Trung Quốc giảm tiêu thụ cà phê, “thảm cảnh” giá thấp sẽ kéo dài
Dịch Covid-19 khiến thị trường cà phê chịu tác động nghiêm trọng, nhập khẩu toàn cầu giảm do tiêu thụ giảm sâu, trong đó hàng loạt cửa hàng cà phê lớn tại Trung Quốc đã phải đóng cửa do dịch Covid-19. Trong khi đó, sản lượng niên vụ mới được dự báo tăng sẽ làm dư nguồn cung, tiếp tục gây áp lực lên giá cà phê.
Theo Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương) giá cà phê Robusta diễn biến không đồng nhất, mức giá cũng tăng giảm trái chiều trong các hợp đồng với kỳ hạn khác nhau.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn dài giảm, trong khi giá kỳ hạn ngắn tăng nhẹ do lo ngại khó khăn trong việc vận chuyển.
Do lo ngại dịch bệnh và dư thừa nguồn cung, giá cà phê Robusta kỳ hạn dài giảm, trong khi giá kỳ hạn ngắn tăng nhẹ do lo ngại khó khăn trong việc vận chuyển.
Trên sàn giao dịch London, mức giá ngày 8/4 so với cuối tháng 3 cho thấy giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 5 tăng 0,2%, lên mức 1.206 USD/tấn nhưng kỳ hạn giao tháng 7 lại giảm 0,3% xuống mức 1.233 USD/tấn.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, là 2 thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhập khẩu cà phê toàn cầu giảm do tiêu thụ giảm sâu.
Trong khi đó, sản lượng cà phê niên vụ 2020-2021 của Brazil sẽ kết thúc vào tháng 9/2021 được dự báo bội thu. Do đó thị trường nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng dư cung, gây áp lực lên giá cà phê.
Dịch Covid-19 khiến tình hình tiêu thụ cà phê giảm mạnh tại Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê Robusta đứng thứ 3 thế giới. Do lo ngại dịch Covid-19, nhiều người ở nhà và hàng loạt cửa hàng cà phê phải đóng cửa khiến tình hình tiêu thụ mặt hàng này giảm mạnh tại Trung Quốc.
Hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Trung Quốc nên nhu cầu nhập khẩu có nhiều khả năng phục hồi. Nhưng về dài hạn, nguồn cung cà phê toàn cầu và cả ở Việt Nam được dự báo rất dồi dào sẽ làm dư cung, khiến giá cà phê sẽ còn ảm đạm trong thời gian dài.
Video đang HOT
Vụ thu hoạch cà phê bắt đầu từ tháng 4, cao điểm vào tháng 5, nhưng người dân thế giới đang được khuyến cáo ở nhà. Nhiều hàng quán phải đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, Bộ Công Thương dự báo thị trường cà phê toàn cầu sẽ gặp khó khăn ít nhất đến giữa năm 2020.
Thị trường cà phê trong nước hiện vẫn giao dịch trầm lắng, giá cà phê nguyên liệu giảm sâu.
Nhìn chung, thị trường cà phê trong nước hiện vẫn giao dịch trầm lắng do giá ở mức thấp. Đầu tháng 4, giá cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk giảm chỉ còn từ 29.600 – 30.200 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá cà phê ở quanh mức 30.000 đồng/kg – mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh ước đạt hơn 158 triệu USD; tăng 131% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, với nông dân, giá cà phê hầu như không có nhiều biến động so với cuối năm ngoái.
So với chi phí nhân công, vật tư tăng cao, lợi nhuận từ cây cà phê vì thế mỗi năm mỗi giảm, khiến cho diện tích trồng trong tỉnh có xu hướng thu hẹp lại. Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 13.000ha cà phê, giảm khoảng 4.000ha so với cuối năm 2017. Đây là nghịch lý chung khi cây công nghiệp có ngành chế biến phát triển nhưng nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn do giá cả ngày càng giảm sâu.
Trần Khánh
Chưa từng có thời Covid-19, giá gạo xuất khẩu điều chỉnh theo tuần
Gạo có lẽ là một trong số ít mặt hàng không bị tác động nhiều bởi dịch viêm phổi cấp Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều quốc gia, lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu được điều chỉnh theo tuần thay vì theo tháng hay quý như thông lệ.
Covid-19 chưa ảnh hưởng đến ngành gạo
Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần đầu tháng 3/2020 tăng từ mức 365 - 375 USD/tấn lên 390 - 400 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường Philippines, Malaysia, Cuba, châu Phi,...
Trước đó, chỉ 1-2 tuần, giá gạo 5% tấm (IR 50404) của Việt Nam từ 355- 360 USD/tấn (FOB) nhảy vọt lên 380 USD/tấn, loại 15% tấm và 25% tấm thấp hơn 10 USD/tấn cho mỗi loại.
"Ông trời không lấy đi của ai tất cả bao giờ" - ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc ví von.
2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam khá khả quan mặc những tác động của dịch Covid-19. Ảnh: I.T
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khó khăn do những biện pháp kiểm soát ngặt nghèo phòng ngừa Covid-19, ngành chế biến, xuất khẩu lúa gạo vẫn tìm thấy đường đi của mình, trở thành điểm sáng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020.
Con số kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 900.000 tấn, giá trị kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị là điều mà những doanh nghiệp làm trong ngành kinh doanh, xuất khẩu gạo mong ước từ mấy năm nay.
Bởi suốt 2 năm 2018-2019, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường đến từ các "trung tâm gạo" mới nổi như Ấn Độ, Myanmar... đã khiến hạt gạo Việt chật vật trên con đường khẳng định vị thế.
Nhưng thật bất ngờ, sau Tết Nguyên đán 2020, thị trường gạo trở nên sôi động chưa từng có. "Giá gạo xuất khẩu tăng cực nhanh và tăng đều ở tất cả các mặt hàng, phân khúc chứ không chỉ ở sản phẩm cấp cao, thời gian điều chỉnh giá nhanh, lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu được điều chỉnh theo tuần chứ không phải theo tháng hay quý như thông lệ. Có những tuần, giá gạo tăng tới 30 - 50 USD/tấn" - ông Quế nói.
"Hiện, giá gạo của Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo của Ấn Độ, Myanmar, Pakistan,... Đây là điều hiếm gặp. Nếu thị trường khả quan, chắc chắn mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD của ngành lúa gạo hoàn toàn có thể đạt được" - ông Quế nói.
Theo ông Phan Xuân Quế, thị trường xuất khẩu gạo sôi động ngay từ những tháng đầu năm 2020 là do nhu cầu tăng cao đột biến của thị trường khi Trung Quốc - thị trường chi phối 3 triệu tấn gạo của thế giới buộc phải hạn chế xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong khi đó, Thái Lan buộc phải giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn 7 triệu tấn do ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán. "Các nước tăng cường nhập khẩu gạo, các hợp đồng lớn liên tục bay về" - ông Quế phấn khởi chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan về nhu cầu thị trường, theo ông Quế, điều giúp ngành chế biến, xuất khẩu gạo không bị tác động bởi Covid-19 là do không còn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc nhờ đa dạng hóa sản phẩm, có thể cung cấp được nhiều phân khúc sản phẩm cho thị trường.
"Bài học về gạo nếp phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc vài năm trước vẫn còn nguyên giá trị, gạo Việt đã từng bước đa dạng hóa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng" - ông Quế nói.
Nhu cầu thế giới sẽ tăng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đảm bảo bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Ảnh: I.T
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả xuất khẩu gạo năm 2019 và định hướng năm 2020, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, xuất khẩu gạo đối mặt với diễn biến khó lường, đa chiều của các yếu tố thị trường, tình hình dịch bệnh, thiên tai.
Về khó khăn, thị trường toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng. Diễn biến của dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng xuất khẩu gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Hiện nay, do lo ngại dịch bệnh Covid-19, nhiều hãng tàu không nhận đơn vận chuyển và nhiều giao dịch đều được yêu cầu chuyển cảng nhận hàng. Điều này sẽ làm phát sinh chi phí vận chuyển.
Trong khi đó, thị trường Philippines lại tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua động thái tiến hành "đánh giá lại Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philippines" và cử đoàn đành giá làm việc tại Việt Nam sẽ tạo ra không ít tác động đến tâm lý của thị trường gạo Việt Nam khi Philippines là thị trường truyền thống, hàng năm có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Việt Nam.
Việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế do tính rủi ro cao của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, biến động khó lường của thị trường và không có trước hợp đồng xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, dự báo, thương mại gạo toàn cầu năm 2020 là 46,0 triệu tấn, tăng 2% so với dự báo năm 2019; nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia. Trong khi đó, sản lượng gạo của Thái Lan giảm so với mọi năm do hạn hán.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường, nhất là một số thị trường gạo trung chuyển lớn như Singapore, Hồng Kông. Cùng với việc giá gạo của Thái Lan đang ở mức cao đây có thể là cơ hội để gạo Việt Nam tiếp tục thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường này.
Đó là chưa kể, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020,việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh và mở rộng thị trường gạo cao cấp này.
Từ thực tế này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NNPTNT theo dõi, thống kê sát thực về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, từng mùa vụ trong năm và thường xuyên cập nhật với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh để định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thương nhân đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, cơ sở sấy thóc tại vùng nguyên liệu; thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu; người sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu, người sản xuất lúa có liên kết sản xuất.
Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo tại các thị trường có khả năng chuyển đổi, trong đó chú trọng các thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, Trung Mỹ...
Theo Danviet
Cây điều "hồi sinh", nông dân chỉ vui một nửa vì giá giảm thấp Dù dự báo vụ điều năm 2020 cho năng suất khá nhưng giá điều giảm thấp ngay đầu vụ đang khiến nông dân ở các vùng trồng Đồng Nai, Bình Phước kém vui. Trong 3 năm trở lại đây, biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại tấn công đã làm nhiều vườn điều ở thủ phủ Bình Phước thất thu, có vườn mất...