Trung Quốc đưa Arbidol và Chloroquine Phosphate vào điều trị Covid-19
Trung Quốc lần đầu tiên đưa hai loại thuốc Arbidol và Chloroquine Phosphate vào phác đồ điều trị Covid-19.
Trong phương án chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản thứ 6 vừa được Trung Quốc công bố hôm nay (19/2) có thêm khá nhiều nội dung mới liên quan đến sử dụng thuốc, phương thức lây lan và việc sử dụng huyết tương trong điều trị.
Trong bản hướng dẫn mới nhất về việc chẩn đoán và chữa trị Covid-19, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa Arbidol – thuốc kháng virus có tác dụng điều trị cúm và Chloroquine Phosphate – thuốc chữa sốt rét vào danh mục thuốc điều trị căn bệnh này, để thay cho nội dung của bản hướng dẫn trước cho rằng “hiện chưa có phương pháp điều trị kháng Covid-19 hữu hiệu nào”. Liệu trình cho mỗi lần dùng thuốc được khuyến cáo là không quá 10 ngày.
Bên cạnh đó, trong bản hướng dẫn này cũng thêm phương pháp trị liệu bằng “huyết tương của người khỏi bệnh” đối với các ca bệnh nặng và nguy kịch, tiến triển bệnh nhanh.
Về phương thức lây truyền, Phương án điều trị phiên bản thứ 6 cũng có thêm nội dung “tồn tại khả năng lây truyền qua khí dung” khi ở trong môi trường tương đối khép kín, có nồng độ khí aerosol cao thời gian dài và trong điều kiện không bảo hộ. Tuy nhiên, phiên bản mới này cũng nhấn mạnh, “lây truyền qua giọt bay đường hô hấp và tiếp xúc gần” vẫn là phương thức lây truyền chính.
Bản này cũng bỏ nội dung “ca bệnh chẩn đoán lâm sàng” dùng riêng cho Hồ Bắc của phiên bản trước, thống nhất dùng chung khái niệm ca bệnh nhiễm và nghi nhiễm cho cả Hồ Bắc và các tỉnh, thành khác của Trung Quốc. Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải là xét nghiệm axit nucleic vẫn là “tiêu chuẩn vàng” để xác nhận bệnh nhân Covid-19. Do vậy, phiên bản mới cũng thêm nội dung chỉ khi xét nghiệm dương tính mới được coi là ca bệnh.
Được biết, trước đó, do đưa cả các ca bệnh chuẩn đoán lâm sàng vào số liệu thống kế, nên số bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Trung Quốc đã tăng đột biến lên gấp gần 10 lần chỉ sau 1 ngày (hôm 13/2)./.
Theo Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh
Phụ huynh có đồng ý cho con em trở lại trường?
Gần một tuần nay Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 (nCoV), 11/16 người được ra viện, trong khi các trường liên tục vệ sinh, là tín hiệu khả quan để phụ huynh yên tâm hơn khi cho trẻ đến trường.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con đi học
Nhận định tình hình dịch bệnh đang được Việt Nam kiểm soát tốt, thời tiết thuận lợi hơn; các trường "cật lực" khử khuẩn và tập dượt các phương án phòng dịch, chị Lê Thị Quỳnh (Linh Đàm, Hà Nội) cho rằng "đã đến lúc cha mẹ chuẩn bị hành trang cho con đến trường".
Chị Nguyễn Trang (Hoà Bình) cũng bày tỏ, phụ huynh đang quá bi quan trước dịch Covid-19. An toàn, sức khỏe là trên hết, nhất là với trẻ em, nhưng khác với quan điểm của nhiều người, chị Trang bày tỏ, từ đầu chị đã giữ quan điểm nên cho trẻ đến trường. Từ đầu không cần thiết cho trẻ nghỉ, bởi ở trường học sinh vẫn được an toàn.
"Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị Covid-19, thực tế rất nhiều người khỏi bệnh và ra viện. Học sinh nghỉ học qua nhiều. Trong khi các nước trên thế giới vẫn cho học sinh đi học giữa dịch với các biện pháp vệ sinh được đảm bảo. Tại sao Việt Nam lại khác", chị Trang nói.
Theo chị, trẻ nghỉ học hơn 3 tuần, thời gian không quá nhiều nhưng đủ để chúng ta yên tâm và chuẩn bị mọi phương án tối ưu nhất, sẵn sàng cho con mình đến trường. Hãy cùng thầy cô, lập thành nhiều vòng bảo vệ sức khỏe cho các con.
"Nghỉ học liên tục không phải là cách đối phó tốt trước dịch bệnh", chị Trang nói.
Phụ huynh cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho con đến trường học.
Có thời gian theo sát con học online ở nhà, anh Hà Cường (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, hiệu quả của phương pháp này chỉ bằng 20% so với học thường xuyên trên lớp. Trẻ gần như không hiểu bài nếu cứ dạy học thế này.
"Nếu dịch kéo dài nữa, chả nhẽ học sinh tiếp tục nghỉ học? Tôi nghĩ đó không phải là giải pháp. Chúng ta không chủ quan với dịch Covid-19 nhưng cần có giải pháp. Để học sinh nghỉ kéo dài, lỗ hổng kiến thức và việc học bắt đầu có dấu hiệu sa sút, nhất là những kỳ thi chuyển cấp sẽ phải tính toán sao", anh Cường bày tỏ.
Các trường sẵn sàng đón học sinh
Bà Nguyễn Điệp Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) cho biết, trường thực hiện phun khử khuẩn 4 lần, tổng vệ sinh bàn ghế, cửa kính, nhà vệ sinh... sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn độ cồn cao. Mọi nhân lực và vật lực đều sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Thầy Quang Hoà, Hiệu trưởng trường dân tộc nội trú Bát Đại Sơn (Hà Giang) chỉ đạo các thầy cô vệ sinh trường lớp, khu nhà ở, bếp ăn và đồ dùng của trường.
Để học sinh và phụ huynh yên tâm đến trường, hàng ngày các thầy cô đều gọi điện, nắm bắt tình hình sức khoẻ và nhắc nhở các em học bài, chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đi học trở lại khi có thông báo.
"Tôi được biết có khá nhiều học sinh mong được sớm trở lại trường, đặc biệt là các em cuối cấp, lo lắng chuẩn bị ôn thi", thầy Hòa nói.
Trường Tiểu học Tân Phượng (Phú Thọ) trang bị máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn nhanh và mua mới hàng loạt đồ dùng như khăn mặt, chậu rửa, ca uống nước... đảm bảo an toàn nhất.
Trường còn đề nghị xã và huyện tăng cường thêm 2- 3 y tá túc trực ở trường, kịp thời theo dõi sức khoẻ cho các em, ít nhất trong một tháng đầu tiên sau khi trở lại trường học để phụ huynh và nhà trường yên tâm.
Như vậy, nhiều trường chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp phòng dịch Covid- 19 sẵn sàng đón học sinh trở lại đi học.
Bác sĩ: Học sinh có thể đi học trở lại
Theo ThS. BS Nguyễn Hồng Hà - Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện dịch Covid-19 ở Trung Quốc ghi nhận theo chiều hướng tích cực, khi số người chết và nhiễm mới liên tục giảm trong vài ngày qua.
Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng bộ, ban ngành vào cuộc sát sao, quyết liệt. Gần một tuần nay nước ta không ghi nhận ca nhiễm, 11/16 người được chữa khỏi và ra viện.
Đó là tín hiệu khả quan mà chúng ta có thể yên tâm hơn về dịch bệnh, để cho trẻ đi học trở lại.
" Dịch Covid-19 đang kiểm soát tốt, không có dịch lây lan ngoài cộng đồng. Hiện Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào lứa tuổi học sinh nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó thời tiết những ngày qua cũng khá thuận lợi. Vì thế tôi cho rằng việc cho các cháu đi học trở lại không có gì đáng lo ngại", BS Hà nói.
Các trường sẵn sàng đón các em đi học trở lại.
Theo BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM), nếu cho học sinh đi học trở lại, trường nên chuẩn bị thật tốt khâu phòng dịch và khử khuẩn tại trường học theo quy định của Bộ Y tế như: Phun khử khuẩn, sát trùng, vệ sinh sạch sẽ trường, lớp, các mặt tiếp xúc (bàn, ghế...).
Ngoài ra, các trường cũng nên dạy cho các học sinh cách rửa tay vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn hay nước rửa sao cho đúng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh; hướng dẫn các em đeo khẩu trang khi cần thiết.
"Gia đình và nhà trường cũng cần phối hợp với nhau để phòng nguy cơ cho trẻ", bác sĩ nói.
Quá trình học tập tại trường, các thầy cô nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu ho, sốt, đau đầu, sổ mũi hay khó thở... cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bên cạnh đó, theo BS Khanh, nhà trường cần thông tin, giảng dạy cho các em thêm hiểu biết về tình hình dịch bệnh Covid-19, thường xuyên cập nhật để các em hiểu và biết cách phòng tránh.
Học sinh nhiều nước v ẫn đi học giữa dịch
Singapore cho tới nay ghi nhận 77 ca nhiễm Covid-19, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng họ là một trong số những quốc gia để học sinh đi học giữa mùa dịch.
Lý giải thêm về quyết định của Bộ Giáo dục Singapore, ông Ong Ye Kung cho rằng, khi trường học đóng cửa, học sinh ở nhà nhưng không có nghĩa là các em không ra ngoài. Môi trường này thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là môi trường được khử trùng an toàn tại trường học.
Ngoài ra, việc kéo dài kỳ nghỉ cũng khiến phụ huynh đau đầu khi phải tìm cách trông con, ảnh hưởng lớn tới nhịp sống hàng ngày của cả gia đình.
Video: Phụ huynh có sẵn sàng cho con trở lại trường?
Để học sinh tới trường trong mùa Covid-19, các trường học ở Singpapore phải áp dụng hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch như tạm ngưng các hoạt động sinh hoạt chung, trang bị nhiệt kế cho tất cả các lớp học. Trước khi tới trường, học sinh sẽ được kiểm tra thân nhiệt.
Ở các trường tiểu học, các em được dạy bài hát hướng dẫn rửa tay đúng cách để các em tuân theo các bước được nêu trong đó.
Hàn Quốc - đất nước ghi nhận 31 ca nhiễm Covid-19 cũng để học sinh đến trường nhưng không phải tất cả. Ở trước cổng trường, ban giám hiệu sẽ sắp xếp nhân viên đo nhiệt độ cho học sinh và báo cáo lại nếu có trường hợp nhiệt độ cao bất thường.
Một loạt các sự kiện quan trọng tại các đại học cũng bị hủy bỏ để tránh tập trung đông người, như lễ tốt nghiệp hoặc lễ chào tân sinh viên.
Tại Mỹ, Anh, Nhật Bản cũng áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ học sinh khi đến trường. Nước Anh không hoan nghênh việc đóng cửa các trường học. Họ lo sợ nó sẽ ảnh hưởng lớn tới hàng triệu phụ huynh phải đi làm, thậm chí còn kéo giảm 1% GDP. Nó cũng tác động nhất định tới hoạt động của Dịch vụ Y tế Quốc gia khi 30% nhân viên phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, về kiến nghị cho học sinh tiếp tục nghỉ, phải dựa trên cơ sở các kịch bản phòng chống dịch. Trong đó phải tính tới các yếu tố nguy cơ và cấp độ cao thấp, cân nhắc lợi ích và thiệt hại của cộng đồng.
Khi đã có kịch bản đầy đủ thì có thể ra quyết định và cho phụ huynh được biết phần nào để yên tâm tuân thủ. Nếu xét thấy nguy cơ dịch bệnh là rất cao thì cho nghỉ thêm. Nhưng nếu nguy cơ thấp thì rõ ràng là không cần nghỉ dài như vậy. Vấn đề là phải làm sao cho phụ huynh hiểu và yên tâm tin vào quyết định của lãnh đạo.
Ông Thành cho biết, theo phân cấp quản lý về giáo dục thì chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh đi học trở lại hoặc tiếp tục nghỉ học trong những trường hợp đặc biệt.
Theo VTC
Việt Nam đủ năng lực điều trị Covid-19 Ngày 18/2, 2 bệnh nhân điều trị Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2) và 2 bệnh nhân điều trị tại tuyến huyện ở Vĩnh Phúc đã được xuất viện. 2 bệnh nhân khác đã đủ điều kiện ra viện, còn 3 bệnh nhân sức khỏe tiến triển tốt. Các chuyên gia y tế khẳng định, Việt Nam có đủ...