Trung Quốc dùng tiền mua ảnh hưởng ở Thái Bình Dương
Kể từ thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh 2 tuần trước cho tới chuyến thăm Thái Bình Dương của ông Tập, Trung Quốc đã công bố chi 70 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các khoản vay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân âu yếm một quái thú Tasmania trong chuyến thăm bang Tasmania của Úc hồi tuần trước.
Khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm bang Tasmania của Úc hồi tuần trước, ông đã được chào đón đặc biệt khi trang nhất một tờ báo địa phương được viết bằng tiếng Hoa. Ông đã ăn cá hồi của hòn đảo, vốn sẽ sớm có mặt tại Trung Quốc, và xem một loài thú hiếm có biệt danh quái thú Tasmania.
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhanh chóng trở lại Nhà Trắng sau một loạt các hội nghị thượng đỉnh tại châu Á thì ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục chuyến công du. Ông Tập đã dành nhiều thời gian hơn ông Obama tại Úc, một đồng minh tin cậy của Mỹ; tới thăm New Zealand, một đồng minh khác của Mỹ, và bay tới đảo quốc nhỏ bé Fiji ở Thái Bình Dương.
Bất kể đi đâu, ông Tập cũng mang tới rất nhiều tiền, một sự hào phóng nhằm chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc kinh tế nổi bật tại châu Á.
Sự hào phóng ấy được gói gọn trong một thông điệp rộng mà ông Tập ngụ ý trong các bài phát biểu: Đừng lo ngại. “Người khổng lồ” Trung Quốc thân thiện và đáng để quan tâm không chỉ trên cương vị một đối tác kinh tế mà còn trên vị thế đối tác chiến lược.
Video đang HOT
Từ khi khai mạc thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh 2 tuần trước cho tới chuyến thăm Thái Bình Dương của ông Tập, Trung Quốc đã công bố chi 70 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và các khoản vay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo một phân tích của Đại học quốc gia Úc.
Vụ nghiên cứu kinh tế Đông Á thuộc Đại học quốc gia Úc nhận định rằng tác động của một số khoản tiền, như cam kết 40 tỷ USD cho quỹ cơ sở hạ tầng “Con đường tơ lụa” tại Trung và Đông Á, có thể chỉ rõ ràng trong vài thập niên tới.
Tuy nhiên, tổ chức trên nhấn mạnh rằng 20 tỷ USD cho các khoản vay và cơ sở hạ tầng đối với 10 quốc gia tại Đông Nam Á là một khoản tiền lớn đối với các dự án sắp được thực hiện.
Con số trên đối lập hoàn toàn với các cam kết của Mỹ. Nhà Trắng chỉ cam kết 150 triệu USD cho Myanmar nhân chuyến thăm gần đây của ông Obama trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh châu Á. Trong khi đó, bên lề hội nghị đó, Trung Quốc đã cam kết 7,8 tỷ USD cho việc cải tạo đường xá và tăng sản xuất năng lượng tại Myanmar.
Ông Tập cũng đối mặt với những thách thức trong khu vực. Các tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát nhiều hơn Biển Đông và Hoa Đông, trong đó có các vùng lãnh thổ tranh chấp, đã khiến các quốc gia láng giềng lo ngại. Tuy nhiên, các mối quan hệ tài chính của Bắc Kinh trong khu vực là không thể phủ nhận.
Ngoài cam kết tiền, Trung Quốc còn thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mà các nhà phân tích nói rằng họ xem chúng mang ý ngoại giao hơn là kinh tế.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh APEC, Trung Quốc đã kêu gọi khởi động một khu vực thương mại tự do mới tại châu Á-Thái Bình Dương mà Bắc Kinh quảng cáo là bao quát hơn và ít đòi hỏi hơn so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ ủng hộ mạnh mẽ. TPP hiện vẫn đang được đàm phán và không bao gồm Trung Quốc.
Tại Úc, ông Tập và Thủ tướng Úc Tony Abbott đã tuyên bố ký kết thỏa thuận thương mại tự do Trung-Úc sau 10 năm đàm phán, vốn mở cửa thị trường Trung Quốc đối với thịt bò Úc, các sản phẩm từ sữa và cá hồi Tasmania.
“Hai tuần qua đã cho thấy rằng, tại châu Á, dù Trung Quốc không phải là một đối tác an ninh thì cũng là một đối tác kinh tế quan trọng”, Wu Xinbo, giám đốc Viện viên nghiên cứu quốc tế Mỹ tại Đại học Fudan, nói. “Điều đó cho thấy Mỹ có thể nói nhiều về sự thịnh vượng của khu vực nhưng không làm nhiều. Trung Quốc chỉ nói ít, nhưng làm nhiều”.
Tuy nhiên, những điều mà ông Tập nói tại Úc được xem như một lời trấn an. Trong bài phát biểu trước quốc hội Úc, ông Tập đã nói về sức mạnh của Trung Quốc so với các láng giềng khu vực.
“Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với hơn 1,3 tỷ người. Trung Quốc giống như một “người khổng lồ” trong đám đông. Những người khác có thể băn khoăn tự hỏi “người khổng lồ” sẽ hành động và di chuyển như thế nào, và họ có thể lo ngại rằng “người khổng lồ” có thể đuổi họ, cản đường họ hoặc chiếm vị trí của họ”.
Ông Tập nói thêm rằng, Trung Quốc muốn mang phát triển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua sự thịnh vượng của mình trong “một vòng an ninh và phát triển”.
Nhưng phía sau sự trấn an đó là lời nhắc nhở Úc rằng Trung Quốc sẽ kiên định trong việc duy trì “các lợi ích cốt lõi” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhìn về lâu dài, ông Tập dường như đang cố gắng lôi kéo Úc, một trong những đồng minh chia sẻ thông tin tình báo thân cận nhất của Mỹ, khỏi liên minh vốn bền chặt hơn nửa thế kỷ qua với Washington.
“Chúng ta có mọi lý do để đi xa hơn khỏi quan hệ đối tác thương mại để trở đối tác chiến lược, vốn có viễn cảnh chung và theo đuổi các lợi ích chung”, ông Tập nói.
Ông Hugh White, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Úc, cho hay: “Ông Tập và các cấp dưới rất nghiêm túc về các tham vọng chiến lược của họ. Về lâu dài, họ tin rằng lực hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo Úc vào quỹ đạo chính trị và chiến lược của mình và giữ Úc ở đó”.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã đoán được điều ông Tập có thể đề xuất. Hai ngày trước khi nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu tại quốc hội Úc trong khi tham dự G20, ông Obama, trong một bài phát biểu trước các sinh tại đây, đã cảnh báo đồng minh của Mỹ không xích lại quá gần Trung Quốc.
“Một trật tự an ninh hiệu quả cho châu Á phải dựa trên các liên minh an ninh, luật pháp quốc tế và các quy định quốc tế, chứ không phải dựa trên mức độ ảnh hưởng, sự ép buộc hay hăm dọa nơi các nước lớn bắn nạt các nước nhỏ”, ông Obama nói.
Dù là chỉ trong chốc lát nhưng ít nhất Úc đã bị “choáng” vì ông Tập. Truyền thông của Úc, vốn kiên định ủng hộ liên minh với Mỹ, đã đưa tin kỹ càng về nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong khi đó, ông Obama lại bị chỉ trích vì phản đối lập trường của Thủ tướng Úc Tony Abbot về các mục tiêu thay đổi khí hậu.
Sau khi phát biểu tại quốc hội Úc, ông Tập, người đã có chuyến thăm lần thứ 5 tới Úc sau vài lần công du trước đây, đã bay tới bang Tasmania. Với chuyến công du này, ông Tập đã tới thăm tất cả các bang của Úc. Các nhà bình luận Úc nói rằng thậm chí ông Obama cũng chưa làm được điều này.
An Bình
Theo Dantri/New York Times