Trùng Khánh siêu đô thị bên bờ sông Dương Tử
Trung Quốc hiện đang sở hữu những đô thị tầm cỡ thế giới.
Bên cạnh những thành phố có tốc độ đô thị hóa ngoạn mục như Thượng Hải, Hàng Châu, Bắc Kinh, Quảng Châu… ở phía Đông, nằm kế bên vùng Tứ Xuyên là thành phố Trùng Khánh, nơi đang nhen nhóm trở thành một siêu đô thị trong tương lai gần.
Thành phố của những cao ốc
Trùng Khánh nằm trên khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên Thanh-Tạng và đồng bằng trung-hạ du Trường Giang. Trùng Khánh nằm sâu trong lục địa ở phía Tây Nam Trung Quốc, tại thượng du của Trường Giang, thuộc rìa phía Đông của bồn địa Tứ Xuyên. Thành phố giáp với Hồ Bắc và Hồ Nam ở phía Đông, giáp với Quý Châu ở phía Nam, phía Tây giáp Tứ Xuyên và phía Bắc giáp Thiểm Tây. Tên gọi Trùng Khánh có ý nghĩa khá hay, là “hạnh phúc nhân đôi” cho người dân 2 bên bờ sông Dương Tử.
Trung tâm của thành phố là vùng đô thị choáng ngợp có tên là bán đảo Du Trung, nằm ở giao điểm của 2 con sông Trường Giang và Gia Lăng, có vị trí chiến lược quan trọng trong vận tải đường thủy và là đầu mối giao thông của vùng Tây Nam Trung Quốc. Đến thành phố Trùng Khánh, khách du lịch không thể tránh khỏi cảm giác nghẹt thở bởi những tòa nhà chung cư và cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm được xây dọc theo bờ sông. Bên cạnh đó là những chiếc cầu dây văng khổng lồ bắc ngang trên những con sông lớn, những tuyến tàu điện rồng rắn chạy xuyên qua những đường hầm và tòa nhà.
Tưởng chừng vùng đất chật người đông sẽ không còn chỗ cho những tòa nhà khác mọc lên thì ngay tại bán đảo kim cương các công trình cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên như nấm. Trong đó tòa nhà Raffles City đang dần hoàn thiện với thiết kế độc đáo. Ấn tượng nhất là chiếc cầu trên không dài 300m nối đỉnh của 4 tòa cao ốc, được xem là chiếc cầu trên tòa nhà cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau tòa cao ốc Kingdom Center ở Ả Rập Saudi. Raffles City là số ít công trình kiến trúc đắt đỏ bậc nhất từng được xây tại Trung Quốc.
Đêm xuống là thời khắc đô thị càng tráng lệ. Đây là thời điểm các cây cầu ở Giang Bắc và Nam Ngạn chật ních người, do ai cũng muốn chiêm ngưỡng quang cảnh các tòa nhà ở Trùng Khánh khoác lên mình những ánh đèn sặc sỡ, phản chiếu xuống dòng sông, khiến du khách cảm giác như đang đứng giữa ranh giới của 2 thành phố ảo-thực lẫn lộn.
Đô thị xếp tầng độc đáo
Đến Trùng Khánh, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là cảnh đường chồng đường, nhà chồng nhà. Đôi khi bạn bấm thang máy lên xuống tầng 1 mở ra thấy mặt đường, nhưng khi bấm ngược lên tầng 9 mở ra lại là một con phố mặt tiền khác. Điều kỳ lạ này bắt nguồn từ cấu trúc địa hình phức tạp bên dòng sông Dương Tử và Gia Lăng, bờ sông là những vách đá cao sừng sững và sâu khoảng vài chục mét.
Chính vì thế, những chung cư và cao ốc xây dọc theo bờ sông có cấu trúc móng rất chắc chắn, xếp tầng lên nhau tạo thành mê cung cho những ai dễ mất phương hướng. Ngoài ra, nếu đi bộ trong lòng đô thị bạn sẽ phải rất vất vả đi ngang những con dốc.
Không chỉ nhà cửa chồng tầng độc đáo, những con đường tạo thành những mắc xích chồng chéo ở các khúc cua và cầu vượt cũng là điều ấn tượng cho du khách khi đến Trùng Khánh. Nút giao thông Hoàng Giác Loan bắt đầu hoạt động và trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội vì độ lắt léo.
Chỉ bỏ lỡ một lối ra bạn sẽ như lạc vào mê cung ngay lập tức, phải đi lòng vòng cả buổi mới tìm được đúng hướng. 2 vị trí dù rất gần nhau nhưng nếu gọi xe taxi, bạn phải đi vòng khá xa do đa số cung đường đều là đường 1 chiều. Để tránh tắc đường, nhiều khi tài xế phải chọn những cung đường vắng là các cầu vượt trên không, hay những tầng đường dọc bờ sông để chạy, đã cho bạn cảm giác như đang bay lướt qua một đô thị.
Video đang HOT
Tích hợp hiện đại, cổ kính và thiên nhiên
Tham quan Trùng Khánh, du khách sẽ không cảm thấy nhàm chán bởi độ tấp nập và náo nhiệt nơi đây. Ở trung tâm Giang Bắc là những phố đi bộ mua sắm thời trang cao cấp và ẩm thực đặc trưng vùng Tứ Xuyên, thu hút rất đông người đi thưởng ngoạn. Tuy rất đông đúc nhưng bạn không khỏi ngạc nhiên về mức độ sạch sẽ và sáng bóng của những con đường lát gạch. Ngay tại trung tâm là tháp đồng hồ nằm lọt thỏm giữa những cao ốc, xung quanh là đài tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật.
Hồng Nhai động là điểm thu hút rất đông du khách bởi nó rất giống bối cảnh phim “Vùng đất linh hồn”, nằm trong khu tổ hợp buôn bán sầm uất bậc nhất của Trùng Khánh, có diện mạo là dãy dài các tòa nhà kiến trúc giả cổ nằm nối liền nhau. Hồng Nhai động gồm nhiều hang trong vách đá cạnh bờ sông hơn 2.500 năm tuổi, đồng thời cũng là hương cảng thời trung cổ. Hồng Nhai động có 11 tầng cao 75m. Du khách được khuyên đừng bỏ qua danh lam này lúc lên đèn rất lung linh, huyền bí.
Cách trung tâm khoảng 15km là phố cổ có tên Từ Khí Khẩu thuộc quận Shapingba, người ta cũng hay gọi phố cổ này là Tiểu Trùng Khánh. Với diện tích khoảng 1,2km2, nơi đây có rất nhiều cửa hàng bán thực phẩm, cùng các hoạt động như hát bội, xuyên kịch.
Du khách có thể thong thả nhâm nhi tách trà nhìn ngắm những thiếu nữ cổ trang thướt tha pha trà, hay trầm trồ quan sát những đồ thủ công kỹ nghệ đặc sắc như lược chải tóc được mài từ sừng trâu, những chiếc túi thơm thảo mộc, những bức tranh họa đồ mực tàu bắt mắt và những nồi chảo khổng lồ đang nấu gia vị cho món lẩu Tứ Xuyên cay nồng đặc trưng. Từ Khí Khẩu vốn là trấn cổ hơn 1.700 năm tuổi, trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh (1368-1911), nơi đây nổi tiếng về sản xuất đồ sứ. Chính vì tầm quan trọng của ngành công nghiệp sứ, cái tên đã được đổi từ Long Âm thành Từ Khí Khẩu, được dịch là Làng sứ.
Công viên địa chất Vũ Long cách thành phố khoảng 140km, là tổ hợp các thắng cảnh đẹp bồng lai. Trong đó Thiên Sinh Tam Kiều – 3 cây cầu đá hình mái vòm tự nhiên uốn lượn bên những vách đá vôi dựng đứng, mang tên 3 loài rồng cổ Trung Quốc: Thiên Long, Thanh Long và Hắc Long. Trong đó cây cầu hùng vĩ nhất mang tên “Thiên Long Kiều” cao 235m, bắc ngang qua thung lũng của quần thể núi đá vôi ở Công viên địa chất Vũ Long. Bên dưới Thiên Long Kiều là quần thể kiến trúc cổ “tứ hợp viện” hoàn toàn bằng gỗ, bên ngoài treo đèn lồng đỏ và đề 4 chữ “Dịch Quán Thiên Phúc”, một kiến trúc cổ nằm lọt giữa các vách núi sừng sững thật đẹp mắt.
Đặc biệt, đến Công viên địa chất Vũ Long, du khách có thể ghé thăm Đài quan sát bằng kính trong suốt lớn nhất thế giới. Đây là đài quan sát nằm ở độ cao 1.128m so với mực nước biển, diện tích 210m2, treo trên vách núi ở độ cao 280m – tương đương tòa nhà cao 100 tầng. Địa danh càng trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong một bộ phim bom tấn, dù chỉ lướt qua 2 phút nhưng quần thể núi đá vôi huyện Vũ Long đã được quảng bá rộng rãi cùng bộ phim Transformers 4. Cũng chính những thước phim này khiến du khách biết đến Công viên địa chất Vũ Long, một địa danh được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2007.
Du khách cũng có thể dành thời gian chiêm ngưỡng những công trình điêu khắc cổ, như tượng khắc đá Đại Túc – một loạt tác phẩm điêu khắc tôn giáo nằm ở huyện Đại Túc, cách trung tâm thành phố Trùng Khánh 163km. Tượng bắt đầu được khắc vào cuối đời nhà Đường, trải qua 5 triều đại, cực thịnh nhất vào đời Lưỡng Tống (nhà Bắc Tống và nhà Nam Tống). Đây là kho tàng nghệ thuật hang đá của Trung Quốc với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc bằng đá, phân bố ở hơn 40 địa điểm thuộc huyện Đại Túc. Trong đó chủ yếu là các pho tượng của đạo Phật, sau đó là Đạo giáo, Nho giáo, cùng tượng một số nhân vật lịch sử.
Đây là quần thể tượng khắc có sự kết hợp của lực học, quang học, nội dung tạo hình và thế núi, thể hiện rất rõ nghệ thuật tạc tượng Phật người Trung Quốc. Với đặc trưng “Người hóa thần, thần hóa người”, năm 1999, tượng khắc đá Đại Túc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Thành phố Trùng Khánh và các vùng lân cận còn nhiều điều thú vị để du khách tự khám phá du lịch, là sự tích hợp độc đáo của hiện đại, cổ kính và thiên nhiên.
Từ TPHCM và Hà Nội, du khách có thể bay trực tiếp đến Trùng Khánh với hãng hàng không China Southern Airlines, để có thể tự mình lạc lối giữa một đô thị độc đáo của đất nước Trung Hoa.
Phạm Hoàn Khải (Youtube: Fahoka Xê Dịch)
Theo saigondautu.com.vn
Instagram và mạng xã hội tàn phá 'hòn đảo ngọc phương Đông' ở Malaysia
Cuộc cách mạng nghệ thuật đường phố đã biến hòn đảo Penang của Malaysia thành một trung tâm nổi tiếng. Tuy nhiên việc thu hút quá nhiều khách du lịch đang tàn phá linh hồn nơi đây.
Zing.vn trích dịch bài viết từ South China Morning Post, phản ánh việc nghệ thuật đường phố tại Penang (Malaysia) bị ảnh hưởng tiêu cực từ nhu cầu "sống ảo" của những vị khách du lịch ghé thăm.
Alvin Neoh và Jaime Oon không chỉ là hai họa sĩ trẻ mà còn là chủ quán cà phê Narrow Marrow tại George Town, Penang (Malaysia). Đây là địa điểm thu hút các nhà sáng tạo trẻ của hòn đảo thường xuyên ghé thăm sau giờ làm việc.
Có thể bắt gặp nhóm người này vào buổi chiều chủ nhật hàng tuần tại Hin Bus Pop Up Sunday, khu chợ thu hút khách du lịch và dân hipster từ khắp nơi. Họ hy vọng có thể bán được vài sản phẩm tự làm ra tại đây.
Khách du lịch ghé thăm chợ Hin Bus Pop Up Sunday. Ảnh: Courtesy of HBUS.
Nhìn vào phiên chợ lụp xụp này, thật khó để tin đây chính là nơi "xuất thân" của sự bùng nổ cuộc cách mạng nghệ thuật đường phố ở Penang.
Từ năm 2014, các nghệ sĩ địa phương và quốc tế đã tìm thấy một điểm sáng ở đây và biến hòn đảo thành một trong những trung tâm nghệ thuật nổi tiếng nhất nhì Đông Nam Á.
Nhu cầu 'sống ảo' diết chết nghệ thuật
Giờ đây, mọi chuyện đã khác. Linh hồn nghệ thuật nguyên thủy của khu vực này đã bị thay đổi bởi những cốc espresso đắt tiền và các cửa hàng thời trang hàng hiệu. Điều này khiến cho nghệ sĩ trẻ cảm thấy bất lực.
Chợ Hin Bus vẫn còn lưu giữ những bức tranh tường thuở đầu tiên, bao gồm các tác phẩm của nghệ sĩ người Litva có tên Ernest Zacharevic.
Một số người tôn sùng, gọi Zacharevic là "Banksy của Malaysia", nhưng với những người khác, anh là "con quỷ ngoại quốc" - người đã châm ngòi cho việc thương mại hóa nghệ thuật ở George Town.
Tác phẩm Little Children on a Bicycle của tác giả Zacharevic. Ảnh: Alamy.
Tác phẩm nổi tiếng nhất ở Penang của Zacharevic là Little Children on a Bicycle (tạm dịch: Những đứa trẻ trên chiếc xe đạp) sáng tác năm 2012.
Từ khi The Guardian vinh danh đây là tác phẩm nghệ thuật đường phố tuyệt nhất thế giới, mỗi tháng có hàng nghìn khách du lịch ghé qua đây.
Hàng chờ đến lượt được chụp ảnh với tác phẩm này đông đến mức gây tắc đường, khiến giao thông Penang trở nên hỗn loạn.
Chính tác giả của bức tranh cũng không hài lòng khi tác phẩm của anh đã làm cho George Town thay đổi theo hướng như vậy.
Zacharevic không đồng tình với cách khách du lịch khiến Penang hỗn loạn như vậy. Ảnh: AFP.
Tháng 7 vừa qua, Zacharevic đã viết trên Instagram rằng: "Không chỉ người khác mà ngay cả tôi cũng tự trách bản thân mình khi tác phẩm Little Children on a Bicycle khiến cho đời sống tại Penang hỗn loạn như vậy. Nếu có thể, tôi sẵn sàng vẽ đè lên tác phẩm đó để giúp chấm dứt tình trạng này".
Anh cũng khẳng định linh hồn nghệ thuật của khu vực này đã tiêu tan khi nó dần bị lấp đầy bởi những cửa hàng phục vụ nhu cầu "sống ảo" của khách du lịch.
Đây không còn là George Town ngày nào được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2007.
Khu phố giờ trở nên thật hợm hĩnh trong mắt khách du lịch với những bảo tàng tranh 3D nhạt nhòa, các nhà hàng đồ Tây đắt đỏ, những món đồ lưu niệm tồi tàn và đầy rẫy người ăn xin.
Nơi từng truyền cảm hứng cho nghệ thuật đường phố Penang nay đã phai nhòa.
Một tác phẩm đường phố tại George Town. Ảnh: Alamy.
Những khó khăn khác
Nhiều người tin rằng, mọi thứ bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát sau sự chú ý của truyền thông quốc tế dành cho những bức tranh tường của Zacharevic. Điều này đã truyền cảm hứng cho chính quyền địa phương thực hiện hoặc hỗ trợ các lễ hội nghệ thuật đường phố quốc tế như Urban Xchange.
Từ đó, Quảng trường Nagore và các khu phố George Town được dựng lên với những tác phẩm nghệ thuật đường phố hoàn toàn mới. Tuy nhiên, những tác phẩm này phải tuân thủ nhiều quy định. Những nguyên tắc khắt khe đó đã làm giới hạn cảm hứng và sức sáng tạo của các nghệ sĩ.
Ngoài ra, Thomas Powell, một nghệ sĩ người Anh bắt đầu sự nghiệp ở Penang, chia sẻ thêm: "George Town là một nơi tuyệt vời để làm việc và sáng tạo. Tuy nhiên, nơi đây không có khách hàng địa phương nào hỗ trợ kinh phí để phát triển nghệ thuật".
Việc khách du lịch trả tiền để trải nghiệm những dịch vụ "hời hợt" ở Penang thay vì tận hưởng không gian văn hóa thực thụ của hòn đảo khiến nghệ thuật đường phố nơi đây đang rơi vào tình cảnh bế tắc. Hiện nay, các nghệ sĩ địa phương vẫn không tìm được giải pháp nào cho tình trạng này.
Theo news.zing.vn
Đến Cà Mau trải nghiệm du lịch sinh thái - cộng đồng Cà Mau luôn có sức hút mạnh mẽ đối với du khách bởi đây là mảnh đất thiêng liêng ở địa đầu cực Nam của Tổ quốc, nơi "Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi". Trước đây do điều kiện giao thông chưa thuận tiện nên việc phát triển sản phẩm du lịch ở Cà Mau còn đơn điệu chưa...