Trung Quốc “đánh bẫy” chiến lược quân sự Mỹ
Mới đây, con trai Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã sang Hong Kong và Trung Quốc thảo luận về triển vọng của dự án xây dựng kênh đào nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương qua lãnh thổ Nicaragua.
Kênh đào Panama. Ảnh: Guardian
Kênh đào mới được xem như phương án cạnh tranh với kênh đào Panama – sản phẩm của Mỹ. Đây được cho là một thách thức lớn đối với Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh.
Lần đầu tiên trong 23 năm qua, một phái đoàn Nicaragua đã đến thăm Trung Quốc. Chuyến thăm không mang tính chất chính thức và ít được quảng bá trên phương tiện truyền thông. Trên thực tế, hai quốc gia này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và Nicaragua duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan (Trung Quốc), điều Bắc Kinh vốn khó có thể chấp nhận. Tuy nhiên, phái đoàn Nicaragua đã có mặt ở Bắc Kinh, Vũ Hán, Từ Châu và Hong Konh theo lời mời của công ty Hong Kong HK Nicaragua Canal Development Investment. Đây là đối tác nắm giữ hợp đồng nhượng quyền 50 năm xây dựng và vận hành kênh đào.
Người đứng đầu công ty – tỷ phú Wang Jing, 41 tuổi, nhấn mạnh rằng, dự án này hoàn toàn “mang tính thương mại”, cũng như không nhận sự hỗ trợ từ chính phủ. Trong khi đó, các chuyên gia của Tổng công ty Nhà nước Trung Quốc China Railway đã được mời tham gia soạn thảo và nghiên cứu tính khả thi cho kênh đào Nicaragua.
Ông Boris Martynov, Phó Giám đốc Học viện Mỹ Latinh (Viện hàn lâm Khoa học Nga) nhận định: Vốn được thảo luận từ giữa thế kỷ trước, đến nay ý tưởng xây dựng kênh đào mới vẫn không mất đi tính cấp bách.
“Kênh đào Panama không đáp ứng nổi nhu cầu vận tải trước xu thế chuyển hướng trọng tâm phát triển kinh tế tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cho dù tần suất hoạt động được tăng lên gấp đôi thì điều đó cũng không giúp ích được nhiều. Kênh đào Panama xây dựng vào năm 1904. Mục đích duy nhất khi ấy không phải phục vụ hoạt động thương mại mang quy mô toàn cầu hiện nay, mà là đáp ứng nhu cầu qua lại nhanh chóng và thuận tiện của tàu hải quân Mỹ giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Một mưu đồ chiến lược quân sự của Mỹ”, ông Martynov nói.
Tổng thống Nicaragua là người nhiệt thành ủng hộ dự án. Ông đã nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ của Quốc hội trong khi phe đối lập trong nước tỏ ra bất bình với quyết định vội vàng này. Nhưng xét về triển vọng, kênh đào Nicaragua thực sự hấp dẫn về mặt kinh tế cũng như chính trị đối với quốc gia nghèo nhất châu Mỹ Latinh này.
Kênh đào Nicaragua sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của kênh đào Panama. Theo các chuyên gia, kênh đào mới có khả năng đáp ứng 5% giao thông hàng hải toàn cầu và vì thế công ty của Hong Kong sẵn sàng trở thành nhà đầu tư chính. Nhưng cũng vì thế mà dự án này sẽ mang theo nhiều rủi ro chính trị, bởi vì Mỹ không dễ dàng chịu để mất quyền kiểm soát khu vực.
Theo ước tính, tổng chi phí xây dựng 286 km kênh đào sẽ vào khoảng 40 tỷ USD. Trong mười năm đầu, HK Nicaragua Development Investment sẽ thanh toán cho chính phủ nước này 10 triệu USD mỗi năm. Sau 50 năm, kênh đào cùng toàn bộ các cơ sở hạ tầng sẽ được giao lại cho chính phủ Nicaragua. Rõ ràng, Trung Quốc “đặt bẫy” dưới kênh đào Panama của Mỹ bởi vì không phải sau nửa thế kỷ Bắc Kinh sẽ nhượng lại cho ai đó quyền kiểm soát.
Theo Báo Tin tức/Đài tiếng nói nước Nga
Video đang HOT
Doanh nhân Trung Quốc đứng sau kênh đào 40 tỷ đô xuyên Nicaragua
Trong nhiều năm, con người đã mơ ước xây dựng một kênh đào xuyên Nicaragua, chinh phục vùng đất nhiều núi lửa và rừng nhiệt đới và phá vỡ thế độc quyền của Panama về thương mại hàng hải toàn cầu.
Doanh nhân Wang Jing tại trụ sở công ty ở Bắc Kinh.
Giờ đây, giấc mơ đó đã tiến một bước gần hơn tới hiện thực khi một doanh nhân Trung Quốc công bố lộ trình cho kênh đào dài 270km, trị giá gần 40 tỷ USD từ Thái Bình Dương sang biển Caribê.
Nếu doanh nhân Wang Jing thành công, dự án sẽ được xếp là một trong những kỳ công kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử.
Tại trụ sở công ty viễn thông tại một khu công nghiệp ở phía bắc Bắc Kinh, ông Wang, 40 tuổi, tỏ ra rất tin tưởng rằng dự án sẽ thành công.
"Tôi tin chắc 100% rằng việc thi công sẽ bắt đầu vào tháng 12/2014 và chúng tôi sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm vào năm 2019", ông Wang nói.
Doanh nhân trên nói thêm rằng mặc dù đánh giá về tính khả khi vẫn đang diễn ra, nhưng khung của dự án đã được ấn định. "Sẽ chỉ có những thay đổi nhỏ chứ không có thay đổi lớn", ông Wang quả quyết.
Ảnh hưởng tới môi trường và thách thức thiết kế
Mô phỏng đường đi của kênh đào xuyên Nicaragua.
Theo kênh đào mới, các tàu sẽ đi từ cảng Brito ở bên bờ Thái Bình Dương, vượt qua hồ hồ nước ngọt Nicaragua rộng lớn, qua sân bay Morrito trước khi đi xuyên vùng rừng để tới Bluefields, một cảng nằm trên bờ biển Mosquito ở miền đông Nicaragua.
Tiết lộ về lộ trình trên nhiều khả năng sẽ gây thất vọng cho các nhà môi trường, từng phàn nàn rằng hồ Nicaragua - vốn bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải - sẽ bị tổn hại hơn nữa bởi sự di chuyển của các tàu chở dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ông Wang nói rằng ông đặt việc bảo vệ môi trường là trung tâm của dự án.
"Rõ ràng hồ Nicaragua là "hồ mẹ" của Nicaragua, cũng giống như sông Hoàng Hà tại Trung Quốc. Vì vậy, việc bảo vệ hồ này là trọng tâm trong báo cáo tính khả thi của chúng tôi", ông nói.
Dự án đã khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Ông Wang không có kinh nghiệm về thi công các dự án hạ tầng quy mô. Thách thức thiết kế là rất lớn, khi độ cao của thủy triều ở hai bên bờ biển khác nhau tới 6m. Và Nicaragua không phải là một quốc gia đầu tư an toàn, khiến việc huy động những khoản tiền lớn trở nên khó khăn.
Ông Wang cho hay ông sẽ công bố các nhà đầu tư trong 2 tháng tới, nhưng nói thêm rằng tất cả các khoản đầu tư cần thiết đến từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. "Các nhà đầu tư của chúng tôi là các ngân hàng uy tín và các tổ chức lớn khác. Họ là các nhà đầu tư hạng nhất", ông nói.
Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB), được chính phủ Trung Quốc giao nhiệm vụ cho vay đối với các dự án hạ tầng lớn ở trong cũng như ngoài nước, đã cấp cho công ty viễn thông Xinwei của ông Wang 12 tỷ nhân dân tệ (1,95 tỷ USD) trong năm 2011 để mở rộng kinh doanh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ông này từ chối tiết lộ liệu CDB có tham gia dự án Nicaragua hay không. "Liệu đó có phải là CDB hay các ngân hàng khác không có gì khác nhau. Đó đều là các thể chế tài chính. Sẽ không liên quan tới chính trị", ông nói.
Liên quan tới chính phủ Trung Quốc?
Các bức tường bên trong công ty viễn thông của ông Wang treo đầy ảnh các lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Phòng họp của ông treo một bức tranh lớn của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông và văn phòng của ông cũng trưng bày hàng chục mô hình xe tăng quân đội, máy bay, máy phóng rocket và các vệ tinh của Trung Quốc. Nhưng ông Wang khẳng định rằng ông không có liên hệ gì với chính phủ.
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega (trái) bắt tay với ông Wang trong lễ ký thỏa thuận khung về xây dựng kênh đào hôm 14/6.
"Không có sự tham gia nào của chính phủ Trung Quốc, không có chỉ đạo nào. Số tiền mà chúng tôi đã bỏ ra cho tới nay hoàn toàn là tiền riêng của tôi", ông Wang nói.
Mặc dù ông Wang khẳng định không có nhân tố chính trị trong dự án, nhưng chính phủ Panama cho rằng Mỹ - vốn xây dựng kênh đào Panama và kiểm soát nó cho đến năm 1999 - sẽ không dễ gì phục tùng ý đồ của một đối thủ Trung Quốc.
"Tôi không nghĩ rằng người Mỹ sẽ vui vẻ khi người Trung Quốc có một kênh đào đi qua Trung Mỹ", Ngoại trưởng Panama Fernando Nunez Fabrega nói.
Nhưng ông Fabrega nói thêm, Panama nghi ngờ rằng kênh đào qua Nicaragua sẽ được xây dựng chỉ để cạnh tranh với lộ trình đã được thiết lập. "Chúng tôi chưa bao giờ xem dự án mang tính nghiêm túc", ông nói.
"Chúng tôi đã chi 5,2 tỷ USD để nâng gấp đôi công suất của kênh đào Panama, vì vậy bất kỳ ai mới bắt đầu cũng gặp khó khăn vào thời điểm này", Ngoại trưởng Fabrega nói thêm.
Tuy nhiên, ông Wang đã đáp trả các thông tin nói rằng ông chưa chuẩn bị cho công việc đồ sộ.
"Bạn có thể không tin, nhưng tôi đã 41 tuổi và chưa từng sở hữu điện thoại di động. Tôi chẳng có cái nào bên mình lúc này, nhưng tôi lại điều hành một công ty viễn thông. Sự thật là tôi không có kinh nghiệm gì về viễn thông cho tới khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này vào năm 2009. Tôi là người nhìn ra phương hướng", ông Wang tự tin nói.
Ông Wang đã nói chi tiết về kế hoạch trong 1 năm rưỡi tới cho tới khi công tác khởi công kênh đào diễn ra. Ông thừa nhận đó là "một dự án lớn", đặc biệt khi Nicaragua không phải là một quốc gia phát triển.
Theo ông Wang, 5.000 người đang tham gia việc nghiên cứu tính khả thi của dự án kênh đào. Doanh nhân này cũng thuê một loạt các công ty luật quốc tế để bảo vệ hợp đồng thuê kênh đào trong thời hạn 100 năm nhằm đề phòng sự thay đổi chính trị tại Nicaragua.
Ý tưởng về một kênh đào xuyên Nicaragua đã xuất hiện từ năm 1567, khi vua Felipe II của Tây Ban Nha yêu cầu tiến hành một cuộc khảo sát. Giấc mơ này đã bị lãng quên trong nhiều năm. Nhưng với việc nhiều tàu chở dầu cực lớn ngày nay trở lên quá to đối với kênh đào Panama và các nguồn khí đốt dự trữ dồi dào tại Mỹ đang tìm đường xuất khẩu sang châu Á, ý tưởng về kênh đào đã được hồi sinh.
Ông Wang đã tình cờ đọc được lịch sử của kênh đào trong khi chuẩn bị một đơn thầu viễn thông cho chính phủ Nicaragua. Kênh đào đã hấp dẫn Wang và ông đã đưa ra đề xuất xây dựng nó.
"Họ luôn mơ nước một kênh đào trong hàng trăm năm qua và bất ngờ một người Trung Quốc xuất hiện và nói ông ấy có một kế hoạch. Vì vậy họ rất bất ngờ", ông Wang nói.
An Bình
Theo Dantri
Panama sẽ thả tàu Triều Tiên chở vũ khí Các thủy thủ và tàu hàng Chong Chon Gang của Triều Tiên, bị bắt tại Panama hồi tháng 7 vì chở vũ khí không khai báo của Cuba, sẽ sớm được phóng thích, Ngoại trưởng Panama hôm thứ Năm tuyên bố. Các vũ khí được tìm thấy trên tàu Triều Tiên. Việc phóng thích tàu Chong Chon Gang và thủy thủ đoàn sẽ...