Trung Quốc bắt người xúc phạm lính chết trong đụng độ biên giới
Trung Quốc bắt giam ít nhất 6 người với cáo buộc bôi nhọ 4 quân nhân thiệt mạng trong đụng độ biên giới đẫm máu với Ấn Độ năm ngoái.
Cảnh sát Trung Quốc cho biết 6 người sống trong nước đã bị bắt giam 15 ngày, trong khi một người khác hiện sống ở nước ngoài sẽ bị bắt giam khi về nước. Những người này bị bắt theo luật cấm “xúc phạm hoặc vu khống các anh hùng, liệt sĩ” được Trung Quốc thông qua năm 2018.
Sự việc diễn ra sau khi Trung Quốc hôm 19/2 công bố danh tính 4 binh sĩ chết trong cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới với Ấn Độ ở thung lũng Galwan trên dãy Himalaya tháng 6 năm ngoái, gồm Chen Hongjun, Chen Xiangrong, Xiao Siyuan và Wang Zhuoran.
Qi Fabao, một trung đoàn trưởng thuộc Bộ Tư lệnh Tân Cương, người bị thương trong cuộc đụng độ, được trao danh hiệu “Trung đoàn trưởng anh hùng bảo vệ biên giới”, Chen được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Bảo vệ Biên cương”, trong khi ba binh sĩ thiệt mạng còn lại được truy tặng bằng khen hạng nhất.
Đây là lần đầu tiên sau 8 tháng Trung Quốc tiết lộ số thương vong trong vụ đụng độ, dù phía Ấn Độ công bố ngay lập tức khi đó rằng 20 binh sĩ của họ thiệt mạng.
Lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tại thung lũng sông Galwan, tháng 6/2020. Video: CCTV .
Ngay say đó, Qiu, một blogger nổi tiếng với 2,5 triệu người theo dõi trên Weibo, đặt câu hỏi về số người chết chính thức, cho rằng thương vong thực tế có thể cao hơn. “Đây là lý do Ấn Độ dám công khai con số và danh tính binh sĩ thiệt mạng, vì theo quan điểm của Ấn Độ, họ đã thắng với cái giá nhỏ hơn”, blogger này viết.
Cảnh sát thành phố Nam Kinh sau đó bắt Qiu, cáo buộc blogger này đã “bóp méo sự thật”, “gây tác động xấu đối với xã hội”, thêm rằng Qiu đã thú nhận “hành động trái pháp luật” của mình. Weibo cũng đóng toàn bộ tài khoản của Qiu.
Theo cảnh sát, tổng cộng 4 người dùng Weibo đã bị giam vì các bài đăng của họ hoặc bình luận trên bài đăng của người khác. Hai người khác bị giam vì bình luận trong các cuộc trò chuyện nhóm trên WeChat, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, sau khi các thành viên trong nhóm báo cảnh sát.
Người còn lại bị cảnh sát phát hiện hành vi xúc phạm tử sĩ sau khi người này đăng lên tài khoản WeChat cá nhân của mình.
Luật cấm “xúc phạm hoặc vu khống các anh hùng và liệt sĩ” ban đầu là vấn đề dân sự, nhưng sẽ được coi là tội hình sự trong luật hình sự sửa đổi có hiệu lực vào tháng tới. Theo luật mới, những người “xúc phạm, vu khống hoặc sử dụng các thủ đoạn khác để xâm phạm uy tín, danh dự của anh hùng, liệt sĩ và gây thiệt hại cho lợi ích công cộng của xã hội” có thể bị phạt tù đến ba năm.
Ấn - Trung thống nhất rút quân ở biên giới
Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí sớm rút quân ở khu vực biên giới tranh chấp sau cuộc thảo luận "tích cực và xây dựng".
"Hai bên đồng ý duy trì đối thoại và liên lạc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự, đồng thời đi đến giải pháp được đôi bên chấp thuận rút quân sớm nhất có thể", tuyên bố chung được chính phủ Ấn Độ công bố hôm nay cho hay.
Các xe quân sự chở nhiên liệu hướng về phía khu vực Ladakh ở biên giới Ấn - Trung hôm 15/9. Ảnh: Reuters.
Tuyên bố được đưa ra sau khi các chỉ huy quân sự cấp cao của Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức vòng đàm phán thứ 7 kéo dài hơn 10 tiếng vào ngày 12/10 tại Chushul, phía tây dãy Himalaya, để thảo luận về việc rút quân khỏi biên giới tranh chấp sau nhiều tháng căng thẳng.
"Hai bên đã có những trao đổi chân thành, sâu sắc và mang tính xây dựng về việc rút quân dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu vực phía tây biên giới Ấn - Trung", tuyên bố chung cho biết. "Họ cho rằng các cuộc thảo luận này tích cực, xây dựng và tăng cường hiểu biết lẫn nhau".
Binh sĩ Ấn - Trung nhiều lần ẩu đả tại khu vực biên giới trong những năm qua song không sử dụng vũ khí hoặc nổ súng. Căng thẳng song phương gần đây leo thang, đặc biệt sau cuộc đụng độ ngày 15/6 tại thung lũng sông Galwan, trên dãy Himalaya, khiến hàng chục binh sĩ hai bên thương vong.
Giới chức quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt tình hình biên giới, tránh nổ ra xung đột. Tuy nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc được cho là vẫn triển khai nhiều khí tài lên khu vực biên giới như tiêm kích, trực thăng quân sự, radar cảnh giới, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không khác.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ những tháng qua. Đồ họa: Telegraph.
Trước khi ra tuyên bố chung, hai bên vẫn chưa có động thái rút quân dù mùa đông đang đến, khiến điều kiện ở khu vực này quá khắc nghiệt để đồn trú. Tuyên bố chung được xem là động thái tích cực mới nhất sau nhiều tháng đàm phán bế tắc giữa hai bên.
Lính Ấn Độ tập trượt tuyết, bắn súng gần biên giới Trung Quốc Binh sĩ Ấn Độ huấn luyện trượt tuyết tốc độ cao và tải thương, bắn súng trên sườn dốc trên dãy Himalaya, giáp biên giới với Trung Quốc. Kênh India Today ngày 14/9 tung video binh sĩ Ấn Độ hoạt động trên núi tuyết thuộc dãy Himalaya nằm giữa nước này với vùng Tây Tạng của Trung Quốc. Video cho thấy các binh...