Trung-Ấn đấu khẩu gay gắt về Biển Đông
Một ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ là không được “đơn phương” tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông, New Delhi tuyên bố ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng biển này.
Không chỉ Ấn Độ, Mỹ cũng đang muốn giành ảnh hưởng trước Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhật báo Ấn Độ The Tribune dẫn quan điểm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syed Akbaruddin cho biết chủ quyền biển Đông nên được các nước trong vùng thảo luận với nhau. Ấn Độ không thuộc bên tranh chấp nào nhưng hy vọng rằng vấn đề chủ quyền nên được giải quyết một cách hòa bình giữa các nước đó.
Tuy hai nước mới chỉ trong giai đoạn khẩu chiến, nhưng các chuyên gia nhận định Biển Đông đang ngày càng trở thành một trận địa mới giữa hai cường quốc châu Á.
Quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đã nóng lên kể từ khi tập đoàn dầu khí Nhà nước của Ấn Độ ONGC vào tháng 10 năm ngoái, bất chấp phản đối của Trung Quốc, đã xác định trở lại tham gia vào hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Quan hệ giữa hai nước càng nóng thêm sau khi tư lệnh hải quân Ấn Độ, đô đốc D K Joshi hôm thứ hai vừa qua tuyên bố là họ sẵn sàng triển khai chiến hạm đến để bảo vệ quyền lợi của nước này ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 5/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản ứng rất mạnh về tuyên bố nói trên của tư lệnh hải quân Ấn Độ, cho biết là Bắc Kinh “phản đối hoạt động thăm dò khai thác dầu khí đơn phương” tại Biển Đông và yêu cầu các nước liên quan “tôn trọng chủ quyền, lập trường và quyền lợi của Trung Quốc”.
Video đang HOT
Một ngày sau đó, Trung Quốc còn lớn tiếng yêu cầu Việt Nam đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí mà nước này cũng cho là “đơn phương” ở Biển Đông. Lời cảnh báo này được cho là không chỉ nhắm đến Việt Nam, mà còn nhắm vào những quốc gia hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam, như Ấn Độ.
Ngoài việc tham gia thăm dò khai thác dầu khí, Biển Đông là một vùng rất quan trọng về mặt chiến lược đối với New Delhi.
Ấn Độ là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào mậu dịch, nên Biển Đông là một trong những ngõ giao thương quan trọng nhất toàn cầu và quyền tự do lưu thông ở vùng biển này phải được tôn trọng.
Quan trọng hơn, Biển Đông được cho là nơi mà New Delhi có thể giải tỏa vòng vây mà Trung Quốc đang lập nên từ mấy năm qua chung quanh Ấn Độ, với việc xây dựng các hải cảng ở Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan. Giới phân tích cho rằng “can dự” vào Biển Đông, sân sau của Trung Quốc, là cách để Ấn Độ trả đũa trước việc Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng ở vùng Ấn Độ Dương.
Trong cuộc chạy đua giành thế thượng phong trong khu vực, cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều đầu tư rất nhiều để phát triển các tàu ngầm và hàng không mẫu hạm. Nếu thật sự New Delhi nhất quyết bảo vệ quyền lợi của họ ở Biển Đông, không loại trừ khả năng là một ngày nào đó, hải quân hai nước sẽ đụng độ với nhau ở vùng biển mà tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan gần đây dự báo sẽ là một “Palestine của châu Á”.
Theo Dantri
Trung - Ấn: Ngoại giao - tranh cãi, quân sự - sẵn sàng
Giống như thềm lục địa Ấn Độ có xu hướng cọ sát và đẩy thềm lục địa kiến tạo Á-Âu gây ma sát và bay hơi trên toàn dãy núi Himalaya, quan hệ song phương giữa Ấn Độ với Trung Quốc cũng là một sự va chạm không dễ thấy...
...nhưng đang diễn ra và ngày càng rõ rệt, mà tác động của nó sẽ để lại tới tận thế hệ sau.
Các căng thẳng giữa hai cường quốc này ảnh hưởng tới mọi thứ, từ việc hoạch định chính sách an ninh và quân sự, tới các mánh lới kinh tế và ngoại giao, với hậu quả là khiến các nước láng giềng và cả các nước đồng minh ở xa xôi lo ngại. Quan hệ này phức tạp bởi một loạt yếu tố: sự kình địch, không tin tưởng lẫn nhau và hợp tác không thường xuyên, đó là chưa kể tới các tranh chấp về địa lý hiện nay.
Là hai nước láng giềng xa về không gian, ngăn cách bởi Tây Tạng và dãy Himalaya từ hàng thiên niên kỷ, Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành láng giềng sát vách với những đường biên giới gây tranh cãi và các câu chuyện tranh chấp năm 1950, sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) dưới thời Mao Trạch Đông chiếm đóng Tây Tạng. Trong khi các nước khác trên thế giới bắt đầu ghi nhận sự nổi lên của Trung Quốc trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, thì Ấn Độ có thái độ cảnh giác khi chứng kiến sự đi lên này kể từ sau khi một cuộc tranh chấp lãnh thổ bùng phát thành một cuộc chiến tranh tổng lực năm 1962, sau đó là các cuộc giao tranh nhỏ vào các năm 1967 và 1987.
Một số vòng đàm phán đã được tổ chức từ năm 1981 nhưng không giúp giải quyết các yêu sách gây tranh cãi. Trong chuyến thăm mới nhất tới Ấn Độ năm 2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã xóa tan mọi hy vọng giải quyết sớm tranh chấp biên giới, khi ông nói rằng sẽ phải mất rất nhiều thời gian đề giải quyết vấn đề này - một tình huống mà theo khía cạnh nào cũng có lợi cho Bắc Kinh.
Thực vậy, vấn đề biên giới không được giải quyết sẽ giúp Trung Quốc có đòn bẩy chiến lược để khiến Ấn Độ không biết chắc về các ý định của Trung Quốc cũng như phát điên về các năng lực của nước này, trong khi đặt Ấn Độ trong tình trạng dễ bị tổn thương và ở yếu thế, đồng thời khuyến khích New Delhi "hành xử tốt" trong các vấn đề quan trọng.
Hơn nữa, đúng như tình trạng bạo loạn hiện nay và ngày càng nhiều các vụ tự tử của các thầy tu đạo Phật ở Tây Tạng cho thấy, Bắc Kinh đã không thành công trong việc bình định và Trung Quốc hóa mảnh đất này, như họ đã làm được đối với Nội Mông. Hậu quả rõ nét là đường biên giới Trung - Ấn dài 2.520 dặm, một trong những được biên giới quốc gia dài nhất thế giới vẫn là khu vực biên giới trên bộ duy nhất chưa được phân định. Khu vực này còn được quân sự hóa mạnh mẽ, trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến việc Trung Quốc tuần tra một cách khiêu khích trên Đường kiểm soát thực tế (LAC) và các cuộc diễn tập quân sự của họ, sử dụng đạt thật, trong một chiến dịch trên không và trên bộ để giành lại ngọn núi cao ở Tây Tạng.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở hạ tầng quân sự hiện đại ở khu tự trị Tây Tạng (RAR) nằm ngay sát Ấn Độ: 5 căn cứ không quân sẵn sàng hoạt động, một số sân bay dành cho máy bay trực thăng, một mạng lưới đường sát chằng chịt và 30.000 dặm đường bộ - tạo cho họ khả năng nhanh chóng huy động 30 sư đoàn (gồm 15.000 binh lính mỗi sư đoàn) dọc biên giới, một lợi thế "3 trong 1" vượt trội so với Ấn Độ. Trung Quốc không chỉ tăng cường hiện diện quân sự tại Tây Tạng mà còn tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Bên cạnh đó, các lựa chọn chiến lược của PLA chống lại Ấn Độ là rất nhiều vì Trung Quốc đã cải tiến các tuyến đường bộ và đường sắt nối với Pakistan, Nepal, Myamnar và Bangladesh.
Các diễn biến trên các biên giới tranh chấp ở Himalayas là trọng tâm cuộc tranh cãi bên trong Ấn Độ về uy tín của khả năng răn đe chiến lược của nước này, cũng như câu hỏi có cần thử vũ khí hạt nhân nữa hay không. Là một nước yếu thế hơn, Ấn Độ quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng quân sự chung nhằm trung hòa thế bất lợi của mình. Ấn Độ chú ý Trung Quốc ở mọi nơi vì chính sách "đoàn kết với kẻ yếu" ở Nam Á - gồm Pakistan, Bangladesh, Nepal, Myamnar và Sri Lanka - để "chống lại kẻ mạnh" là Ấn Độ. Nhìn vào một loạt các sự việc như Trung Quốc chuyển giao tên lửa và hạt nhân cho Pakistan và xây dựng nhiều công trình cầu cảng xung quanh vùng ngoại biên của Ấn Độ, cũng như việc PLA gia tăng các cuộc tấn công bất ngờ xuyên LAC..., quan điểm chính thức của Ấn Độ đối với Trung Quốc đã thay đổi mạnh từ năm 2006. Trung Quốc hiện bị xem là đặt ra một mối đe dọa an ninh lớn trong ngắn hạn, thay vì trong dài hạn.
Quân đội Ấn Độ, từ lâu quan tâm tới các kịch bản chiến tranh chống Pakistan, nay đã chuyển sự chú ý sang biên giới với Trung Quốc, và đã công bố một chương trình lớn nhằm hiện đại hóa lực lượng, trị giá 100 tỷ USD trong thập kỷ tới, trong đó báo gồm xây dựng các tuyến đường bộ chiến lược và mở rộng mạng lưới đường sắt, sân bay dọc LAC. Các biện pháp khác bao gồm từ việc thành lập một đơn vị tấn công mới trên núi và nhân đôi lực lượng trong các đơn vị miền Tây lên con số 100.000 lính, đến việc huy động máy bay Sukhoi Su-30MKI, máy bay do thám tàng hình, trực thăng và hạm đội tên lửa đạn đạo và hành trình để bảo vệ bang Đông Bắc Arunachal Pradesh, lãnh thổ lớn gấp ba lần Đài Loan mà Trung Quốc đã xâm lược năm 1962 và hiện đang đòi chủ quyền với cái tên "Tây Tạng Nam".
Rõ ràng, thành quả kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã thay đổi bản chất mối quan hệ này. Trung Quốc và Ấn Độ từng ở mức thu nhập tương đương nhau hồi cuối những năm 1970, nhưng 30 năm sau, họ lại ở những nấc thang phát triển hoàn toàn khác. Các cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc - bắt đầu từ năm 1978, gần 30 năm trước Ấn Độ (năm 1991) - đã thay đổi lộ trình tăng trưởng của hai nước bằng việc đẩy Trung Quốc lên trước Ấn Độ trong mọi mặt của nền kinh tế. Cả GDP và ngân sách quốc phòng của Trung Quốc giờ đều lớn gấp ba lần của Ấn Độ.
Người dân hai nước đang ngày càng mất tin tưởng vào nhau sau các sự cố liên quan đến tranh chấp biên giới, sự phản đối của Trung Quốc đối với thỏa thuận năng lượng hạt nhân Mỹ - Ấn, sự lo lắng của Ấn Độ về mức độ thâm hụt thương mại ngày càng lớn vì cho rằng Trung Quốc làm thương mại một cách bất công, các kế hoạch âm thầm của Trung Quốc nhằm xây đập trên sông Brahmaputra, và "cuộc khẩu chiến" trên các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc trong giai đoạn 2007 -2009 (nhắc nhở Ấn Độ không nên quên "bài học năm 1962").
Các cuộc thăm dò gần đây do Viện nghiên cứu toàn cầu Pew tiến hành cho thấy tình trạng mất tin tưởng trong dân chúng ngày càng tăng, với 25% người Ấn Độ có cái nhìn tích cực về Trung Quốc trong năm 2011, giảm mạnh so với con số 34% năm 2010 và 57% năm 2005. Tương tự, chỉ 27% người Trung Quốc có cái nhìn tích cực về Ấn Độ trong năm 2011, giảm so với 32% trong năm 2010. Trong khi các nghiên cứu trên internet còn cho thấy một con số lớn hơn những người có thái độ "thù địch và khinh miệt Ấn Độ".
Không có nhiều nỗ lực để nhấn chìm những tình cảm này. Phản ứng vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-V hồi giữa tháng Tư, mà truyền thông Ấn Độ gọi là "kẻ hủy diệt Trung Quốc", một tờ báo của Trung Quốc đã chế giễu rằng "Ấn Độ không có cơ hội nào trong cuộc chạy đua vũ khí tổng thể với Trung Quốc" vì "sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc lớn hơn và chắc chắn hơn".
Phương trình chiến lược không ngang bằng, đặc biệt là cái nhìn của Trung Quốc về Ấn Độ, coi đây là một mảnh đất chia rẽ tôn giáo - xã hội không thể hòa giải với chính thể vốn đã không ổn định và giới lãnh đạo yếu kém, đã làm nghiêm trọng thêm các căng thẳng giữa hai bên. Năm 2008, việc Trung Quốc chính thức khẳng định lại các năng lực và ý định của mình khiến quân đội Ấn Độ thông qua học thuyết "chiến tranh trên hai mặt trận" chống lại cái mà họ gọi là "một mối đe dọa thông đồng" đặt ra bởi hai nước láng giềng hạt nhân rất gần là Pakistan và Trung Quốc. Học thuyết này dựa trên niềm tin từ lâu của giới chiến lược Ấn Độ rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược kiềm chế sự nổi lên của Ấn Độ.
Ấn Độ cũng đáp lại bằng việc tăng cường các mối liên hệ chiến lược với Afghanistan, Tajikistan, Mông Cổ, Việt Nam và Myanmar - các quốc gia ở ngoại biên Trung Quốc. Trong buổi trả lời trước Thượng viện Mỹ tháng Hai, James Clapper, giám đốc tình báo quốc gia, cho biết "quân đội Ấn Độ đang củng cố lực lượng để chuẩn bị đấu tranh trong một cuộc xung đột hạn chế dọc biên giới tranh chấp, và đang cố gắng cân bằng sức mạnh với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương". Sự "cân bằng" này bao gồm thái độ nghiêng chiến lược về Mỹ, nước cũng có tác động mạnh trong quan hệ Trung - Ấn.
Dù giới lãnh đạo hai nước thường nhắc lại các tuyên bố bác bỏ nguy cơ xung đột và nhấn mạnh tới việc thúc đẩy quan hệ thương mại, nhưng các phát biểu nhàm chán đó không thể khỏa lấp sự sụt giảm về niềm tin. Rất ít, nếu không muốn nói là không có nhà tư tưởng chiến lược nào của Trung Quốc có quan điểm tích cực về Ấn Độ đối với tương lai Trung Quốc, và ngược lại. Các chiến lược gia Trung Quốc luôn canh chừng các "giấc mơ nước lớn" của Ấn Độ, chi tiêu quốc phòng của nước này, và các vụ mua bán vũ khí, cũng như sự phát triển trong các học thuyết hạt nhân và hải quân của Ấn Độ. Một chủ đề chính được bình luận tại Trung Quốc trong thập kỷ qua là sức mạnh đang lên của Ấn Độ - được sự hậu thuẫn của Mỹ - có thể kéo cán cân quyền lực châu Á ra khỏi tay Bắc Kinh.
Còn tiếp
Theo Dantri
Trung - Ấn mắc kẹt trong phòng vệ Nếu hải quân Trung Quốc đi sâu về phía Nam tới Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ lại tiến về phía Đông tới Thái Bình Dương. Cả hai đều chịu đựng một cái bẫy xuất phát từ xu hướng chia rẽ trong giới lãnh đạo cấp cao nước mình, khiến sự thống nhất chính trị hiện nay của hai nước đều rất...