Trung Quốc hưởng lợi từ “điểm nóng” toàn cầu
Trong khi Nga và phương Tây đang vướng phải mớ bòng bong từ cuộc khủng hoảng Ukraine thì Trung Quốc lại được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc đấu này.
Theo chuyên gia Robert Daly, người đứng đầu Trung tâm Wilson thuộc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, lĩnh vực mà Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng Ukraine đó là sự xao lãng. Theo đó, cuộc khủng hoảng này đã chuyển hướng chú ý khỏi những xung đột trong nước ở Trung Quốc.
Thêm nữa, Bắc Kinh được lợi vì Washington tập trung vào những nhu cầu an ninh của các đồng minh châu Au thay vì kế hoạch trục châu Á, kế hoạch mà Trung Quốc coi là có tính đe dọa.
Tuy nhiên, ở lĩnh vực kinh tế, những lợi ích mà Trung Quốc có được mới thực sự đáng kể. Cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy Nga vào thế bị Mỹ và phương Tây cô lập, buộc họ phải đẩy mạnh chính sách hướng Đông, trong đó thắt chặt quan hệ với Trung Quốc giữ vai trò cực kỳ quan trọng.
Video đang HOT
Tổng thống Putin dự lễ khởi công đường ống “Sức mạnh Siberia”
Vào tháng 5/2014, trước chuyến đi đến Thượng Hải, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sự hợp tác giữa hai nước Nga-Trung đã ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. Năm 2013, thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 90 tỷ USD, vượt xa so với dự kiến. Hai bên dự kiến tăng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và lên đến 200 tỷ USD vào năm 2020.
Với một quốc gia rộng lớn, sẵn tiền và luôn khát năng lượng như Trung Quốc, Nga là miếng bánh cực kỳ ngọt ngào với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào.
Sau 1 thập kỷ thương thảo, đến tháng 5/2014, một hợp đồng trị giá 400 tỷ USD, kéo dài 30 năm đã được ký kết để đưa khí từ các mỏ ở Siberia sang các khu vực công nghiệp ở phía bắc Trung Quốc. Theo các nhà quan sát công nghiệp, Bắc Kinh đã tóm được thỏa thuận hời.
“Với Putin, ông ấy muốn nói với người châu Âu rằng, chúng tôi không bán cho các vị. Tuy nhiên, với Trung Quốc, Putin bán khí cho nước này với giá rẻ, với mức giá rất giảm…Người được lợi rõ ràng là Trung Quốc”.
Đó là chưa kể Nga sẽ phải chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng đường ống dẫn khí mới nối sang Trung Quốc, dự kiến lên tới hơn 55 tỷ USD.
Ăn miếng trả miếng để trả đũa lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao của Mỹ và phương Tây, đầu tháng 8/2014, Nga đã chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt, cá, pho mát, trái cây, rau quả và các sản phẩm sữa từ Úc, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Nga đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nước phương Tây, trong đó có lĩnh vực nông sản khi năm nay là một năm được mùa. Hàng loạt các container đã phải quay trở lại khi Nga không nhập khẩu các mặt hàng này.
Theo ước tính của ông Vygaudas Usackas, đại sứ EU tại Nga hồi đầu tháng 8/2014, EU có thể thiệt hại 16 tỷ USD vì lệnh trừng phạt của Nga. Trong khi đó, điều này cũng dẫn đến việc Nga rơi vào tình trạng khan hiếm hàng nông sản trong ngắn hạn, đẩy giá cả leo thang.
Đúng lúc đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mau chóng lấp đầy chỗ trống trên các kệ hàng ở Nga, một quản lý tại công ty mang tên Shandong Goodfarmer – nhà xuất khẩu táo, tỏi và gừng lớn nhất của Trung Quốc nói.
Cũng liên quan đến lệnh trừng phạt, nhiều ngân hàng phương Tây phải ngừng giao dịch với Mátxcơva và đây là lúc các ngân hàng Trung Quốc có thể hưởng lợi.
“Chúng tôi không có vấn đề gì với Nga. Nếu các ngân hàng Mỹ không thể tiếp nhận bất kỳ khách hàng nào liên quan Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ chào đón họ làm ăn với chúng tôi”, lãnh đạo cấp cao của chi nhánh một ngân hàng Trung Quốc nói với báo South China Morning Post của Hong Kong.
Như vậy, trong khi cả Nga và phương Tây cùng “sứt đầu, mẻ trán” vì cuộc khủng hoảng Ukraine thì Trung Quốc đang ung dung hưởng lợi mà không chút “trầy da tróc vẩy”.
Theo Đất Việt