Trung Quốc cắt giảm binh sĩ và “phát súng” cải tổ quân đội
Phát súng cải cách được phát ra chính thức kể từ Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá 18 cuối năm 2013. Thông cáo phát đi nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành cải tổ mạnh mẽ lực lượng quân đội.
Từ kinh tế đến chính trị, từ đối ngoại đến chính sách quốc phòng, những chuyển động trong nội trị Trung Quốc đang là tâm điểm của khu vực và thế giới. Trong chương trình cải cách của ông Tập Cận Bình, không thể không nhắc tới cải cách quân đội Trung Quốc (PLA – Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Là một công cụ quan trọng cả trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội, PLA góp phần không nhỏ trong quá trình đưa nước này trỗi dậy thành cường quốc và củng cố nền tảng cho chế độ. Phân tích từ những chuyển động quốc phòng gần đây, bài viết hai kỳ này hi vọng đưa ra một số dự đoán về hướng cải cách PLA của TQ thời gian tới.
Sự phát triển của quân đội Trung Quốc tạo ra nhiều chỉ dấu tác động tới hoà bình và ổn định trong khu vực. Vì thế, tuyên bố cắt giảm 300.000 quân nhân trong buổi lễ kỷ niệm ngày 3/9 của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã thu hút nhiều sự chú ý. Lần cắt giảm này mở đầu cho đợt cải tổ quân sự lớn nhất của Trung Quốc kể từ những năm 1980. Từ góc nhìn lịch sử, động thái này vừa có tính kế thừa quá khứ, vừa có một số điểm khác biệt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt hàng quân danh dự tại một sự kiện ở Bắc Kinh.
Các đợt cải cách lớn
Phân kỳ lịch sử, các nhà chiến lược quân sự đánh giá PLA đã trải qua ba đợt hiện đại hoá quân sự lớn kể từ khi nước CHND Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Năm 1949, quân số của PLA rất lớn, khoảng 6,27 triệu. Con số này là kết quả của quá trình kháng Nhật và nội chiến với Tưởng Giới Thạch trong khoảng thời gian trước. Giai đoạn hiện đại hoá đầu tiên (kéo dài từ 1949 đến những năm 1980) tập trung vào phát triển một lực lượng quân sự với khả năng quy ước mạnh mẽ. Mục đích là chống lại những cuộc xâm lược cơ giới hoá quy mô lớn trên bộ, với chiến tranh hạt nhân là trọng tâm thứ yếu. Điều này khiến cho lục quân Trung Quốc trở thành quân chủng có tiếng nói trong lượng nhất ở thời điểm đó.
Video đang HOT
Giai đoạn hiện đại hoá lần thứ hai kéo dài từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990. Mối quan hệ ổn định hơn giữa Trung Quốc và Liên Xô, cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ khiến cho nguy cơ tới từ các cuộc xâm lược quy mô lớn giảm dần. Trong giai đoạn này, cuộc chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất thu hút nhiều chú ý của giới lãnh đạo PLA. Chủ đề được quan tâm thảo luận tại Trung Quốc là bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh khu vực sử dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ cao. Tuy nhiên, Trung Quốc giai đoạn này lại tập trung cho việc phát triển kinh tế hơn là nâng cao năng lực quốc phòng.
Quá trình hiện đại hoá quân đội, tuy vậy, vẫn tập trung vào một số mảng quan trọng như phát triển lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ, hay xây dựng các phương án tác chiến kết hợp đa binh chủng. Trong khoảng thời gian này, PLA cắt giảm một triệu quân, theo sau quá trình tái điều chỉnh cơ cấu lục quân. Quân số tiếp tục giảm từ 3,23 xuống còn 3,19 triệu người vào năm 1990.
Giai đoạn hiện đại hoá lần thứ ba bắt đầu từ giữa những năm 1990 cho tới hiện nay. Nhân tố thúc đẩy hiện đại hoá lần này là sự nổi lên của khái niệm “cuộc cách mạng quân sự” (RMA) và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh. PLA tập trung vào xây dựng khái niệm “chiến thắng cuộc chiến tranh thông tin hoá ở cấp độ khu vực” với trọng tâm là xây dựng một mạng lưới chỉ huy tác chiến hỗn hợp mạnh (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin), cải cách cấu trúc quân đội (tăng cường vai trò của không quân và lục quân) và tăng cường tính kết nối giữa các quân binh chủng thông qua các tiến bộ công nghệ.
Bắt đầu từ năm 1997, 500.000 quân đã bị cắt giảm. Từ 2003 – 2005, 200.000 quân nhân tiếp tục bị loại khỏi biên chế, khiến cho tổng số quân Trung Quốc giảm từ 2,5 xuống 2,3 triệu người. Hầu hết trong số này là những quân nhân thuộc các đơn vị phi tác chiến, hay các nhân viên hành chính.
Tín hiệu của một sự chuyển đổi sâu rộng
Tuyên bố cắt giảm 300.000 quân vừa qua của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đánh dấu bước đi đầu tiên trong tham vọng biến PLA thành một lực lượng hiện đại.
Phát súng cải cách được phát ra chính thức kể từ Hội nghị Trung ương lần thứ ba khoá 18 cuối năm 2013. Thông cáo phát đi nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tiến hành cải tổ mạnh mẽ lực lượng quân đội. Bối cảnh an ninh xung quanh Trung Quốc thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là an ninh hàng hải, cũng như sự phát triển như vũ bão của công nghệ thúc đẩy PLA thay đổi.
Ba xu hướng cải cách có thể được nêu ra: (1) thay đổi cấu trúc quân đội theo hướng tinh gọn, chuyển trọng tâm từ lục quân sang không quân và hải quân; (2) tăng cường khả năng phối hợp giữa các quân binh chủng và (3) thúc đẩy cuộc cạch mạng công nghệ thông tin quân sự.
Trong buổi lễ ngày 3/9, sự xuất hiện của hai ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trên khán đài buổi lễ phần nào xác nhận quyền lực chính trị vững chãi của ông Tập hiện tại. Quyền lực của ông đối với quân độicũng được củng cố sau khi đã loại bỏ những “rào cản” trong quá trình cải cách (xét xử tham nhũng đối với một số thành viên Quân uỷ Trung ương như Từ Tài Hậu hay Quách Bá Hùng).
Theo Nguyễn Thế Phương
(Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM)
Vietnamnet
Thượng đỉnh Mỹ-Trung không giải quyết được gì về vấn đề Biển Đông
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Tập Cận Bình vẫn không lùi bước trước ông Obama về vấn đề Biển Đông, mặc dù trước đó lần đầu tiên ông đưa ra cam kết "không quân sự hóa" các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng. (Ảnh: The New York Times)
Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ trong bối cảnh từ nhiều tuần qua, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Mỹ liên tục lên tiếng phản ứng việc Bắc Kinh ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà phía Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay những hoạt động xây dựng trái phép này.
Trong cuộc họp báo chung ngày 25/92015, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nhắc lại quan ngại nói trên của Mỹ và nêu rõ rằng việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang tranh chấp, "khiến các nước trong vùng càng khó đạt được một giải pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng ".
Đáp lại, ông Tập Cận Bình phản bác việc "quân sự hóa các đảo nhân tạo" với lý lẽ rằng: các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc tự đặt khi gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) không nhằm vào nước nào hay ảnh hưởng đến nước nào, và rằng: Bắc Kinh không có dự định quân sự hóa các đảo này (!?)
Tuy nhiên, những hình ảnh vệ tinh mới nhất vừa công bố lại cho thấy rõ trên thực tế Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng một đường băng trên một trong những đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly, đường băng này có thể cho phép Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông và bắt đầu tuần tra đường không ở khu vực.
Trước đó Bắc Kinh cũng đã nói rằng cơ sở hạ tầng phía Trung Quốc mới xây dựng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông là nhằm "cải thiện điều kiện sống, an toàn hàng hải và dự báo thời tiết, đồng thời cũng sẽ được dùng cho mục đích quân sự" (?)
Giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh quan ngại trước nguy cơ các cơ sở Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông có thể được sử dụng để dẫn tới các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh trong khu vực, đồng thời đơn phương thiết lập vùng nhân diện phòng không (ADIZ) trên phần lớn Biển Đông.
Dẫu sao, theo nhận xét của một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, cam kết "không quân sự hóa" trên đây của ông Tập Cận Bình cũng là một điều mới, mặc dù các quan chức cấp thấp hơn của Trung Quốc cũng từng cam kết như vậy với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi mùa hè vừa qua. Nhưng rồi thực tế luôn chứng minh điều ngược lại!
Một chuyên gia khác về quân sự Trung Quốc, ông Taylor Fravel, thuộc Học Viện Công nghệ Massachussets, nhận định rằng tất cả là tùy thuộc vào việc ông Tập Cận Bình (Bắc Kinh) định nghĩa thế nào là "quân sự hóa"?
Mỹ và các nước khác có thể tham chiếu tuyên bố của ông Tập khi đánh giá hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải có một định nghĩa rõ ràng và không quá rộng về "quân sự hóa" - ông Fravel nhấn mạnh.
Nhìn về tổng thế, với vấn đề nóng bỏng Biển Đông rõ ràng ông Tập Cận Bình không hề "lùi bước", cho dù có bị ông Obama thúc ép "ngưng ngay các hoạt động xây dựng trái phép trên những đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông".
Nói cách khác, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Nhà Trắng ngày 25/9 đã không giải quyết được gì. Còn Mỹ thật sự có quyết tâm ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, chắc dư luận còn phải chờ xem "thời gian sẽ trả lời ra sao"?
Quý Cao (tổng hợp)
Chuyến thăm tìm kiếm đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, từ ngày 22-25/9, theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm này thu hút sự chú ý đa chiều của dư luận thế giới. Tổng thống Mỹ B. Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Chinadaily) Trả lời phỏng vấn báo...