Trung Quốc cảnh báo Mỹ về nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông
Trung Quốc cảnh báo Mỹ rằng hành động “khiêu khích và nguy hiểm” của nước này ở Biển Đông có thể dẫn tới “một sự cố nhỏ làm khơi mào chiến tranh”.
Tàu USS Lassen của Mỹ (phía trước). Ảnh: USNavy
Theo Reuters, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, hôm qua đưa ra cảnh báo với người đồng cấp Mỹ, Đô đốc John Richardson, trong cuộc thảo luận trực tuyến nhằm giảm căng thẳng khu vực.
“Nếu Mỹ tiếp tục kiểu hành động nguy hiểm, khiêu khích này, tình hình giữa các lực lượng tiền tuyến trên biển và trên không ở cả hai bên có thể sẽ nguy cấp và nghiêm trọng, hay thậm chí một sự cố nhỏ làm khơi mào chiến tranh”, thông cáo của hải quân Trung Quốc dẫn lời ông Ngô nói.
“Tôi hy vọng phía Mỹ gìn giữ quan hệ tốt giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc vốn đã không đến dễ dàng, và tránh để những sự cố như thế này xảy ra ra lần nữa”, ông Ngô cho hay.
Guardian dẫn Lầu Năm Góc cho biết cuộc thảo luận kéo dài một giờ. Các đô đốc đã thảo luận về “chiến dịch tự do đi lại trên biển, quan hệ giữa hai nền hải quân, trong đó có các chuyến thăm cảng đang chờ được thông qua, cam kết của lãnh đạo cấp cao và tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại”, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Tim Hawkins, phát ngôn viên Hải quân Mỹ, cũng cho biết đối thoại hôm qua diễn ra “chuyên nghiệp và hữu ích”.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ hôm 27/10 đi vào trong phạm vi 12 hải lý đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái khiến chính phủ Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh để phản đối.
Video đang HOT
Sau cuộc đối thoại hôm qua giữa lãnh đạo hải quân hai nước, Mỹ cho biết Bắc Kinh không muốn hủy chuyến thăm Florida của các tàu Trung Quốc vào tuần tới và chuyến thăm của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ tới Trung Quốc vẫn sẽ diễn ra. Hai tư lệnh hải quân Mỹ – Trung cũng nhất trí tiếp tục áp dụng các quy ước được thiết lập theo Bộ luật về những đụng độ bất ngờ trên biển (CUES).
Phản ứng trước việc Mỹ điều tàu tuần tra áp sát đảo nhân tạo ở Trường Sa, Việt Nam tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trọng Giáp
Theo VNE
Tiểu xảo ngôn từ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Đưa ra những tuyên bố không rõ ràng khi lên án hành động tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, Trung Quốc tìm cách né những cơ sở tố cáo Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế.
Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Ảnh: Navsource.org
Phản ứng chính thức của Trung Quốc với việc hải quân Mỹ thực hiện hoạt động "tự do hàng hải" (FON) khi tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một câu đố đa ngữ. Khi xem xét kỹ các tuyên bố bằng tiếng Trung của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Graham Webster, nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung viết trên The Diplomat rằng Bắc Kinh đã toan tính trong từng câu chữ, trong nỗ lực dường như để duy trì sự mơ hồ mang tính chiến lược.
Liệu các quan chức Trung Quốc có tin rằng hải quân Mỹ đã vi phạm chủ quyền Trung Quốc không? Theo Wester, đây là điều không rõ ràng. Họ có tuyên bố Bắc Kinh có chủ quyền với vùng bao quanh các đảo nhân tạo - điều không đúng với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) hay không? Đây cũng là điều không rõ ràng. Bắc Kinh có nêu chính xác lý do vì sao hành động của Mỹ được mô tả là bất hợp pháp hay không? Không hẳn, nhưng cánh cửa cho câu hỏi này vừa được hé mở.
Tuyên bố chính thức của Trung Quốc gần như hoàn hảo trong việc bỏ ngỏ những câu hỏi này. Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo hoạt động FON của Mỹ là "sự xâm phạm chủ quyền và gây nguy hại đối với an ninh quốc gia Trung Quốc". Hồi đầu tháng này, bà Hoa cũng tuyên bố phản đối "hành vi xâm phạm lãnh hải và không phận Trung Quốc".
Việc sử dụng từ "lãnh hải" và "vi phạm" đặt chính quyền Trung Quốc vào một thử thách. Nhìn chung, chỉ có các thực thể vẫn nổi lên mặt nước khi thủy triều lên, đáp ứng quy chế về đảo, mới có thể được hưởng lãnh hải 12 hải lý, theo UNCLOS. Khi hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, thực chất là bãi cạn nửa chìm nửa nổi, thì Trung Quốc đã "há miệng mắc quai" khi nói về "lãnh hải" hoặc phàn nàn về việc "xâm phạm" chủ quyền. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chủ quyền không được UNCLOS chấp nhận.
Theo Webster, hoạt động tuần tra của Mỹ được thiết kế rõ ràng để đánh vào điểm đó. Bằng cách vào trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi và Vành Khăn, thực thể ngập hoàn toàn khi thủy triều lên, liệu Mỹ có khiến các quan chức Trung Quốc cắn câu?
Né tránh luật
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: Xinhua
Phản ứng chi tiết đầu tiên của Trung Quốc về vấn đề này đến từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng. Ông Lục khẳng định rằng tàu Mỹ đã "vào vùng biển gần" các thực thể ở Biển Đông một cách "phi pháp". Ông không sử dụng từ "lãnh hải", mà thay vào đó là cụm từ "vùng biển lân cận" (línjìn hiyù).
Ông Lục nói rằng hoạt động của Mỹ "uy hiếp" chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc", nhưng ông không nói những lợi ích đó bị vi phạm hay xâm phạm như bà Hoa hồi tháng 5. Sau đó, ông Lục tiếp tục ngang nhiên khẳng định Trung Quốc có chủ quyền trên "quần đảo Nam Sa và vùng biển phụ cận (fùjìn hiyù)". Cần lưu ý là ông Lục đã sử dụng cụm từ khác so với cụm từ ông dùng khi nói về vùng biển mà Mỹ đã tiến vào.
Cuối cùng, khác với phát ngôn trước đó của bà Hoa, ông Lục không nói rằng FON là cái cớ để "vi phạm" chủ quyền, mà nói rằng đây là cái cớ để "gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh Trung Quốc". Cuối cùng, ông kêu gọi Mỹ kiềm chế các hành động "uy hiếp chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc" - một lần nữa sử dụng từ "uy hiếp" - động từ ông đã dùng để mô tả hoạt động tuần tra của Mỹ.
Wester nhận định rằng, với tuyên bố này, ông Lục lảng tránh đưa ra một lập trường rõ ràng hay ẩn ý về việc liệu bãi đá ngầm Subi có được hưởng lãnh hải 12 hải lý hay không, hải quân Mỹ có vi phạm chủ quyền Trung Quốc hay không, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khu vực hàng hải cụ thể nào, và liệu có ngưỡng leo thang nào trong bất kỳ cuộc chạm trán tương lai hay không. Webster cho rằng cách dùng ngôn từ của ông Lục rất khôn ngoan và nó lại một lần nữa được lặp lại bởi Thứ trưởng Ngoại giao Trương Nghiệp Toại, khi gặp Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Max Baucus.
Cũng trong thời gian đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng đưa ra tuyên bố riêng. Ông Dương cũng tránh sử dụng từ "lãnh hải" trong suốt phát biểu của mình. Thay vào đó, ông dùng từ "vùng biển cận bờ" và "vùng biển phụ cận". Ông Dương cũng tránh gọi các hành động của Mỹ là phi pháp, mà thay vào đó, ông nói đây là sự "lạm dụng" các quyền tự do hàng hải trong luật pháp quốc tế. Ông Dương tuyên bố các hành động của Mỹ là mối uy hiếp đến an ninh quốc gia Trung Quốc, và ông kêu gọi Mỹ tôn trọng mối lo ngại của Trung Quốc về chủ quyền và an ninh quốc gia.
Bằng cách tránh dùng từ "lãnh hải" và không đưa ra bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào về cơ sở để gọi hành động của Mỹ là phi pháp, các quan chức Trung Quốc hầu hết đã duy trì sự mơ hồ "được tính toán kỹ lưỡng" của Trung Quốc về bản chất yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Khi tiến hành FON, Mỹ có thể đã đặt ra mục tiêu là khiến quan chức Trung Quốc phải miễn cưỡng đưa ra những tuyên bố ít khả năng được luật pháp quốc tế chấp nhận. Tuy nhiên, Wester nhận định rằng, bằng cách "uốn nắn" ngôn từ, Trung Quốc muốn lảng tránh được điều đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã chịu từ bỏ một số sự mập mờ. Ông Lục hôm qua tuyên bố: "Hoạt động của Mỹ vi phạm UNCLOS, cũng như điều luật trong nước của Trung Quốc". Nếu Bắc Kinh trong tương lai tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng hành động của Mỹ vi phạm UNCLOS, thì chính phủ Mỹ sẽ có cơ hội đặt ra những câu hỏi rất chính đáng: Trung Quốc có thẩm quyền gì, ở vùng biển nào? Liệu Trung Quốc có tuyên bố có lãnh hải xung quanh đá Subi? Nếu vậy thì tàu Mỹ đã vi phạm quy tắc đi qua vô hại được nêu trong UNCLOS như thế nào? Ngoài ra còn có câu hỏi liệu Trung Quốc có đòi hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông hay không? Nếu có thì ranh giới của nước này là ở đâu, và Trung Quốc cho rằng tàu Mỹ đã làm gì mà Bắc Kinh có thể nói là vi phạm UNCLOS, vốn cho phép thực hiện hoạt động quân sự trong vùng EEZ?
Theo Điều 58 trong UNCLOS, các quốc gia hàng hải được phép tham gia vào hoạt động hợp pháp liên quan những quyền tự do, chẳng hạn như điều tàu, máy bay, cáp và đường ống ngầm vào EEZ, nếu phù hợp với các quy định khác của công ước này.
Luật pháp quốc tế phát triển thông qua tiền lệ và thực tế. Có những bất đồng về mặt học thuật và ngoại giao về cách áp dụng UNCLOS. Cho đến thời điểm hiện giờ, các quan chức Trung Quốc vẫn đang sử dụng sự mập mờ để khiến các đối thủ không có cơ sở cụ thể để tranh luận.
Phương Vũ
Theo VNE
Cổ phiếu quốc phòng Trung Quốc tăng điểm khi Mỹ tuần tra Biển Đông Cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực hàng hải và không gian của Trung Quốc đều tăng giá sau khi tàu chiến hải quân Mỹ đi vào gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Cổ phiếu các công ty quốc phòng Trung Quốc hôm qua tăng giá sau khi Mỹ điều tàu USS Lassen tuần tra...