Trung – Nhật: “cuộc chiến” tàu sân bay?
Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao giữa Nhật và Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc lại loan báo đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động.
Từ lâu, Nhật đã chuẩn bị ra sao cho “cuộc chiến” tàu sân bay với Trung Quốc?
Tàu khu trục chở trực thăng Hyuga của Nhật Bản – Ảnh: Defense News
Theo Tân Hoa xã, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định tàu sân bay Liêu Ninh dài 304m “sẽ cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng chiến đấu của hải quân và cải thiện khả năng quốc phòng của mình”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh tàu sân bay này “sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước”. Trước đó, giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Bắc Kinh đã có kế hoạch đóng thêm một hoặc hai tàu sân bay nữa.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5-2012 cho biết Trung Quốc đã bắt đầu tự đóng tàu sân bay riêng của mình, và tàu sân bay đầu tiên này sẽ có khả năng tác chiến vào năm 2015. “Trung Quốc có thể sẽ đóng thêm tàu sân bay và tàu hỗ trợ trong vòng 10 năm tới”.
Từ nhiều năm qua, Nhật Bản đã nhận ra mối đe dọa này. Sách trắng quốc phòng của Nhật năm 2012 đã nhận diện rõ mối đe dọa này khi nhận định “do các bước hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc, không có gì nghi ngờ Trung Quốc đang xây dựng những khả năng để tiến hành các chiến dịch quân sự ở khoảng cách xa”.
Video đang HOT
Tàu sân bay hạng nhẹ
Mối đe dọa của Trung Quốc chủ yếu là trên biển, bởi các tuyến đường hàng hải bảo đảm an ninh năng lượng và thương mại của Nhật Bản đều chạy song song với bờ biển kéo dài của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Từ nhiều năm qua, Nhật vừa độc lập chuẩn bị cho một kế hoạch riêng vừa hợp tác với Mỹ trong liên minh quân sự với Washington để đạt được khả năng ngăn chặn hữu hiệu mối đe dọa từ trên biển. Nhật đang tăng cường lực lượng hải quân tác chiến, mà như tạp chí quốc phòng Jane’s Defense Weekly cho biết là sẽ tăng số lượng tàu ngầm lên 22 chiếc trong vài năm tới. Nhưng, điều ít ai để ý là Lực lượng phòng vệ biển Nhật (JMSDF) đã âm thầm phát triển chương trình tàu khu trục chở trực thăng (HCD). Chiếc HCD đầu tiên có tên Hyuga, được JMSDF đưa vào sử dụng tháng 3-2009. Chiếc thứ hai là Ise, xuất hiện vào tháng 3-2011. Mỗi chiếc dài 197m, rộng 33m, được trang bị hệ thống rađa hiện đại FCS-3 và tên lửa đất đối không Evolved Sea Sparrow.
Mỗi chiếc HCD của Nhật có thể chở theo 11 máy bay trực thăng. Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định JMSDF hoàn toàn có thể nâng cấp tàu Hyuga và Ise để chở máy bay chiến đấu F-35 Lightning II như tàu sân bay thực thụ. Trên thực tế, hai tàu này thuộc loại tàu sân bay hạng nhẹ. Giới truyền thông Mỹ mô tả tàu Hyuga là “tàu sân bay đầu tiên Nhật đóng kể từ Thế chiến II”. Năm 2011, Trung Quốc Nhật Báo dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đánh giá Nhật đã chính thức được xem là “cường quốc tàu sân bay”.
Trong báo cáo, chuyên gia quân sự châu Á Gary Li thuộc IISS đánh giá JMSDF “có năng lực cực kỳ hùng mạnh”. Chuyên gia IISS Christian Le Miere cũng đánh giá năng lực hải quân của Nhật vượt xa Trung Quốc. Chưa hết, Nhật cũng đang đóng tiếp một tàu HCD thứ ba ở Yokohama và sẽ đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tàu này dài 248m, dài hơn 4m so với tàu sân bay chính hiệu Cavour của Ý. Với tổng đầu tư lên đến 1,04 tỉ USD, tàu này có thể chở 14 máy bay trực thăng, 4.000 binh sĩ và 50 xe quân sự.
“JMSDF cần trực thăng để giám sát tàu ngầm và tàu tuần tra của kẻ thù trên biển – báo Asahi dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật khẳng định – Do đó JMSDF cần tàu khu trục lớn để chở càng nhiều trực thăng chiến đấu càng tốt”. Các quan chức Nhật tiết lộ các tàu khu trục chở trực thăng chủ yếu hoạt động ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần đây, báo chí Nhật đưa tin JMSDF đã phát hiện Trung Quốc triển khai tàu khu trục tên lửa gần các giếng khí đốt trên biển Hoa Đông.
Chặn đầu nguy cơ
Tại sao Nhật không đóng tàu sân bay thực thụ mà phải dựa vào tàu khu trục chở trực thăng? Theo báo Le Monde, trên thực tế điều 6 Hiến pháp Nhật cấm quân đội đóng tàu sân bay do loại tàu này có năng lực vượt quá “cấp độ phòng vệ tối thiểu”. Do đó, JMSDF chú trọng phát triển HCD để bù đắp sự thiếu hụt tàu sân bay.
Điều quan trọng là JMSDF hoàn toàn có thể biến các tàu này thành tàu sân bay thực thụ khi mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 có khả năng bay lên thẳng. Một số tướng quân đội Trung Quốc đánh giá mỗi tàu HCD của Nhật có thể chở sáu máy bay chiến đấu.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới đạt được năng lực hoạt động cần thiết. Hải quân Trung Quốc cũng chưa thể xây dựng được các nhóm tàu đủ sức thách thức tàu chiến Nhật. Tuy nhiên, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thể hiện sức mạnh hải quân Trung Quốc và đóng vai trò đe dọa các nước láng giềng nhỏ có tranh chấp biển đảo, đặc biệt là ở biển Đông. Tàu Liêu Ninh sẽ đóng ở đảo Hải Nam, do đó càng làm tăng căng thẳng trên biển Đông.
Chính phủ Nhật lo ngại Trung Quốc cũng sẽ áp dụng chính sách “lấy thịt đè người” đó trên biển Hoa Đông, do đó Tokyo buộc phải có sự phòng bị. Truyền thông Nhật khẳng định căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho thấy chương trình tàu khu trục chở trực thăng là cực kỳ cần thiết.
Theo Dantri
Nhật đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại
Một cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc - Ảnh: AFP
Tokyo sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại do các cuộc biểu tình gây ra tại những cơ quan ngoại giao của Nhật tại Trung Quốc trong những ngày qua, theo chính phủ Nhật vào hôm nay, 20.9.
"Liên quan đến các thiệt hại xảy ra với tòa đại sứ và tòa lãnh sự của chúng tôi, chúng tôi dự định yêu cầu bồi thường vì đây là vấn đề giữa các chính phủ", Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura nói với các phóng viên ở Tokyo.
Ông Fujimura cho biết mọi thiệt hại về tài sản của các doanh nghiệp Nhật sẽ được giải quyết theo luật lệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một phát biểu mang tính hòa giải, ông Fujimura nói Tokyo sẽ liên hệ với Trung Quốc, theo AFP.
"Thủ tướng đang cân nhắc cử một đặc phái viên (đến Trung Quốc) trong nỗ lực nhằm tìm cách giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh thông qua những kênh ngoại giao khác nhau", ông Fujimura nói.
Hàng chục ngàn người Trung Quốc đã biểu tình chống Nhật trên cả nước kể từ tuần trước, với một số trường hợp phá hoại cửa hàng và nhà máy thuộc sở hữu của người Nhật, buộc các công ty Nhật phải đóng cửa hoặc cắt giảm quy mô sản xuất.
Theo AFP, các cuộc biểu tình có vẻ như đã hạ nhiệt trong hôm 19.9. Tòa đại sứ Nhật cho biết những người biểu tình đã được nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu không tụ tập trở lại.
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc nổ ra sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước vào đầu tuần trước.
Theo TNO
Tranh chấp Senkaku: Tại sao Mỹ phải có trách nhiệm? Tranh chấp xung quanh nhóm đảo nhỏ mà phía Nhật gọi là Senkaku còn phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông đã làm nóng bầu không khí ngoại giao láng giềng sau khi chính phủ Nhật tuyên bố mua lại các đảo với giá khoảng 30 triệu USD. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách điều hai tàu tới...