Trung Quốc học Mỹ áp dụng ‘Học thuyết Monroe’ trên biển Đông?
Hai thế kỉ trước đây, một nước Mỹ đang nổi lên dưới thời Tổng thống James Monroe tuyên bố: Tây bán cầu là vùng giới hạn ảnh hưởng của các cường quốc thực dân phương Tây; nỗ lực của các nước Âu châu lập thuộc địa hay can thiệp vào nội bộ của các nước ở Bắc hay Nam Mỹ sẽ bị xem là những hành động xâm lược, đòi hỏi sự can thiệp của nước Mỹ. Dường như Trung Quốc đã thực sự theo bước Mỹ trong các vấn đề xuyên Thái Bình Dương, với “Học thuyết Monroe” của riêng mình.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm 4 nước châu Á, với cam kết tái cân bằng của Mỹ tại khu vực, Trung Quốc đã có các hành động leo thang, với việc “đối đầu” với Philippines ở bãi cạn Scarborough, liền sau đó là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc khu vực thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng làm thế giới “bất ngờ” với việc công bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Bắc Kinh đã có động thái gây tranh cãi liên quan chủ yếu đến các điểm nóng ở cả hai vùng biển Thái Bình Dương là Biển Đông và biển Hoa Đông: Đó là tại Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản; tại Hoàng Sa với Việt Nam và tại bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây (Second Thomas) với Philippines. Đây là những điểm nằm trong cái mà Bắc Kinh gọi là “Đường 9 đoạn”.
Động cơ của sự thay đổi
Trung Quốc đang toan tính gì ở Biển Đông? Ảnh: TTXVN
Điểm đầu tiên dẫn đến “chuyển động chính sách” gây hấn của Bắc Kinh chính là sự nhìn nhận kết cục của “Học thuyết Monroe”. Học thuyết đã có kết quả tổng hợp, khi mà sức nặng kinh tế đã vượt lên trước các trở ngại chính trị. Bất chấp một chính sách tự quyết của Mỹ trong thế kỉ 19, một số quốc đảo vùng Caribbean vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ các nước thực dân châu Âu bên kia bờ đại dương và Mỹ thì chưa bao giờ gây chiến. Còn với câu chuyện Trung Quốc thì sao? Bắc Kinh liệu có tiếp tục tuyên bố về chiến lược “trỗi dậy hòa bình” với động lực chính là kinh tế chứ không phải chính trị?
Video đang HOT
Ông Tập Cận Bình giờ đang theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa”, một biến thể khác của “Giấc mơ Mỹ” mang đặc sắc Trung Quốc. Mục đích là để xoa dịu tư tưởng phản kháng của tầng lớp trung lưu vốn chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong cơ cấu dân cư tại Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã cố gắng thúc đẩy tính tự do: Người dân được tự do đi du lịch, học tập nước ngoài; cùng với đó là sự cởi mở về truyền thông xã hội, tăng cường đầu tư cho các dự án hạ tầng lớn.
Trật tự ở Thái Bình Dương cũng là một nhân tố quan trọng. Mỹ bắt đầu tiến trình dịch chuyển của mình. Khi mà chính quyền Washington đã tự túc được, thậm chí còn dư thừa, nguồn dầu mỏ, khí đốt, thì các lợi ích kinh tế của họ tại khu vực giàu dầu mỏ là Trung Đông cùng với các đồng minh truyền thống ở châu Âu có sự giảm sút. Đó là lý do “xoay trục” Mỹ dưới thời Obama thực chất là các bước chuyển về thương mại, đầu tư, tài chính sang châu Á, điển hình rõ nhất là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Obama ưa các sáo ngữ dạng như cấm vượt “giới hạn đỏ”, một điều mà đã lặp lại nhiều lần trong khủng hoảng Syria và mới nhất là việc Nga sáp nhập Crimea. Thế nhưng, có điều là lợi ích quốc gia thật sự của Mỹ sẽ chủ yếu là các quan hệ kinh tế, thương mại. Đơn giản như: Mỹ sẽ không thể phát động cuộc chiến với Trung Quốc – nước nhập mặt hàng mà Mỹ chẳng mong muốn như chân gà.
Trong trật tự đó, dường như chính quyền Mỹ đang cho áp dụng “chính sách mập mờ”, nhất là trong chiến lược “tái cân bằng”. Tháng trước, sau khi đưa ra những tuyên bố cứng rắn về bảo vệ Điếu Ngư/Senkaku cho Nhật Bản, đồng thời ký kết một Thỏa thuận hợp tác quân sự với Philippines, Mỹ vẫn phát đi thông điệp rằng: Manila cần đưa những tranh chấp này ra Tòa án quốc tế về luật biển.
Trong những năm gần đây, quan hệ Mỹ – Trung đã có những chuyển động mới, từ gắn kết kinh tế sang các quan hệ quân sự. Trong bối cảnh đó, tái cân bằng của ông Obama không hẳn là một chính sách kiềm chế, mà nó là sự thể hiện của răn đe địa chiến lược, cũng như việc thúc đẩy các ràng buộc kinh tế lẫn nhau giữa Mỹ – Trung Quốc. Trong thực tế, những thực tại chính trị cùng với nhu cầu kinh tế của hai bên là khác nhau. Trung Quốc cần thị trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên nước ngoài để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Còn để duy trì ưu thế vượt trội toàn cầu, bộ máy quân đội, tình báo Mỹ sẽ phải không ngừng tăng ngân sách – điều mà Washington chỉ “trông đợi” vào mối đe dọa từ Băc Kinh.
Đó là hai động cơ quyền lực khác nhau. Bắc Kinh và Nhà Trắng đều hiểu rằng, một cuộc xung đột, hay một cuộc chiến tranh ủy quyền, sẽ là thảm họa và phản tác dụng.
Theo Tin Tức
Đằng sau những cuộc xung đột trên Biển Đông
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2/5 đã khiến khu vực Biển Đông dậy sóng. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi mới nhất của Trung Quốc sau một loạt vụ vô cớ gây hấn gần đây. Lâu nay Biển Đông hầu như chưa bao giờ bình yên, bởi nó là nơi Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng mở rộng vùng kiểm soát nhằm thâu tóm toàn bộ vùng biển này.
Bãi đá cạn Scarborough.
Tại sao Trung Quốc lại muốn độc chiếm Biển Đông? Nguyên nhân là bởi vùng biển này có tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược. Về mặt kinh tế, đây là ngư trường đánh bắt cá quan trọng, nơi kiếm sống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam. Năm 1988, người ta ước tính Biển Đông chiếm 8% sản lượng đánh bắt cá toàn thế giới và con số này ngày càng tăng. Khu vực Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Từ những năm 1980, đã có ít nhất 270 tàu buôn dùng tuyến đường này mỗi ngày. Hiện nay, hơn một nửa lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua khu vực này. Lưu lượng phương tiện giao thông trên Biển Đông lớn gấp ba lần so với kênh đào Suez và gấp năm lần kênh đào Panama.
Hơn nữa, khu vực Biển Đông được cho là có nhiều trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, mặc dù các con số ước tính có sự khác nhau khá lớn. Bộ Khai mỏ và Tài nguyên Địa chất Trung Quốc cho rằng Biển Đông có thể có trữ lượng 17,7 tỷ tấn dầu thô (cao hơn ở trữ lượng 13 tỷ tấn của Kuwait). Một vài năm sau khi có thông tin trên, cuộc chiến giành chủ quyền của một số hòn đảo trên Biển Đông lại thêm căng thẳng.
Bản đồ vẽ đường "lưỡi bò" chiếm gần hết diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra.
Một số nguồn khác lại cho rằng trữ lượng dầu ở Biển Đông có thể chỉ là 7,5 tỷ thùng, tương đương 1,1 tỷ tấn, thấp hơn rất nhiều so với ước tính của Trung Quốc. Theo thông tin về Biển Đông của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng dầu đã được phát hiện và chưa được phát hiện vào khoảng 28 tỷ thùng, chỉ bằng một phần nhỏ so với ước tính của Trung Quốc là 213 tỷ thùng. Về khí đốt, EIA cho rằng Biển Đông có từ 25.500 đến 56.600 tỷ m3.
Với trữ lượng dầu khí nhiều như vậy, không ngạc nhiên khi Trung Quốc coi Biển Đông là "biển Ba Tư thứ hai" và lên kế hoạch độc chiếm khai thác. Tổng công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC) của nước này đã lên kế hoạch chi 30 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để khai thác dầu khí trong khu vực Biển Đông. CNOOC đặt mục tiêu khai thác khoảng 27,5 triệu tấn dầu thô và khí đốt mỗi năm ở độ sâu 2.000 m trong vòng 5 năm tới.
Về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) nhận định: "Trung Quốc vạch chiến lược để khống chế Biển Đông, chứ không phải dầu khí". Đến nay, Trung Quốc tự nhận phần lớn Biển Đông là của mình và tự vẽ ra "đường chín đoạn" kéo dài hàng nghìn km về phía đông và nam của tỉnh Hải Nam.
Năm 1947, chính quyền Tưởng Giới Thạch tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông bằng "bản đồ 11 đoạn". Đến năm 1953, Trung Quốc xóa 2 nét đứt ở vịnh Bắc Bộ thành đường 9 đoạn, còn gọi là "đường lưỡi bò". Trung Quốc còn phát hành bản đồ chi tiết "đường chín đoạn" này, theo đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trọn trong lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, "Đường chín đoạn" đã bị các nước láng giềng và trên thế giới phản đối vì tính mơ hồ mà chính Trung Quốc cũng không thể giải thích được.
Hiện nay, trong quần đảo Trường Sa Việt Nam kiểm soát nhiều đảo nhất, mặc dù một số nước khác, trong đó có Trung Quốc, cũng tham gia tuyên bố chủ quyền sau khi vô cớ chiếm đóng một số hòn đảo tại đây. Còn quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam từ năm 1974. Tháng 7/2012, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, coi đây cơ quan hành chính để quản lý lãnh thổ ở một khu vực rộng lớn trên Biển Đông. Việc này bị nhiều nước phản đối và lên án.
Chiểu theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay (ít nhất là từ thế kỷ 17), Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi chúng còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của quốc gia nào.
Một điểm nóng khác trên Biển Đông là bãi đá ngầm Scarborough đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Bãi này cách Philippines 160 km và cách Trung Quốc 800 km. Bãi ngầm Scarborough là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng, trong đó Philippines cáo buộc Trung Quốc huy động cả tàu quân sự can thiệp tranh chấp. Tháng 4/2012, lực lượng hải quân Philippines phát hiện một số tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này và tìm cách can thiệp nhưng bị tàu quân sự Trung Quốc chặn lại. Tháng 1/2013, Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển để phản đối "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Vụ kiện đến nay vẫn chưa được giải quyết, với lý do Trung Quốc... từ chối ra tòa để đấu lý.
Theo Tin Tức
Tri Tôn là của Việt Nam! Mới đây, trả lời phỏng vấn CNN, bất chấp sự thật, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng: vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Tri Tôn 17 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 150 hải lý là nằm trong lãnh hải Trung Quốc (?!). Vị trí khoan thăm dò của...