Trung Quốc chìa ‘gậy và cà rốt’ cho láng giềng
Qua những tuyên bố về các khoản đầu tư khổng lồ mới đây, Bắc Kinh cho thấy chiến lược rõ ràng: mang lại lợi ích cho các nước thân thiết và trừng phạt những bên phản đối tuyên bố chủ quyền của họ tại những vùng đang là điểm nóng tranh cãi.
Con đường Tơ lụa dự kiến của Trung Quốc. Đồ họa: WSJ
Theo Wall Street Journal, 6 tháng sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bắc Kinh nay trở lại “mời chào” Đông Nam Á với những cam kết đầu tư và kinh doanh mới. Đây là một phần trong chiến lược cây gậy và củ cà rốt của nước này trong cuộc chơi tranh giành kiểm soát ở Biển Đông.
Trung Quốc là cung cấp lợi ích cho các nước thân thiết và tìm cách trừng phạt những bên công khai phản đối tuyên bố chủ quyền vô lý của họ trên gần như toàn bộ Biển Đông. Một khoản đầu tư khác, vào Con đường Tơ lụa trên bộ, hướng về Trung Á, cũng là một cách kéo các láng giềng phía tây lại gần và ủng hộ cho Bắc Kinh.
Theo các học giả an ninh, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình tỏ rõ vị thế và hành động quyết đoán hơn, chẳng hạn như cách xử lý trong vấn đề trên biển với Việt Nam và Philippines, đã đẩy nước này tới thế căng thẳng với nhiều láng giềng. Nhưng các biện pháp mạnh tay của Trung Quốc cũng đồng thời là phép thử để xem Mỹ cương quyết đến đâu trong chiến lược xoay trục về châu Á.
Các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, một là chấp nhận tham vọng trở thành cường quốc thống trị châu Á của Bắc Kinh và nắm lấy lợi ích kinh tế kèm theo, hai là cương quyết giữ nguyên tuyên bố chủ quyền và đối đầu Bắc Kinh, trong lúc các nước khác trong khu vực và Mỹ không cam đoan sẽ ủng hộ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12/11 đạt được hai thỏa thuận nhằm ngăn chặn đối đầu vũ trang ở châu Á, gồm thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự lớn như tập trận, và nhất trí về các quy tắc ứng xử trên biển và trên không.
Thỏa thuận giữa ông Obama và ông Tập cho thấy “con lắc đã vung về phía hợp tác nhiều hơn” với Trung Quốc, Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila cho biết.
Heydarian cho rằng thỏa thuận này “đẩy Philippines vào thế khó xử”, vì Manila lâu nay vẫn đang tìm kiếm một cam kết rõ ràng hơn từ Mỹ rằng Washington sẽ bảo vệ Manila nếu nước này xung đột với Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Không ai dự đoán được Chủ tịch Trung Quốc sẽ có thể đối phó cường độ cao như vậy với nhiều quốc gia trong cùng một lúc”, Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết.
Chiến lược của ông Tập là hy vọng rằng qua một thời gian, các nước sẽ nhận ra “Trung Quốc là bên mang đến lợi ích kinh tế và thế lực của Mỹ tại khu vực vẫn còn là điều đáng nghi ngờ. Các quốc gia sẽ nhận ra họ bắt buộc phải điều chỉnh để phù hợp với lợi ích của Trung Quốc”, bà nói.
Kể từ vài năm qua, Trung Quốc bắt đầu sử dụng sức mạnh kinh tế để “lấy lòng” các nước láng giềng còn hoài nghi. Tại Indonesia một năm trước, ông Tập vạch ra tham vọng làm sống lại “Con đường tơ lụa thế kỷ 21″, trên biển, một tuyến đường thương mại sẽ được đầu tư hàng tỷ USD. Theo Christopher Len, nghiên cứu sinh về tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, kế hoạch thiết lập Con đường Tơ lụa trên biển nhằm giảm bớt lo ngại của các quốc gia nhỏ hơn. Bắc Kinh muốn nhấn mạnh lợi ích các nước khác sẽ đạt được khi giao dịch với mình.
Trung Quốc cũng khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á với tư cách là cổ đông lớn nhất. Trong khi đó, Mỹ cho rằng mục đích chủ yếu của thể chế này chỉ nhằm làm lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế lớn của châu Á hiện chưa đồng ý tham gia.
Video đang HOT
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy giao dịch thương mại của nước này với nhiều quốc gia khác trong khu vực đang tăng trưởng nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều với Malaysia năm ngoái lần đầu tiên vượt qua mức 100 tỷ USD. Trung Quốc cũng là bạn hàng quan trọng với Việt Nam. Bất chấp căng thẳng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông, thương mại hai chiều Việt – Trung trong 10 tháng đầu năm vẫn tăng 22% so với năm ngoái.
Thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Đồ họa: WSJ
Những “chặng” đầu tiên trong Con đường Tơ lụa của Trung Quốc dẫn đến cảng Kuantan, đông Malaysia, nơi một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang cấp vốn để mở rộng cảng và phát triển một khu công nghiệp gần đó.
Tập đoàn Cảng Quốc tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây của Trung Quốc sở hữu 40% cảng và một công ty con. Doanh nghiệp trong tháng này sẽ xây dựng một nhà máy thép trị giá 1 tỷ USD tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, liệu khoản đầu tư này có đem đến cho Bắc Kinh mối quan hệ hữu hảo với các bên tranh chấp tại Biển Đông hay không còn là điều chưa rõ ràng.
“Đặc biệt là tại Đông Nam Á, làm sao các nước có thể chịu bị xem là yếu thế hoặc chịu ‘cúi đầu khúm núm’ trước đống tiền?”, Zha Daojiong, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh nhận xét.
Ông nói thêm rằng ngoài mục đích xoa dịu lo lắng từ các nước láng giềng, những giao dịch thương mại mới của Trung Quốc trong khu vực cũng phục vụ lợi ích cho chính nước này, chẳng hạn như tạo ra thị trường mới cho các công ty trong ngành công nghiệp nặng như luyện kim.
Bà Glaser của CSIS bình luận rằng Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội hiếm có để thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc thế giới.
“Mỹ đang bị phân tâm bởi tình hình Ukraine và Trung Đông”, bà nói, “Việc nhận ra những bất lợi của Mỹ đã mở ra cánh cửa cho Trung Quốc”.
Phương Vũ
Theo WSJ
Cây gậy của Kim Jong-un và sự cởi mở thông tin ở Triều Tiên
Việc truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố ảnh ông Kim Jong-un chống gậy đi thị sát sau 40 ngày vắng mặt có thể nhằm khẳng định quyền lực của nhà lãnh đạo, nâng tầm hình ảnh của ông, và là một minh chứng cho sự thay đổi của nước này.
Lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một khu liên hợp ở Triều Tiên. Hình ảnh được tờ báo chính thức của Đảng Lao động nước này đăng tải vào hôm qua. Ảnh: AFP
Truyền thông Triều Tiên đầu tuần này đăng ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm một khu liên hợp tại nước này, đánh dấu sự xuất hiện trở lại sau 40 ngày vắng mặt trước công chúng. Các hình ảnh cho thấy ông Kim phải sử dụng gậy chống khi di chuyển.
Việc ông Kim Jong-un không xuất hiện trong các sự kiện quan trọng trong 40 ngày trước đó đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông, cũng như khả năng có thay đổi trong bộ máy quyền lực tại Bình Nhưỡng.
"Bằng cách xuất hiện trở lại, ông Kim muốn cho cả thế giới biết ông vẫn còn điều hành nhà nước", Washington Post dẫn lời Koh Yoo-hwan, một giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul, cho biết.
Theo ông John Delury, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei, Seoul, trong khi cây gậy là một sự thừa nhận thẳng thắn về vấn đề sức khỏe của ông Kim, nó cũng là một cách khéo léo để biến điểm yếu thành lợi thế. Việc lựa chọn cây gậy còn mang ý nghĩa về tuổi tác và sự khôn ngoan, khác với việc dùng xe lăn hoặc nạng.
Ông Kim Jong-un sinh năm 1983. Khi ông lên nắm quyền gần ba năm trước, truyền thông nước này cố gắng nhấn mạnh tuổi đời còn trẻ của ông là minh chứng cho sức mạnh.
"Bây giờ, họ có một vấn đề rằng một người mới ngoài 30 tuổi lại bước đi khập khiễng, vì vậy, họ biến nó thành một cách để chứng tỏ ông Kim phải hy sinh cho dân tộc. Đồng thời, nó cũng thể hiện nhà lãnh đạo trẻ đang ngày càng chín chắn, vì cây gậy là vật dụng biểu tượng cho một quý ông".
Điều đó khiến Kim Jong-un mang dáng dấp như cha và ông nội mình, những người được truyền thông nước này miêu tả là các nhà lãnh đạo qua đời khi đang cống hiến tận tụy cho đất nước. Cây gậy còn khiến nhà lãnh đạo trẻ thêm phần sang trọng.
Kim Yong Hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Seoul cũng đồng ý rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể muốn biến cây gậy thành một biểu tượng thể hiện rằng ông đặt hạnh phúc của người dân lên trước bản thân.
"Ông Kim đang chứng tỏ nếu ông ấy vẫn đủ khỏe mạnh để ra ngoài gặp gỡ người dân, ông không ngại chống gậy khi di chuyển. Ông Kim cũng muốn nhanh chóng dập tắt những tin đồn về quyền lực của mình, bằng cách tái xuất trước khi hồi phục hoàn toàn", Bloomberg dẫn lời giáo sư Kim.
"Những người dân thường sẽ thấy ông gần gũi hơn và thông cảm cho ông", Daniel Pinkston, nhà phân tích Triều Tiên tại Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, cho biết. Bộ máy tuyên truyền nước này có thể sử dụng sự tái xuất của ông làm bằng chứng cho thấy rằng ngay cả những nhà lãnh đạo cũng phải đối mặt với thách thức, và ông Kim đã chiến thắng chúng.
Theo Pinkston, các bức ảnh cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa ông Kim và cha mình. "Cha ông luôn giữ khoảng cách với cấp dưới, nhưng Kim Jong-un lại bắt tay, quàng vai, vỗ lưng các nhân viên. Ông ấy có phong cách giống như Bill Clinton hay Tony Blair", ông nhận định.
Sự trở lại của Kim Jong-un cũng gửi một thông điệp rất quan trọng từ Bình Nhưỡng đến thế giới.
"Đây là một minh chứng cho quyền lực mạnh mẽ của ông Kim. Nó bền vững hơn những gì các nhà quan sát nghĩ", Wall Street Journal dẫn lời Peter Beck, một chuyên gia kỳ cựu về Triều Tiên tại Học viện Thế giới quan mới ở Seoul, cho biết. "Việc không có gì xảy ra khi ông Kim vắng mặt đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải suy nghĩ lại về quan điểm cho rằng Triều Tiên không ổn định", ông nói.
Thay đổi dưới thời Kim Jong-un
Sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện trở lại trước công chúng còn thể hiện rằng đất nước bí ẩn này đang ngày càng minh bạch về thông tin hơn dưới thời ông Kim Jong-un.
Việc truyền thông nước này đăng ảnh ông chống gậy khi thị sát là một sự thay đổi lớn, vì bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên vốn luôn miêu tả Kim Jong-un, cha và ông nội của ông là "vô cùng khỏe mạnh". Trong quá khứ, điều này có nghĩa là báo giới không được đưa tin các nhà lãnh đạo lâm bệnh. Khi truyền thông phương Tây cho rằng cố Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-il bị đột quỵ vào năm 2008, báo giới nước này chưa bao giờ thừa nhận điều đó, họ chỉ công bố hình ảnh khi ông hoàn toàn khỏe mạnh. Cố chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong-un, cũng luôn cẩn thận khi chụp ảnh.
Theo Lim Byung-cheol, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa bao giờ đăng ảnh ông Kim Jong-il hay ông Kim Il-sung dùng gậy hoặc nạng.
Một ví dụ khác về sự cởi mở về thông tin của Triều Tiên là cuộc thanh trừng công khai chú rể của lãnh đạo Kim Jong-un, ông Jang Song-thaek hồi tháng 12/2012. KCNA và Rodong Sinmun ngày 9/12/2013 công bố một loạt các tội danh của ông Jang. Cùng ngày, truyền hình nước này còn phát những hình ảnh khi ông Jang bị bắt tại một cuộc họp đảng. Vài ngày sau đó, truyền thông Triều Tiên đưa tin ông Jang bị xét xử bởi tòa án quân sự đặc biệt của Bộ An ninh và đã thừa nhận tất cả tội danh. Sau đó, ông Jang bị kết án và xử tử.
Andrei Lankov, một chuyên gia người Nga về Triều Tiên, vào thời điểm đó đã khẳng định việc công khai vụ xét xử ông Jang là "chưa có tiền lệ trong lịch sử Triều Tiên". Ông Lankov giải thích rằng "kể từ cuối những năm 1950, tất cả các cuộc thanh trừng ở nước này đều được thực hiện bí mật, truyền thông không đề cập trực tiếp và chỉ nhắc đến vụ việc rất lâu sau khi nó xảy ra. Ngay cả vào đầu những 1950, khi việc thanh trừng quan chức Triều Tiên được công khai, báo giới nước này cũng chỉ đưa ra những bài tin ngắn gọn với rất ít chi tiết. Việc công khai xử lý ông Jang thật sự chưa có tiền lệ".
Hồi tháng 4/2012, Triều Tiên phóng một vệ tinh bằng tên lửa tầm xa để kỷ niệm một trăm năm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Il-sung. Bình Nhưỡng sau đó thông báo vệ tinh không bay vào quỹ đạo được định trước. Theo New York Times, đây là lần đầu tiên chính quyền của ông Kim Jong-un thừa nhận thất bại trong một vụ phóng tên lửa tầm xa.
Tương tự, khi một tòa nhà chung cư 23 tầng bị sập ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5, Triều Tiên thừa nhận rằng nó được "xây dựng cẩu thả" và "giới giám sát công trình vô trách nhiệm trong công việc". Một ngày sau khi vụ việc xảy ra, báo giới nước này đăng ảnh các quan chức "cúi rạp người xin lỗi" một đám đông người dân tại công trường xây dựng. Đây là một trong vài lần hiếm hoi truyền thông Triều Tiên đưa tin về sự kiện có tính chất tiêu cực.
Bình Nhưỡng gần đây còn thừa nhận nước này có "trại cải tạo lao động", mặc dù mô tả nó khá khác với lời kể của những người trốn khỏi nước này. Triều Tiên cũng bắt đầu tham gia với Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền, mặc dù theo cách hạn chế nhất.
Ngoài ra, trong khi ông Kim Jong-il khá kín đáo về cuộc sống cá nhân, ông Kim Jong-un đã công khai vợ ông, phu nhân Ri Sol-ju, chưa đầy một năm sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
"Bình Nhưỡng có dấu hiệu cởi mở hơn, ít bí ẩn hơn", ông Delury nhận xét.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, sự minh bạch trong thông tin này không thể hiện sự thay đổi trong chính quyền, mà là trong xã hội nước này. Nhiều người dân Triều Tiên hiện có thể truy cập tin tức và thông tin từ các nguồn nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nơi khác. Bình Nhưỡng nhận ra rằng công dân nước mình sẽ được biết về các sự kiện quan trọng như một vụ phóng tên lửa thất bại hay ông Kim Jong-un bị ốm. Do đó, họ tự công khai những thông tin này theo cách họ muốn cho người dân Triều Tiên, thay vì để báo nước ngoài làm điều đó.
Phương Vũ
Theo VNE
Quân đội Trung Quốc đã quá suy yếu vì tham nhũng? Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước châu Á liên quan đến chủ quyền biển đảo đang ngày một gia tăng, không ít sỹ quan quân đội Trung Quốc đang tỏ ra hoài nghi về khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội do nạn tham nhũng tràn lan. Những tháng gần đây, một loạt bài viết trên...