“Trung Quốc không đấu thầu sẽ có nhà thầu khác làm”
“Hợp đồng mới phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa cũng không sao, chúng ta tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác. Còn các hợp đồng nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện, nguyên tắc hợp đồng phải thực hiện theo đúng Luật”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay 12/6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với báo giới về mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, có hay không việc các nhà thầu Trung Quốc “bỏ xới”…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Thưa Phó Thủ tướng, mới đây báo chí Trung Quốc có đăng tin Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo doanh nghiệp quốc doanh của nước này không đấu thầu các dự án mới ở Việt Nam. Thủ tướng đánh giá thế nào về động thái này?
Nếu các nhà thầu Trung Quốc không đấu thầu nữa thì sẽ có nhà thầu khác làm. Điều này không ảnh hưởng gì cả.
Với những diễn biến trên Biển Đông hiện nay, giới chuyên gia tỏ ý lo ngại về tiến độ các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, thưa Phó Thủ tướng?
Hợp đồng mới phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa cũng không sao, chúng ta tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác. Còn các hợp đồng nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện với mình, về nguyên tắc hợp đồng người ta phải thực hiện theo đúng Luật. Nếu không thực hiện đúng thì đã vi phạm hợp đồng. Và vi phạm thì xử lý theo điều khoản thương mại quốc tế (INCOTERM). Chúng ta cứ theo đúng qui định để xử lý. Cho đến nay, chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy nhà thầu không thực hiện các hợp đồng ấy. Có một số dự án, lao động Trung Quốc bỏ về nhưng họ đã quay lại, việc đó chúng ta đã xử lý bình tĩnh trên cơ sở lợi ích hai bên và luật pháp.
Hai nước đều là thành viên WTO nên mình cứ theo Luật mà xử lý, không có gì phải lo lắng cả.
Vậy xin Phó Thủ tướng cho biết, nếu có trường hợp nhà thầu Trung Quốc “bỏ của chạy lấy người”, khiến các dự án bị ngưng trệ thì quyền lợi của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Khi đã là hợp đồng thì tuân thủ theo quy luật “win – win”, tức cả hai bên quyền lợi như nhau. Nếu bên này thua thì bên kia cũng thua, không có bên thắng bên thua. Nếu họ không thực hiện hợp đồng thì bị phạt hợp đồng, ảnh hưởng đến uy tín của chính họ.
Bên cạnh đó, xét về nguồn vốn họ cho chúng ta vay, nếu họ vi phạm hợp đồng thì chính họ là người chịu rủi ro chứ không phải là ta. Ở đây có quyền lợi của cả hai bên chứ không nghĩ là mình bị họ chèn ép.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người lo lắng về chuyện các dự án Trung Quốc thực hiện sẽ đem lại nhiều rủi ro. Hiện Chính phủ đã lường trước vấn đề này và đưa ra phương án đối phó chưa?
Chính phủ có phương án và doanh nghiệp cũng có phương án. Trong bất kỳ cuộc làm ăn nào cũng có rủi ro, nguyên tắc là các doanh nghiệp phải có giải pháp để xử lý các rủi ro ấy.
Trường hợp phía Trung Quốc đang chuyển giao mà không chuyển giao nữa thì chính họ vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng thì xử lý theo nguyên tắc hợp đồng. Còn về cung cấp điện, mình phải bảo đảm các nguồn khác để bảo đảm nguồn điện của mình. Đấy là các phương án đảm bảo rủi ro. Cho nên trong các phương án về điện bao giờ cũng có phương án đề phòng rủi ro. Vì dù không có chuyện gì thì ngày mai có thể sự cố, hạn hán… thì phải có phương án dự phòng.
Mới đây, trạm biến áp Hiệp Hòa, công nghệ do phía Trung Quốc cung cấp, lại xảy ra sự cố. Xin Phó Thủ tướng nói rõ hơn về sự cố này và biện pháp khắc phục?
Trạm Hiệp Hòa là hợp đồng giữa EVN với nhà thầu Trung Quốc. Đây là một trong những dự án vay vốn của ADB. ADB tham gia đấu thầu, trúng thầu thì phải lựa chọn người ta.
Còn bây giờ, dự án bị sự cố thì phải xác định nguyên nhân. Chưa xác định được nguyên nhân thì chưa nói được gì cả. Khi xác định nguyên nhân thì sẽ xác định trách nhiệm. Bước đầu, nhà chế tạo người ta đã sang xem và đã cùng với EVN xác định nguyên nhân, trách nhiệm như thế nào để phân xử với nhau.
Trên thực tế đây không phải là lần đầu. Một số nhà chế tạo khác cũng đã bị như thế, chứ không phải chỉ mỗi ông này bị lần đầu tiên. Khi bị sự cố, người ta xử lý theo qui trình hết sức thông thường, lỗi của nhà chế tạo thì nhà chế tạo phải đền.
Theo báo cáo của EVN thì có vẻ như đây là lỗi của nhà chế tạo, do phóng điện cuộn dây. Chỗ này hai bên phải cùng nhau xác định nguyên nhân đã.
Có ý kiến cho rằng, các dự án do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam nhiều như hiện nay là do có sự ưu ái nào đó. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về ý kiến này?
Những dự án họ làm là tổng thầu EPC, là những dự án họ trúng thầu trong những lô mình vay vốn ODA của WB hay ADB. Theo qui định thì phải đấu thầu quốc tế rộng rãi. Khi đã đấu thầu quốc tế rộng rãi, ai thắng thì người ấy làm. Trung Quốc cũng là một thành viên của các tổ chức tài chính này nên họ có quyền đấu thầu như bất kỳ quốc gia nào khác và họ có thể thắng thầu. Và các quốc gia khác cũng có thể thắng thầu.
Khi thắng thầu, nhà thầu thực hiện hợp đồng ấy phải làm đúng theo luật, theo qui định, nếu không làm đúng thì bị phạt theo hợp đồng. Người chịu trách nhiệm việc ấy là chủ đầu tư. Khi người ta chọn thầu rồi thì chủ đầu tư phải giám sát để đảm bảo tiến độ theo đúng hợp đồng.
Đối với những hợp đồng EPC do các doanh nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc, theo điều kiện vay vốn thì phải sử dụng EPC của Trung Quốc. Việt Nam có thể lựa chọn không làm EPC Trung Quốc thì không vay vốn từ đây nữa. Nếu vay thì phải theo luật của người ta.
Cũng như mình, có vốn vay cho các nước khác thì người ta cũng phải theo qui định của mình. Ví dụ, ODA do Việt Nam cấp thì phải do nhà thầu Việt Nam thực hiện. Đấy là hình thức rất bình thường.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo Dantri
"Không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lấy bất kỳ thứ gì"
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì...
Ngày 7/6, tại Hải Phòng, diễn ra Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng, từ hàng ngàn năm nay, các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để khai phá, giữ gìn, bảo vệ lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trách nhiệm ấy, nay tiếp tục được trao cho các thế hệ chúng ta.
Trong thời gian qua, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp do những hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn, tấn công tàu chấp pháp và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển nước ta.
Hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa
"Hành động sai trái của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam mà còn bị nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới lên án mạnh mẽ", Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, với mỗi người Việt Nam, độc lập, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược, Việt Nam luôn khao khát hòa bình, luôn thực tâm, chân thành, kiềm chế và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc, với các quốc gia, để xây dựng và phát triển đất nước.
"Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền".
"Với niềm tự hào và phẩm giá dân tộc, chúng ta không chấp nhận đánh đổi độc lập, chủ quyền để lấy bất kỳ thứ gì và không chấp nhận bất kỳ hình thức đe dọa, áp đặt nào", Phó Thủ tướng khẳng định.
"Tôi xin chân thành cảm ơn và mong muốn các tổ chức, cá nhân, các quốc gia yêu chuộng hòa bình, công lý tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, phù hợp với luật pháp quốc tế", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, thực thi Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như các thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan vô điều kiện khỏi vùng biển của Việt Nam và giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam đề cao tinh thần độc lập, tự cường dân tộc đồng thời coi trọng sự đoàn kết, hợp tác trên mọi lĩnh vực với các tổ chức, các quốc gia yêu chuộng hòa bình; kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo hợp pháp của mình.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: "Trong thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng kiểm ngư, lực lượng cảnh sát biển, đồng bào và ngư dân - những người mang truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc đang ngày đêm kiên cường bám biển, giữ biển, vững vàng nơi đầu sóng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc". "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng ghi nhận, tôn vinh, đồng thời cũng đã thực hiện nhiều chính sách phù hợp đối với những cống hiến, hy sinh của chiến sĩ, đồng bào".
Theo Khampha
Mỗi người dân đều phải có nghĩa vụ với môi trường sống Phát biểu tại lễ Mít tinh ngày Môi trường thế giới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường không chỉ là việc của riêng một cơ quan, tổ chức mà là của tất cả người dân. Mỗi người đều có quyền lợi, nghĩa vụ với môi trường đang sống". Sáng 5/6, Lễ Mít tinh hưởng ứng ngày Môi...