Trùng điệp dự luật Mỹ liên quan Biển Đông
Hiện nay, ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện của quốc hội Mỹ đều đang có nhiều dự luật liên quan Biển Đông đang chờ được đánh giá, thông qua.
Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở phi pháp trên các thực thể ở Biển Đông có thể bị Mỹ trừng phạt Ảnh: Mai Thanh Hải
Qua đó, một loạt doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Trung Quốc rơi vào tầm ngắm bị trừng phạt.
Ngày 22.11, theo cơ sở dữ liệu của quốc hội Mỹ công bố thì hiện có hơn 10 dự luật, nghị quyết và cả luật của nước này có liên quan Biển Đông.
Lưỡng viện cùng xem xét
Điện Capitol còn 150 dự luật liên quan Trung Quốc
Tờ South China Morning Post ngày 22.11 đưa tin tại Điện Capitol tức quốc hội Mỹ còn hơn 150 dự luật hướng tới đối phó Trung Quốc đang chờ được cân nhắc. Các dự luật liên quan đến nhiều vấn đề như an ninh mạng, hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, thương mại và đầu tư, Đài Loan và Biển Đông. Giới quan sát nhận định một số dự luật nếu được thông qua có khả năng sẽ làm gián đoạn đầu tư và thương mại quốc tế. Ví dụ, Đạo luật kiểm soát chuyển giao công nghệ Trung Quốc sẽ yêu cầu ngoại trưởng và bộ trưởng thương mại Mỹ lập một danh sách “các công nghệ liên quan lợi ích quốc gia” mà có thể sẽ không bán hay chuyển giao cho Trung Quốc. Bất kỳ ai vi phạm lệnh cấm sẽ đối diện với các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào mùa bầu cử tổng thống, khó có khả năng giới nghị sĩ sẽ thông qua các dự luật đang chờ được xử lý. Bảo Vinh
Trong đó, trực tiếp liên quan đến Biển Đông cho chương trình nghị sự năm 2019 – 2020, dự luật “Đạo luật trừng phạt liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông” có mã S.1634 được bảo trợ bởi nghị sĩ Marco Rubio tại Thượng viện, và H.R.3508 được bảo trợ bởi nghị sĩ Mike Gallagher tại Hạ viện.
Dự luật này hướng đến việc Mỹ phải đảm bảo các nguyên tắc sau trên Biển Đông và biển Hoa Đông: Hỗ trợ việc giải quyết tranh chấp ở các vùng biển này một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế; Tái khẳng định các cam kết của Washington đối với các đối tác, đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Đảm bảo thực thi hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ đã ký với Philippines, cũng như thỏa thuận tương trợ phòng thủ chung mà Mỹ đã ký kết với Nhật Bản (có giá trị áp dụng cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang tranh chấp với Bắc Kinh); Dự luật còn nhằm hỗ trợ cho nguyên tắc tự do hàng hải và vùng trời để tiếp tục được thực thi dựa trên luật pháp quốc tế.
Đáp trả hành động khiêu khích
Qua đó, dự luật có mục tiêu để quốc hội Mỹ nhận thức rõ các trách nhiệm của nước này đối với Biển Đông và Hoa Đông. Trong đó, về Biển Đông thì Mỹ phản đối các hành động đơn phương của bất cứ quốc gia nào muốn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng cách ép buộc, đe dọa hay sử dụng sức mạnh quân sự.
Cần đảm bảo rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển phải bắt nguồn từ đặc điểm đất liền và luật pháp quốc tế. Có thể nhận thấy mục tiêu này nhằm bác bỏ việc Trung Quốc thay đổi các thực thể trên Biển Đông rồi dựa vào kết quả thay đổi để mở rộng chủ quyền.
Bên cạnh đó, nhận thức trách nhiệm mà dự luật “Đạo luật trừng phạt liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông” còn có Mỹ phản đối bất cứ chính phủ quốc gia nào đưa ra các yêu sách vô căn cứ và phi pháp để ngăn chặn nước khác thực hiện các quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Liên quan Biển Đông, báo cáo về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi đầu tháng 11, đã chỉ rõ bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là vô căn cứ và phi pháp.
Video đang HOT
Dự luật trên cũng khẳng định Mỹ cần yêu cầu Trung Quốc không tiếp tục theo đuổi các tuyên bố chủ quyền phi pháp hay quân sự hóa ở khu vực tranh chấp.
Không chỉ vạch ra các quan điểm, dự luật trên còn nhấn mạnh các hành động cần thiết mà Mỹ nên thực thi. Trong đó, Washington phải đáp trả các hành động khiêu khích từ Bắc Kinh bằng các hành động tương xứng, nhằm ứng phó các hành vi phá hoại an ninh khu vực.
Trừng phạt mạnh mẽ
Hai tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Trường Sa, Hoàng Sa
Tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Gabrielle Giffords ở Biển Đông Ảnh: Hải quân Mỹ
Hãng Reuters ngày 22.11 đưa tin các tàu chiến Mỹ trong những ngày qua áp sát một đảo nhân tạo ở Trường Sa và đi qua quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp của VN. Cụ thể, phát ngôn viên Reann Mommsen của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ cho hay tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Gabrielle Giffords lớp Independence xuyên qua phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn vào ngày 20.11. Kế tiếp vào ngày 21.11, tàu khu trục USS Wayne E.Meyer đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa, thách thức những giới hạn đối với việc qua lại vô hại trong khu vực.
“Các nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc ủng hộ các quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời được đảm bảo cho mọi quốc gia”, bà Mommsen nhấn mạnh.
Một phát ngôn viên Chiến khu Nam Trung Quốc hôm qua cho biết phía Trung Quốc có theo dõi sự di chuyển của 2 tàu Mỹ. Cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu rằng giới chức hai bên nên gặp nhau để thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ song phương, trong bối cảnh mâu thuẫn về thương mại và Biển Đông.
Khánh An
Để đảm bảo có giá trị thực thi sau khi thông qua, dự luật trên còn đưa ra các phương án trừng phạt cụ thể. Theo đó, sau 60 ngày kể từ khi dự luật được ký thành luật, chính quyền Mỹ sẽ lên danh sách các cá nhân người Trung Quốc có đóng góp vào các dự án xây dựng đảo nhân tạo, trạm cơ sở mạng lưới thông tin di động, cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu lẫn cơ sở hạ tầng dân sự ở Biển Đông đang bị tranh chấp.
Danh sách sẽ bao gồm cả những cá nhân người Trung Quốc liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp trong các hành động đe dọa đến hòa bình, ổn định của Biển Đông tại những khu vực đang được kiểm soát bởi một thành viên trong ASEAN. Hành vi đe dọa hòa bình, ổn định được định nghĩa bao gồm cả việc sử dụng máy bay, tàu để áp đặt chủ quyền theo ý Trung Quốc.
Sau khi có danh sách các cá nhân vi phạm như trên, chính quyền Mỹ sẽ tiến hành biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tượng này. Nổi bật có biện pháp: Ngăn chặn hoặc cấm giao dịch các tài sản mà đối tượng sở hữu trực tiếp hoặc tài sản mà đem lại nguồn lợi cho đối tượng tại Mỹ; Không cấp visa vào Mỹ, nếu đang có visa thì hủy. Những người vi phạm còn có thể chịu nhiều hình thức trừng phạt khác liên quan đến tài chính.
Một loạt tập đoàn Trung Quốc trong tầm ngắm
Không chỉ các cá nhân, mà nhiều doanh nghiệp liên quan có các hành vi vi phạm như trên cũng sẽ bị Mỹ trừng phạt. Dự luật đề cập cụ thể đến hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc có thể bị trừng phạt. Trong đó nổi bật có: Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc, hai tập đoàn viễn thông China Mobile và China Telecom, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (Sinopec), các tập đoàn sản xuất máy bay Thiểm Tây và Thẩm Dương, Hãng hàng không China Southern, Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc…
Đây là các doanh nghiệp được cho là có liên quan trực tiếp đến những hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bên cạnh đó, dự luật cũng yêu cầu các cơ quan xuất bản của chính phủ Mỹ sẽ không xuất bản hay phát hành bất cứ bản đồ nào, tài liệu, dữ liệu điện tử (trừ các tài liệu phục vụ việc điều trần ở quốc hội hoặc phục vụ nội bộ cơ quan liên bang) liên quan đến hình ảnh chủ quyền nước khác mà Trung Quốc lại tuyên bố trên Biển Đông. Người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ không được tham gia đầu tư hay hỗ trợ các dự án liên quan Biển Đông cùng các đối tác là những doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc nằm trong “danh sách đen” ở trên.
Ngoài dự luật trên, nhiều dự luật khác cũng đưa Biển Đông nằm trong những điều khoản liên quan. Ví dụ như “Đạo luật đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung”, “Đạo luật chiến lược Đông Nam Á”…
Sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 22.11 về các dự luật trên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada): “Các dự luật về Biển Đông là một phần trong chiến lược bao gồm nhiều đạo luật để tăng cường áp lực lên Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đang nhận được sự hỗ trợ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ để thực hiện một đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả khía cạnh an ninh trên Biển Đông”.
“Đây cũng là điều mà Washington nhận được sự ủng
hộ của nhiều bên ở cả trong và ngoài khu vực”, PGS Nagy nói và nhận xét: “Trung Quốc nên hiểu rằng các dự luật của Mỹ về Biển Đông là bằng chứng cho thấy Washington không chấp nhận chủ trương bành trướng của Bắc Kinh”. Tuy nhiên, theo ông Nagy, bên cạnh các dự luật thì Mỹ cần thể hiện sự cam kết đối với an ninh khu vực bằng việc hoạt động nhiều hơn trong vùng biển này dựa trên luật pháp quốc tế.
Tương tự, trả lời Thanh Niên cùng ngày, tiến sĩ James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá chương trình xây dựng các dự luật, nghị quyết ở quốc hội Mỹ thể hiện một sự đoàn kết ở lưỡng đảng nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới.
Ông Holmes nhận xét: “Sự đoàn kết của lưỡng đảng tại Mỹ khiến Trung Quốc hiểu rằng đừng mong đợi một chính quyền tương lai – sau bầu cử 2020, dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ, sẽ có lập trường mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Trung Quốc đừng mong Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc. Đó cũng là thông điệp mà Washington gửi đến các đối tác ở châu Á rằng những cam kết về an ninh sẽ tiếp tục được duy trì”.
Cùng quan điểm với PGS Nagy, ông Holmes cho rằng vấn đề tiếp theo là Mỹ cần hiện thực hóa các cam kết bằng hành động cụ thể, thông qua các hình thức như hiện diện ngoại giao lẫn quân sự và kinh tế trong khu vực.
Theo thanhnien.com.vn
Trung Quốc có đủ sức lôi kéo Pháp dừng phản đối yêu sách phi lý trên Biển Đông?
Việc chính phủ giúp các doanh nghiệp Pháp ký kết những thỏa thuận thương mại lớn với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích thương mại của Liên minh châu Âu, cùng với sự thận trọng của Tổng thống Emmanuel Macron khi không công khai chỉ trích yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, không đồng nghĩa với việc Paris sẽ dừng kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
Tổng thống Macron trong chuyến thăm gần đây tới Thượng Hải và Bắc Kinh đã giúp các doanh nghiệp Pháp giành được những hợp đồng béo bở, đồng thời bảo vệ các lợi ích thương mại của Liên minh châu Âu (EU) trước khi Mỹ - Trung đạt được giải pháp cho cuộc thương chiến. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Pháp đã thận trọng không công khai phản đối các chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tuyên bố được Pháp đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6.11 đã không đề cập tới vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc trước đó đã "cảnh báo" tổng thống Pháp không được động chạm tới vấn đề nhạy cảm này. Phó vụ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhu Jing hôm 5.11 đã nói rằng Pháp không nên đóng vai trò gây rối tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoặc triển khai tàu chiến tới vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, Paris đã nhiều lần chỉ trích các động thái ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây. Hải quân Pháp cũng đã đưa tàu chiến, trung bình từ 3 - 4 lần/năm, tới khu vực mà Trung Quốc công khai tuyên bố chủ quyền một cách phi lý tại vùng biển này.
Bên cạnh đó, Pháp cũng triển khai tàu khu trục Vendémiaire tới eo biển Đài Loan nhạy cảm, hồi tháng 4. Hành động trên đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Bắc Kinh, tuy nhiên Paris trả lời rằng các tàu của họ vẫn hoạt động thường xuyên trong khu vực để tái khẳng định cam kết của Paris với luật biển quốc tế trong việc đảm bảo tự do hàng hải.
Đối với các quan chức Pháp, sự hiện diện hải quân của nước này từ biển Ả Rập đến khu vực vành đai Thái Bình Dương đều nhằm bảo vệ các vùng biển mở, khẳng định tự do hàng hải và tôn trọng các quy tắc quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết trong văn kiện chính sách chính thức có tên "Pháp và an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" đã nêu rõ: "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực căng thẳng do hành vi thách thức của một số quốc gia liên quan tới Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Và ở Biển Đông, các hoạt động bồi đắp đất quy mô lớn và quân sự hóa các quần đảo đang tranh chấp đã thay đổi hiện trạng và gia tăng thêm căng thẳng".
Thậm chí, Pháp cũng không ngại lên án công khai sự bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Pháp hồi tháng 7 năm nay, tham mưu trưởng hải quân Pháp, Đô đốc Christopher Prazuck đã nói rằng tham vọng của Trung Quốc đã mở rộng tới tận Ấn Độ Dương, đồng thời nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã đặt ra câu hỏi về việc luật biển quốc tế cũng như phán quyết của tòa trọng tài liệu có được tôn trọng.
Pháp từ lâu vẫn coi mình là một quốc gia cư trú thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có các khu vực phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài và các vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Pháp cũng đã khởi động lại diễn đàn Đối thoại an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Mỹ, từ đó hoan nghênh việc triển khai mở rộng tàu sân bay Charles de Gaulle tới khu vực trong năm nay. Washington và Paris đều nhấn mạnh vào việc xây dựng một mạng lưới các liên minh và đối tác chiến lược để duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Tháng trước, tham mưu trưởng hải quân Pháp Prazuck đã đề xuất các cuộc tuần tra chung ở vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với hải quân Úc giữa lúc Canberra cũng đang ngày càng quan ngại về sự quyết đoán địa chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.
Theo quan điểm của đô đốc Prazuck, các tàu chiến Úc cũng có thể tham gia hộ tống tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp khi tiến hành các hoạt động trong khu vực, đồng thời các tàu khu trục Pháp cũng có thể hộ tống các tàu đổ bộ của Úc. Pháp muốn có khả năng tương tác lớn hơn với quân đội Úc, trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm và đổ bộ.
Tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp đã được huấn luyện tại vịnh Bengal với các tàu chiến của Nhật Bản, Úc và Mỹ vào tháng 5 năm nay. Sau đó, tàu sân bay này tiếp tục tham gia các buổi tập trận chống ngầm với hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận Varuna thường niên, sự kiện có thể đặt Trung Quốc trong "tầm ngắm".
Ngoài ra, việc đẩy mạnh các hoạt động chung với lực lượng tuần duyên Mỹ, vốn có sự hiện diện liên tục ở Tây Thái Bình Dương trong năm nay, và đã có nhiều trong việc phối hợp với lực lượng hải quân Pháp tại Nam Thái Bình Dương, đã góp phần gia tăng ảnh hưởng an ninh của Pháp tại khu vực Biển Đông.
Song, Pháp cần phải tìm cách cân bằng giữa các lợi ích xung đột, đây là lý do tại sao Pháp thực hiện các hoạt động hải quân tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ với Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo SCMP)
Theo motthegioi.vn
Sự bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Cảnh Sảng Phát biểu của ông Cảnh Sảng vu cáo Việt Nam "chiếm đảo" là sự leo thang mới trong những bịa đặt, vu cáo trắng trợn của Trung Quốc liên quan Biển Đông. Ngày 8/11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc "Việt Nam có thể xem xét các lựa...