Trung Quốc giúp Mỹ chống IS: ‘Đi nhờ xe’ phải mua vé?
Trung Quốc muốn tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang là thủ lĩnh. Phải chăng TQ bắt đầu có ý thức cường quốc thực sự?
Mỹ sẽ đưa bộ binh đến Trung Đông
Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng do Mỹ phát động đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, khi bộ binh bắt đầu được nhắc đến trong những cuộc nghị sự của liên quân Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp của Pháp Jean-Yves Le Drian
Trong cuộc hội đàm giữa hai vị Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Mỹ tại Lầu Năm Góc, dù không có nhiều thông tin chính thống được đưa ra sau buổi họp báo, nhưng những nguồn tin giấu tên của báo chí phương Tây cho biết đã có những mặc cả, điều kiện với nhau giữa hai quốc gia về việc có gửi bộ binh tham chiến hay không.
Thực tế thì Iraq đã không còn khả năng và quyết tâm chiến đấu dù quân số quân đội Iraq đông gấp 10 lần IS. Tuy nhiên, những kẻ cực đoan sẵn sàng tử vì đạo có ý chí chiến đấu, động cơ chiến tranh rõ ràng, còn phía bên kia chiến trường chỉ là một tập hợp hỗn loạn và không có sự tổ chức, đặc biệt là động cơ để người lính cầm súng và hi sinh.
Cuộc không kích IS mở ra một vấn đề khó với nước Mỹ, bởi họ không thể dùng vũ khí công phá của mình ở những khu vực đông dân cư, trong khi đó là hầm trú ẩn an toàn nhất của IS.
Thừa nhận rằng các tên lửa vác vai của IS từ thời Liên Xô không bắn tới những F-18, F-22 của Mỹ, nhưng ngược lại, Mỹ cũng không thể động đến các tay súng ấy. Chi phí trong cuộc chiến này, dù IS có phải nuôi hàng chục nghìn tay súng cũng không thể nào tốn kém bằng trăm chiếc máy bay mà Mỹ đang huy động.
IS hiểu điều này, và chúng khai thác triệt để yếu điểm ấy. Việc Mỹ điều bộ binh có lẽ chỉ còn là một sớm một chiều, nhưng vấn đề sẽ ở chỗ sau đó Mỹ sẽ rút chân khỏi bãi lầy này thế nào, và có bao nhiêu nước sẽ đồng hành với lính Mỹ.
Video đang HOT
Liên minh Thánh chiến
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bật đèn xanh cho quân đội của họ phòng ngự từ xa với IS. Đó là một khái niệm bóng bẩy, còn thực chất của nó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản tràn sang các khu vực bên kia biên giới, trong lãnh thổ Syria và đồn trú tại đó.
Điều này cho thấy IS đã thực sự mạnh lên, và các quốc gia láng giềng của cái tâm điểm Syria-Iraq đã bắt đầu lo lắng cho số phận của mình. Còn ở vòng ngoài, nước Anh tiếp tục điều thêm chiến đấu cơ, nâng tổng số lên 8 chiếc. Mỹ gia tăng cường độ các cuộc không kích…
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tập kết ở biên giới giáp Syria
Tuy nhiên, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ dường như là tự phát và đang đặt cả khu vực trước những kịch bản rất xấu như sau: Đầu tiên là chiến tranh giữa hai nước Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trường hợp này khó xảy ra, bởi chính quyền Bashar al-Assad đang rất yếu thế khi phải đối mặt với cả khủng bố và thế lực “đấu tranh ôn hòa” do Mỹ dựng lên.
Thứ hai, Iran chắc chắn sẽ không để yên cho Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm gì thì làm. Các đội quân tình nguyện sẽ lên đường hỗ trợ chính quyền Damacus. Thậm chí là Iran sẽ trực tiếp điều quân đội đến các quốc gia này và nguy cơ chiến tranh khu vực đang cận kề hơn bao giờ hết.
Một yếu tố đáng lo ngại khác, các nước Trung Đông dù thân Mỹ hay không, đang bắt đầu có những hành động theo hướng tự phát, và nó đẩy vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát. IS cũng vậy, họ sẽ có những hành động liên minh liên kết với những nhóm khủng bố khác trên toàn thế giới, một mặt trận Thánh chiến toàn cầu sẽ được hình thành.
Các quốc gia trên thế giới đang thực sự đứng trước nguy cơ “khủng bố ngay trước cửa nhà” chỉ vì mỗi chính phủ tham gia vào cuộc chiến chống IS đều gửi gắm vào đó những toan tính của riêng mình.
Một sự thật mà Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trong liên minh của họ buộc phải thừa nhận, IS không suy yếu, thậm chí còn có nhiều điều kiện để bành trướng, kết nối, mở rộng hơn trước đây.
IS đã mạnh đến mức làm Trung Quốc sợ?
Tin vui cho Mỹ và đồng minh, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến Trung Quốc, “liên minh ánh sáng” do Mỹ dẫn dắt đang tiến rất gần với việc kết nạp thêm một thành viên, một thành viên đầy chất lượng: Trung Quốc.
Hôm 1/10/2014, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc đã khẳng định với ông chủ Lầu Năm Góc rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng sát cánh chống khủng bố cùng nước Mỹ. Cụ thể thông tin, nội dung chống khủng bố ở đâu, giúp đỡ như thế nào không được công bố rõ ràng, hoặc Bắc Kinh chưa lên chương trình, nhưng đó là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc bước đầu biết nghĩ đến việc thực hiện cái vai trò cường quốc của mình sao cho có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên mọi việc không đơn giản chỉ là sau một đêm, Bắc Kinh giật mình tỉnh giấc và nhớ ra mình nên là một ông lớn có trách nhiệm. Thực tế thì nước lớn, nước có nhiều quyền lợi địa chính trị, địa kinh tế ở Trung Đông như Nga còn chưa lên tiếng, hà cớ gì Bắc Kinh phải sốt sắng tham gia vào cái liên minh hao tiền tốn của này với Mỹ?
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ giàn trận trước khi tiến sang bên kia biên giới của Syria
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang quan ngại, nếu không muốn nói là sợ cái khái niệm “liên minh Thánh chiến” đã nói ở trên hiện diện trong lãnh thổ của mình. Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã được IS đào tạo. Và phong trào đòi ly khai của cộng đồng này đã phát triển theo hướng cực kỳ xấu cho Trung Quốc.
Không có gì đảm bảo những con người lao động đã vượt những ngọn núi tuyết để đầu quân cho IS sẽ không quay trở lại với đầy đủ súng ống đạn dược, lý thuyết chiến tranh và mở màn một mặt trận chiến đấu vì tự do ở chính Tân Cương.
Trong khi Mỹ luôn cho rằng nhóm Hồi giáo hậu thuẫn cho phong trào ly khai ở Tân Cương là những nhà hoạt động ôn hòa. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến với khủng bố ở trong nước, Trung Quốc buộc phải tham gia vào liên minh của Mỹ để tìm kiếm những sự tin tưởng và hậu thuẫn, hoặc chí ít là không cản bước cuộc chiến chống khủng bố của mình khi hữu sự.
Có thể thấy rằng thà bỏ tiền bỏ của ra hỗ trợ mục đích của Mỹ, còn hơn là xuất hiện một mặt trận trong chính lãnh thổ của mình. Có lẽ đó là những gì Bắc Kinh đang tính toán.
Điều thứ hai, như Ngoại trưởng Vương Nghị đã khẳng định, Bắc Kinh muốn kiếm tìm thêm sự đồng cảm, tin tưởng từ phía Mỹ và các quốc gia phát triển trên thế giới. Suốt thời gian qua, những gì Trung Quốc làm với các nước nhỏ hơn ở khu vực như ASEAN, hoặc đối đầu với Nhật Bản đã khiến bộ mặt của cường quốc này thực sự rất xấu. Tham gia chống khủng bố là một trong những nỗ lực để cải thiện hình ảnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ngoại trưởng Trung Quốc
Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc tất nhiên sẽ có những phân chia trách nhiệm và quyền lợi trong cuộc chiến này. Sẽ có những cuộc ngã giá, đàm phán ngầm với nhau. Đây chính là cơ hội để Trung Quốc đưa ra cái giá của mình, những yêu sách của mình với nước Mỹ.
Hiện nay, hai quốc gia này đang không hòa thuận với nhau về vấn đề can dự sâu của Mỹ tới châu Á – Thái Bình Dương.
Từ trước đến nay, Trung Quốc đã quen với việc làm một người “hành khách đi nhờ”. Họ quên đi vai trò nước lớn, những nhiệm vụ với nhân loại, chỉ lợi dụng những bất ổn của thế giới để nhanh chóng làm giàu và sau này bung ra với một khát khao giấc mộng lớn Trung Hoa.
Iraq là một ví dụ, khi Mỹ hao người, hao tiền hạ bệ Saddam Hussein, thì đến lúc này, Trung Quốc lại là nhà đầu tư lớn thứ hai để khai thác dầu mỏ của Iraq chỉ sau Mỹ.
Có lẽ đã đến lúc, kẻ đi nhờ xe này phải trả tiền mua vé, chỉ có điều thái độ của họ thế nào, có lẽ còn phải chờ những gì diễn ra thực tế trên chiến trường Trung Đông.
Theo Đất Việt