Trung Quốc không lường hết giá phải trả
Đây là nhận định của TS Nguyễn Nam Dương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Học viện Ngoại giao) trong cuộc trao đổi với Thanh Niên về tình hình biển Đông.
Tàu TrungQuốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (ảnh chụp ngày 4.5) – Ảnh: Mai Thanh Hải
Cái giá về chính trị – ngoại giao cao hơn nhiều so với dự đoán
* Đến nay đã hơn một tháng kể từ thời điểm Trung Quốc (TQ) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như dư luận quốc tế, TQ hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt hành động phi pháp của mình. Theo ông, phải chăng những phản ứng ấy của Việt Nam cũng như quốc tế là vô nghĩa đối với TQ?
- Chúng ta cần phải thấy được rằng đây là một cuộc đấu tranh ngoại giao trường kỳ, phức tạp. Đối với một nước như TQ thì không thể ảo tưởng rằng chỉ đấu tranh ngoại giao qua 1 tháng mà họ đã phải chấp nhận xuống thang ngay.
Chúng ta cần tiếp tục làm cho dư luận quốc tế và bản thân nhân dân Trung Quốc hiểu được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta, tác động đến giới cầm quyền Trung Quốc để buộc họ phải xem xét lại cách hành xử hiện nay
Đó là chưa kể đến hành động phi pháp của TQ vừa qua là một bước tiến được tính toán kỹ lưỡng trong chiến lược hải dương lâu dài của họ. Điều này có nghĩa là ở mức độ nào đó, họ cũng đã tính đến phản ứng quốc tế, và thậm chí họ có thể chấp nhận đánh đổi vốn liếng chính trị và quan hệ tốt đẹp với các nước khác để theo đuổi mục tiêu nước lớn của họ. Trong bối cảnh như vậy thì không ai lại giản đơn cho rằng TQ sẽ dễ dàng từ bỏ cuộc phiêu lưu của họ khi gặp phải sự phản ứng của các nước liên quan.
Tuy vậy tôi cho rằng trên thực tế TQ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, của ASEAN cũng như của cả cộng đồng quốc tế mà họ không lường hết. Điều này sẽ khiến cho TQ phải trả một cái giá về chính trị – ngoại giao cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của họ, buộc họ phải cân nhắc thiệt hơn và điều chỉnh lại chính sách gây hấn hiện nay. Chúng ta cần tiếp tục làm cho dư luận quốc tế và bản thân nhân dân TQ hiểu được tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta, tác động đến giới cầm quyền TQ để buộc họ phải xem xét lại cách hành xử hiện nay.
Video đang HOT
* Trong thời gian tới nếu TQ tiếp tục chính sách hiếu chiến của họ thì Việt Nam cần có đối sách như thế nào?
- Việt Nam vẫn phải tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách đúng đắn hiện nay, đồng thời liên tục điều chỉnh sách lược để ứng phó với tình hình mới. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ theo đuổi các giải pháp hòa bình và sẽ không vượt quá các giải pháp hòa bình đó, trừ khi đối phương sử dụng vũ lực tấn công trước thì Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình. Việt Nam cũng có khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý, tuy nhiên đó cũng là một mặt trận phức tạp chứ không đơn giản.
Đều là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương, Việt Nam và TQ có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp cho tôn chỉ, mục đích duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế. Có nhiều diễn đàn mà Việt Nam có thể triển khai đấu tranh ngoại giao như Liên Hiệp Quốc (LHQ), Phong trào Không liên kết, các diễn đàn an ninh trong khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Mặc dù có một số ý kiến khác nhau về tác dụng của các diễn đàn và khả năng điều phối của ASEAN nhưng trong vòng hai thập niên vừa qua các thiết chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD) vẫn có hiệu quả tương đối và không có lý do gì mà Việt Nam không phát huy hơn nữa vai trò của mình trong các thể chế này, đặc biệt trong điều kiện ASEAN đã đạt được sự đoàn kết thống nhất ở mức cao nhất trong vài năm trở lại đây, vượt qua được sự cố ngoại giao ở Campuchia cách đây 2 năm.
Các cách tiếp cận của người Mỹ
* Báo chí nước ngoài có thông tin về việc Mỹ muốn lập một mạng lưới an ninh mới ở khu vực trong đó Mỹ muốn có sự tham gia của Nhật Bản, Úc, Philippines, Việt Nam… để ứng phó với sự hung hăng của TQ trên biển Đông. Ông nhận định như thế nào về thông tin này cũng như khả năng tham gia của Việt Nam?
- Những tuyên bố của Mỹ ở Diễn đàn Shangri-La vừa qua cũng như nhiều tuyên bố trước đây của Mỹ được diễn giải theo những cách khác nhau. Nhưng với tư cách một nhà nghiên cứu thì tôi thấy rằng khả năng thiết lập một mạng lưới phòng thủ đa phương ở khu vực CA-TBD là không có cơ sở. Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ do các vấn đề hiện tại mà còn xuất phát từ các vấn đề chính trị, văn hóa, lịch sử của khu vực.
Thời kỳ Chiến tranh lạnh đã hình thành nên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một khối phòng thủ tập thể, liên minh quân sự giữa Mỹ và một số nước châu Âu. Tuy nhiên cũng trong thời kỳ đó Mỹ đã không có điều kiện để thiết lập một khối tương tự như vậy ở CA-TBD mà chỉ có các liên minh song phương do Mỹ đứng đầu như liên minh Mỹ – Nhật, Mỹ – Philippines, Mỹ – Úc , Mỹ – Hàn… Vài năm trở lại đây các liên minh song phương của Mỹ ở CA-TBD có sự phối hợp nhất định chứ không còn tồn tại riêng lẻ theo mô thức “trục nan hoa” như thời Chiến tranh lạnh nữa. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực, nhất là Nhật Bản ngày càng có sự chủ động, tích cực. Nhật Bản đang ở trong tiến trình sửa đổi, điều chỉnh chính sách an ninh quốc gia mới cho phép nước này chủ động hơn trong việc tham gia vào việc phòng thủ tập thể với Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là nếu một mạng lưới an ninh như vậy được hình thành thì Việt Nam có tham gia hợp tác không? Chúng ta đều biết chính sách trước sau như một của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự với bất kỳ nước nào. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Việt Nam tự hạn chế các quan hệ ngoại giao an ninh – quốc phòng của mình. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện như hiện nay Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hội nhập an ninh – quốc phòng ở mức độ phù hợp với tất cả các nước bạn bè, các nước đối tác có thiện chí đối với việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực.
* Phát biểu tại Học viện Quốc phòng West Point hôm 28.5, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng Washington sẵn sàng phản ứng lại sự gây hấn của TQ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thực tế thông điệp của Mỹ không thực sự mạnh mẽ như vậy. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Tôi cho rằng khi nghiên cứu về Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác không nên chỉ săm soi từng câu chữ trong một bài diễn văn nào đó. Cách phân tích ấy sẽ không giúp phản ánh đúng vấn đề mà ở đây cụ thể là chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong vụ giàn khoan Hải Dương-981 có thể thấy quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất chính là Mỹ. Việc lên tiếng chỉ trích các động thái đơn phương của TQ có ở tất cả các nhánh quyền lực của Mỹ từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng an ninh quốc gia, các nghị sĩ của lưỡng viện đến Phó tổng thống, Tổng thống. Đương nhiên ở mỗi vị trí thuộc mỗi nhánh quyền lực họ có cách tiếp cận khác nhau nhưng tựu trung có thể thấy Mỹ có những thông điệp mạnh mẽ nhất so với nhiều quốc gia khác.
Trung Quốc sắp đưa tàu chiến mới tới Hoàng Sa Tờ Tửu Thành tân báo của Trung Quốc đưa tin hải quân nước này sẽ làm lễ đặt tên cho một khinh hạm mới thuộc lớp 056 vào hôm nay 7.6. Dự kiến, con tàu sẽ mang tên Lô Châu, theo tên một thành phố thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Điều đáng nói là theo Tửu Thành tân báo, TQ đã có kế hoạch triển khai con tàu này đến vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tàu lớp 056 chuyên hoạt động ở vùng nước cạn, được trang bị 2 tên lửa hành trình chống tàu YJ-83, hệ thống tên lửa tầm ngắn FL-3000N, pháo 76 mm và ngư lôi. Nếu được xác nhận, đây sẽ là một bước leo thang mới về quân sự của TQ, tiếp tục ngang ngược vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Theo TNO
Trung Quốc tiếp tục leo thang bạo lực trên biển Đông
Đây là điều được thể hiện rõ qua các thông tin được VN công bố tại cuộc họp báo quốc tế hôm qua (5.6) về những diễn biến mới liên quan đến vụ giàn khoan Hải Dương-981, do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội.
Toàn cảnh buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 5.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, cho biết trong hơn một tháng qua, bất chấp những nỗ lực kiềm chế và thiện chí của VN, Trung Quốc (TQ) đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình mà còn phản ứng tiêu cực, có những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho VN. Nghiêm trọng hơn, trên thực địa, TQ đã có những hành động leo thang mới.
Lảng tránh công hàm của VN
Trước những động thái này của TQ, ngày 23.5 và ngày 4.6, Bộ Ngoại giao VN đã liên tiếp gửi hai công hàm tới Bộ Ngoại giao TQ yêu cầu TQ nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, rút ngay giàn khoan, tàu và các phương tiện liên quan ra khỏi vùng biển của VN.
Các công hàm cũng đồng thời yêu cầu TQ không để tái diễn các hành vi tương tự; giải quyết các tranh chấp trên biển, cũng như vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Tuy nhiên đến nay TQ vẫn lảng tránh, không trả lời công hàm của VN.
Trong khi đó theo ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, trên thực địa các tàu TQ liên tục chủ động truy cản các tàu thực thi pháp luật của VN. Đã có 19 tàu kiểm ngư VN bị hư hỏng (gãy be chắn sóng, lan can, méo cabin, vỡ kính cabin, hỏng các thiết bị hàng hải như các máy thông tin liên lạc, ra đa, la bàn, dụng cụ tác nghiệp hải đồ, hệ thống tời neo...). Đáng nói hơn, các cuộc truy cản của tàu TQ cũng đã làm bị thương 12 cán bộ nhân viên kiểm ngư VN.
Đặc biệt nghiêm trọng là phía TQ đã có các hành động hung hăng truy cản, đâm chìm các tàu cá VN. Chỉ tính từ ngày 7.5 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của VN, đã có 12 tàu cá của VN đã bị các tàu công vụ và tàu cá của TQ cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo với ngư dân.
Tăng cường tàu chiến trên thực địa
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN, cho biết TQ đã đưa đến khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 số lượng tàu lên đến 137 chiếc. Trong đó có 6 dạng tàu chiến như tàu khu trục tên lửa (số hiệu 169, 170); tàu hộ vệ tên lửa (523, 534, 571, 572); tàu tên lửa tấn công nhanh (752, 753); tàu tuần tiễu săn ngầm (787, 789); tàu quét mìn (839, 840, 842, 843); tàu vận tải đổ bộ (989, 998, 999). Ngoài ra còn có từ 33 - 42 tàu hải cảnh, hải tuần, hải giám, ngư chính; từ 9 -11 tàu kéo và dịch vụ; từ 20 - 22 tàu vận tải; từ 1-3 tàu dầu và từ 15 - 60 tàu cá.
Bên cạnh đó, TQ thường xuyên sử dụng máy bay tuần thám, trực thăng (8321, 3808, 3586, 9401, B.7112, B.7115); máy bay cánh bằng, dạng cảnh báo sớm (KJ200-9421); máy bay trinh sát dạng TU-154 (81223) bay nhiều vòng trên các tàu VN ở độ cao từ 100 -1.000 m.
Ông Ngô Ngọc Thu cho biết từ ngày 3.5 đến nay, các tàu TQ đã truy cản làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của VN, trong đó gồm 5 tàu cảnh sát biển và 19 tàu kiểm ngư.
Liên tiếp tấn công ngư dân VN - Ngày 7.5: tàu cá QNg-96416-TS khi đang khai thác hải sản tại vùng biển cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 15 hải lý về phía nam, cách vị trí TQ đặt giàn khoan trái phép khoảng 70 hải lý về phía đông, thì bị tàu chiến của TQ mang số hiệu 1241 truy đuổi, bắn đạn pháo sáng cảnh báo, ném búa, ốc và một tàu ngư chính khác của TQ tham gia tấn công, đâm trực diện vào phần đuôi tàu QNg-96416-TS. - Ngày 12.5: 2 tàu cá QTr-91119-TS của ông Bùi Xuân Tân và tàu cá QTr-96868-TS của ông Võ Văn Hữu đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa bị tàu TQ tấn công, cắt lưới, tịch thu các trang thiết bị máy móc và sản phẩm trên tàu. - Ngày 16.5: tàu cá QNg-90205-TS đang khai thác hải sản tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN thì bị tàu ngư chính TQ mang số hiệu 306 tấn công. Hai ngư dân trên tàu là Nguyễn Huyền Lê Anh (30 tuổi) và Nguyễn Tấn Hải (24 tuổi) bị các nhân viên trên tàu ngư chính TQ hành hung, khiến cả 2 trọng thương. Không những đánh người, ngư chính TQ còn đập phá tài sản, cướp ngư cụ, hải sản đánh bắt được của ngư dân VN. - Ngày 17.5: tàu cá QNg-96011-TS đang khai thác hải sản tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (cách đảo Tri Tôn 31 hải lý) thì bị tàu chấp pháp TQ số hiệu 21102 tấn công, đập phá vật dụng trên tàu như thuyền thúng, cửa kính cabin, chặt dây hơi, lấy đi trang thiết bị (máy dò cá, I-com, máy định vị) và 400 kg hải sản. - Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc xảy ra vào ngày 26.5: tàu cá mang số hiệu ĐNa-90152-TS có 10 ngư dân trên tàu đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 17 hải lý thì bị tàu cá của TQ mang số hiệu 11209 đâm chìm. Đáng chú ý là hành động của tàu cá TQ là rất manh động, thể hiện rõ mục đích là đâm chìm tàu cá VN. Ngoài ra, các tàu TQ còn có hành động ngăn cản các tàu của VN tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu ĐNa-90152-TS.
Theo TNO
Lo ngại tình trạng 'công chức hóa' đại biểu Cần làm rõ tiêu chuẩn đại biểu QH chuyên trách, tránh tình trạng "công chức hóa" là ý kiến của nhiều đại biểu trong thảo luận tổ về dự luật Tổ chức QH (sửa đổi) sáng qua. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu thảo luận ngày 3.6 - Ảnh: Ngọc Thắng Dự thảo nâng tỷ lệ đại biểu (ĐB) chuyên trách của...