Trung Quốc âm thầm bắn thử tên lửa có thể diệt vệ tinh Mỹ
Trung Quốc gần đây bắn thử nghiệm một tên lửa mới có khả năng tiêu diệt các vệ tinh do thám của Mỹ.
Các tên lửa liên lục địa trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi năm 2009 – Ảnh: Reuters
Việc bắn thử nghiệm tên lửa Dong Neng-3 (DN-3) được tiến hành vào ngày 30.10 tại khu phức hợp thử nghiệm tên lửa ở thành phố Korla (khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc), trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 9.11 dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin đây là cuộc thử nghiệm tên lửa phòng không. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đây là loại tên lửa có khả năng đánh chặn và tiêu diệt vệ tinh.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin này. Về phía Trung Quốc, một người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: “Tôi không nắm thông tin chi tiết về vụ thử tên lửa”.
“Trung Quốc ủng hộ sử dụng không gian vũ trụ trong hòa bình và phản đối quân sự hóa và chạy đua vũ khí không gian”, người phát ngôn này cho hay.
Trang tin Guancha.com của Trung Quốc ngày 1.11 đưa tin có những vệt khói bất thường trên bầu trời ở thành phố Korla, cho rằng đây là một vụ phóng tên lửa. “Trong những năm gần đây, những vệt khói tương tự xuất hiện nhiều lần ở Tân Cương”, theoGuancha. Tờ Minh báo của Hồng Kông ngày 4.11 cũng đưa thông tin tương tự.
Một bản báo cáo gần đây của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc cho biết Trung Quốc từng thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh vào các năm 2010, 2013 và 2014, nhưng Bắc kinh tuyên bố đây là thử nghiệm tên lửa phòng không.
“Mặc dù Trung Quốc gọi đó là những cuộc thử nghiệm tên lửa phòng không, nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy đó là những cuộc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh”, theo báo cáo.
Video đang HOT
Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung Quốc cảnh báo sau những đợt thử nghiệm, Trung Quốc sẽ triển khai tên lửa diệt vệ tinh sớm nhất là vào năm 2020. Kể từ năm 2005, Bắc Kinh đã tiến hành 7 cuộc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh.
Hồi năm 2014, Trung Quốc cũng từng âm thầm tiến hành thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh. Ông Frank Rose, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Chính sách Quốc phòng và Vũ trụ lúc bấy giờ cảnh báo: “Mặc dù Trung Quốc tuyên bố không phải, nhưng tôi xin cam đoan rằng đây là một vụ thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh”.
Trung Quốc từng thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh vào tháng 1.2007, bắn hạ một vệ tinh thời tiết của Trung Quốc, tạo ra hàng vạn mảnh vỡ trong không gian và đây là mối đe dọa đối với cả vệ tinh, tàu vũ trụ và Trạm Không gian Quốc tế ISS, ông Rose nói.
Ông Rose cho biết những bí ẩn liên quan đến chương trình vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc đã ngăn Washington hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề không gian. Hợp tác chỉ có thể đến “với điều kiện Trung Quốc thay đổi hành vi của nước này về chương trình tên lửa diệt vệ tinh”, ông Rose cho hay.
“Việc Trung Quốc tiếp tục phát triển và thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh gây bất ổn, đe dọa an ninh và sự bền vững trong môi trường không gian vũ trụ”, theo ông Rose.
Những tài liệu do trang Wikileaks công bố cho thấy Mỹ và các đồng minh châu Á từng lên tiếng phản đối gay gắt vụ Trung Quốc thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh hồi năm 2010.
Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm tàu sân bay USS Roosevelt hoạt động trên Biển Đông hồi tuần rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Lầu Năm Góc đang theo dõi sát sao việc phát triển vũ khí của Trung Quốc.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Mỹ bất an trước vũ khí không gian Trung Quốc
Trung Quốc theo đuổi chương trình vũ khí không gian có thể phá hoại hoặc làm nhiễu các vệ tinh của Mỹ, cũng như hạn chế các hoạt động tác chiến của Mỹ trên toàn thế giới.
Tên lửa diệt vệ tinh SC-19 của Trung Quốc. Ảnh: WCT
Theo bản dự thảo báo cáo hàng năm mới nhất của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung (USCC) của Mỹ, dự kiến được công bố vào tháng tới, Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình sâu rộng và vững mạnh về năng lực phản công trong không gian. Nó bao gồm các tên lửa diệt vệ tinh lên thẳng, các hệ thống diệt vệ tinh cùng quỹ đạo, tấn công mạng, thiết bị gây nhiễu vệ tinh trên mặt đất và các vũ khí năng lượng định hướng".
Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc dự kiến sẽ sử dụng các cuộc tấn công dựa vào mạng máy tính, điện tử và động học để chống lại các vệ tinh hoặc các kết cấu hỗ trợ dưới mặt mất, trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ,
Trung Quốc đang phát triển các tên lửa lên thẳng có khả năng đánh trúng các vệ tinh bay ở quỹ đạo cao lẫn quỹ đạo thấp, đó là tên lửa DN-2 và SC-19. Cuộc thử nghiệm các tên lửa này được thực hiện vào năm ngoái.
Theo Washington Times, tên lửa diệt vệ tinh bay ở quỹ đạo cao DN-2 có thể đánh trúng các vệ tinh định vị toàn cầu của Mỹ, nhưng có vẻ thích hợp hơn để làm nhiễu các vệ tinh do thám, trinh sát và tình báo Mỹ. DN-2 sẽ được triển khai trong 5-10 năm tới.
Về loại vũ khí đặt trong không gian, Trung Quốc đang phát triển các thiết bị diệt vệ tinh bay cùng quỹ đạo.
"Hệ thống này bao gồm một vệ tinh được trang bị vũ khí, chẳng hạn như một thiết bị được nạp chất nổ, thiết bị nổ mảnh, vũ khí động năng, laser, vũ khí tần số vô tuyến, bộ gây nhiễu tín hiệu vệ tinh hoặc cánh tay robot", theo dự thảo báo cáo của USCC.
Các thiết bị này sẽ di chuyển trong không gian đến sát các vệ tinh mục tiêu và sau đó triển khai vũ khí để vô hiệu hoặc phá hủy chúng. Chúng có thể đâm thẳng vào các vệ tinh hoặc túm chặt mục tiêu bằng cánh tay robot.
Năm 2008, một vệ tinh chụp ảnh nhỏ của Trung Quốc bay ngang qua Trạm Không gian quốc tế (ISS) ở khoảng cách 45 km mà không hề thông báo trước. Dự thảo báo cáo của USCC cho rằng vệ tinh này đang diễn tập một cuộc tấn công vệ tinh bay cùng quỹ đạo.
Theo báo cáo, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tin rằng năng lực diệt hoặc phá hủy vệ tinh là rất quan trọng đối với việc răn đe đối phương. Họ cho rằng mối đe dọa diệt vệ tinh là sức mạnh răn đe đáng tin cậy hơn vũ khí hạt nhân.
"PLA đánh giá các vệ tinh Mỹ có vai trò quan trọng đối với năng lực duy trì các hoạt động chiến đấu trên toàn cầu của Washington. Phân tích của PLA về các hoạt động quân sự Mỹ khẳng định rằng, phá hủy hoặc thu giữ các vệ tinh hoặc hệ thống cảm biến khác sẽ tước thế chủ động của đối phương trên chiến trường. Đồng thời, việc này sẽ gây khó khăn hơn cho đối phương trong việc triển khai hiệu quả các vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao.
PLA ước tính 50 vệ tinh do thám của Mỹ, cùng với máy bay không người lái và có người lái cung cấp khoảng 70% thông tin liên lạc trên chiến trường, trong chiến dịch quân sự của NATO do Mỹ dẫn đầu ở Kosovo thập niên 1990.
Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc tấn công mạng nhằm chiếm quyền kiểm soát vệ tinh của đối phương, bằng cách xâm nhập tín hiệu vi sóng mà các mục tiêu này sử dụng, dự thảo báo cáo cho biết.
Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho rằng nếu xung đột nổ ra, PLA sẽ "tìm cách thực hiện các vụ tấn công mạng máy tính nhằm vào các vệ tinh của Mỹ, cũng như các cơ sở hỗ trợ ở mặt đất tương tác với vệ tinh Mỹ".
"Nếu thực hiện thành công, các cuộc tấn công như vậy sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính ưu việt về thông tin của Mỹ, đặc biệt nếu chúng được tiến hành để chống các vệ tính tình báo và quân sự nhạy cảm. Chẳng hạn, bằng cách tiếp cận hệ thống kiểm soát của một vệ tinh, kẻ tấn công có thể phá hủy, gây hư hại cho vệ tinh đó; chặn, làm giảm hiệu quả hoạt động, thao túng việc truyền thông tin hay tiếp cận thông tin của nó".
Dự thảo báo cáo cho biết tin tặc Trung Quốc có thể là chủ mưu nhiều vụ tấn công mạng máy tính nhằm vào các thiết bị không gian của Mỹ, bao gồm vụ tấn công hệ thống dịch vụ thời tiết và vệ tinh của Cục Khí quyển và Hải dương quốc gia Mỹ tháng 9/2014.
Trung Quốc cũng xây dựng nhiều thiết bị gây nhiễu điện tử đặt trên mặt đất. Năm 2006, Trung Quốc đã bắn một tia laser năng lượng cao, làm gián đoạn một vệ tinh của Mỹ.
Ngoài ra, lực lượng hạt nhân của Bắc Kinh cũng có thể được sử dụng để chống vệ tinh. Kích nổ hạt nhân ở quỹ đạo thấp của trái đất có thể gây ra một xung động điện từ, làm gián đoạn hoạt động của các vệ tinh không được bảo vệ.
Hồng Vân
Theo VNE
Nhật Bản phóng thành công vệ tinh do thám để thu thập tin tình báo Sáng 26/3, Nhật Bản đã phóng thành công một tên lửa đẩy mang theo vệ tinh quang học phục vụ cho chương trình thu thập tình báo của chính phủ nước này. Ảnh minh họa. (Nguồn: nasaspaceflight) Tin cho biết lúc 10 giờ 21 phút, Cơ quan thăm dò không gian vũ trụ Nhật Bản và Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã...