Trung Quốc kêu gọi Hàn Quốc duy trì chính sách về THAAD
Ngày 27/7, Chính phủ Trung Quốc đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol giữ nguyên chính sách của chính quyền tiền nhiệm liên quan tới Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Hàn Quốc đã bày tỏ sự tôn trọng trong vấn đề THAAD năm 2017. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau”. Người phát ngôn này cho rằng nhà lãnh đạo mới “không thể phớt lờ những món nợ trong quá khứ”, đồng thời hối thúc Seoul “hành động thận trọng” đối với một vấn đề rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh của một nước láng giềng.
Tuyên bố trên của ông Triệu Lập Kiên nhằm phản hồi câu hỏi về những bình luận gần đây của Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin. Ông Park cho rằng chính sách “3 không” của Hàn Quốc không phải là thỏa thuận chính thức hay lời hứa hẹn với Trung Quốc.
Chính sách “3 không” được nhắc tới bao gồm việc không triển khai thêm THAAD tại Hàn Quốc, không tham gia vào mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu và không tham gia vào liên minh quân sự 3 bên với Nhật Bản. Đây là chính sách được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Moon Jae-in.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh cần triển khai thêm THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên. Lâu nay, Trung Quốc phản đối gay gắt hoạt động triển khai hệ thống này, cho rằng đây là một phần của mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ và việc này gây phương hại lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Bắc Kinh phản đối Mỹ lên kế hoạch trừng phạt dầu Nga xuất sang Trung Quốc
Tháng trước, lượng dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục.
Giàn khoan dầu của Nga trên Biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài Sputnik, ngày 27/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kịch liệt phản đối kế hoạch của Washington nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phát biểu trước các phóng viên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên quyết chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp từ Mỹ".
Phát ngôn viên khẳng định: "Trung Quốc và Nga tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại bình thường dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau".
Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh việc hợp tác giữa Bắc Kinh với Moskva không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai, đồng thời nói thêm sẽ không dung thứ cho sự can thiệp từ bên ngoài.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio kêu gọi Mỹ trừng phạt việc Trung Quốc mua dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Cụ thể, Thượng nghị sĩ Rubio đề xuất một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ tổ chức nào bảo hiểm hoặc đăng ký tàu chở dầu, vận chuyển dầu hoặc khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.
Theo nhà lập pháp này, việc cắt đứt dòng chảy dầu thô của Nga sang Trung Quốc có thể đẩy Bắc Kinh vào thế cạnh tranh gay gắt hơn so với các bên mua năng lượng lớn khác như Ấn Độ đối với nguồn dầu từ Trung Đông và châu Phi, từ đó kéo theo triển vọng làm tăng giá dầu.
Trung Quốc chỉ trích phát biểu của 2 ứng cử viên thủ tướng Anh Hôm 26-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng chỉ trích những phát biểu tiêu cực của 2 ứng cử viên thủ tướng Anh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh: SCMP Theo Hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc tiêu cực từ phía ông Rishi Sunak...