Trung Quốc đề nghị Mỹ “chấm dứt trò chơi nguy hiểm”
Trong một loạt động thái truyền thông diễn ra gần đây, báo chí Trung Quốc tiếp tục lên án Mỹ và chính sách “trục tới Châu Á” của nước này. Vào ngày 23/7, tờ China Daily đã có một bài bình luận, trong đó, chỉ trích Mỹ đang “chơi trò chơi nguy hiểm” ở Biển Đông.
Mở đầu, tờ China Daily đã khẳng định ngay rằng “Hoa Kỳ cần thay đổi cách tiếp cận của mình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Đông Á và đồng nhất hành vi và các báo cáo của mình về tính trung lập”.
Gần đây, các tranh chấp nổi bật nhất và có khả năng tạo ra nguy hiểm đã xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đi cạnh là những bất đồng âm ỉ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và các nước khác có liên quan đến chủ quyền các vùng biển ở Biển Đông.
Người dân Trung Quốc biểu tình bài Nhật khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh rằng Mỹ đứng trung lập trong mọi tranh chấp. Tuy nhiên, tờ China Daily cho rằng các hành động của Mỹ, đặc biệt là trong 3 năm qua thì không hề đúng với vị trí trung lập của Washington. Theo tờ báo, “Washington đã ngày càng dấn sâu tham gia vào tranh chấp. Và trong mọi trường hợp, chính sách của Mỹ là nghiêng về bất kỳ phía nào nhưng không phải là Trung Quốc”.
“Đó là một chính sách không khôn ngoan, vì nó khuyến khích một số quốc gia, đặc biệt là các đồng minh hiệp ước của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, áp dụng lập trường kiên quyết và làm giảm triển vọng cho giải pháp thỏa hiệp. Một chính sách tạo nên thành kiến chống lại Trung Quốc cũng có khả năng đầu độc mối quan hệ kinh tế, ngoại giao và chiến lược quan trọng của Mỹ trong việc tái thiết vị trí cường quốc trong hệ thống quốc tế”, tờ China Daily bình luận.
Mối quan tâm của Washington trong tranh chấp Biển Đông đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trong tháng 7/2010, phát biểu trước một cuộc họp của ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh rằng Washington có lợi ích quan trọng ở Biển Đông và lợi ích này bị đe dọa bởi những căng thẳng đang diễn ra, bà cũng đề xuất một “giải pháp khu vực tập thể” và dự kiến Mỹ sẽ đóng vai trò hòa giải.
Video đang HOT
Các hoạt động sau đó của quân đội Mỹ đều thống nhất một mục đích là gia tăng sự ảnh hưởng của Washington lên khu vực. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng lên tiếng về vai trò của Washington: “Có một tầm quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hàng hải cho tất cả các quốc gia ở Biển Đông”
Chính sách thiên vị “bất cứ ai nhưng không phải Trung Quốc” được Washington thể hiện rõ trong nhiều dịp khác. Trong khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở Bali vào tháng 11/2011, Tổng thống Obama đã làm nổi bật tầm quan trọng của liên minh quốc phòng giữa Mỹ và Philippines. Bình luận của ông theo sau tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Philippines của bà Clinton về Biển Đông, chẳng hạn như “Hoa Kỳ sẽ luôn luôn đứng bên cạnh Philippines”.
Tác giả bài báo này trên tờ China Daily là một thành viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại quốc phòng, tại Viện Cato có trụ sở ở Washington. Nhà báo Ted Galen Carpenter cũng là tác giả của 9 quyển sách về các vấn đề quốc tế. Trong bài báo thể hiện quan điểm của mình, ông cho thấy những tư tưởng khá đồng nhất với quan điểm của chính phủ Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp trên biển hiện nay.
Ông Carpenter cho rằng hoạt động của Washington trên Biển Đông vẫn còn ít nhiều “sự cân bằng và trung lập” hơn so với lập trường của chính họ về tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong năm 2010, Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố rằng Hiệp ước quốc phòng năm 1960 giữa Mỹ và Nhật Bản có bao gồm cả bảo vệ các hòn đảo thuộc chủ quyền của nước này. Đồng nhất về lập trường, vào tháng 9/2012, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á Kurt Campbell khẳng định thẳng thừng rằng các đảo tranh chấp là “rõ ràng” được bao phủ bởi các hiệp ước, buộc Mỹ sẽ viện trợ cho Nhật Bản nếu bị tấn công.
Bài báo của China Daily liên tục khẳng định chính sách của chính quyền Obama là mâu thuẫn và vô ích. Tác giả cho rằng khi Mỹ áp dụng các hiệp ước phòng thủ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Washington không thể nói họ “không có vai trò gì” trong cuộc tranh chấp này.
Sự hỗ trợ của Mỹ đã khuyến khích chính phủ Nhật Bản và người dân của họ kiên quyết hơn trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Nhật và Mỹ đã tổ chức tập trận chung liên tục trong 6 tháng đầu năm 2013 nhằm cải thiện khả năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Trong phần kết luận, bài báo của China Daily tiếp tục khẳng định luận điểm của mình, cho rằng Washington đang sai lầm trong chính sách trục ở Châu Á. “Washington đang chơi một trò chơi nguy hiểm bằng cách khuấy đều căng thẳng và ủng hộ bất cứ bên nào tạo ra sự bất đồng trong tranh chấp lãnh thổ. Nhưng trừ phi bảo toàn các quyền chuyển hướng thông qua các cơ quan có liên quan, nước Mỹ không có lợi ích quan trọng nào bị đe dọa trong những tranh chấp. Washington nên có thái độ trung lập nghiêm ngặt phù hợp hơn với hành động cũng như lời nói”.
Theo Infonet
Trung Quốc mở lại vụ án của kẻ đánh bom sân bay Bắc Kinh
Công an thành phố Đông Quản của tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vừa được lệnh mở lại vụ điều tra nghi án hành hung cách đây 8 năm, khiến một lái xe ôm bị liệt. Chính người này đã tiến hành vụ đánh bom sân bay Bắc Kinh hôm 20/7.
Quả bom tự tạo trên tay Ji Zhongxing trước khi phát nổ
Trong thông báo được phát đi ngày hôm qua, sở công an tỉnh Quảng Đông cho biết cơ quan công an phải điều tra kỹ những cáo buộc trên mạng rằng Ji Zhongxing, kẻ đã cho phát nổ quả bom tự tạo tại sân bay Bắc Kinh, bị tấn công bởi cảnh sát thành phố Đông Quản 8 năm trước
Ji, 34 tuổi, phải ngồi xe lăn, đã bị các nhân viên an ninh sân bay chặn lại khi đang tìm cách phát tờ rơi tại ổng B, sảnh đến của sân bay trên vào tối thứ Bảy. Người này sau đó cảnh báo những người xung quanh tránh xa trước khi kích hoạt một thiết bị nổ được để trong túi mình, khiến bản thân Ji và một cảnh sát bị thương.
Một nhân chứng cho biết người này không ném quả bom đi sau khi kích hoạt mà giữ nó trên tay, tờ Thanh niên Bắc Kinh nhật báo cho biết.
Ji, một nông dân đến từ thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơng Đông, đã khẳng định trên một blog đăng tải năm 2006 rằng anh bị một cảnh sát tại Đông Quản tấn công vào khoảng 3 giờ sáng ngày 28/6/2005 khi đang chở khách bằng xe máy.
Anh khẳng định xương sống của mình bị chấn thương nặng khiến anh bị liệt sau đó. Hành khách của anh là Gong Tao cũng bị thương trong vụ tấn công, Ji cho biết. Sau vụ nổ, blog của Ji đã bị nhà mạng chặn lại, không thể truy cập.
Trong một thông báo được đưa ra trưa ngày thứ Bảy, công an thành phố Đông Quản bác bỏ cáo cuộc bủa Ji với khẳng định người này va chạm với một cảnh sát và bị thương trong lúc ngã khỏi xe. Cảnh sát thành phố này quả quyết không hề có chuyện người này bị cảnh sát tấn công gây bị liệt, mà nguyên nhân là vụ tai nạn.
Tuy nhiên, Chen Xinzhen, giám đốc tin tức của sở truyền thông thành phố Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, nơi Ji sinh sống lại tuyên bố hôm 21/7 rằng, những gì người này viết trên blog là sự thật.
Các quan chức tại Hà Trạch đã tới Đông Quản để điều tra vụ việc năm 2006 và Gong, hành khách trên xe của Ji, đã xác nhận việc họ bị cảnh sát tấn công, Chen khẳng định với tờ China Daily.
Sau đó Ji đã kiện chính quyền thành phố Đông Quản tháng 1/2007, đòi bồi thường 338.267 nhân dân tệ (tương đương 55.128 USD), nhưng bị tòa bác đơn kiện do thiếu bằng chứng. Một năm sau, Ji đã kiện lên tòa trung thẩm thanh phố Đông Quản, nhưng tòa vẫn y án sơ thẩm.
Về sau Ji đã được nhận hỗ trợ 100.000 nhân dân tệ với yêu cầu cam kết từ bỏ mọi khiếu kiện. Thông tin được anh trai của Ji xác nhận với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng. "Đúng, chúng tôi đã chấp nhận khoản hỗ trợ 100.000 nhân dân tệ ở quê nhà vài năm trước đây", Ji Zhongji, anh trai thủ phạm đánh bom nói.
Dù vậy, ông Ji Zhongji nhấn mạnh ban đầu họ đã từ chối số tiền, và họ không biết những giấy tờ họ được yêu cầu ký tên viết gì bởi ông không biết chữ, còn em trai cũng chỉ đọc được vài chữ.
"Chúng tôi chỉ nhận số tiền sau khi họ nói rằng số tiền này chỉ nhằm hỗ trợ chúng tôi và chúng tôi đã ký tên vào một tờ giấy. Sau đó chúng tôi rất ngạc nhiên khi các quan chức cảnh báo chúng tôi rằng đừng mong khiếu nại gì nữa trong khi cầm tờ giấy trong tay. Nếu không chúng tôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì xảy ra sau này", Ji Zhongji cho biết.
Theo người này, ông nhận được một thông báo qua điện thoại sáng Chủ nhật rằng tay trái của em mình đã bị cắt tại bệnh viện Jishuitan ở Bắc Kinh. Sau đó em trai ông bị cảnh sát đưa tới một địa điểm không rõ ở đâu.
Theo Dantri
Sẽ có đối đầu Mỹ - Trung vì Biển Đông? Bất chấp những nụ cười trước ống kính truyền thông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai cường quốc này vẫn đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai, theo một bài bình luận mới đây của tờ The Globe and Mail ở Canada. Theo nhận định của tờ The Globe...