Trung Quốc có thể đang xây đường băng trên bãi đá Subi
Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây một đường băng trên bãi đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong bối cảnh hoạt động cải tạo và xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông diễn ra với tốc độ chưa từng thấy.
Hình ảnh bãi đá Subi với dải đất dài hơn 3.000 m chụp từ vệ tinh. Ảnh: Airbus Defense & Space/Digital Globe.
Các hình ảnh độ phân giải cao chụp từ vệ tinh hôm 17/4 cho thấy chỉ trong 10 tuần, Trung Quốc đã xây một hòn đảo trên bãi đá Subi, The Diplomatđưa tin. Kích thước và hình dạng dải đất phù hợp một đường băng dài 3.300 m, tương đương với độ dài đường băng Bắc Kinh đang xây trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bãi đá Chữ Thập bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988. Diện tích nơi này đã tăng hơn 11 lần và bị biến thành “đảo” lớn nhất Trường Sa.
Giới phân tích quân sự nhận định đường băng dài 3.300 m có thể hỗ trợ tất cả các loại chiến đấu cơ và máy bay hỗ trợ của hải quân cũng như không quân Trung Quốc.
Hình ảnh chụp ngày 6/2 cho thấy chỉ có hai khu vực nhỏ có hoạt động hút bùn đắp đất trên bãi đá Subi. Đến ngày 17/4, diện tích đắp đất tại đây tăng lên 2,27 km2, tương đương với hòn đảo hình thành nhanh chóng trên bãi đá Chữ Thập với diện tích ước tính 2,65 km2.
Một điểm khác biệt đáng chú ý trong hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại hai bãi đá trên là trên đá Chữ Thập có một cảng cỡ lỡn cùng một đường băng/đường lăn đang hình thành. Hiện chưa có cơ sở hải quân nào xuất hiện trên bãi Subi. Tuy nhiên, một kênh đào ở rìa phía nam bãi đá đang được mở rộng và gần hoàn thành, cho phép xây dựng một cầu cảng. Ngoài ra, hoạt động đắp đất liên tục ở phía nam Subi có thể nhằm thiết lập các bến cảng.
Hình ảnh vệ tinh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: DigitalGlobe.
Bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, cũng là khu vực Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất nhanh chóng. Bãi đá được đắp cát và san hô, mở rộng diện tích lên 2,42 km2 tính đến ngày 13/4 dù trước đó vài tháng nơi này hoàn toàn ngập nước.
Video đang HOT
Khu vực tây nam Bãi đá Vành Khăn chụp từ vệ tinh. Ảnh: DigitalGlobe.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có ít nhất 23 máy hút bùn đang hoạt động tại Vành Khăn hôm 13/4 cùng ít nhất 20 tàu xây dựng liên quan trong vũng gần đó. Ngoài ra, nơi này còn có 28 xe trộn/vận chuyển bê tông, hàng chục xe tải lớn và máy xúc.
Phía bắc Bãi đá Vành Khăn. Ảnh: DigitalGlobe.
Trung Quốc cũng mở rộng đắp đất ở rìa phía bắc đá Vành Khăn với không gian đủ rộng để xây đường băng hạ cánh dài hơn 3.000 m. Một khu vực rộng ở phía nam bãi đá đã được cải tạo chỉ trong vòng 8 tuần.
Đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo, có khả năng cao là dùng cho mục đích quân sự trong tương lai.
Vị trí 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo đất. Đồ họa: The Diplomat.
Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và là tuyến hàng hải quan trọng, từ lâu đã trở thành điểm nóng tiềm ẩn xung đột. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích khu vực này, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Việt Nam nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký năm 2002.
Như Tâm
Theo VNE
Trung Quốc tăng tốc cải tạo đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và xây dựng tại các đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 17/4 cho thấy, trong khoảng 10 tuần Trung Quốc đã xây đảo trên đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Kích thước và hình dạng của khu vực đất được bồi đắp cho thấy Trung Quốc có khả năng xây dựng đường băng dài 3.300 m, tương tự đường băng đang được mở tại đá Chữ Thập.
Cho đến ngày 6/2, ảnh vệ tinh chỉ phát hiện hai khu vực nạo vét và bồi đắp nhỏ tại đá Xu Bi. Tới ngày 17/4, hoạt động bồi đắp ở đá Xu Bi đã mở rộng lên tới 2,27 km2, gần tương đương hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên đá Chữ Thập.
Điểm khác biệt giữa hoạt động cải tạo ở hai đá là Trung Quốc đang xây cảng và đường lăn tại đá Chữ Thập. Trong khi đó, chưa có dấu hiệu về trang thiết bị xây cảng trong ảnh vệ tinh chụp đá Xu Bi. Tuy nhiên, Trung Quốc có dấu hiệu mở rộng bồi đắp ở mép phía Nam của đá Xu Bi, có thể nhằm xây cảng cho tàu chiến.
So sánh hoạt động xây dựng tại đá Chữ Thập của Trung Quốc hồi tháng hai với tháng 4.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh cải tạo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã lấp cát và san hô cành để bồi đắp khu vực có diện tích khoảng 2,42 km2, cho đến ngày 13/4. Trước đó vài tháng, đá này gần như không địa hình trên mặt nước. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy ít nhất 23 tàu hút bùn hoạt động ở đá Vành Khăn ngày 13/4, cùng ít nhất 20 tàu hỗ trợ xây dựng, 28 xe chở hoặc trộn bê tông, hàng chục xe tải cỡ lớn và nhiều máy đào.
Trung Quốc đang mở rộng bồi đắp tại mép phía bắc của đá Vành Khăn. Chuyên gia cho rằng địa hình đá sau khi bị Bắc Kinh thay đổi nguyên trạng cũng có thể trở thành nơi xây dựng đường băng dài hơn 3.000 m.
Tại mép phía nam của đá Vành Khăn, Trung Quốc đã bồi đắp xong một khu vực lớn chỉ trong 8 tuần.
Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất trên 7 bãi đá tại quần đảo Trường S của Việt Nam.
Bắc Kinh hồi đầu tháng 4 tuyên bố sẽ sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này đang xây dưng trai phep trên Biển Đông để "phòng vệ quân sự và cung cấp dịch vụ dân sự có lợi cho các nước xung quanh".
Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa và tuyên bố "mọi hoạt động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị".
Ảnh: Victor Robert Lee/Digital Globe
Phương Vũ
Theo The Diplomat
Quá trình Trung Quốc cải tạo ồ ạt trên Đá Chữ Thập Từ một tiền đồn chỉ rộng hơn 1.000 m2, hiện nay diện tích đất mà Trung Quốc cải tạo phi pháp trên Đá Chữ Thập đã lên tới 900.000 m2, đủ lớn để Bắc Kinh xây dựng trên đó đường băng, bến cảng cùng nhiều công trình quân sự và dân sự khác. Hình ảnh vệ tinh công bố hôm 23/3 cho thấy...