Trung Quốc kêu gọi lập lực lượng chung giải quyết xung đột Trung Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các quốc gia trên thế giới thành lập “lực lượng chung” để giải quyết tình trạng xung đột đang leo thang ở Trung Đông, đồng thời khẳng định Bắc Kinh kiên định sát cánh với các nước Arab.
Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel xuống Dahieh, ngoại ô Beirut, Liban, ngày 31/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Jordan, ông Ayman Safadi, ngày 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài ở Gaza là chìa khóa để tránh cho tình hình khu vực xấu đi. Ông đề nghị “cộng đồng quốc tế nên có tiếng nói nhất quán hơn… và thành lập lực lượng chung”, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc và hợp tác với Jordan – được coi là một bên chủ chốt ở Trung Đông – để thúc đẩy nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán ngừng bắn.
Về phần mình, Ngoại trưởng Safadi đánh giá cao lập trường của Trung Quốc về vấn đề Israel-Palestine và kêu gọi các quốc gia hành động ngay lập tức để ngăn chặn leo thang và “cuối cùng đạt được nền độc lập của Palestine là một quốc gia có chủ quyền thông qua giải pháp hai nhà nước”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Safadi đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở nhiều quốc gia khác nhau, gồm Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib và Ngoại trưởng Italy, Antonio Tajani. Trong các cuộc điện đàm, ông Safadi đã thảo luận về sự cần thiết của việc ngăn chặn leo thang căng thẳng và đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, trong đó bước đầu tiên là ngăn chặn cuộc tấn công của Israel. Ngoài ra, một trong những nhu cầu cấp thiết khác là cung cấp viện trợ nhân đạo đầy đủ và ngay lập tức cho Gaza để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo.
Trong một diễn biến khác, ngày 7/8, Ngoại trưởng Italy, Antonio Tajani đã trấn an người dân và quân đội nước này rằng Rome sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống leo thang, trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục gia tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội, Ngoại trưởng Tajani nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Italy về việc bảo vệ 4.000 công dân nước này đang sinh sống tại Liban và các binh sĩ Italy được triển khai trong khu vực. Đề cập tới các công dân Italy vẫn đang ở Liban, ông Tajani tuyên bố Rome đã “sẵn sàng trước mọi diễn biến nếu tình hình xấu đi”, đồng thời khuyến cáo “những ai có điều kiện thì nên trở về”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi công dân không nên chờ được sơ tán khỏi Liban mà nên chủ động rời sang Thổ Nhĩ Kỳ nếu có phương tiện. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh có tin đồn rằng nhà nước Đức triển khai chiến dịch sơ tán công dân Đức khỏi Liban. Người phát ngôn không cung cấp thông tin về khả năng tổ chức sơ tán dân nếu tình hình leo thang tại Trung Đông, song nhấn mạnh: “Giờ đã đến lúc để rời khỏi Liban”.
Video đang HOT
Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Hezbollah và Israel gia tăng sau vụ sát hại thủ lĩnh Hamas và chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể lan ra toàn khu vực.
'Lò lửa' Trung Đông tăng nhiệt khi Iran quyết 'trừng phạt' Israel
Sự căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel đang đặt toàn Trung Đông trên bờ vực của một cuộc xung đột quy mô lớn, nguy cơ lôi kéo sự can dự của nhiều quốc gia và nhóm vũ trang khác trong khu vực.
Trung Đông bên bờ vực rơi vào vòng xoáy xung đột nguy hiểm. Ảnh: AFP/TTXVN
Iran quyết trừng phạt Israel
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Eli Cohen Katz ngày 5/8 thông báo rằng Iran đã quyết định tấn công Israel, theo thông tin do Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó chuyển đến. Ông Szijjártó cho biết thông điệp này được gửi từ quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri. Iran cũng đã công khai tuyên bố rằng họ có quyền hợp pháp để trả đũa vụ ám sát lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran vào tuần trước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani khẳng định rằng việc trả đũa là quyền của họ và không nên nghi ngờ sự chính đáng của động thái này.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trước đó tuyên bố sẽ trả đũa vì vụ ám sát ông Haniyeh, trong khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với Israel, lưu ý rằng cuộc đáp trả là "chắc chắn". Tổng Tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Hossein Salami phát biểu hôm 5/8 rằng Israel sẽ nhận ra "tính toán sai lầm" của mình sau phản ứng tàn khốc của Iran.
Cùng với những tuyên bố cứng rắn trên, Iran đã phát đi thông báo yêu cầu các phi công tránh xa không phận của mình, một động thái cho thấy khả năng xảy ra tấn công trong thời gian tới. Thông báo này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự đoán rằng một cuộc tấn công của Iran có thể xảy ra trong vòng 24 đến 48 giờ tới, và lo ngại rằng Tehran có thể phối hợp các cuộc tấn công với các nhóm dân quân thân Iran như Hezbollah ở Liban, Houthi ở Yemen và các nhóm khác tại Syria và Iraq.
Trong bối cảnh trên, phía Israel đã tăng cường chuẩn bị, với kế hoạch ứng phó các cuộc tấn công bằng UAV, tên lửa và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quốc gia cũng như các thành phố lớn như Haifa và Tel Aviv. Theo thông tin từ tờ Jerusalem Post, các sĩ quan chỉ huy cấp cao của Israel đang đề xuất việc thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu để ngăn chặn mối đe dọa từ Hezbollah. Israel đã đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, với các hệ thống phòng thủ hiện đại như Iron Dome (Vòm Sắt), Magic Wand, và hệ thống Arrow (Mũi Tên) 2 và 3. Không quân Israel và hải quân cũng được đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), đầu tuần này đã đến Israel để phối hợp các phương án ứng phó. Chính quyền Mỹ ngày 6/8 cảnh báo rằng "một cuộc tấn công kép" sắp xảy ra vào Israel của Iran và Hezbollah. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ cho biết tình báo nước này vẫn chưa rõ ai sẽ tấn công trước và mỗi bên định thực hiện hình thức tấn công nào.
Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đang ở thăm Tehran, ngày 4/8/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Làn sóng ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình
Trước nguy cơ tình hình khu vực Trung Đông có thể bùng nổ thành một "lò lửa" chiến tranh toàn diện, các nỗ lực ngoại giao đang được đẩy mạnh để làm dịu căng thẳng và ngăn chặn xung đột giữa Israel và Iran. Sự gia tăng căng thẳng này cũng đã dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, với việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình. Người đứng đầu về nhân quyền của Liên hợp quốc Volker Turk kêu gọi tất cả các bên, cùng với các quốc gia có ảnh hưởng, hành động khẩn cấp để hạ nhiệt tình hình. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động ngay lập tức để tránh sự leo thang thêm nữa. Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani, đại diện cho G7, mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại và ôn hòa để giải quyết xung đột.
Khi tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngoại giao cũng được gia tăng nhằm ngăn chặn sự leo thang xung đột giữa Iran và Israel. Cụ thể, các nước trong khu vực đã nỗ lực tiếp cận Iran để xoa dịu tình hình. Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi đã thực hiện chuyến đi hiếm hoi đến Tehran để chuyển thông điệp từ Quốc vương Abdullah II tới Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatti cũng đã liên lạc với quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani để thảo luận về tình hình căng thẳng đang diễn ra. Liên đoàn Arab, Trung Quốc và Ai Cập cũng đã tham gia vào nỗ lực ngoại giao này, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của một cuộc xung đột mở rộng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi "tất cả các bên" ngừng các hành động leo thang, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự kiềm chế để tránh một cuộc chiến khu vực có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với Thủ tướng Qatar Al Thani và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatti về những căng thẳng trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã họp với nhóm cố vấn an ninh quốc gia của mình vào chiều 5/8 để thảo luận về tình hình và tìm cách gây sức ép ngoại giao lên Iran cũng như Hezbollah để giảm thiểu các hành động trả đũa.
Những nỗ lực ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu cũng đang tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran. Trong cuộc gặp với Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri, ông Shoigu đã nhắc lại quan điểm về thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai nước, nêu rõ Nga sẵn sàng hợp tác với Iran về các vấn đề khu vực.
Mỹ đang tăng cường lực lượng ở Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực. Ảnh: IRNA/TTXVN
Dự báo diễn biến và những tác động tiềm tàng
Dù đã có nhiều cảnh báo về hành động tấn công Israel, Iran có thể đang cân nhắc thận trọng phạm vi và cường độ của các động thái quân sự đáp trả, vì điều này có thể dẫn đến khả năng xảy ra các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ của Iran, Liban và Yemen bởi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Theo đó, Iran có thể thực hiện các cuộc tấn công bất đối xứng, nhưng nhiều khả năng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng phản ứng quân sự của mình để tránh làm xói mòn các lực lượng thân Tehran trong khu vực.
Các lực lượng này đã đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc tấn công của IDF và làm hao mòn sức mạnh chiến đấu của Israel.
Tại Israel, người dân đã tích trữ hàng hóa cơ bản như thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai và các vật dụng cần thiết khác sau khi chính quyền ban hành hướng dẫn về những biện pháp chuẩn bị trong trường hợp bị tấn công. Các siêu thị báo cáo lượng mua sắm tăng đột biến, với doanh số của một số mặt hàng tăng 30% so với bình thường. Cư dân được khuyến cáo chuẩn bị hầm trú bom và dự trữ đủ thực phẩm và nước cho 3 ngày. Các dịch vụ khẩn cấp của Israel đã tăng cường khả năng sẵn sàng với các cuộc diễn tập để chuẩn bị cho tình huống chiến tranh và mất điện.
Tuy nhiên, các chuyên gia Israel đánh giá rằng một cuộc tấn công trực tiếp của Iran và Hezbollah vào các địa điểm dân sự có thể khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phát động một cuộc chiến tranh toàn diện. Quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden rút khỏi cuộc đua tổng thống đã khuyến khích Thủ tướng Netanyahu hành động mạnh mẽ hơn chống lại Iran, với niềm tin rằng ông Biden sẽ hỗ trợ Israel nhiều hơn khi không còn tranh cử. Yếu tố quyết định trong phản ứng của Israel sẽ là mức độ thiệt hại về thương vong dân sự và cơ sở hạ tầng, và Israel sẽ kích hoạt các kế hoạch để đáp trả nếu Hezbollah đứng sau các cuộc tấn công.
Ngoài ra, cuộc tấn công vào Iran sẽ khó khăn hơn do khoảng cách, nhưng có thể cung cấp cho Israel lý do để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, điều mà họ đã đe dọa trong nhiều năm. Các quốc gia Trung Đông hiện đang chuẩn bị cho khả năng chiến tranh mở rộng trong khu vực, trong khi nhiều nước phương Tây và các quốc gia khác kêu gọi công dân của họ rời khỏi Liban và Iran. Lufthansa và các hãng hàng không khác đã đình chỉ hoặc giới hạn các chuyến bay đến khu vực này.
Các sự kiện trong tuần này có thể quyết định hướng đi của cuộc xung đột ở Gaza và có thể làm chuyển hướng sự chú ý khỏi vùng đất bị bao vây này nếu Iran và các lực dân quân thân Tehran tấn công Israel, dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Điều này có thể đe dọa các nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và giải cứu con tin, bất chấp những tiến triển gần đây trong các cuộc đàm phán. Ngoại trưởng Blinken cũng cảnh báo rằng nếu một cuộc tấn công của Iran vào Israel có quy mô tương tự như cuộc tấn công hồi tháng 4 năm nay, điều này có thể chấm dứt mọi mối quan hệ trong tương lai giữa Iran và Mỹ, những bên đã có các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua các quan chức Oman trong suốt 18 tháng qua.
Mặc dù chính quyền Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ Israel, sự tức giận và thất vọng với hành vi của Israel đang gia tăng. Nhiều thông tin rò rỉ từ chính quyền Mỹ cho thấy Nhà Trắng đang quy trách nhiệm cho Thủ tướng Netanyahu về việc trì hoãn thỏa thuận con tin. Washington hiện đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách ứng phó với Israel, đặc biệt khi chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra. Nếu Washington bị kéo vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và gây khó khăn cho chính quyền Biden trong việc quản lý quan hệ với Israel.
Tóm lại, việc khu vực Trung Đông có tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện hay không sẽ phụ thuộc vào quy mô phản ứng của Hezbollah, Hamas và Iran, cũng như các động thái của chính Israel. Điều cấp thiết đặt ra lúc này này tất cả các bên cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng để tránh một cuộc xung đột có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung.
Căng thẳng Israel - Iran có thể phá vỡ nền kinh tế toàn cầu như thế nào? Hôm 5/8, Thị trường Israel và Trung Đông đã trở nên hỗn loạn trước nỗi lo về động thái trả đũa từ Iran và Hezbollah. Giới chuyên gia nhận định nếu cuộc xung đột giữa Tel Aviv và "Trục kháng chiến" leo thang, căng thẳng sẽ lan rộng ra thị trường toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Mỹ....