Trung Quốc bác tin can thiệp bầu cử Mỹ
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định họ không quan tâm tới việc can thiệp bầu cử Mỹ, sau khi Trump cáo buộc họ “sẽ làm bất cứ điều gì” để ngăn ông đắc cử.
“Chúng tôi đã nói rất nhiều lần rằng cuộc bầu cử tổng thống là vấn đề nội bộ của Mỹ và Trung Quốc không quan tâm tới việc đó”, người phát ngôn Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm qua.
Đồng thời, Bắc Kinh hy vọng Mỹ đừng cố kéo họ vào vấn đề này. “Chúng tôi mong các chính trị gia Mỹ không gây thêm rắc rối cho Trung Quốc”, người phát ngôn nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 30/4. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 29/4 nói rằng ông tin Trung Quốc muốn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử để giảm áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc về thương mại và những vấn đề khác. “Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tôi thất bại trong cuộc chạy đua này”, Tổng thống Trump chia sẻ.
Nhưng giới quan sát ở Trung Quốc đại lục cho rằng nếu Nhà Trắng có một tổng thống đảng Dân chủ thì điều đó cũng không thay đổi bất kỳ điều gì về mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Thời Ân Hoằng, chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, nói rằng ông không kỳ vọng mối quan hệ giữa hai nước có thể cải thiện ngay lập tức dù Biden có trở thành tổng thống. “Sẽ không có tổng thống Mỹ nào thân thiện với Trung Quốc và khó có thể biết được liệu Trump hay Biden sẽ có mối quan hệ tệ hơn đối với Bắc Kinh”, ông Thời, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận định.
Video đang HOT
“Một tổng thống Dân chủ thậm chí còn dễ dàng thuyết phục các đồng minh của Mỹ ở châu Âu không làm ăn với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ hơn. Điều này sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho Bắc Kinh”, ông nói thêm.
Biden, từng là phó tổng thống dưới thời Barack Obama, cam kết sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và cải thiện mối quan hệ với các đồng minh của Washington đã bị phá vỡ bởi chính quyền Trump.
Tuy nhiên, Thời Ân Hoằng cho rằng mối quan hệ Mỹ – Trung có thể sẽ dễ dự đoán hơn nếu Biden làm tổng thống. “Đội phụ trách chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ có nhiều kinh nghiệm làm việc với Trung Quốc hơn. Mối quan hệ giữa hai nước có lẽ sẽ ổn định hơn và có nhiều khả năng hợp tác về các vấn đề như nóng lên toàn cầu”, ông nói thêm.
Vương Tập Tư, chuyên gia quan hệ quốc tế nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh, cho biết chính quyền Trump chỉ tập trung chủ yếu vào thương mại. “Ông Trump chủ yếu gây áp lực cho Trung Quốc về lĩnh vực thương mại. Ông ấy không quan tâm tới các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong…”, ông Vương nhận định.
Chuyên gia này cũng nói rằng nếu đắc cử tổng thống, Biden sẽ quan tâm tới tất cả những vấn đề trên và tìm cách liên minh với các quốc gia khác để chống lại “mối đe dọa Trung Quốc”.
Tổng thống Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc có ý định can thiệp bầu cử Mỹ trong năm qua mà không đưa ra bằng chứng cụ thể nào, ngoại trừ một quảng cáo ở bang vào năm 2018 do một tờ báo nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn nhằm chống lại chính sách thương mại của ông.
Lục Tượng, chuyên gia về quan hệ Mỹ – Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, xem đó là chiến thuật của Trump. “Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chiến dịch tranh cử của mình, nhưng có rất nhiều hoài nghi về tính hiệu quả của chiến thuật này.
Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn về Trung Quốc và Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 29/4. Ảnh: Reuters.
Cũng trong cuộc phỏng vấn hôm 29/4, ông Trump khẳng định đang cân nhắc nhiều phương án khác nhau để buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Một ngày sau, khi trao đổi với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ dọa áp thuế mới với Trung Quốc khi nói có bằng chứng nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Chuyên gia Lục cho rằng Trung Quốc nên chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra trong mối quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hôm 28/4 nói rằng hai nước nên nhìn về một tương lai xa hơn là cuộc bầu cử tháng 11. “Mối quan hệ Mỹ – Trung, được xem là mối quan hệ quan trọng giữa hai nước lớn, không nên được xem xét hoặc giải quyết theo cách chỉ để phục vụ mục đích của một cuộc bầu cử”, ông nói.
Xuất hiện ứng viên mới có thể thay đổi cục diện bầu cử tổng thống Mỹ
Justin Amash, hạ nghị sĩ tuyên bố từ bỏ đảng Cộng hòa vào năm 2019, thông báo sẽ khởi động một ủy ban thăm dò khả năng đại diện đảng Tự do tranh cử tổng thống Mỹ.
Justin Amash ngày 28/4 thông báo ông đã thành lập một ủy ban thăm dò cho chiến dịch tranh cử tổng thống.
"Người Mỹ đã sẵn sàng cho những cách tiếp cận mang tính thực tế, dựa trên sự khiêm nhường và lòng tin của nhân dân. Chúng ta đã sẵn sàng cho một nhiệm kỳ tổng thống khôi phục sự tôn trọng hiến pháp và đoàn kết người dân. Tôi tự hào với những bước đầu tiên hướng đến phục vụ mọi người Mỹ với cương vị tổng thống", ông Amash cho biết.
Hạ nghị sĩ đến từ Michigan vào tháng 5/2019 công khai ủng hộ luận tội Tổng thống Donald Trump dựa vào các kết luận từ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, xoay quanh mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và vụ việc Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ vào năm 2016. Ông là thành viên đầu tiên và duy nhất của đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội Tổng thống Trump vào thời điểm đó.
Đầu tháng 7/2019, Amash tuyên bố từ bỏ vĩnh viễn đảng Cộng hòa. Ông bày tỏ sự thất vọng trước những hoạt động chính trị của đảng này, đồng thời chỉ trích hệ thống lưỡng đảng tại Mỹ đã trở thành "mối đe dọa sống còn đối với các nguyên tắc và thể chế Mỹ".
Hạ nghị sĩ Justin Amash của Quận bầu cử số 3, bang Michigan, tuyên bố lập ủy ban thăm dò tranh cử tổng thống. Ảnh: CQ Roll Call.
Theo bình luận của CNN, viễn cảnh một ứng viên ngoài hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đắc cử tổng thống Mỹ gần như không thể xảy ra. Tuy nhiên, việc có một ứng viên nặng ký thứ ba không thuộc hai đảng này tham gia tranh cử có thể thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cựu thống đốc bang New Mexico, ông Gary Johnson, được chọn làm ứng viên của đảng Tự do. Tên ông xuất hiện trên phiếu bầu tại mọi bang và giành được gần 3% số phiếu phổ thông toàn quốc.
Để được chọn làm ứng viên đại diện cho đảng Tự do, ông Amash phải được đề cử chính thức tại đại hội đảng dự kiến tổ chức vào cuối tháng 5, tại Austin, Texas. Thời điểm diễn ra sự kiện có thể thay đổi tùy vào diễn biến dịch Covid-19 tại Mỹ.
Mức ủng hộ dành cho hạ nghị sĩ 40 tuổi vẫn còn là ẩn số. Ông có thể giành được sự hưởng ứng từ những cử tri Cộng hòa theo khuynh hướng bảo thủ hoặc ủng hộ các nguyên tắc truyền thống của đảng và không hài lòng với Tổng thống Trump. Amash cũng có cơ hội lôi kéo nhóm cử tri cấp tiến đang không hài lòng với sự lựa chọn của đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden.
Trong thời gian qua, ông Amash đã gửi đi nhiều tín hiệu nghiêm túc cân nhắc nhảy vào cuộc đua đến Nhà Trắng. Đầu tháng 4, ông nói đang theo dõi sát sao viễn cảnh tranh cử. Hai tuần trước khi tuyên bố lập ủy ban thăm dò, ông thông báo đã ngừng vận động cạnh tranh vị trí đại diện cho quận bầu cử số 3 của bang Michigan tại Hạ viện.
Hạ nghị sĩ Amash từng nhiều lần khẳng định với báo chí ông chỉ tranh cử nếu thấy mình có đường thắng. Tháng 3/2019, ông tiết lộ với CNN bản thân chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về khả năng tranh cử vì nhận thấy "nhiều vấn đề lớn với hệ thống lưỡng đảng" và nước Mỹ "cần một ai đó thay đổi mọi thứ".
Bầu cử Mỹ năm 2020: Ông Bernie Sanders công bố lý do từ bỏ cuộc đua tranh cử Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thượng Nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders ngày 8/4 cho biết ông đã dừng chiến dịch tranh cử Tổng thống bởi vì chiến dịch này sẽ không thành công. Tuy nhiên, ông cam kết sẽ hợp tác với cựu Phó Tổng thống Joe Biden - người nhiều khả năng sẽ giành được đề cử làm ứng cử...