Trung Quốc ghi nhận 54 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Ngày 2/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc ghi nhận 54 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng và 17 ca nhập cảnh trong 24 giờ qua.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho học sinh tiểu học tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 30/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Cụ thể, trong số ca mắc mới, tỉnh Hắc Long Giang có 27 ca; tỉnh Hà Bắc và Cam Túc mỗi nơi có 8 ca; tỉnh Sơn Đông 3 ca; Khu tự trị Nội Mông, Giang Tây và Thanh Hải mỗi nơi 2 ca, Bắc Kinh và Ninh Hạ mỗi nơi 1 ca.
Như vậy, tính đến ngày 1/11, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 97.314 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong, trong khi 91.766 bệnh nhân đã phục hồi.
Trong khi đó, tính đến ngày 1/11, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận tổng cộng 12.347 ca mắc COVID-19, trong đó có 213 ca tử vong và 12.034 bệnh nhân khỏi bệnh; Đặc khu hành chính Macau ghi nhận tổng cộng 77 ca mắc, trong đó 73 ca đã hồi phục; vùng lãnh thổ Đài Loan ghi nhận 16.417 ca mắc, trong đó có 847 ca tử vong và 13.742 bệnh nhân đã phục hồi.
Tại châu Âu, Pháp ngày 1/11 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng khoảng 44% so với một tuần trước đó. Đây là mức tăng theo tuần cao nhất kể từ cuối tháng 7 vừa qua ở Pháp, trong bối cảnh số ca mắc mới và số ca nhập viện tại nước này tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, Bộ Y tế Pháp ngày 1/11 thông báo có thêm 1.866 ca mắc mới, so với 1.295 ca ghi nhận ngày 25/10. Theo đó, tổng số ca bệnh tại Pháp đến nay là 7,17 triệu ca. Số bệnh nhân điều trị tại phòng chăm sóc tích cực ngày 1/11 tăng gần 4% so với ngày 25/10, lên 1.069 người – mức tăng lớn nhất kể từ cuối tháng 8. Tổng số bệnh nhân nhập viện cũng tăng trở lại, lên 6. 639 người.
Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày ở Pháp đã tăng lên 5.940 ca, so với mức thấp trong 3 tháng là 4.172 ca ghi nhận ngày 10/10.
Video đang HOT
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 246,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 246.477.169 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.999.803 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 223.308.115 người.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 27/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 763.784 ca tử vong trong tổng số 46.685.145 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 457.246 ca tử vong trong số 34.248.719 ca. Brazil đứng thứ 3 với 607.125 ca tử vong trong số 21.781.436 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 607 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 350 người và CH Bắc Macedonia với 341 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,5 triệu ca tử vong trong trên 45,8 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có trên 73 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 79,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 56 triệu ca. Châu Phi ghi nhận trên 218.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 3.600 người.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 432 ca cộng đồng ghi nhận tại 12 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 38.728 ca. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 2 ca tử vong, trong đó có 1 trường hợp chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và có bệnh lý nền; nâng tổng số ca tử vong từ đầu đại dịch lên 61 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch bệnh tại nước này có chiều hướng giảm khi số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong 24 giờ qua đã giảm so với những ngày trước (có ngày ghi nhận trên 700 ca mắc mới). Tuy nhiên, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn vẫn ở mức ba con số với 253 trường hợp trong một ngày. Điều này khiến số bản được quy định là vùng đỏ tại thủ đô vẫn ở mức cao với 228 bản thuộc 9 quận.
Singapore đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta, đó là trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh ngày 26/10 và không có bằng chứng về sự lây lan ra cộng đồng từ ca bệnh này. AY.4.2, còn được gọi là biến thể Delta Plus, là một dạng đột biến của biến thể Delta. Đây là sự kết hợp của biến thể AY.4 Delta và biến thể đột biến S: Y145H. Biến thể phụ này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là một biến thể đáng quan tâm, nhưng chưa phải là một biến thể đáng lo ngại. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới.
Campuchia đã cho phép tất cả các bảo tàng, rạp chiếu phim và các cơ sở biểu diễn nghệ thuật tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại từ ngày 30/10 sau một thời gian dài phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia tuyên bố những cơ sở này phải tuân thủ nghiêm túc những quy định phòng, ngừa dịch bệnh do bộ này và Bộ Y tế đưa ra. Theo quy định, khán giả phải xuất trình thẻ chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đeo khẩu trang đúng cách, kiểm tra thân nhiệt và rửa tay trước khi vào những địa điểm trên, đồng thời phải thực hiện giãn cách. Các phòng chiếu phim hay cơ sở biểu diễn nghệ thuật chỉ được hoạt động với 50% số ghế.
Quyết định trên được đưa ra sau khi hầu hết người dân Campuchia đã tiêm chủng và số ca nhiễm mới giảm mạnh. Theo Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 27/10, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine cho 13,68 triệu người, tương đương 85,5% dân số cả nước, trong đó 13 triệu người đã được tiêm chủng đủ 2 liều. Khoảng 1,76 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Trong khi đó, Myanmar thông báo sẽ mở cửa trở lại các trường học trên cả nước vào tháng 11 tới. Riêng các trường học tại 46 thành phố nhỏ tại 9 khu vực và bang vẫn phải đóng cửa do dịch bệnh tiếp tục lây lan tại những vùng này. Quyết định này được đưa ra dựa trên tỷ lệ số ca nhiễm mới tính trên 100.000 người trong vòng 14 ngày qua. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, Myanmar đã phải tái đóng cửa tất cả các trường học trên cả nước kể từ đầu tháng 7. Từ ngày 12/10 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã triển khai tiêm vaccine cho học sinh trung học từ 12 tuổi trở lên.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tương tự, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch từng bước đưa ngành giáo dục trở lại trạng thái bình thường mới, theo đó cho phép học sinh tất cả các cấp (trừ đại học) trở lại trường học từ ngày 22/11 sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học 2021-2022. Các trường đại học sẽ được phép dần dần nối lại các lớp học trực tiếp bắt đầu từ ngày 1/11 tới.
Hàn Quốc dự kiến sẽ xóa bỏ tất cả các quy định hạn chế số lượng học sinh đến trường theo lệnh giãn cách xã hội để chuyển sang "cho toàn bộ học sinh đến trường" ở tất cả các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, xét theo điều kiện từng khu vực, khối lớp 3 đến lớp 6 (tiểu học) có thể giới hạn chỉ cho phép 3/4 số học sinh đến lớp, còn ở khối THCS và PTTH sẽ cho phép mỗi lớp có tối đa 2/3 số học sinh. Ngoài ra, các trường cũng được phép tổ chức hoạt động trải nghiệm quy mô nhỏ như vui chơi ngoài trời (ở trường mẫu giáo) và học nhóm, thảo luận nhóm đối với trường tiểu học, THCS và PTTH.
Chính phủ Nhật Bản cũng vừa quyết định nới lỏng hạn chế về tổ chức các sự kiện thể thao, giải trí đông người trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tiếp tục giảm. Tại thời điểm hiện nay, số người tối đa được phép tham dự các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở 27 trong số 47 tỉnh, thành bị giới hạn ở mức 50% sức chứa của địa điểm tổ chức, nhưng không vượt quá 10.000 người. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/11, Chính phủ Nhật Bản sẽ bỏ mức giới hạn 10.000 người tham dự các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở 27 tỉnh, thành đó. Mặc dù vậy, Nhật Bản sẽ vẫn giữ nguyên giới hạn về số lượng người tham dự ở mức tối đa 50% sức chứa của địa điểm tổ chức và giới hạn đó sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
Ngoài việc nới lỏng các hạn chế tổ chức sự kiện, Chính phủ Nhật Bản cũng đang thúc đẩy thử nghiệm cho phép đơn vị tổ chức sự kiện sử dụng 100% số ghế cho những đối tượng có giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 hoặc giấy xác nhận xét nghiệm âm tính. Nếu các thử nghiệm diễn ra thuận lợi, khả năng các quy định về ứng dụng giấy chứng nhận vaccine sẽ được Chính phủ Nhật Bản ban hành từ giữa tháng 11 và có thể áp dụng ngay cả trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại.
Tại châu Âu, Anh thông báo sẽ xóa tên tất cả 7 quốc gia còn lại trong "danh sách đỏ" hạn chế đi lại do dịch bệnh COVID-19 (gồm Colombia, CH Dominica, Ecuador, Haiti, Panama, Peru và Venezuela), theo đó hủy bỏ lệnh cấm người nước ngoài đến nước này. Tuy nhiên, Anh sẽ vẫn duy trì "danh sách đỏ" như một biện pháp đề phòng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sẵn sàng đưa các quốc gia và vùng lãnh thổ trở lại danh sách này nếu cần. Chính phủ Anh cũng sẽ bổ sung hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách được công nhận chứng nhận tiêm chủng.
Ở châu Mỹ, giới chức Argentina cho biết nước này sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới đối với du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, sau khi chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt tiến bộ. Kể từ ngày 1/10 vừa qua, du khách từ các quốc gia láng giềng như Bolivia, Brazil, Chile, Paraguay và Uruguay đã có thể nhập cảnh Argentina. Theo kế hoạch, từ ngày 1/11, Argentina sẽ mở cửa biên giới cho du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn áp đặt một số quy định phòng ngừa dịch bệnh, như tiêm đủ liều vaccine ít nhất 14 ngày trước khi đến và có xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 tại châu Phi có thể gặp trở ngại do thiếu ống tiêm, khi châu lục này được tiếp cận với nguồn cung vaccine dồi dào hơn vào năm 2022. Giám đốc WHO khu vực châu Phi - ông Matshidiso Moeti cho biết: "Đầu năm tới, vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu được chuyển nhiều đến châu Phi, nhưng sự khan hiếm ống tiêm sẽ có thể gây gián đoạn tiến trình tiêm phòng". Ông kêu gọi cần có biện pháp mạnh để nhanh chóng nhằm tăng cường sản xuất ống tiêm.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), châu lục này sắp phải đối mặt với "nguy cơ thiếu hụt" khoảng 2,2 tỷ ống tiêm dùng một lần, trong đó có loại ống tiêm tự hủy sử dụng cho tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Đây là loại ống tiêm có khả năng tự hủy sau lần tiêm đầu tiên nên không thể tái sử dụng, thích hợp cho mọi hình thức tiêm chủng. Tình trạng thiếu hụt này sẽ kéo dài trong ít nhất trong quý I/2022.
Nếu không có biện pháp nào được thực thi, chỉ 5 nước châu Phi - gần 10% dân số châu lục - đạt mục tiêu tiêm chủng mà WHO đề ra, bao gồm quần đảo Seychelles, Mauritius, Maroc, Tunisia và Cape Verde. WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, 82 quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.
COVID-19 tới 6h sáng 22/10: Nga tái phong tỏa thủ đô; Trung Quốc đối phó đợt dịch mới Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 243 triệu ca, trong đó trên 4,94 triệu ca tử vong. Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của hãng Moderna cho người dân tại New York, Mỹ,...