Trung Nga muốn thành lập tòa án quốc tế riêng sau vụ kiện Biển Đông?
Nếu “sáng kiến” thành lập tòa án quốc tế Á – Âu kia là có thật và lại xuất phát từ phía Moscow thì có lẽ đó là một tính toán thất sách.
Tờ Tin tức Tham khảo, một phụ san của Tân Hoa Xã ngày 6/8 đưa tin, trong hội nghị thượng đỉnh Trung – Nga bên lề G-20 tại Hàng Châu đầu tháng Chín tới sẽ có “tin mừng”, Bắc Kinh và Moscow có thể thành lập một tòa án quốc tế cho khu vực Âu – Á.
Ngày 5/8, tờ Sputnik News của Nga dẫn lời Quế Tòng Nhân, Vụ trưởng Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Putin đề xuất ý tưởng xây dựng “quan hệ đối tác đại Âu – Á”.
Đây sẽ là cuộc hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung bao trùm mọi lĩnh vực. Tập trận chung Nga – Trung tiến hành ở Biển Đông đang căng thẳng vì tranh chấp leo thang cũng sẽ diễn ra trong tháng Chín.
Video đang HOT
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Time.com
Quế Tòng Nhân nói rằng, Trung Quốc và Nga là hai nước lớn ở 2 châu lục Á – Âu, hai nước láng giềng và hai nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên có vai trò đặc biệt trong đảm bảo chiến lược an ninh và phát triển cân bằng trong phạm vi toàn cầu.
Đáp lại sự ủng hộ của Bắc Kinh về mặt kinh tế, Moscow đã có những cử chỉ đáp lễ, bao gồm cuộc tập trận chung ở Biển Đông.
Mặc dù Nga không công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng vì Hội đồng Trọng tài (thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982) hủy bỏ đường lưỡi bò hôm 12/7, Trung Quốc và Nga có thể sẽ đưa ra đề xuất thành lập một “tòa án quốc tế cho khu vực Á – Âu, độc lập với phương Tây”.
Theo Sputnik News, mặc dù hợp tác với Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, nhưng nếu không hợp tác với Trung Quốc thì tổn thất của Nga càng lớn. Xây dựng không gian kinh tế lục địa Á – Âu không thể thiếu Trung Quốc mà cũng không thể thiếu Nga.
Cá nhân người viết cho rằng rất ít khả năng Nga – Trung Quốc có thể hợp tác với nhau xây dựng một tòa án quốc tế mới độc lập với hệ thống tư pháp quốc tế hiện hành, bởi cả Nga và Trung Quốc đều đang hưởng lợi rất lớn từ trật tự quốc tế mới sau Chiến tranh Thế giới II.
Nếu vì đường lưỡi bò phi lý bị bác bỏ bởi phán quyết của một Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là một thành viên mà Trung Quốc quay lưng với hệ thống tư pháp, luật pháp quốc tế mà nước này cũng đã góp phần xây dựng nên thì tính chính danh đâu còn, ai theo?
Bởi vậy, thiết nghĩ ý tưởng này nếu có cũng chỉ là một con bài chính trị mà Moscow và Bắc Kinh định lợi dụng để mặc cả với Washington mà thôi, không có ý nghĩa nhiều trong thực tế. Tuy nhiên nếu “sáng kiến” này có thật thì nó cho thấy sự lệ thuộc ở mức độ nào đó của Điện Kremlin vào Trung Nam Hải.
Quan sát hợp tác Nga – Trung trong lĩnh vực kinh tế những năm gần đây có thể thấy tình trạng dậm chân tại chỗ và Bắc Kinh không phải lựa chọn tốt nhất cho Moscow thoát vòng vây cấm vận của Mỹ và phương Tây vì vụ “sáp nhập” Crimea.
Không phải cứ có quan hệ chính trị nồng ấm với Trung Nam Hải là nhân dân tệ sẽ đổ đầy vào nền kinh tế Nga, bởi kinh tế có quy luật của riêng nó, cho dù chính trị có tác động nhất định.
Người viết cho rằng, hy vọng của Moscow rằng Bắc Kinh sẽ ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn hoạn nạn bằng cách phát biểu dăm ba câu chống lưng cho Trung Quốc trước phán quyết trọng tài, đồng ý tập trận chung ở Biển Đông sau 12/7 và nhấn mạnh quan hệ chính trị “tốt đẹp chưa từng có” có lẽ chỉ là một mong muốn đơn phương.
Lý do thì có nhiều, nhưng quan trọng nhất là 2 hổ không thể sống chung một núi, tư tưởng Đại Hán và Đại Nga khó dung nhau. Lịch sử quan hệ hai nước đã cho thấy rõ điều này, ngay cả lúc đương tuần trăng mật cũng không thoát khỏi những nghi kỵ soán ngôi, đoạt vị của nhau trên vũ đài chính trị quốc tế.
Mặt khác, dù có nói gì và làm gì thì phán quyết của Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã được tuyên và không ai có thể thay đổi được. Càng tìm cách chống lại, uy tín và hình ảnh của Trung Quốc càng xấu đi trong mắt dư luận khu vực cũng như quốc tế.
Cho nên nếu “sáng kiến” thành lập tòa án quốc tế Á – Âu kia là có thật và lại xuất phát từ phía Moscow thì có lẽ đó là một tính toán thất sách, bắt đầu một thời kỳ lệ thuộc vào Trung Quốc của xứ sở Bạch Dương.
Theo Giáo Dục