“Trung Quốc chi tiền mua đồng minh, ủng hộ Bắc Kinh sẽ có thưởng”
Khi Campuchia không còn là Chủ tịch luân phiên ASEAN, nước này vẫn có thể ngăn chặn sự đồng thuận của khối về biển Đông và báo cáo lại cho nhà tài trợ của mình.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
The Phnom Penh Post ngày 12/11 đưa tin, khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN thường niên khai mạc hôm Thứ Tư thì Campuchia đã có được cam kết viện trợ/cho vay hàng trăm triệu USD từ Trung Quốc.
Chưa đầy 1 tuần trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN, nơi dự kiến vấn đề Biển Đông sẽ trở thành điểm nóng, Bắc Kinh đã cam kết cho Phnom Penh vay từ 500 đến 700 triệu USD mỗi năm.
Video đang HOT
Các chuyên gia cho biết, trong một năm Trung Quốc tìm mọi cách chống lại trục châu Á của Hoa Kỳ và căng thẳng nổi lên ở Biển Đông, Bắc Kinh đã dùng tiền để mua cho mình đồng minh quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán của hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc nói với The Phnom Penh Post, các nước láng giềng luôn luôn có thể “kiếm lời từ Trung Quốc trong khoảng thời gian này của năm”, ám chỉ thời điểm trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN – PV.
“Số tiền đó có thể chuyển một thông điệp rằng Trung Quốc là một tay chơi ga lăng cỡ lớn ở Đông Nam Á và sẽ trả giá cao hơn Mỹ. Đó là bài học cho Lào, Myanmar và Singapore rằng ủng hộ Bắc Kinh thì sẽ có thưởng”, ông Thayer bình luận.
The Phnom Penh Post cho biết, trong cuộc họp với ông Tập Cận Bình bên lề diễn đàn APEC, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã hứa sẽ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc “bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ” sau khi Tập Cận bình hứa hẹn các khoản cho vay hàng năm.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất Campuchia, là đối tác trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, trong lĩnh vực tài chính và thương mại của Campuchia. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Campuchia năm 2012 lên tới 10 tỉ USD, một con số đáng kinh ngạc.
Giáo sư Carl Thayer.
“Trong hoạt động đầu tư vốn, Trung Quốc mong đợi các chiến lượ kinh doanh, hỗ trợ kinh tế và ngoại giao không giới hạn”, Peter Tan Keo, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu ASEAN – Hoa Kỳ bình luận.
Sự “hỗ trợ đặc biệt” của Trung Quốc có liên quan đến việc các nước thành viên ASEAN (nhận tiền của Trung Quốc – PV) sẽ phản ứng như thế nào trong các cuộc đàm phán, thảo luận về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã bị đình đốn liên tục lâu nay (do Trung Quốc tìm mọi cách trì hoãn – PV).
Tổng thống Philippines Benigno Aquino trước đó cho biết, ông có kế hoạch đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này vì Bắc Kinh ngày càng hung hăng, bao gồm các hoạt động tuần tra hải quân bất hợp pháp và hạ đặt giàn khoan 981 (bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam – PV).
Nhưng các nhà phân tích nói rằng sẽ không có COC khi Trung Quốc có những nước ủng hộ trung thành sau khi Bắc Kinh nói rằng sẽ chi ra 40 triệu USD cho quỹ Con đường tơ lụa để thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á, nhưng phạm vi quỹ này sẽ không bao gồm Philippines.
Chheang Vannarith, một nhà phân tích từ đại học Leeds bình luận, họ (các nước hưởng lợi từ Trung Quốc) sẽ không để vấn đề Biển Đông làm tổn hại đến mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ như vậy. Và trong khi Campuchia không còn là Chủ tịch luân phiên ASEAN, nước này vẫn có thể ngăn chặn sự đồng thuận của khối về biển Đông và báo cáo lại cho nhà tài trợ của mình.
Ông Carl Thayer thì bình luận, khi cánh cửa phòng hội nghị thượng đỉnh ASEAN khép lại, chỉ có các thành viên khối ngồi với nhau, họ (Campuchia) sẽ báo cáo lại với Trung Quốc. “Để tham gia các trò chơi đa phương, bạn phải có một vài cầu thủ quan trọng bạn có thể kiểm soát. Và Hor Namhong (Ngoại trưởng Campuchia) là một người (gốc?) Trung Quốc”, giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh.
Theo Giáo Dục