Trung Quốc hướng tới châu Âu giữa căng thẳng với Mỹ
Những chuyến thăm liên tục của các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tới châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực này với Bắc Kinh.
Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, tuần tới sẽ tới thăm Hy Lạp và Tây Ban Nha, hai nguồn tin ngoại giao giấu tên am hiểu vấn đề cho biết.
Ông Dương cũng được cho là đang lên kế hoạch thăm Bồ Đào Nha và đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 9 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).
Chuyến công tác của ông Dương diễn ra sau chuyến thăm tới 5 nước châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Sau khi dừng chân ở Italy và Hà Lan, ông Vương hôm 27/8 đến Na Uy. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng sẽ tới Pháp và Đức, kết thúc hành trình vào 1/9, ngày ông Dương Khiết Trì đặt chân tới châu Âu.
Theo giới quan sát, hoạt động nhộn nhịp của các quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tại châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược ngày càng gia tăng của châu lục này với Bắc Kinh, trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trở nên căng thẳng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide chào bằng cách chạm khuỷu tay thay vì bắt tay như thông lệ để đề phòng Covid-19 trong cuộc gặp tại Olso, ngày 27/8. Ảnh: AP.
“Rõ ràng, ông Dương gần gũi với Chủ tịch Tập Cận Bình hơn ông Vương và còn là người đại diện cao nhất cho chính sách đối ngoại Trung Quốc, vậy nên, chuyến thăm của ông ấy mang rất nhiều ý nghĩa”, Mikko Huotari, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, trụ sở ở Berlin, Đức, nhận xét. “Nỗ lực kép của cả ông Dương và ông Vương theo tôi là chưa từng có tiền lệ. Thời điểm diễn ra các chuyến thăm cho thấy họ muốn làm rõ rằng châu Âu là một đối tác chiến lược của Trung Quốc”.
Video đang HOT
Huotari nhận định ông Dương sẽ không không đi sâu vào chủ đề công nghệ 5G của Trung Quốc, một lĩnh vực đang thu hút nhiều chú ý tại châu Âu, trong các cuộc đàm phán sắp tới. Thay vào đó, ông sẽ tập trung vào việc đề cao quan hệ đối tác với những quốc gia đến thăm.
Các nhà đầu tư Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn đã thể hiện sự quan tâm đến những cơ sở hạ tầng cảng ở ba quốc gia mà ông Dương dự kiến đến thăm.
Cảng Piraeus của Hy Lạp là một trong những tài sản hàng hải lớn nhất do Trung Quốc kiểm soát. Nhưng trong vấn đề 5G, Athens đã thừa nhận những mối quan ngại của Mỹ về công nghệ Trung Quốc và nói rằng tập đoàn Trung Quốc Huawei không có thị trường lớn ở Hy Lạp.
Tại Tây Ban Nha, công ty China Ocean Shipping nắm giữ 51% cổ phần của Noatum Port Holdings, mang tới cho họ quyền kiểm soát các bến cảng lớn ở Valencia, Bilbao và Barcelona.
Kế hoạch Bồ Đào Nha đang ấp ủ, xây dựng một cảng container mới ở Sines, cảng gần nhất của châu Âu với kênh đào Panama, đã thu hút được sự quan tâm của cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Ông Dương Khiết Trì trong một cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cách đây hơn hai tuần cũng tới châu Âu, cảnh báo rằng Trung Quốc là “mối đe dọa đối với tương lai của lục địa này”, giữa lúc EU vẫn lưỡng lự trong việc chọn đứng về phía Washington hay Bắc Kinh.
Theo Wang Yiwei, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Nhân dân, phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo chỉ nhằm mục đích chia rẽ Trung Quốc và châu Âu.
“Trong chuyến thăm gần đây, ông Pompeo đã tìm cách phá hoại hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu bằng cách cáo buộc Trung Quốc lợi dụng hợp tác kinh tế để tăng cường ảnh hưởng quân sự”, Wang nói.
Ông dự đoán trong chuyến thăm sắp tới, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ tập trung chủ yếu vào vấn đề hợp tác kinh tế hậu Covid-19 và khởi động lại nỗ lực nhằm thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh tại những quốc gia ven biển ở châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo châu Âu vào giữa tháng tới, vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. EU và Trung Quốc vẫn bế tắc trong việc thương thảo một hiệp ước đầu tư khi mà Brussels cáo buộc Bắc Kinh không đưa ra các cam kết cụ thể trong các cuộc đàm phán.
Ông Dương tuần trước cũng tới thăm Hàn Quốc và Singapore. Hồi tháng 6, ông có cuộc gặp 7 tiếng với Ngoại trưởng Pompeo ở Hawaii nhưng không đạt được bất cứ đồng thuận nào.
Lần cuối cùng ông Dương gặp các quan chức châu Âu là vào tháng một, khi tham dự hội nghị đặc biệt về Libya do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì. Ông có các cuộc thảo luận bên lề với Thủ tướng Đức Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bên lề hội nghị, kêu gọi thúc đẩy các chương trình nghị sự giữa EU và Trung Quốc.
“Trung Quốc và Italy đều là những quốc gia có trách nhiệm với hòa bình và ổn định thế giới”, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố trong cuộc gặp người đồng cấp Italy Luigi Di Maio hôm 25/8. “Bởi vậy chúng ta cần quyết liệt bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại, cũng như duy trì chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu ổn định”.
Trung Quốc nói Mỹ sẽ tự hứng đòn vì tách biệt kinh tế
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng việc Washington nỗ lực tách biệt kinh tế với Bắc Kinh sẽ trở thành chiếc "boomerang" gây tổn hại cho chính họ.
"Lập luận về thứ được gọi là 'sự tách biệt' bất khả thi và không hợp lý. Đó là một ngõ cụt không dẫn tới đâu. Bất cứ nỗ lực nào nhằm tách biệt với Trung Quốc cũng đồng nghĩa với tách khỏi nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai", Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto, tổ chức tại thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, hôm 24/8.
Ông Vương cho rằng nỗ lực tách biệt nền kinh tế hai nước của Washington đi ngược lại các quy tắc thị trường cũng như lợi ích của doanh nghiệp, cuối cùng gây tổn hại cho chính Mỹ, đồng thời kêu gọi châu Âu chống lại "sự bắt nạt đơn phương" về kinh tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 26/2. Ảnh: Reuters.
"Là những quốc gia độc lập, đương nhiên chúng ta phải bảo vệ chủ quyền kinh tế của mình, bao gồm cả chủ quyền về mạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên đóng cửa thị trường của mình với nước khác", ông Vương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc hoan nghênh tuyên bố của Hungary, rằng mạng 5G của tập đoàn viễn thông Huawei không tiềm ẩn mối đe dọa an ninh quốc gia nào. Trong khi đó, Mỹ hôm 17/8 bổ sung thêm 38 chi nhánh của Huawei vào "danh sách đen", nâng con số này lên 152. Bất chấp sự phủ nhận của Huawei, giới chức Mỹ vẫn cáo buộc tập đoàn này có thể gây rủi ro an ninh bởi có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Ông Vương đưa ra các bình luận ngay trước khi lên đường thăm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát, dự kiến kéo dài một tuần, ông Vương được cho là sẽ thuyết phục các lãnh đạo châu Âu tiếp tục mở cửa với doanh nghiệp Trung Quốc, trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ và truyền thông của họ, như Huawei, ByteDance hay Tencent.
Tuy nhiên, Mỹ - Trung vẫn nhất trí thúc đẩy thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn một trong cuộc điện đàm hôm nay giữa Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, bất chấp một loạt căng thẳng.
Phía Washington khẳng định hai bên đều "nhìn thấy sự tiến bộ và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thành công của thỏa thuận". Trong khi đó, Bắc Kinh cũng hoan nghênh "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" giữa hai bên.
ASEAN gửi thông điệp trước 'sức nóng' cạnh tranh Mỹ - Trung Ra tuyên bố riêng về hoà bình và an ninh khu vực, ASEAN kiên quyết khẳng định lập trường "không chọn phe" dù áp lực cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng. Ngày 8/8, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam...