Trưng dụng tài sản: Nỗi lo CSGT lạm quyền
Phải đến ngày 15.2 mới có hiệu lực nhưng Thông tư 01/2016 (quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ) của Bộ Công an đang “gây bão” trong dư luận về quyền hạn của CSGT.
Đó là CSGT “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân… theo quy định của pháp luật” (khoản 6 Điều 5).
Ở thời công nghệ số, quyền sở hữu, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc hay các thiết bị khác không còn đơn thuần là quyền về tài sản và trong nhiều trường hợp nếu có hư hỏng, mất mát thì không phải có tiền sửa chữa hoặc mua cái mới là khôi phục được. Đơn cử, chiếc máy tính hay điện thoại di động ngoài các chức năng kỹ thuật còn là nơi chứa đựng các dữ liệu, thông tin cá nhân… Vì thế nhiều thắc mắc đã được đặt ra từ quyền hạn nêu trên như: CSGT nào được ra lệnh trưng dụng, tình huống nào thì dân phải chấp hành, việc trưng dụng được thực hiện như thế nào, việc hoàn trả và bồi thường đầy đủ ra sao…?
Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (TMTDTS) 2008 thì trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân… thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”. Luật này nhấn mạnh trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được và phải thuộc năm trường hợp quy định. Gồm có: Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa; khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ…
Về hình thức, quyết định trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản. Trường hợp đặc biệt thì được trưng dụng bằng lời nói nhưng phải có giấy xác nhận. Về quyền hạn thì phải là bộ trưởng hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh và những người này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.
Đáng lưu ý là từ những ràng buộc khắt khe đó mà Luật TMTDTS đã bãi bỏ quyền trưng dụng tài sản của lực lượng công an. Theo Luật Công an nhân dân (CAND) 2005 thì “trong trường hợp cấp thiết công an được trưng dụng phương tiện giao thông, thông tin… của cơ quan, cá nhân”. Song Luật TMTDTS đã thay cụm từ “trưng dụng” trên bằng cụm từ “huy động”. Điều này có thể hiểu là từ khi Luật TMTDTS có hiệu lực thì công an chỉ được quyền huy động tài sản của dân.
Điều chỉnh này được kéo dài đến sáu năm thì lại có sự thay đổi mà đến giờ nhiều người vẫn không rõ lý do. Cụ thể, với Luật CAND 2014 thì công an có đồng thời hai quyền là trưng dụng và huy động. Nguyên văn khoản 15 Điều 15 luật này là: CAND được “huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác… trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Tính ra, Luật CAND hiện hành có sự “cơi nới” rất lớn so với Luật TMTDTS về điều kiện trưng dụng tài sản. Thế nhưng các nội dung quan trọng khác như trường hợp nào được xem là cấp bách, tình huống nào được xác định là để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội, rồi thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục, thời hạn trưng dụng… thì luật này lại không nêu. Và đến thời điểm này thì cũng chưa có nghị định hướng dẫn việc trưng dụng tài sản. Vậy căn cứ pháp lý nào để bộ trưởng Bộ Công an cho phép CSGT khi tuần tra, kiểm soát giao thông được quyền trưng dụng tài sản trong khi theo Luật TMTDTS thì chỉ có bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch tỉnh mới có quyền này?
Nhân đây cũng xin nhắc lại: Ngay cả khi đã bị Luật TMTDTS 2008 bãi bỏ thì Bộ Công an vẫn không cập nhật và tiếp tục dựa vào Luật CAND 2005 để ban hành Thông tư 65/2012 cho phép CSGT được trưng dụng tài sản. Giờ bộ này cho ra đời Thông tư 01/2016 nhắc lại y sì Thông tư 65/2012 và cũng không cập nhật đầy đủ quy định mới của Luật CAND 2014. Cách ban hành luật nhưng lại không đúng luật như thế nếu không lạm quyền thì là gì?
Theo Thu Tâm (Pháp luật TP.HCM)