Trung Quốc: 9X đấu tranh chống bất công
Những cuộc biểu tình chống bất công xã hội liên tục nổ ra khắp Trung Quốc. Điều đáng chú ý là ngày càng có nhiều người trẻ sinh sau năm 1990, thậm chí cả học sinh cấp III, đứng lên đấu tranh.
Đụng độ trong cuộc biểu tình ở Khải Đông, tỉnh Giang Tây hôm 28-7 – Ảnh: Reuters
Cuộc biểu tình ở thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô hôm 28-7 để phản đối nhà máy giấy gây ô nhiễm chỉ là một trong số hàng loạt phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường ở Trung Quốc thời gian qua. Sự kiện gây chấn động nhất là việc ngày 1-7, hàng nghìn học sinh trung học thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên đổ ra đường phản đối chính quyền cấp phép xây dựng một nhà máy đồng 1,6 tỉ USD ngay trong thành phố có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Video đang HOT
Thế hệ 9X trỗi dậy
Mới đây, Thời Báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận cảnh cáo các thành phần xã hội “không nên ca ngợi việc học sinh cấp III xuất hiện ở tiền tuyến các cuộc xung đột xã hội”. Báo này cho rằng nhiệm vụ chính của học sinh cấp III là học hành. Tờ báo này đưa tin cảnh sát đã bắt giữ 27 người ở Thập Phương. Một số nguồn tin trên mạng Internet khẳng định đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trẻ đã nổ ra, ít nhất hai người thiệt mạng. “Chúng tôi sẵn sàng hi sinh vì người dân Thập Phương – một người biểu tình trẻ tuổi viết trên bức tường một tòa nhà trong thành phố – Chúng tôi là thế hệ 9X”. Sau đó, chính quyền Thập Phương chấp nhận nhượng bộ, tuyên bố sẽ ngừng dự án xây nhà máy đồng.
Chính Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin giới học sinh cấp III và sinh viên đại học Thập Phương đã đóng vai trò tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình, thu hút người dân mọi tầng lớp, lứa tuổi tham gia. Tờ báo này gọi đây là “thế hệ người biểu tình mới”. “Nhiều sinh viên và học sinh 9X, trong đó có các bạn học của tôi, đã tham gia cuộc biểu tình ngay từ đầu” – một học sinh mới tốt nghiệp cấp III ở Thập Phương tiết lộ. Một sinh viên năm nhất khẳng định: “Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm xã hội nên phải hành động”.
Một sinh viên khác tuyên bố: “Trước đây tôi không mấy quan tâm đến chính trị và các hoạt động của chính phủ. Nhưng giờ đây tôi đã hiểu tầm quan trọng của việc đấu tranh vì quyền lợi của chính mình”. Theo báo Anh Financial Times, một số nhà quan sát phương Tây nhận định không giống thế hệ 8X ít quan tâm đến chính trị, thế hệ 9X ở Trung Quốc cho thấy họ quan tâm và muốn tham gia chính trị. “Tôi muốn biết sự thật – một sinh viên 19 tuổi ở Thập Phương viết trên blog khi đăng các hình ảnh của cuộc biểu tình – Rất nhiều người không muốn nói lên sự thật nhưng tôi sẽ nói. Và chắc chắn nhiều người 9X sẽ làm như tôi”.
So với thế hệ 8X, thế hệ 9X ở Trung Quốc đa số là con một trong các gia đình, được học hành đàng hoàng. Khác với lớp đàn anh, thế hệ 9X Trung Quốc chưa phải lo lắng về chuyện giữ công việc ổn định, kiếm đủ tiền để mua nhà, mua xe. Do đó, họ sẵn sàng đấu tranh chống bất công mà không sợ bị đánh mất những gì mình đang có.
Hơn nữa, giới sinh viên Trung Quốc hiện nay không thấy nhiều cơ hội cho bản thân mình trong tương lai do kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo Trung Quốc đã công khai lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc khoảng 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong năm nay sẽ khó kiếm được việc làm khi ra trường. Thế hệ 9X cũng phải đối diện với những hậu quả môi trường nghiêm trọng mà công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc gây ra.
Ngoài ra, thế hệ 9X ở Trung Quốc được tiếp cận với Internet và mạng xã hội từ rất sớm. Do đó họ có điều kiện thấu hiểu thêm về chính trị thay vì chỉ tiếp nhận thông tin mang tính tuyên truyền trên ghế nhà trường.
Chính quyền Trung Quốc lo ngại
“Thập Phương đã thay đổi cách nhìn của mọi người đối với thế hệ 9X” – blogger nổi tiếng Trung Quốc Han Han bình luận. Tương tự, trong vụ biểu tình chống quan chức chiếm đất ở làng Ô Khảm hồi năm 2011, lực lượng nòng cốt cũng là những người trẻ sinh cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Và đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang rất lo ngại với hiện tượng biểu tình ngày càng trẻ hóa.
Tờ Thời Báo Châu Á dẫn lời nhà phân tích William Lam nhận định các kết quả ở Ô Khảm và Thập Phương cho thấy có thể chính quyền Bắc Kinh đang chọn cách tiếp cận mềm mỏng và linh hoạt nhằm ngăn chặn những trận cuồng phong mang sức trẻ đang nổi lên ở Trung Quốc. Mới đây, ông Chu Vĩnh Khang, chủ tịch Ủy ban pháp luật Bộ Chính trị Trung Quốc, ra lệnh các cấp chính quyền phải noi theo “mô hình làng Ô Khảm” (chính quyền tỉnh Quảng Đông chấp nhập xóa sổ bộ máy chính quyền địa phương tham nhũng, thay hoàn toàn bằng nhân sự mới để xoa dịu người dân).
Một số nhà quan sát phương Tây bình luận việc giới trẻ 9X chủ động tham gia chính trị sẽ càng gây khó khăn cho chính quyền Bắc Kinh, khi mà khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc tăng vọt, môi trường suy thoái, kinh tế sụt giảm, người dân ngày càng bức xúc… Bởi sức trẻ sẽ tiếp thêm năng lượng mạnh mẽ cho hàng chục nghìn cuộc biểu tình nổ ra hằng năm, càng khiến xã hội Trung Quốc lún sâu vào bất ổn.
Theo Tuổi trẻ