Trung Quốc không muốn thảo luận tranh chấp Biển Đông tại hội nghị ASEAN
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 3/8 nói rằng không nên thảo luận về tranh chấp Biển Đông tại các cuộc họp cấp cao của ASEAN trong tuần này.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Ảnh: China-un)
Phát biểu với báo giới hôm nay bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 48, khai mại tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào ngày mai 4/8, ông Lưu Chấn Dân cho hay các cuộc họp nên tránh hoàn toàn việc thảo luận về vấn đề nhạy cảm. Ông Lưu nói thêm rằng các quốc gia bên ngoài ASEAN không nên can thiệp.
“Chủ đề đó không nên được thảo luận. Đây không phải là diễn đàn thích hợp. Đây là diễn đàn để thúc đẩy hợp tác. Nếu Mỹ nêu ra vấn đề, chúng tôi tất nhiên sẽ phản đối. Tôi hi vọng họ không nêu ra”, ông Lưu nói.
Vấn đề Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, nhưng có nhiều kỳ vọng rằng nó sẽ được thảo luận trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Mỹ, vốn lo ngại về sự kiên quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, dự kiến sẽ nhắc lại kêu gọi Bắc Kinh ngừng việc cải tạo đất trên các đảo tại vùng biển tranh chấp.
Mỹ và Trung Quốc đều không phải là thành viên của ASEAN, nhưng được mời tham gia cùng các quốc gia khác ngoài khối. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có mặt tại Kuala Lumpur trong 2 ngày 5 và 6/8.
Video đang HOT
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp đang leo thang ở Biển Đông, nơi kể từ năm ngoái Bắc Kinh đã tăng cường xây dựng trên các đảo nhân tạo, vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và các láng giềng.
Tuần trước, Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ “quân sự hóa” Biển Đông bằng việc tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận quân sự chung tại đó. Mỹ đã gia tăng các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh khu vực như Philippines.
Ông Lưu đã nhắc lại các lo ngại này của Bắc Kinh trong các bình luận hôm nay.
“Các quốc gia bên ngoài, họ đang cố gắng quân sự hóa khu vực”, ông Lưu nói.
Trong bối cảnh khu vực tranh chấp đang có nguy cơ trở thành điểm nóng quân sự lớn nhất châu Á, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã nhất trí thiết lập đường một dây nóng của các ngoại trưởng nhằm xử lý các tình huống khẩn cấp ở Biển Đông, một quan chức cấp cao của ASEAN cho biết hôm 31/7.
Ông Lưu cho hay đường dây nóng là một cơ chế “hữu ích”, nhưng nói rằng chưa hướng dẫn nào được thảo ra cho tới nay. “Cần có các quy định hoạt động, vì vậy chúng tôi đề nghị một nhóm công tác chung để đưa ra các hướng dẫn”, ông Lưu nói.
Ngoài 10 quốc gia thành viên ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 48 và các hội nghị liên quan còn có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Ấn Độ.
An Bình
Theo giaoduc
Nhật chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc trong sách trắng quốc phòng
Nhật Bản đã gia tăng chỉ trích việc cải tạo đất và công trình xa bờ của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông trong sách trắng quốc phòng 2015 sửa đổi được công bố hôm nay 21/7.
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép tại bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: Bloomberg)
Sách trắng quốc phòng dài gần 500 trang, phác thảo vị thế quốc phòng và các mối đe dọa hiện hữu của Nhật Bản, đã được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phê chuẩn. Tài liệu cũng lần đầu tiên bao gồm các bức ảnh vệ tinh chụp các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo báo chí Nhật, việc thông qua sách trắng quốc phòng đã bị trì hoãn hơn 1 tuần do đảng Dân chủ Tự do cầm quyền bác bỏ một tài liệu dự thảo vì nó "không nhắc gì tới các hoạt động Trung Quốc xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông". Sau đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phải bổ sung vào sách trắng một yêu cầu với Trung Quốc nhằm chấm dứt xây dựng các cơ sở ở Biển Đông mà Bắc Kinh khởi động 2 năm trước.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết 3,5 triệu km2 Biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có tranh chấp với Trung Quốc về một quần đảo ở Hoa Đông.
Nhật Bản lo ngại rằng các cơ sở của Trung Quốc có thể được sử dụng làm các trạm radar ở Biển Đông, trong bối cảnh Tokyo đang ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong tranh chấp Biển Đông.
Tokyo đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi chỉ trích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa. Nhật lo ngại rằng các căn cứ quân sự ở Biển Đông có thể tăng cường sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại một khu vực nơi có 5 nghìn tỷ USD giao dịch thương mại bằng tàu thuyền của thế giới qua đây mỗi năm, nhiều trong số đó đi và đến Nhật Bản.
Trung Quốc thì nói rằng các công trình ở Biển Đông có thể được sử dụng để phòng thủ cũng như cung cấp các dịch vụ dân sự sẽ có lợi cho các quốc gia khác.
Nhật Bản đang tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á mà Tokyo hi vọng sẽ cải thiện cả năng của các nước này để đề phòng các hành động của Trung Quốc.
Nhật Bản và Philippines đã tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân chung trong và quanh khu vực Biển Đông. Và hồi tháng 6, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay hai nước sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận về việc có thể cho phép Nhật sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines.
Nhật Bản còn cho biết tuyên bố có thể bắt đầu các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Còn Trung Quốc nói nước này xem đó là một sự can thiệp.
Sách trắng quốc phòng được công bố sau khi Hạ viện Nhật Bản hồi tuần trước thông qua một dự luật an ninh mới mà có thể cho phép các binh sĩ Nhật chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.
An Bình
Tổng hợp
Theo Dantri
G7 mạnh mẽ phản đối đơn phương thay đổi nguyên trạng trên biển Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cho hay họ mạnh mẽ phản đối việc đơn phương thay đổi nguyên trạng tại các vùng biển của thế giới, trong đó có Biển Đông, nơi Trung Quốc đang gia tăng cải tạo các bãi đá. Lãnh đạo G7 nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Schloss Elmau, miền nam nước...