Trung Quốc giận dữ có làm Triều Tiên ngừng phóng tên lửa?
Phản ứng giận dữ của Trung Quốc trước tuyên bố thử hạt nhân, phóng tên lửa của Triều Tiên có làm Bình Nhưỡng chùn bước và ngưng vụ phóng? Các chuyên gia Trung Quốc có những nhận định khác nhau về vấn đề này.
Giàn phóng tên lửa của Triều Tiên – Ảnh: Reuters
Tuần qua, Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng tên lửa vào quỹ đạo hoặc thử nghiệm tên lửa đạn đạo để mừng ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (ngày 10.10). Nhiều nước đã lên tiếng phản đối kế hoạch phóng tên lửa này, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giận dữ đã ví vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng như mồi lửa chiến tranh cho vùng Đông Bắc Á, theo Reuters.
“Nếu xảy ra chiến tranh hay xung đột trên bán đảo Triều Tiên, sẽ không có bất kỳ ai được lợi. Vấn đề phi hạt nhân hóa không được giải quyết, sẽ không có ổn định trên bán đảo và vùng Đông Bắc Á sẽ không có hòa bình”, ông Vương Nghị phát biểu.
Giới chuyên gia Trung Quốc dự đoán Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua nếu Triều Tiên vẫn kiên quyết phóng. “Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ và chắc chắn sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt kiên quyết hơn đối với Triều Tiên”, AP dẫn nhận định của ông Zhang Liangui, một chuyên gia Triều Tiên ở một viện nghiên cứu của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Video đang HOT
Các chuyên gia Trung Quốc đều có chung nhận định rằng Bắc Kinh sẽ cắt đứt quan hệ thương mại với Triều Tiên, ngưng cung cấp hàng hóa công nghiệp, hàng xa xỉ mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un và giới lãnh đạo nước này rất cần. Đó là sự trừng phạt mà Trung Quốc sẽ sử dụng trước sự bất kham của Triều Tiên. Chưa có số liệu thống kê chính thức về giao dịch thương mại của Triều Tiên với thế giới, trong khi Seoul dự đoán vào khoảng 7,61 tỉ USD năm 2014, riêng với Trung Quốc chiếm đến 6,8 tỉ USD.
Ngoài chuyện đó, Bắc Kinh sẽ triển khai thêm quân ở dọc biên giới dài 1.420 km với Triều Tiên, điều mà trước đó từng bị đồn đoán khi xảy ra xung đột ở biên giới liên Triều hồi tháng 8.2015.
Triều Tiên không nao núng?
Tuy nhiên, thái độ giận dữ của Trung Quốc, một đồng minh truyền thống cũng là nước có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên, có vẻ như không làm Bình Nhưỡng nao núng, ngay cả khi các nhà lãnh đạo của Triều Tiên biết đòn trả đũa của Bắc Kinh và các nước, đặc biệt là Mỹ sẽ không nhẹ nhàng, theo nhận định của các chuyên gia.
Cây cầu bắc qua biên giới Trung Quốc-Triều Tiên – Ảnh: Reuters
Vụ phóng tên lửa bất kể là vào quỹ đạo hay thử nghiệm hạt nhân đều rất tốn kém. “Ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất chính là mối quan hệ giữa chính phủ và người dân 2 nước nếu Triều Tiên vẫn kiên quyết triển khai phóng tên lửa, dù biết Trung Quốc sẽ giận dữ”, ông Lu Chao, chuyên gia về Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội ở tỉnh Liêu Ninh, giáp ranh với Triều Tiên, nhận định.
Theo ông Lu, chỉ với hành động đó cũng sẽ làm cho Triều Tiên “thêm cô lập với thế giới”, sẽ không còn nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhất là vấn đề vi phạm nhân quyền mà Bình Nhưỡng nhiều lần bị chỉ trích. Với sức ép của thế giói, Trung Quốc có thể sẽ ra phải mạnh tay đối với Triều Tiên và buộc Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình hạt nhân và cải cách nền kinh tế đang rệu rã của mình.
Tuy nhiên, AP cho rằng Trung Quốc có thể chưa nghĩ đến sức ép đó khi Triều Tiên vẫn là “quân cờ” mà Bắc Kinh đang muốn sử dụng để phản đối quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Nền chính trị Triều Tiên sụp đổ cũng là mối lo của Trung Quốc khi làn sóng di dân sẽ tràn sang từ Triều Tiên.
Giữa mất và được, Triều Tiên sẽ nghĩ lại
Trên thực tế, theo chuyên gia về an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở trường Đại học Sydney (Úc) Jingdong Yuan, viện trợ của Trung Quốc như hàng hóa, thực phẩm, dầu thô và những thứ khác đã bị cắt từ lâu. Bình Nhưỡng có vẻ “miễn nhiễm” và không còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc.
“Thật khó để dự đoán những thay đổi quyết liệt về chính sách như cắt hoàn toàn viện trợ, bởi vì việc hạn chế các tác động từ sự phát triển không ổn định ở Triều Tiên vẫn còn là điều quan trọng mà Bắc Kinh cần xem xét”, ông Yuan nhận định.
“Nhìn chung có thể nói rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên là không đáng kể. Con ngựa đã thoát khỏi chuồng”, ông Yuan nói tiếp.
Trong khi đó theo ông Zhang, các nhà lãnh đạo Triều Tiên tự tin cho rằng chế độ của họ đủ an toàn để đối đầu với Bắc Kinh. “Rõ ràng cấm vận chưa ảnh hưởng đến cuộc sống và việc ra quyết định của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng. Họ nghĩ sự giận dữ của Bắc Kinh không thể ảnh hưởng đến chế độ, vì vậy họ không chút mảy may lo lắng”, ông Zhang phân tích.
Tuy nhiên, quan điểm của ông Lu thì ngược lại. “Khi cân nhắc giữa được và mất từ việc áp dụng thêm cấm vận từ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ phải suy nghĩ lại trước khi hành động”, ông Lu đưa ra nhận định.
Minh Quang
Theo Thanhnien