộng hơn, việc Mỹ ngăn cản xuất khẩu “vàng đen” của Iran là một hành động đơn phương gây phương hại tới lợi ích của Trung Quốc. Song song với chính sách này, Washington đang gây sức ép để các nước khác ngừng kinh doanh với Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ đồng thời là biểu tượng của nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ đã tiến hành chiến dịch pháp lý nhằm chống lại tập đoàn giàu tiềm lực này. Washington cũng liên tục cảnh báo các đối tác của Trung Quốc trong việc tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Trong khi đó, nếu duy trì nhập khẩu dầu từ Iran ở mức tối thiểu, Bắc Kinh vẫn có thể giữ được “đòn bẩy” của mình đối với Tehran. Ngược lại, Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, và hệ quả là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ giảm sút. Ngoài ra, nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực để nước Cộng hòa Hồi giáo không rút khỏi JCPOA, một thỏa thuận hứa hẹn có giá trị lớn đối với chính sách đối ngoại đa phương của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Iran không thể chỉ đơn giản dịch chuyển về Trung Quốc để tránh áp lực từ Mỹ. Tehran chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch ngoại thương của Bắc Kinh, trong khi Washington mới là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Mỹ hiện vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới và giữ vai trò thống trị hệ thống tài chính toàn cầu. Ngoài ra, áp lực mà chính quyền Donald Trump tạo ra đối với Iran cũng đang khiến nhiều công ty Trung Quốc trở nên “chùn bước”.
Bất chấp tất cả những điều đó, Tehran vẫn có thể hy vọng Bắc Kinh sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược chống lại áp lực từ Washington. Trung Quốc có thể vẫn duy trì hợp tác thương mại với Iran, nhưng ở mức độ tối thiểu để không kích hoạt bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Nói cách khác, Iran vẫn có thể đặt hy vọng vào Trung Quốc như một “van an toàn” nhưng đó sẽ không phải là “phao cứu sinh”./.
Theo Việt Khoa (TTXVN tại Trung Đông)
Nga tìm cách tránh khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc bán lại vũ khí
Tờ Vedomosti đưa tin, Chính phủ Nga đã đơn giản hóa thủ tục bán lại những vũ khí của mình cho các đối tác ở các nước thứ 3. Quyết định này sẽ giúp Nga tránh khỏi các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.
Tờ báo cho biết, việc bán lại các vũ khí do Nga sản xuất cho các nước thứ 3 đã được cho phép trước đó. Tuy nhiên, các nước thứ 3 muốn mua lại vũ khí Nga từ một quốc gia trung gian chỉ cần kí kết với Cơ quan hợp tác Kỹ thuật - quân sự Nga một bản cam kết không bán lại các vũ khí này mà không được sự cho phép của Nga, thay vì trực tiếp xác nhận mua từ Nga. Sau đó hợp đồng mua bán sẽ được kí kết giữa nước trung gian và quốc gia muốn mua lại.
Quyết định mới này của Chính phủ Nga sẽ giúp các đối tác nước ngoài có thể mua lại vũ khí của Nga nhưng vẫn có thể cảnh giác với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích chiến thuật và công nghệ Liên bang Nga giải thích, việc đơn giản hóa thủ tục bán lại như vậy sẽ có ích cho các quốc gia nhỏ ở Châu Phi, Châu Á và các nước Mỹ Latinh nếu họ quan tâm và muốn mua vũ khí Nga.
Ông Makienko cũng nhấn mạnh, các đối tác lớn của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria và Ai Cập không cần phải đổi mới thủ tục mua bán vì họ thường bỏ qua các lệnh trừng phạt hoặc tìm cách loại bỏ chúng.
Được biết, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, tỷ lệ bán lại vũ khí của Nga là khá nhỏ so với mặt bằng chung của việc chuyển giao vũ khí ra nước ngoài. Nga chủ yếu bán lại vũ khí của mình thông qua Belarus.
Ở Mỹ cũng có những chương trình bán lại vũ khí cho nước thứ 3 thông qua các quốc gia trung gian, đặc biệt là thông qua các nước ở khu vực Đông Âu. Việc này được thực hiện dưới sự kiểm soát của CIA.
Phương Võ
Theo giaoducthoidai/Topwar.ru
Mỹ sơ tán một phần đại sứ quán ở Iraq vì 'mối đe dọa từ Iran' Bô Ngoai giao My ra lênh sơ tan môt phân Đai sư quan My tai Baghdad ngay 15/5, đap lai nhưng gi chinh quyên Trump goi la môi đe doa liên quan đên Iran. Theo New York Times, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh cho tất cả các nhân viên "phi khẩn cấp" ở cả Đại sứ quán ở Baghdad và Lãnh sự...