Trung Quốc bắt hàng trăm người trong chiến dịch ’săn cáo’
Trung Quốc đã bắt 288 người bị cáo buộc phạm tội kinh tế ở khắp 56 quốc gia, trong chiến dịch “săn cáo”, nhằm truy quét quan chức tham nhũng chạy trốn ra nước ngoài.
Theo Bộ Công an Trung Quốc, 126 nghi phạm đã bị dẫn độ về Trung Quốc và thú tội. Nhiều kẻ trong số đó bắt ở Mỹ, Canada, và Australia, nơi chạy trốn phổ biến của các nghi phạm vì những nước này không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngày 1/12 là hạn chót cho các nghi phạm trình diện và đầu thú để được khoan hồng. Chiến dịch “Săn cáo” bắt đầu vào tháng 7, cho đến nay đã bắt giữ được hàng trăm nghi phạm.
Vua buôn lậu Lại Xương Tinh bị dẫn độ từ Canada về Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Chiến dịch này đòi hỏi Trung Quốc phải hợp tác với cơ quan thi hành pháp luật ở các nước khác, nơi những kẻ phạm tội cư trú. Truyền thông Trung Quốc cho biết Bộ Công an nước này cảm ơn các nước khác vì đã “hợp tác và hỗ trợ” chiến dịch, theo Ibtimes.
Video đang HOT
“Những tội phạm kinh tế giống như những con cáo xảo quyệt, chạy trốn ra nước ngoài để tránh bị trừng phạt, nhưng chúng tôi, những người thợ săn khôn ngoan, sẽ bắt được chúng. Bất kể chúng ở đâu, bất luận chúng là ai, chúng tôi sẽ bắt được”, Liu Dong, vụ phó một đơn vị chuyên điều tra tội phạm kinh tế của Bộ Công an, phát biểu sau thành công của chiến dịch truy quét hồi tháng 9.
Cơ quan này đã gửi hàng trăm điều tra viên ra nước ngoài để săn đuổi những kẻ chạy trốn, và đưa ra phương án tùy cơ ứng biến vào từng mục tiêu cụ thể, cũng như hoàn cảnh quốc gia tội phạm cư trú. Australia hồi tháng 10 công bố sẽ hợp tác với Trung Quốc trong việc dẫn độ tội phạm và tịch thu tài sản ở Australia.
Trung Quốc cho rằng có khoảng 18.000 quan chức đã chạy trốn khỏi đất nước trong vòng 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng khoảng 129 tỷ USD.
Chủ tịch Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền đã ưu tiên thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. Hàng trăm quan chức đã bị bắt giữ ở Trung Quốc, nhiều người trong số đó là cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản, được hưởng nhiều đặc quyền. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngần ngại bắt giữ bất kỳ quan chức nào, cho dù chức vị có lớn đến đâu.
Sau một thời gian phản đối, Trung Quốc mới đây đã nhất trí với sáng kiến của G20 về chống tham nhũng. Thỏa thuận này được phê duyệt sau khi Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) kết thúc ở Bắc Kinh, trong đó có một số nước G20 tham gia.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Trung Quốc ráo riết 'săn cáo'
Một chiến dịch nhằm điều tra và phong tỏa khoảng 10 tỷ USD tài sản phi pháp mà các quan tham Trung Quốc mang theo khi trốn ra nước ngoài trong thập niên qua đang được tiến hành, với trọng điểm đầu tiên ở Australia
Chiến dịch "săn cáo" do đội Liên hợp cảnh sát quốc tế giữa Trung Quốc và một số nước phương Tây phối hợp thực hiện. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là tài sản của các tham quan đang ẩn trốn ở Australia, Ifeng đưa tin.
Trong số các cựu quan chức đang chạy trốn, đáng chú ý có Cao Nghiêm, cựu bí thư tỉnh Vân Nam. Ông này từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như chủ tịch tỉnh Cát Lâm, thứ trưởng kiêm bí thư đảng ủy Tổng công ty điện lực quốc gia.
Cao Nghiêm bị điều tra năm 2002 và trốn thoát tháng 9 cùng năm. Các nhà điều tra phát hiện số tiền ông này bí mật tích trữ và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài lên tới gần 1 triệu USD.
Cao Nghiêm, cựu bí thư Vân Nam, đang ẩn trốn ở Australia. Ảnh: Ifeng.
Ngoài ra còn có Lam Phủ, nguyên phó thị trưởng thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến và Đồng Ngôn Bạch, cựu Cục trưởng Cục quản lý đường bộ tỉnh Hồ Nam.
Lam Phủ bị điều tra và cáo buộc nhận hối lộ hơn 1 triệu USD. Vụ điều tra bị bại lộ, ông này bỏ trốn sang Australia năm 1999 và bị tòa án Trung Quốc kết án tử hình năm 2001.
Đồng Ngôn Bạch phụ trách nhiều dự án xây dựng đường cao tốc quốc gia quan trọng. Các dự án này liên tục gặp phải sự cố sụt lún. Tỉnh Hà Nam bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ việc tháng 12/2003. Thấy bất ổn, Đồng Ngôn Bạch tranh thủ nghỉ Tết năm 2004, trốn thoát sang Australia đoàn tụ với vợ con đã di dân từ lâu trước đó.
Theo tạp chí kinh tế toàn cầu Washington, cơ quan chuyên nghiên cứu về dòng vốn phi pháp, từ năm 2002 đến 2011, ước tính có khoảng hơn 10 tỷ USD bị đưa ra khỏi Trung Quốc thông qua các kênh phi pháp.
Hồng Hạnh
Theo VNE