Trump ‘xẻ đôi’ đảng Cộng hòa
Nỗ lực luận tội Trump đẩy các thành viên Cộng hòa đến bờ vực chia rẽ nghiêm trọng, trong bối cảnh đảng này liên tiếp hứng nhiều đòn giáng.
Đảng Cộng hòa dường như chưa bao giờ rơi vào tình cảnh tồi tệ như hiện nay. Sau khi để mất Nhà Trắng, họ tiếp tục đánh mất quyền kiểm soát Thượng viện. Đúng lúc đó, cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1 nổ ra, kéo theo đó là muôn vàn hệ lụy trút xuống đảng Cộng hòa.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ tuyên bố sẽ cắt tài trợ cho 147 nghị sĩ Cộng hòa đã tham gia vào nỗ lực “lật kèo” bầu cử, trong khi tỷ phú Sheldon Adelson, nhà tài trợ lớn nhất của đảng, qua đời hôm 11/1. Vụ bạo loạn còn thúc đẩy phe Dân chủ tại Hạ viện xúc tiến nỗ lực luận tội Trump trong thời gian ngắn kỷ lục, đẩy các thượng nghị sĩ Cộng hòa vào tình thế khó xử chưa từng thấy.
Tại Thượng viện, nơi chịu trách nhiệm mở phiên tòa xét xử sau khi Hạ viện ngày 13/1 thông qua điều khoản luận tội, Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell tỏ ra mất kiên nhẫn với Trump hơn bất kỳ người đồng cấp nào ở Hạ viện. McConnell, người từng phản đối nỗ lực của Trump nhằm thách thức chiến thắng của Joe Biden, hôm 12/1 cho biết không loại trừ khả năng “kết tội” Tổng thống.
Nhiều thượng nghị sĩ khác cũng phải bắt đầu chọn bên vào tuần tới, khi tiến trình xem xét bãi nhiệm Trump ở Thượng viện bắt đầu.
Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell sau phiên họp ở Đồi Capitol hồi tháng 3/2020. Ảnh: AP.
Chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa xuất hiện trong các cuộc tranh luận tại Hạ viện về việc có nên xem xét bãi nhiệm Trump hay không, làm thế nào để bảo vệ Tổng thống, hay đảng Cộng hòa có bị tước vai trò lãnh đạo nếu Tổng thống bị luận tội lần hai, cùng nhiều vấn đề khác.
Nghị sĩ Cộng hòa Jim Jordan của bang Ohio, một lãnh đạo nhóm bảo vệ Trump, chỉ trích nghị sĩ Liz Cheney của bang Wyoming, một đối thủ tiềm năng trong tương lai của McCarthy cho vị trí lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện, sai lầm khi ủng hộ xem xét bãi nhiệm Trump, đồng thời cho rằng bà nên từ chức lãnh đạo hội nghị đảng Cộng hòa ở Hạ viện.
“Tôi sẽ không đi đâu cả”, Cheney phản bác. “Quốc gia của chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng hiến pháp chưa từng có tiền lệ kể từ Nội chiến. Đó là điều chúng ta cần phải quan tâm”.
Đảng Cộng hòa tại bang Arizona cũng chuẩn bị bỏ phiếu về việc có nên khiển trách Thống đốc Doug Ducey, cựu thượng nghị sĩ Jeff Flake và Cindy McCain, vợ của cố thượng nghị sĩ John McCain, vì thiếu trung thành với Trump.
Tuy nhiên, căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng hòa có thể thấy rõ nhất ở Thượng viện, nơi phải ra quyết định kết tội Trump hay không, sau đó là cuộc bỏ phiếu về việc cấm Trump tái tranh cử và loại bỏ vai trò của ông trong đảng.
Video đang HOT
Trong khi một số thành viên Cộng hòa cho rằng lãnh đạo McConnell đã “bật đèn xanh” cho các thành viên khác trong đảng về việc luận tội Trump, không ít đảng viên Cộng hòa khác cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại Trump khỏi đảng đều có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho nước Mỹ và cả chính đảng Cộng hòa.
“Hàng triệu người ủng hộ Tổng thống Trump và chương trình nghị sự của ông ấy không nên bị coi là xấu xa chỉ vì hành động hèn hạ của một đám đông nổi loạn”, thượng nghị sĩ Lindsey Graham hôm 13/1 tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động cho đảng Cộng hòa ở Valdosta, bang Georgia hồi tháng 12/2020. Ảnh: AFP.
Khảo sát của Wall Street Journal tại hơn 20 văn phòng thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa cho thấy chỉ có 5 người hoàn toàn phản đối luận tội Trump, khiến nhóm bảo vệ Trump rơi vào thế yếu. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng xem xét bãi nhiệm Trump “chỉ giống như đổ dầu vào lửa” và “có nguy cơ khiến Trump trở thành người bị xử oan”.
Khoảng 12 thượng nghị sĩ từ chối trả lời về vấn đề này. Trong đó, thượng nghị sĩ Chuck Grassley của bang Iowa hồi đầu tuần này nói với Des Moines Register rằng ngay cả khi Trump không bị xem xét bãi nhiệm, “có rất ít cơ hội để ông ấy có thể tiếp tục lãnh đạo đảng Cộng hòa”.
Nhiều thành viên Cộng hòa kiên quyết ủng hộ Trump có thể đối mặt nhiều rắc rối về tài chính trong tương lai, khi một số nhà tài trợ từ chối ủng hộ họ. Điều này có thể ảnh hưởng tới McCarthy, người đã vươn lên vị trí lãnh đạo nhờ lòng trung thành với Trump và khả năng gây quỹ tốt. Nó cũng có thể gây khó khăn cho thượng nghị sĩ Rick Scott của bang Florida, người hiện là chủ tịch ủy ban tranh cử của đảng Cộng hòa tại Thượng viện và là người phản đối xác nhận chiến thắng của Biden.
Chris Hartline, phát ngôn viên của Ủy ban Thượng nghị viện Quốc gia đảng Cộng hòa, không cho rằng việc gây quỹ của đảng sẽ bị ảnh hưởng. “Chúng tôi không bận tâm tới những điều vô nghĩa mà các nhà tư vấn nói, bởi họ hoàn toàn không biết mình đang nói về cái gì”, ông nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa là điều không thể che giấu. “Trong khi Biden chuẩn bị tuyên thệ, ông ấy dẫn dắt một đảng vẫn khá đoàn kết, dù từng thể hiện nhiều khác biệt về tư tưởng. Còn về phía đảng Cộng hòa, mọi thứ hoàn toàn khác. Chính đảng Trump thống trị suốt 4 năm qua giờ đây đang bị xẻ làm đôi, với Trump ở chính giữa”, bình luận viên David Lauter của LATimes nhận định.
Đảng Cộng hòa giằng xé vì Trump
Nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận định Trump đã có hành động xứng đáng bị luận tội, nhưng thừa nhận ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố Tổng thống Donald Trump xứng đáng bị luận tội vì phát biểu của mình dẫn đến vụ bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1. Nhưng để ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ nỗ lực luận tội Trump của đảng Dân chủ trong phiên tòa tại Thượng viện là vấn đề hoàn toàn khác.
"Tất cả mọi người đều sẵn sàng cho kết thúc này. Nhưng còn đó câu hỏi mở về việc sẽ có bao nhiêu người bỏ phiếu luận tội ông ấy sau khi Trump đã rời nhiệm sở", một đảng viên Cộng hòa giấu tên am hiểu vấn đề cho biết, khẳng định các thành viên Cộng hòa tại Thượng viện chưa hoàn toàn "quay lưng" với Trump.
Tổng thống Trump phát biểu tại một cuộc biểu tình phản đối xác nhận kết quả bầu cử tại thủ đô Washington DC ngày 6/1. Ảnh: Reuters.
Một số nguồn tin đảng Cộng hòa ngày 14/1 cho biết nhiều thành viên trong đảng đang đối mặt với nỗi giằng xé trước câu hỏi liệu Trump có nên bị cấm tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng hay không sau khi rời nhiệm sở hay không.
Theo hai nguồn tin, sự ủng hộ đối với Tổng thống Trump đang sụt giảm trong đảng Cộng hòa, đặc biệt là sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tuần trước khiến 5 người thiệt mạng. Ông chủ Nhà Trắng bị cáo buộc kích động những người ủng hộ mình xông vào tòa nhà quốc hội gây náo loạn.
Nhưng ngay cả sau khi rời Nhà Trắng, Trump gần như chắc chắn vẫn sẽ duy trì được ảnh hưởng đáng kể đối với đảng Cộng hòa, điều mà các nghị sĩ trong đảng buộc phải thừa nhận.
Các đảng viên Cộng hòa hiện chia thành nhiều phe. Một số người, như thượng nghị sĩ Tom Cotton, phản đối việc tổ chức phiên tòa luận tội Trump tại Thượng viện vì theo ông, việc kết tội một tổng thống sau khi đã rời nhiệm sở không được quy định rõ ràng trong hiến pháp.
"Tôi nghi ngờ về việc chúng ta sẽ có thể tổ chức một phiên tòa xét xử cựu tổng thống, như trong trường hợp chuẩn bị tiến hành", thượng nghị sĩ Cộng hòa Kevin Cramer nói với CNN hôm 14/1.
Số khác, như thượng nghị sĩ Tim Scott, cho rằng quá trình luận tội sẽ chỉ khiến nước Mỹ "thêm thù ghét và chia rẽ sâu sắc".
Tuy nhiên, vài đảng viên Cộng hòa lại cho rằng mục tiêu quan trọng hơn khi tổ chức phiên tòa luận tội là tạo ra một tiền lệ nhằm khẳng định quốc hội sẽ không chấp nhận bất kỳ tổng thống tương lai nào đi theo con đường của Trump.
"Tôi tin Tổng thống đã có hành vi xứng đáng bị luận tội", thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski phát biểu trên kênh truyền hình KTUU hôm 13/1. "Tôi nghĩ đây là một trong những hành động hợp lý nhất mà chúng ta nên làm và tôi nghĩ nó hoàn toàn phù hợp".
Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, trong các cuộc thảo luận riêng với đồng nghiệp cho hay ông chưa quyết định về việc luận tội Tổng thống Trump và sẽ cởi mở lắng nghe các tranh luận do phe Dân chủ đưa ra trong phiên xét xử.
Ông muốn bầu không khí sôi sục hiện tại nguội đi trước khi đưa ra quan điểm mà theo giới chuyên gia là có khả năng xoay chuyển lá phiếu của phe Cộng hòa tại Thượng viện và quyết định liệu Tổng thống Trump có bị luận tội hay không.
Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện, trong nỗ lực thuyết phục ít nhất 17 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ luận tội Tổng thống Trump, đang tích cực thảo luận về các kịch bản sẽ xảy ra. Một trong những câu hỏi mà họ cố gắng trả lời là liệu có nên đưa nhân chứng bên ngoài vào, như Tổng thư ký Georgia Brad Raffensperger, người từng được Trump yêu cầu "tìm" những lá phiếu cần để ông lật ngược kết quả bầu cử ở bang này.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell tại tòa nhà quốc hội Mỹ ở Washington hôm 8/12/2020. Ảnh: AFP .
"Liệu Thượng viện có thẩm quyền hiến định tổ chức phiên tòa luận tội một tổng thống đã mãn nhiệm hay không vẫn là điều tranh cãi", thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey, nhấn mạnh. "Nếu Thượng viện mở phiên tòa, một lần nữa tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc xem xét các lập luận từ đại diện của Hạ viện và luật sư của Tổng thống Trump".
Thượng viện Mỹ chưa từng tổ chức phiên tòa nào luận tội cựu tổng thống, và các đồng minh của Trump cho rằng Thượng viện không có thẩm quyền hiến định tổ chức một phiên xét xử như vậy một khi ông đã rời nhiệm sở.
"Hiến pháp đặc biệt nêu rõ tổng thống sẽ phải rời ghế sau khi bị luận tội, không đề cập đến cựu tổng thống", Alan Dershowitz, thành viên nhóm pháp lý của Trump trong cuộc chiến luận tội đầu tiên, cho hay. "Quốc hội không có quyền luận tội hay xét xử một công dân bình thường".
Nhưng nhiều học giả về hiến pháp nói rằng điều này không đúng. Theo giáo sư luật Đại học Texas Stephen Vladeck, quốc hội từng luận tội và xét xử một bộ trưởng chiến tranh hồi năm 1876 sau khi ông đã từ chức. Thượng viện đã kết luận họ có quyền xét xử các cựu quan chức.
Vladeck lưu ý hiến pháp quy định rằng ngoài bãi nhiệm quan chức, Thượng viện còn có thể cấm người đó đảm nhiệm chức vụ chính quyền trong tương lai. "Đây chính là chìa khóa bởi nó cho thấy Thượng viện có hai quyết định phải đưa ra trong các trường hợp luận tội: Thứ nhất, họ phải quyết định có nên cách chức một quan chức hay không. Sau đó, họ cần quyết định người này có nên bị truất quyền nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong chính quyền liên bang tương lai hay không", ông viết.
McConnell, trong tuyên bố về phiên tòa luận tội Trump, không nói rằng ông nghĩ phiên tòa vi hiến hay ông sẽ thực hiện những nỗ lực nhằm chặn nó lại. Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa, bao gồm cả McConnell, cuối cùng có thể bác bỏ những điều khoản luận tội với luận điểm Trump là cựu tổng thống nên không thể bị xem xét bãi nhiệm.
Trong một bản ghi nhớ mà CNN có được về lịch trình tiến hành luận tội, McConnell không đặt câu hỏi về việc liệu phiên tòa có nên diễn ra hay không. Tuy nhiên, ông đưa ra một câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng: Liệu Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts có nắm vai trò chủ tọa như lần luận tội Trump đầu tiên hay không?
"Khi một tổng thống đương nhiệm bị Thượng viện xét xử, Hiến pháp yêu cầu Chánh án Tòa án Tối cao phải làm chủ tọa phiên tòa. Quy tắc Luận tội Thượng viện yêu cầu Thượng viện mời Chánh án tham dự và chủ tọa phiên tòa", McConnell viết. "Theo quy định, lời mời đó sẽ được đưa ra vào ngày 19/1. Tuy nhiên, liệu Chánh án có chủ trì phiên tòa sau khi Tổng thống Trump thôi giữ chức vào ngày 20/1 hay không thì chưa rõ".
Sự ủng hộ của đảng Cộng hòa dành cho Tổng thống Trump đang xói mòn. Tuy nhiên, những người ủng hộ Trump vẫn là một lực lượng có sức ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng, ngay cả khi ông rời nhiệm sở. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa cảm thấy Trump nên bị luận tội nhưng vẫn muốn tái tranh cử trong tương lai có thể gặp thách thức từ chính nền tảng ủng hộ Trump này, giới quan sát đánh giá.
Vậy nên, hiện tại, rất nhiều đảng viên Cộng hòa chọn cách im lặng khi được hỏi về quyết định của mình trong phiên tòa luận tội Tổng thống.
"Tôi nghĩ chúng ta cần chờ đợi và xem xét các chứng cứ", thượng nghị sĩ Richard Shelby nói. "Với tư cách một bồi thẩm viên, tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các bằng chứng được đưa ra".
Chia rẽ và đồng thuận trong xem xét bãi nhiệm Trump lần hai Nội bộ đảng Cộng hòa chia rẽ sâu sắc trong việc xem xét bãi nhiệm Trump tại Hạ viện, trong khi mức độ đồng thuận lưỡng đảng lại tăng cao. 232 nhà lập pháp, bao gồm 10 nghị sĩ Cộng hòa, ủng hộ luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi 197 người phản đối tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện...