Trung Quốc đặt Trường Sa vào chiến lược quân sự
Theo chuyên gia về an ninh, việc một sĩ quan Trung Quốc công khai xác nhận hoạt động xây dựng ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để hỗ trợ radar, thu thập tình báo cho thấy rõ giá trị chiến lược của Trường Sa đối với quân đội Bắc Kinh.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở bãi đá Chữ Thập hôm 14/11. Ảnh: IHS Jane’s
Đánh giá việc sĩ quan cấp cao Trung Quốc tuyên bố mục đích bồi đắp một số đá thuộc Trường Sa, chuyên gia Brumo Hellendorff thuộc Nhóm Nghiên cứu và Thông tin Hòa bình và An ninh, Bỉ, cho rằng Bắc Kinh “đang nêu bật giá trị chiến lược của quần đảo này và rộng hơn là của Biển Đông đối với quân đội Trung Quốc”, ông nói khi trao đổi với VnExpress.
Video đang HOT
Ông Jin Zhirui, một sĩ quan cao cấp thuộc Tổng bộ quân chủng Không quân Trung Quốc, hôm 22/11 xác nhận Bắc Kinh cần thiết lập căn cứ hạ tầng ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để hỗ trợ hệ thống radar và thu thập tình báo. Tờ Asahi Shimbun nhận định việc một quan chức quân đội có kinh nghiệm hoạt động trong không quân như Jin đứng ra giải thích trực tiếp trước báo giới nước ngoài về những động thái trên Biển Đông là “một điều bất thường”.
Sĩ quan Jin còn dẫn chứng vụ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia là một ví dụ cho thấy sự cần thiết cần tăng cường năng lực radar ở khu vực.
Theo Hellendorff, Trung Quốc cố gắng thể hiện quan điểm của mình là không gây hấn, thế nhưng những hành động của nước này đang phá hủy tính nguyên trạng ở Biển Đông và tác động tiêu cực tới việc xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan.
“Tuyên bố này chỉ là một trong nhiều diễn biến tương tự, cho thấy mối nguy rằng các nhà lập chính sách Trung Quốc đang ngày càng chỉ biết mình trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách ở Biển Đông”, ông Hellendorff nói.
Tạp chí chuyên về thông tin quốc phòng IHS Jane’s cho biết, ba tháng qua Trung Quốc sử dụng các tàu hút bùn để xây dựng một hòn đảo có chiều dài 3.000 m và rộng từ 200 đến 300 m trên bãi đá Chữ Thập. Các hình ảnh vệ tinh trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 cho thấy rõ hoạt động bồi đắp này.
Tiến sĩ Leszek Buszynski thuộc Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia cho rằng quan chức Trung Quốc nói trên “đang nói thật” về việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đá thuộc Trường Sa, đó là nhằm để thu thập tin tình báo của các nước láng giềng.
“Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ nghe theo Mỹ hay bất kỳ ai, họ sẽ tiếp tục thực hiện các dự án cải tạo này ở Biển Đông”, ông Buszynski viết trong email gửi VnExpress.
Giới quan sát cho hay bên cạnh đá Chữ Thập, Trung Quốc đang xây dựng quy mô lớn ở một loạt đá khác như Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Ken Na,Tư Nghĩa, Én Đất và đá Lạc. Các bãi đá này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động khai hoang của Bắc Kinh ở Biển Đông thu hút mạnh sự chú ý của dư luận thế giới hồi tháng 6 năm nay, khi Philippines công bố báo cáo cho thấy các tàu Trung Quốc thực hiện việc đào đắp. Manila nêu nghi ngại Bắc Kinh đang xây dựng đường băng ở bãi Gạc Ma.
“Bằng cách ít quan tâm đến nhận thức và phản ứng tiềm ẩn của các nước láng giềng, với niềm tin tự tạo rằng càng kiểm soát nhiều khu vực này thì càng tốt cho an ninh khu vực, Bắc Kinh đang liều lĩnh gia tăng căng thẳng leo thang”, ông Hellendorff nói.
Việt Anh
Theo VNE