Trung Quốc: Giá trị tài sản hệ thống ngân hàng “ngầm” giảm gần 240 tỷ USD
Tổng giá trị tài sản của hệ thống ngân hàng “ngầm” ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đã giảm gần 1.700 tỷ NDT (gần 240 tỷ USD) xuống còn 59.600 tỷ NDT.
Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo báo cáo mới công bố của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tổng giá trị tài sản của hệ thống ngân hàng “ngầm” ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đã giảm gần 1.700 tỷ NDT (gần 240 tỷ USD) xuống còn 59.600 tỷ NDT, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2016, giữa bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực hạn chế những rủi ro tài chính.
Kết quả trên chủ yếu do sự sụt giảm tiếp tục diễn ra trong “mảng” quản lý tài sản bắt nguồn từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Giới chức Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực nhằm hạn chế các hoạt động của hệ thống ngân hàng “ngầm” nhiều rủi ro trong những năm gần đây.
Video đang HOT
Theo báo cáo trên, mặc dù tăng trưởng tín dụng ngân hàng dành cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc đã chậm lại trong quý II/2019, song nguồn tín dụng được tăng cường cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ( MSE) đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng 9,6% của quý I/2019.
Điều này cho thấy những nỗ lực của giới chức Trung Quốc nhằm khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ.
Các đối tượng chính thụ hưởng nguồn tín dụng được tăng cường từ các ngân hàng dành cho các MSE vẫn là các doanh nghiệp có hạn mức tín dụng từ 10 triệu NDT trở xuống./.
Anh Quân (Theo THX)
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ: Ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu
Việc điều hành tỷ giá, lãi suất từ đầu năm đến nay được đánh giá là hiệu quả và hợp lý. Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ với định hướng hỗ trợ kinh tế vĩ mô, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Trong 9 tháng qua, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá. Ảnh: Lê Tiên
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá, như: tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,2%; tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%; tín dụng với công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%.
Về triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã đạt được một số kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu đang giảm dần. Theo đó, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 224,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6/2019 là 1,9%.
Thông tin về hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ: "Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đánh giá công tác điều hành lãi suất, tỷ giá từ đầu năm đến nay là hết sức hợp lý".
Trước xu thế các nước giảm giá đồng nội tệ nhưng VND vẫn giữ giá khá ổn định, ông Tú cho rằng, với Việt Nam, việc điều hành tỷ giá còn phải tính toán tổng thể các chỉ tiêu cân đối chung của nền kinh tế như nợ nước ngoài, cán cân vãng lai để có lợi nhất cho mục tiêu vĩ mô.
"Đã có quan điểm cho rằng nên giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu khi tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại so với các năm trước. Tuy nhiên, đà tăng xuất khẩu chậm lại không hẳn do VND mà do tác động chung của kinh tế thế giới. Mặt khác, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam cũng rất khác biệt bởi vì nhiều doanh nghiệp của chúng ta nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Về lý thuyết, giảm giá VND sẽ hỗ trợ xuất khẩu, nhưng trong thực tiễn còn phải tính toán chi li nhiều góc độ khác nhau để mang lại lợi ích cao nhất", ông Tú nói.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành, phát đi tín hiệu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. "Lãi suất là bài toán rất khó trong điều hành chính sách vĩ mô hiện nay, làm sao để hài hòa, đảm bảo các yếu tố vĩ mô, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất cho vay", ông Tú phân tích.
Trước xu thế tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, ông Tú cho biết, quý IV thường là quý giải ngân nhiều nên tốc độ tăng trưởng cuối năm sẽ rất nhanh. Do đó, mức tăng trưởng 14% cả năm là có thể đạt được hoặc thấp hơn một chút. Ông Tú khẳng định: "Việc điều hành lãi suất luôn nhằm mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát và ổn định các chỉ tiêu vĩ mô".
Liên quan đến hoạt động tái cơ cấu các TCTD, quá trình này sẽ bước vào giai đoạn 2 kể từ năm 2021. Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tái cơ cấu của toàn ngành ngân hàng đang đi đúng hướng. Đến nay, đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel II.
"Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để đôn đốc, đẩy mạnh giúp các ngân hàng khác đạt tiêu chuẩn Basel II, đồng thời xử lý nợ xấu hiệu quả dù vẫn còn thách thức về các điều kiện xử lý tài sản bảo đảm, khách nợ chây ì", ông Tú nhấn mạnh.
Xuân Yến
Theo Baudauthau.vn
Ngành ngân hàng: Không có biến động về lãi suất "Từ nay tới cuối năm ổn định lãi suất, không tăng lãi suất cho vay, còn giảm được hay không thì phụ thuộc vào điều kiện từng ngân hàng" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tại buổi Họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 9 tháng năm 2019 của NHNN sáng 1/10. Khách...