Trung Quốc chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ ‘dối trá’
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi “toàn nói những lời dối trá” sau khi bà kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh.
“Một số nhận xét của những người Mỹ đầy dối trá và sai lệch”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay. “Các chính trị gia Mỹ nên ngừng sử dụng hoạt động Olympic để chơi trò chính trị hèn hạ hoặc sử dụng cái gọi là vấn đề nhân quyền như cái cớ để bôi nhọ và vu khống Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 18/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc .
Bình luận được đưa ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi các nhà ngoại giao nước này và lãnh đạo thế giới tẩy chay Olympic Mùa Đông ở Bắc Kinh, dự kiến diễn ra tháng 2/2022.
“Chúng ta đừng tôn vinh chính phủ Trung Quốc theo cách để nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc. Đối với các nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc diệt chủng đang diễn ra, thực sự đặt câu hỏi liệu các ngài còn tư cách đạo đức nào để tiếp tục nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới?”, bà nói.
Các nhóm nhân quyền cho biết ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác bị giam trong các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Bắc Kinh mô tả đó là những trung tâm đào tạo nghề để tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan, đồng thời bác bỏ cáo buộc ngược đãi và diệt chủng.
Vấn đề Tân Cương khiến Thế vận hội Mùa Đông tại Bắc Kinh đang bị các nghị sĩ Mỹ kêu gọi tẩy chay hoặc thay đổi địa điểm tổ chức. Trung Quốc lên án những kêu gọi tẩy chay, gọi đó là động thái chính trị hóa thể thao.
Video đang HOT
Phản ứng về phát biểu của bà Pelosi, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu nói những nỗ lực của Mỹ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc tại Thế vận hội chắc chắn sẽ thất bại.
“Tôi tự hỏi điều gì khiến một số chính trị gia Mỹ nghĩ họ thực sự có cái gọi là tư cách đạo đức? Về các vấn đề nhân quyền, họ không có tư cách gì, kể cả trong lịch sử hay hiện tại, để đưa ra những chỉ trích vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc”, Liu nói.
Dù các nghị sĩ liên tục hối thúc, Nhà Trắng của Tổng thống Joe Biden quyết định không tẩy chay Olympic. Những người ủng hộ Mỹ thi đấu tại Thế vận hội ở Bắc Kinh cũng cho rằng sẽ không công bằng nếu trừng phạt các vận động viên, và Thế vận hội sẽ là cơ hội để Mỹ thể hiện sức sống trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng sau khi phục hồi từ đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang coi Olympic như cơ hội để thể hiện sức mạnh kinh tế và ngoại giao trên trường quốc tế.
Mỹ dẫn đầu cuộc tẩy chay Thế vận hội Moskva năm 1980 để phản ứng việc Liên Xô can thiệp Afghanistan. 4 năm sau đó, Liên Xô bỏ qua Thế vận hội Mùa hè ở Los Angeles để trả đũa.
Trung Quốc thách Phó thủ tướng Nhật uống nước thải Fukushima
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Phó thủ tướng Nhật uống nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima để chứng minh độ an toàn.
"Một quan chức Nhật nói rằng uống nước này cũng chẳng sao. Thế thì ông hãy uống đi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14/4. "Đại dương không phải thùng rác của Nhật".
Ông Triệu cũng đăng một thông điệp tương tự bằng tiếng Anh trên tài khoản Twitter.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14/4. Ảnh: Reuters .
Tuyên bố được đưa ra sau khi chính phủ Nhật hôm 13/4 thông báo phê duyệt kế hoạch xả 1,25 triệu tấn nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương. Lượng nước này được thu gom tại nhà máy sau thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 gây ra vụ nổ tại lò phản ứng, gồm nước của hệ thống làm mát nhà máy, nước mưa và nước ngầm bị nhiễm xạ.
Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso cho biết nguồn nước này đã được xử lý, pha loãng sẽ rất an toàn, có thể uống, đồng thời cho rằng Nhật nên xả nước sớm hơn.
Theo kế hoạch, Nhật sẽ bắt đầu xả nước ra đại dương trong hai năm tới. Chính phủ Nhật cho biết nước sẽ được xử lý thêm để loại bỏ các đồng vị phóng xạ nguy hiểm và pha loãng để đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nước uống, dù không thể loại bỏ triti, một dạng phóng xạ của hydro.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ giám sát hoạt động xả nước. Chuyên gia bức xạ cũng trấn an nỗi lo sợ, cho rằng uống nước này chỉ làm tăng lượng bức xạ trong một phút và tritium trong nước sẽ nhanh chóng bị cơ thể đào thải.
Quyết định được đưa ra khi Công ty Điện lực Tokyo, hay còn gọi Tepco, đang dần hết không gian trữ nước tại nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, các nước láng giềng của Nhật là Trung Quốc, Hàn Quốc, cùng ngư dân Nhật và các nhóm khác đều bày tỏ lo lắng về quyết định xả nước thải ra đại dương.
Triệu Lập Kiên hôm 13/4 kêu gọi Nhật Bản "hành động có trách nhiệm", đồng thời bác bỏ ý kiến nói rằng Trung Quốc cũng trải qua tình huống tương tự khi xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ các nhà máy điện ra biển.
Hồ sơ của Trung Quốc cho thấy các nhà máy điện địa phương như Vịnh Daya ở Thâm Quyến cũng thải ra biển lượng lớn tritium. Ông Triệu cho rằng nước từ Fukushima khác với nước mà các nhà máy hạt nhân khác thải ra đại dương.
"Không thể nào có sự so sánh ở đây", ông nói mà không giải thích thêm, trong khi dẫn các trường hợp mắc bệnh Minamata ở Nhật do nước nhiễm thủy ngân sau khi một công ty hóa chất xả ra biển vào giữa thế kỷ 20, kêu gọi Tokyo đừng "quên thảm kịch này".
Hiện chưa rõ lời thách thức của ông Triệu đối với ông Aso có phải theo nghĩa đen, hay bằng cách nào Phó thủ tướng Nhật có thể uống nước nhiễm xạ trước khi nó được pha loãng với nước biển. Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng công khai ăn hải sản đánh bắt ngoài khơi gần nhà máy Fukushia để trấn an người dân.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima và các bể chứa nước đã qua xử lý nhìn từ trên cao hôm 14/2. Ảnh: AFP .
Mỹ ủng hộ Nhật xả nước ở Fukushima, nhưng Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Tokyo phải đạt thỏa thuận với tất cả các nước liên quan trước khi tiến hành. "Trung Quốc có quyền đưa ra các phản ứng tiếp theo", ông Triệu tuyên bố.
Trung Quốc trước đó ra thông cáo chỉ trích kế hoạch xả nước thải của Nhật "cực kỳ vô trách nhiệm" và "sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn cộng đồng quốc tế cũng như lợi ích quan trọng của người dân các nước láng giềng".
Hàn Quốc cũng bày tỏ lo lắng và tìm hiểu khả năng kiện Nhật ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nhật Bản đã "minh bạch về quyết định và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu".
Mỹ ban hành hướng dẫn mới về Đài Loan, Trung Quốc cảnh báo 'đừng đùa với lửa' Trung Quốc yêu cầu Mỹ "đừng đùa với lửa trong vấn đề Đài Loan", phản đối việc Mỹ ban hành hướng dẫn cho phép quan chức nước này gặp gỡ tự do hơn quan chức Đài Loan. Hôm 13/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ...