Trung Quốc cảnh báo chiến tranh với đảo Đài Loan
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố chiến tranh sẽ nổ ra nếu Đài Loan đòi độc lập, khẳng định “thống nhất” là tương lai của hòn đảo.
“Giới chức thuộc đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan phải tỉnh táo nhận thức rằng tương lai của hòn đảo nằm ở thống nhất quốc gia”, thượng tá Nhậm Quốc Cường, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết khi được hỏi về đợt áp sát đảo Đài Loan của phi đội máy bay quân sự đông kỷ lục hồi tuần trước.
“Đây là hoạt động cần thiết đối với tình hình an ninh hiện nay trên eo biển Đài Loan và bảo vệ chủ quyền quốc gia Trung Quốc”, thượng tá Nhậm nói và cảnh bảo “bất cứ nỗ lực nào nhằm dựa vào Mỹ để giành độc lập đều sẽ thất bại” và “Đài Loan độc lập đồng nghĩa với chiến tranh”.
Tiêm kích F-16 của đảo Đài Loan (trái) giám sát oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc đại lục hồi năm 2020. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan .
28 máy bay quân sự của Trung Quốc, gồm tiêm kích và oanh tạc cơ, tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của đảo Đài Loan hôm 15/6. Đợt áp sát với số lượng máy bay lớn chưa từng có này diễn ra sau khi lãnh đạo các nước G7 ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc về loạt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”. Trung Quốc gọi cáo buộc này là “vu khống”.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sử dụng vũ lực nếu cần. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển leo thang trong năm qua, khi quân đội Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự áp sát hòn đảo. Trung Quốc tuyên bố các hoạt động của họ xung quanh đảo Đài Loan là nhằm bảo vệ chủ quyền và “răn đe các thế lực nước ngoài”.
Đảo Đài Loan và eo biển cùng tên. Đồ họa: CSIS .
Mỹ là quốc gia ủng hộ đảo Đài Loan mạnh nhất trên trường quốc tế, đồng thời là bên cung cấp vũ khí chính cho lực lượng phòng vệ của hòn đảo. Hải quân Mỹ năm nay 6 lần điều chiến hạm qua eo biển Đài Loan, lần gần nhất là chuyến đi của khu trục hạm Curtis Wilbur hôm 23/6, nhằm “thể hiện cam kết” với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong thông cáo ngày 23/6, Bộ Tư lệnh chiến khu phía Đông của quân đội Trung Quốc cho biết đã giám sát khu trục hạm Curtis Wilbur trong suốt hải trình qua eo biển Đài Loan.
“Phía Mỹ cố tình áp dụng những thủ đoạn cũ, tạo ra rắc rối ở eo biển Đài Loan”, thông cáo cho biết. “Điều này cho thấy Mỹ là bên tạo ra rủi ro lớn nhất cho an ninh khu vực và chúng tôi kiên quyết phản đối”.
Tiêm kích Mỹ lộ điểm yếu trên Biển Đông
Để điều một tiêm kích F-16 từ Nhật tới Biển Đông, Mỹ cần triển khai ít nhất một máy bay tiếp liệu KC-135, làm tăng nguy cơ lộ vị trí.
4 tiêm kích F-16 của Mỹ đầu tuần trước mang theo đầy đủ vũ khí cất cánh từ căn cứ không quân Misawa, miền bắc Nhật Bản, vượt hàng nghìn km tới hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở khu vực Biển Đông phía nam đảo Đài Loan.
Đợt xuất kích ấn tượng này nằm trong loạt phản ứng của Mỹ trước các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc triển khai hàng trăm tàu vỏ sắt neo đậu trái phép tại bãi Ba Đầu trong khu vực lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines, một đồng minh của Mỹ, cũng tuyên bố chủ quyền với bãi Ba Đầu.
Mỹ và Philippines điều tàu cùng máy bay ra Biển Đông nhằm phát tín hiệu cảnh báo với đội tàu Trung Quốc, thậm chí Bộ Ngoại giao Mỹ còn tuyên bố không loại trừ phương án "sử dụng vũ lực" nếu lực lượng vũ trang hay tàu công vụ của Philippines bị tấn công trên Biển Đông. Trung Quốc sau đó dường như chấp nhận nhượng bộ, đội tàu của nước này tỏa ra các khu vực khác trong quần đảo Trường Sa rồi dần dần rút về.
Biên đội 4 tiêm kích F-16 của không quân Mỹ hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông ngày 12/4. Ảnh: US Navy .
Đợt triển khai của 4 tiêm kích F-16 Mỹ tới Biển Đông nhằm bác bỏ hoài nghi về năng lực không quân của nước này ở tây Thái Bình Dương, bởi mỗi chiếc F-16 mang theo tới 6 tên lửa không đối không.
Tuy nhiên, không quân Mỹ dường như cũng để lộ điểm yếu của lực lượng tác chiến trên không này, khi triển khai chúng từ căn cứ Misawa vốn nằm quá xa so với đảo Đài Loan và Biển Đông, theo chuyên gia quân sự David Axe.
Để có thể vượt gần 2.900 km từ căn cứ Misawa tới Biển Đông để hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt, 4 tiêm kích F-16 cần 4 chiếc KC-135 hỗ trợ, do mỗi máy bay tiếp liệu này chỉ có thể phục vụ một tiêm kích. Mỗi chiến đấu cơ F-16 mang theo đầy đủ vũ khí chỉ có thể bay được tối đa hơn 640 km.
Việc sử dụng lượng lớn máy bay tiếp liệu cho một phi vụ như vậy có thể làm lộ vị trí của nhóm tiêm kích, do mỗi chiếc KC-135 đều mang theo bộ thu phát sóng vô tuyến và dữ liệu vị trí của chúng được công khai trên Internet.
Ngoài hai phi đội F-15 thuộc không đoàn 18 đóng quân tại căn cứ Kadena, hai phi đội F-16 thuộc không đoàn tiêm kích 35 ở Misawa là những đơn vị không quân Mỹ đóng gần đảo Đài Loan và Biển Đông.
Nếu mỗi tiêm kích F-16 đóng ở Nhật Bản cần tham chiến quanh đảo Đài Loan, không quân Mỹ sẽ cần lượng máy bay tiếp liệu KC-135 tương ứng để tiếp dầu trên không, giúp chúng tăng tầm hoạt động.
Một tuần tàu sân bay Mỹ - Trung dằn mặt nhau trên Biển Đông. Đồ họa: Việt Chung .
Không quân Trung Quốc có thể nhanh chóng điều hàng trăm tiêm kích hiện đại tham gia chiến dịch tấn công đảo Đài Loan. Nếu không quân Mỹ triển khai lượng tiêm kích tương đương đến căn cứ Kadena và Misawa, họ sẽ phải dùng toàn bộ máy bay tiếp liệu với nguy cơ không thể bảo dưỡng tốt chúng hoặc tốn nhiều thời gian huấn luyện phi hành đoàn.
Mỹ sở hữu nhiều tiêm kích hiện đại hơn, song quân đội Trung Quốc lại có lợi thế về mặt địa lý. Trung Quốc thiết lập hàng loạt căn cứ quân sự gần đảo Đài Loan, một số cách hòn đảo chỉ hơn 100 km. Trong khi đó, Mỹ duy trì số ít căn cứ gần đảo Đài Loan và không nằm trong phạm vi dưới 800 km so với vị trí quân đội Trung Quốc có thể đổ bộ ở phía nam hòn đảo.
Khoảng cách xa là một trong các lý do quan chức không quân Mỹ nhận định tiêm kích tàng hình F-35 của họ sẽ không đóng vai trò chính trong chiến dịch hỗ trợ lực lượng phòng vệ Đài Loan nếu nổ ra xung đột trên hòn đảo.
Các nhóm tác chiến tàu sân bay như Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến độ bổ như USS Makin Island, với tiêm kích F-35 của không quân hải quân và thủy quân lục chiến, sẽ khắc phục hạn chế về khoảng cách địa lý.
"Các tàu sân bay có thể tiến thẳng vào Biển Đông và tung tiêm kích tiến hành các đợt xuất kích. Những tàu sân bay này dễ bị tấn công bởi tên lửa, oanh tạc cơ và tàu ngầm Trung Quốc, song ít nhất chúng vẫn tham chiến", chuyên gia quân sự Axe của Forbes nhận định.
Đài Bắc nói Bắc Kinh đang củng cố năng lực tấn công Đài Bắc ra báo cáo đánh giá năng lực phòng thủ mới nhất, cho rằng Bắc Kinh đang củng cố năng lực tấn công và phong toả hòn đảo. "Trung Quốc đại lục tăng thái độ thù địch và đe dọa chúng tôi, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn và xung đột, đồng thời phá vỡ hòa bình và ổn định...