‘Trung Quốc chặt cờ Việt Nam ném xuống biển’
Các ngư dân từ hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ gần đây đã về đến đất liền hôm 17/7.
Trả lời BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, thuyền trưởng của một trong hai tàu, ông Võ Tấn Tèo, từ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nói điều kiện sức khỏe của một số thuyền viên “không ổn định cho lắm”, nhưng tâm lý đã được cải thiện đáng kể sau khi gặp lại gia đình.
Tàu cá Việt Nam thường xuyên bị Trung Quốc bắt giữ trong những năm gần đây
Ông cũng kể về khoảnh khắc lúc tàu cá mang số hiệu QNg 94912 TS của ông bị tàu Trung Quốc bắt giữ hôm 3/7.
“Họ thả ghe nhỏ chứa 3,4 người xuống cập vào tàu của tôi”, ông nói.
“Vừa lên tàu, họ chặt cờ Việt Nam ném xuống biển. Tôi thấy vậy phải đem một lá cờ khác trên tàu đi giấu”.
“Họ kiểm tra, lấy hết mọi vật dụng rồi dắt tàu của tôi về”.
Tọa độ bị bắt giữ
Ông Tèo nói vào thời điểm bị bắt, tàu của ông đang cách bờ biển Việt Nam khoảng hơn 100 hải lý.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói những ngư dân này đã “phạm pháp”, khi khai thác trong vùng biển phía nam thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, đồng thời “yêu cầu Việt Nam thực hiện các biện pháp cần thiết, tăng cường kỷ luật và giáo dục ngư dân để ngăn ngừa các vụ việc tương tự diễn ra.”
Video đang HOT
Phía Việt Nam cho biết các tàu này bị bắt khi đang hành nghề trên vùng chồng lấn đang được phân định giữa hai bên ở cửa Vịnh Bắc Bộ.
“Đây là tọa độ mà chúng tôi vẫn đánh bắt bao lâu nay, không hiểu vì sao lần này họ lại bắt chúng tôi,” ông Tèo nói.
Một tuần sau khi bị bắt, lãnh sự quán Việt Nam đã cử đại diện đến gặp các ngư dân tại nơi tạm giữ ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.
“Họ cho mỗi người 1.000 nhân dân tệ để mua thức ăn, rồi động viên nói chúng tôi yên tâm để họ giải quyết”, ông nói.
Hôm 15/7, nhóm sáu người của ông Tèo cùng bảy ngư dân Quảng Bình trên tàu cá QB 93256, bị bắt hồi cuối tháng Sáu, đã được trả về Việt Nam. Tuy nhiên tàu của ông Tèo đã bị tịch thu cùng toàn bộ ngư cụ.
Trả lời BBC hôm 17/7, chủ tàu QNg 94912 TS, ông Võ Đạt, nói tổng thiệt hại là khoảng 1,2 tỷ đồng. “Gia đình tôi như vậy là trắng tay vì lâu nay chỉ sống dựa vào chiếc tàu”, ông Đạt cho biết.
Thuyền trưởng Võ Tấn Tèo nói ông hy vọng sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền để ra khơi trở lại, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hành nghề ở tọa độ từng bị bắt giữ.
“Đó là vùng biển của Việt nam mà ông cha ta đã đánh bắt từ trước đến giờ”, ông nói.
Theo NTD/BBC
Giảng viên trẻ đi bộ xuyên Việt, vượt hành trình dài 1.730 km
Với mong muốn tất cả con em ngư dân được đến trường, bố mẹ yên tâm bám biển, anh Võ Mạnh Tuấn (SN 1987) - giáo viên Trường Trung cấp nghề tỉnh Kon Tum - đã ra Hà Nội để thực hiện chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt gây quỹ từ thiện.
Chiều 17/7, chàng trai trẻ Võ Mạnh Tuấn đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu hành trình đi bộ dài 1.730 km của mình. Điểm đầu xuất phát của Tuấn là khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình, Hà Nội vào sáng ngày 18/7. Nơi dự kiến kết thúc cuộc hành trình bằng đôi chân của chàng thanh niên trẻ tuổi là Dinh Độc lập - TPHCM vào ngày 17/9/2014.
Võ Mạnh Tuấn sinh ra ở thị xã Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi hứng chịu bom đạn tàn khốc trong chiến tranh. Là anh cả trong gia đình 4 anh em, Tuấn thấu hiểu được những nỗi đau của chiến tranh, những khó khăn, vất vả trên quê hương đất mẹ nên anh quyết tu chí, học hành nên người.
Hai năm trước, Tuấn được tuyển dụng vào giảng dạy tại Trường trung cấp nghề tỉnh Kon Tum. Đến nay, anh cũng đã hoàn thành chương trình học Thạc sỹ và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Chàng trai Võ Mạnh Tuấn và ba lô hành lý cồng kềnh chuẩn bị cho chuyến đi bộ xuyên Việt.
Trao đổi với PV Dân trí, Võ Mạnh Tuấn tiết lộ lý do anh này thực hiện chuyến du lịch qua mọi miền đất nước bằng "phương tiện" đôi chân bởi từ năm 2008, Tuấn đã có dịp xem video về trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988.
"Chứng kiến sự hy sinh anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đã hết sức xúc động. Từ đó, bản thân tự thôi thúc mình phải làm một việc gì có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân, xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ trước" - Tuấn tâm sự.
Võ Mạnh Tuấn đã từ Kon Tum ra Hà Nội để thực hiện chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt dài 1.730 km.
Ý tưởng mới manh nha mà chưa thực hiện được khiến Tuấn cảm thấy rất day dứt, áy náy. Tuấn nói rằng: "Sẽ cố gắng thực hiện chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt để kêu gọi sự quan tâm, giúp đỡ của những người có tấm lòng nhân ái đến với những hoàn cảnh trẻ em trên mọi miền đất nước - đây là mong muốn và cũng là nguyện vọng, là động lực để tôi có thêm sức mạnh vượt quan chặng đường gian nan phía trước".
Tuấn cho biết thêm, thời gian vừa qua, đồng bào cả nước đang sục sôi hướng về biển đảo khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Như các công dân yêu nước khác, ý tưởng trong đầu Tuấn lại trỗi dậy và một kế hoạch đã được hoàn chỉnh ngay trong đầu, thôi thúc anh phải thực hiện.
Nội dung xác nhận sự hỗ trợ của tỉnh Đoàn Kon Tum đối với giảng viên trẻ Võ Mạnh Tuấn.
Tuấn chia sẻ: "Với ý nghĩa thiết thực đó, tôi sẽ thực hiện chuyến hành trình đi bộ chinh phục đất nước hình chữ S, qua đó nhằm kêu gọi ủng hộ từ thiện, giúp đỡ những ngư dân cũng như chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa. Đặc biệt là tạo điều kiện cho những trẻ em vùng biển còn nhiều khó khăn được đến trường, được sinh sống, sinh hoạt trong điều kiện phù hợp nhất".
Từ ước vọng của mình, Tuấn đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Tỉnh Đoàn Kon Tum, Ủy ban Hội LHTN Tỉnh Kon Tum. Để ủng hộ Tuấn, hai đơn vị này đã lập ra một chương trình từ thiện với tên gọi: "Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi" nhằm kêu gọi đồng bào cả nước hưởng ứng cuộc vận động thiết thực do Tuấn đề xuất.
Hành trình đi bộ xuyên Việt của Tuấn dự kiến sẽ bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 19/7. Sau khi dự lễ chào cờ tại Lăng Bác, Tuấn sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, mỗi ngày Tuấn sẽ đi bộ khoảng từ 30 - 40 cây số tùy thuộc vào thời tiết rồi tạm nghỉ.
Tuấn cho rằng: "Mặc dù việc làm của tôi hết sức nhỏ bé, chưa thể đóng góp được gì cho đất nước, nhưng đằng sau luôn có những người thân, bạn bè dõi theo mình. Thậm chí, có những người chưa từng quen biết vẫn gọi điện động viên về tinh thần khiến tôi như có thêm sức mạnh".
Để chuẩn bị cho chuyến hành trình đặc biệt của mình, Tuấn đã tiết kiệm được 2 tháng lương để mua sắm tư trang cũng như làm lộ phí cho chuyến đi. Xây dựng kế hoạch trùng với dịp nghỉ hè nên khi Tuấn báo cáo chương trình với BGH nhà trường ngay lập tức được BGH và các đồng nghiệp hết sức ủng hộ.
Mọi sinh hoạt trong chuyến đi kéo dài 2 tháng của Tuấn chỉ được gói gọn trong một chiếc balô 15kg bao gồm: quần áo, mũ nón, cờ, thuốc men, mốt số lương thực, võng, chăn, áo mưa...
Trên chiếc balô cắm hai lá cờ, một cờ có in hình ảnh Tổ quốc, một lá cơ in dòng chữ: "Hướng về biển Đông". Theo Tuấn, mỗi khi mệt mỏi anh nhìn vào lá cờ sẽ như được tiếp thêm sức mạnh từ Tổ quốc thân yêu để chinh phục hành trình dài và khó khăn trước mắt.
"Đây là niềm mong ước mà tôi đã ấp ủ hơn 7 năm qua, nay mới có điều kiện để thực hiện. Tôi mong hành động thiết thực của mình được những người có tấm lòng nhân hậu chung tay, chung sức chia sẻ vì một thế hệ trẻ em được đến trường, vì những ngư dân đang ngày đêm bám ngư trường và giữ vững chủ quyền biển đảo nước nhà thân yêu" - Tuấn nhấn mạnh.
Quốc Cường
Theo dantri
Trung Quốc dùng "hòa bình" trên đầu môi chót lưỡi, công cụ cho âm mưu xấu xa Học giả Trung Quốc tiếp tục đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Nhật Bản về tình hình quan hệ Trung-Nhật hiện nay, tuyên truyền "hòa bình" không đúng với thực tế. Lý Vi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Tờ "Thanh niên Trung Quốc" ngày 12 tháng 7 có bài viết dẫn lời Viện trưởng...