Trump tự làm mờ triển vọng tái đắc cử
Nhóm cố vấn cấp cao của Trump liên tục cảnh báo triển vọng tái đắc cử vào tháng 11 đang bị đe dọa, khi ông luôn “tự giẫm chân mình”.
Nhiều hành động, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước công chúng và trên mạng xã hội Twitter gần đây khiến nhóm cố vấn chính trị cấp cao của ông không khỏi lo lắng.
Cuối tháng 5, Trump làm dấy lên lo ngại với lời đe dọa “khi hôi của bắt đầu, súng sẽ nổ”, giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát sục sôi khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd.
Trump khước từ lời khuyên từ nhóm trợ lý thân cận. “Tôi phải là chính mình”, ông trả lời, theo ba người biết rõ về cuộc họp với Tổng thống. Vài giờ sau, ông đăng Twitter lá thư của cựu luật sư riêng, mô tả một số người biểu tình là “kẻ khủng bố”.
Trong các tình huống như vậy, sự “ương ngạnh” của Trump đã hòa quyện với cảm giác kích động ngày càng tăng khi ông đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng mà chính quyền của ông đã không thể kiểm soát hoặc đã thổi phồng, theo những người thân cận với Trump.
Họ nói rằng một loạt hành động “tự giẫm chân mình” của Trump, như giải tán người biểu tình để tới nhà thờ chụp ảnh hay đe dọa điều quân đội trấn áp biểu tình, gây tổn hại nghiêm trọng cho triển vọng tái đắc cử của ông. Nhưng Trump dường như không thể hoặc không sẵn sàng thay đổi.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, thủ đô Washington hồi tháng 3. Ảnh: NYTimes.
Trump ghét trở thành “kẻ thua cuộc” trong cuộc đua vào Nhà Trắng với cựu tổng thống Joe Biden. Một số cố vấn tin rằng Trump sẽ quay lại với “trạng thái chiến đấu” vào mùa thu, thời điểm cuộc bầu cử tổng thống bước vào giai đoạn gay cấn hơn. Nhưng bây giờ, họ cho rằng ông chủ Nhà Trắng đang “sa lầy” trong các hành động tự làm khó mình, khiến nhiều cố vấn hoài nghi liệu Trump còn thực sự hứng thú với nhiệm kỳ thứ hai.
Thay vì chuẩn bị các kế hoạch và mục tiêu cho 4 năm tiếp theo ở Nhà Trắng, Trump dường như quá để tâm tới việc truyền thông nói gì về ông. Tổng thống Mỹ từng nói với các cố vấn rằng dù có làm gì, ông cũng không thể nhận được “những bài viết hay” từ báo giới. Trump cũng phàn nàn rằng ông luôn bị chỉ trích “làm chưa đủ tốt” trước cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút ở Minneapolis.
Trump tiếp tục tự gây khó dễ cho mình khi yêu cầu cấp dưới tìm và truy tố người tiết lộ thông tin ông rút xuống hầm trú ẩn dưới Nhà Trắng giữa biểu tình bạo loạn. Những người thân cận với Trump còn cho rằng Tổng thống dường như không hào hứng với việc nắm quyền thêm 4 năm, dù rất nhiệt tình nối lại chiến dịch vận động tranh cử.
Theo Maggie Haberman và Annie Karni, hai biên tập viên của NYTimes, Trump đã lập danh sách đổ lỗi nếu thất cử, gồm việc Trung Quốc xử lý yếu kém đại dịch, nền kinh tế Mỹ đóng cửa vì Covid-19 và phe Dân chủ.
Nhóm trợ lý của Trump thừa nhận ông luôn gặp khó khăn để kiểm soát các hành vi vượt xa giới hạn thường thấy của một tổng thống Mỹ. Trump thường có những phát ngôn mang tính phân biệt sắc tộc, nhưng nhóm cố vấn cho rằng các hành vi và lời nói của Trump gần đây còn vượt xa những điều trước đó.
NYTimes đã phỏng vấn hơn 10 người thường xuyên nói chuyện hoặc tiếp xúc với Trump, gồm các cựu cố vấn Nhà Trắng, cố vấn tranh cử, bạn bè và cộng sự. Họ cho biết muốn Trump tái đắc cử, nhưng bất ngờ khi thấy Tổng thống thay đổi quá nhiều.
Video đang HOT
Nghị sĩ Cộng hòa Peter King cho biết các thách thức nghiêm trọng mà Mỹ đang đối mặt là nguyên nhân khiến Trump thay đổi. “Ông ấy chưa từng như vậy”, King nói.
“Tổng thống cam kết tiếp tục cống hiến cho nhiệm kỳ thứ hai và đóng góp thêm các thành tựu cho người dân Mỹ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Alyssa Farah khẳng định.
Tuy nhiên Anthony Scaramucci, người từng làm giám đốc truyền thông Nhà Trắng trong 11 ngày trước khi bị Trump sa thải hồi tháng 7/2017, hoài nghi về tuyên bố này. Dù thời gian làm việc ở Nhà Trắng ngắn ngủi, Scaramucci đã quen biết Trump từ nhiều năm nay và vẫn giữ mối quan hệ tốt với nhiều quan chức trong chính quyền.
Theo Scaramucci, Trump tới nay không cố gắng làm bất kỳ điều gì để cải thiện hình ảnh về nhiệm kỳ của mình, hay xua tan những lo ngại về phân biệt chủng tộc và Covid-19. “Đó là lý do khiến tôi nghĩ ông ấy không thích công việc này”, ông nói.
Chưa đầy 5 tháng nữa người Mỹ sẽ đi bầu tổng thống, nhưng Trump dường như chưa sẵn sàng có những thay đổi giống trước thềm cuộc bầu cử năm 2016, như đồng ý chọn Mike Pence làm ứng viên phó tổng thống dù chưa từng quen biết, hay dừng đăng Twitter trước ngày bỏ phiếu.
Cuối tuần qua, Trump đã có động thái chính trị được cho là khôn ngoan khi lùi ngày tổ chức vận động tranh cử ở Tulsa, Oklahoma, để tránh trùng ngày Juneteenth kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ. Tuy nhiên, Trump không thông báo với các trợ lý về thay đổi này trước khi đăng trên Twitter.
Tom Cole, nghị sĩ Cộng hòa ở Oklahoma, đã so sánh chiến dịch tranh cử của Trump với George H.W. Bush (Bush cha), người từng thất bại trong nỗ lực tái cử năm 1992.
“Tôi thấy Trump không quá thờ ơ với chiến dịch tranh cử như tổng thống Bush từng làm”, Cole nói, nhưng thêm rằng nhiều tuyên bố của Tổng thống cho thấy ông đang quan tâm tới cuộc sống bên ngoài Nhà Trắng.
Trong một bài phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng, Trump từng đề cập tới sự bùng nổ ngành sản xuất xe dã ngoại, trước khi trở nên đăm chiêu. “Tôi có lẽ phải mua một chiếc như vậy để lái lòng vòng. Tôi có thể lái một chiếc xe cổ trở về New York cùng với đệ nhất phu nhân”, Trump nói.
Tổng thống Donald Trump và nghị sĩ Cộng hòa Peter King (phải) tại căn cứ không quân Andrews, ở Maryland, hồi tháng 11/2019. Ảnh: NYTimes.
Nhiều trợ lý hiện tại và trước đây của Trump cho biết mọi thứ trở nên thật sự nghiêm trọng vào tháng 4, khi Trump đối mặt với cuộc khủng hoảng kép kinh tế – y tế do Covid-19. Họ thậm chí không còn tin rằng Trump vẫn hứng thú với nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi suy thoái đầy khó khăn trước mắt.
Hầu hết tổng thống đều không biết trách nhiệm của họ thực sự là gì cho tới khi họ ngồi vào vị trí đó. Nhưng với Trump, người từng hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực giải trí và chưa từng tham gia chính trị trước khi đắc cử, lỗ hổng về kiến thức này rất lớn.
“Tổng thống Mỹ rất quan tâm đến việc thắng cử”, Sam Nunberg, người làm việc cho chiến dịch tranh cử của Trump năm 2015 và từng là cố vấn trước đó, chia sẻ. “Trong 3 năm từ 2012 đến 2014, ông ấy đã nghiên cứu rất chi tiết về quy trình bầu cử. Thực tế là Trump luôn muốn trở thành tổng thống, nhưng việc trở thành tổng thống như thế nào thì chưa từng được đề cập”.
Năm 2016, Trump từng đưa ra nhiều đề xuất chính sách trong các bài phát biểu. Nhưng hiện tại, ông chưa chia sẻ bất kỳ điều gì về kế hoạch cho nhiệm kỳ hai.
Nhiều thành viên đảng Cộng hòa ở Washington kết luận Trump không thể tái đắc cử nếu chỉ ngồi sau chiếc bàn Kiên định trong Phòng Bầu dục. Họ hy vọng việc tái khởi động chiến dịch vận động tranh cử, bắt đầu ở Tulsa vào ngày 20/6, sẽ mang tới thay đổi.
King cho biết lần cuối cùng nói chuyện với Trump là trước cái chết của Floyd và khi đó Tổng thống rất lạc quan về triển vọng tái đắc cử. “Giọng ông ấy rất lạc quan. Trump muốn tôi nói rằng ông ấy đang làm rất tốt”, King nhớ lại.
Trump dường như nhận ra rằng vận may chính trị của ông đã thay đổi. “Nếu thất cử, tôi sẽ chấp nhận nó. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, tôi sẽ làm những việc khác”, Trump nói về điều mà ông hiếm khi thừa nhận, trong cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước. “Tôi nghĩ đó là một điều rất tồi tệ với đất nước của chúng ta”.
Những người giữ an ninh trong 'khu tự trị' ở Mỹ
Antonio Ochoa chưa từng được đào tạo bài bản về an ninh, nhưng giờ anh đóng vai trò như một cảnh sát bảo vệ khu phố của mình.
3h sáng thứ 7 tuần trước, Ochoa được huy động để giải quyết vụ gây rối trên khu phố trung tâm ở Seattle, bang Washington, Mỹ. Một người đàn ông da màu giận dữ la hét và trút giận bằng cách đạp đổ một thùng rác.
Ochoa, cư dân da trắng của "Khu Tự trị Capitol Hill", không lập tức tiếp cận người này, thay vào đó, anh nhặt rác vương vãi xung quanh và cho anh ta thêm không gian. Người đàn ông da màu nhanh chóng tỏ ra hối lỗi về hành động của mình và đề nghị giúp Ochoa dọn dẹp khu vực này.
Đây chỉ là một trong nhiều tình huống mà Ochoa, 28 tuổi, phải xử lý trong những ngày qua. Anh là một trong số tình nguyện viên bảo vệ an toàn cho "khu tự trị", với mỗi ca làm việc kéo dài 4 tiếng.
"Khu Tự trị Capitol Hill" được thành lập tuần trước giữa lúc làn sóng biểu tình Mạng người da màu cũng quan trọng sục sôi ở Mỹ. Trước đó, xung đột giữa những người biểu tình vì cái chết của George Floyd và cảnh sát tại thành phố Seattle rơi vào bế tắc suốt một tuần. Cuối cùng, phản ứng ngày càng dữ dội của đám đông buộc Sở Cảnh sát Seattle hôm 8/6 phải nhượng bộ, bằng cách rút hết sĩ quan khỏi đồn tại khu dân cư Capitol Hill và để người biểu tình tự do làm điều họ muốn.
Rào chắn được dựng lên trên lối vào khu tự trị Capitol Hill, thành phố Seattle, tuần trước. Ảnh: Reuters.
Mục tiêu cốt lõi của khu vực này là xây dựng cộng đồng tự quản không cảnh sát. Thay vào đó, các tình nguyện viên, trong đó có nhiều người mong muốn xóa bỏ lực lượng cảnh sát, đã bắt đầu tổ chức lực lượng an ninh riêng.
Đội an ninh tình nguyện từng xử lý nhiều sự cố như lao xe vào đám đông hay các vụ gây rối trên phố. Họ cũng phải can thiệp khi những vị khách có vũ trang tìm đến khu tự trị. Họ xoa dịu các xung đột, ngăn tình trạng cướp phá cửa hàng và xử lý các sự cố liên quan tới sức khỏe tâm thần.
Các tình nguyện viên cho biết công việc của họ cho thấy mô hình về thành phố không có cảnh sát sẽ như thế nào. "Chúng tôi có cơ hội để tạo ra một điều gì đó ở đây. Do đó, bảo vệ khu phố cũng chính là bảo vệ lợi ích của tôi", Ochoa, người sống trong khu phố Capitol Hill, cho hay. "Tôi sống ở Hill và việc cảnh sát hiện diện ở đây luôn làm dấy lên căng thẳng".
Cuối tuần qua, khoảng hơn 20 người đã tập hợp thành lực lượng an ninh, thay phiên bảo vệ khu tự trị suốt ngày đêm. Trung tâm chỉ huy của họ rất đơn giản, gồm một chiếc lều tạm, bàn gấp, bảng trắng và sổ ghi chú. Nhiều người, trong đó có phụ nữ da màu, đã hỏi cách đăng ký tham gia lực lượng này.
Người điều phối công việc chia các tình nguyện viên thành từng cặp làm việc cùng nhau, phát bộ đàm để liên lạc, đồng thời thêm số điện thoại của họ vào một nhóm trò chuyện sử dụng tin nhắn mã hóa Signal. Họ cũng hướng dẫn tình nguyện viên các kỹ năng cơ bản để giảm leo thang căng thẳng: nói bằng âm lượng nhỏ, thiết lập đối thoại, sử dụng cử chỉ tay để ra hiệu tình hình ổn định hoặc cảnh báo tội phạm rằng họ đang bị theo dõi.
Ochoa và đồng nghiệp đã dùng cách tiếp cận này để đối phó với một người đàn ông liên tục ném táo vào người qua đường. Họ cẩn thận theo dõi động thái của người này và đảm bảo sự can thiệp của họ không khiến anh ta bị thương. Người đàn ông thậm chí còn đấm một đồng nghiệp của Ochoa, nhưng không bị đánh trả. Cuối cùng, họ cũng khiến anh ta bình tĩnh hơn và rời đi.
"Không cần ghì ai đó xuống đất và lập tức còng tay họ, các giải pháp thay thế của chúng tôi hiệu quả và giúp tạo ra cộng đồng an toàn hơn", Ochoa nói.
Lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của những người có trạng thái tinh thần bất ổn, như say rượu hoặc mắc bệnh tâm thần, là hai chiến thuật rất quan trọng trong cách tiếp cận này. Nhân viên tình nguyện Mark Markinson chia sẻ đã "xoa dịu" được một người đàn ông dọa đấm anh, bằng cách cho anh ta một miếng pizza. Markinson sau đó hiểu rằng vì quá đói nên người đàn ông này mới có thái độ hung hăng như vậy.
"Bạn chỉ cần lắng nghe những người đang tranh luận, rồi tìm cách giảm căng thẳng và hòa giải họ, hoặc cũng có thể tách họ ra xa nhau", Markinson nói.
Anh thêm rằng không nên có định kiến cá nhân khi tiếp cận và giải quyết các tình huống phát sinh, giống như cách một số cảnh sát hay làm. Markinson, cư dân da trắng ở Capitol Hill, chia sẻ anh đã từng phải đấu tranh để xóa bỏ các định kiến về người da màu.
"Tôi đã mất rất nhiều thời gian để đấu tranh với nó. Việc bạn chấp nhận sự tồn tại của người khác và hiểu về họ là rất quan trọng", anh nói.
Dòng chữ "Capitol Hill tự do" trên lối vào khu tự trị ở Seattle, hôm 15/6. Ảnh : AP.
Markinson cho biết nhiều nơi trên thế giới có các khu phố giống họ đang xây dựng, như Exarcheia ở Athens, Hy Lạp, hay Free Christiana ở Copenhagen, Đan Mạch. Trong khi đó, Ochoa cho rằng mục tiêu của họ cũng giống như nhiều khu phố nhỏ ở Mỹ muốn loại bỏ sở cảnh sát.
Tuy nhiên, mô hình "tự trị" này cũng đối mặt với nhiều thách thức. Xung đột có thể xảy ra bất kỳ lúc nào giữa những người ủng hộ khu phố tự trị và người phản đối. Việc nhiều người trong khu tự trị sở hữu súng hợp pháp cũng được cho là một vấn đề lớn.
"Nếu bạn được tự do mang súng, việc giảm căng thẳng sẽ càng trở nên thách thức hơn, bởi lúc nào đó chính bạn có thể trở thành mối đe dọa cho người khác", Markinson nhận định.
Điều này cũng có thể khiến các tình nguyện viên an ninh dễ bị tổn thương. Nhiều tình nguyện viên cho hay họ đặc biệt lo ngại về các nhóm cánh hữu, như Three Percenters and the Proud Boys, bởi họ từng nổi tiếng với các cuộc đụng độ bạo lực ở Portland, Oregon và New York. Hôm 14/6 vừa qua, hình ảnh nhân viên an ninh tình nguyện James Madison mang khẩu súng AR-15 đứng gác ở phía nam khu tự trị cũng làm dấy lên nhiều lo ngại.
"Trong một thế giới không cảnh sát, chúng ta đừng bao giờ trở thành cảnh sát của chính mình", tấm biển trên rào chắn của khu tự trị viết.
Em trai Floyd kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra Em trai George Floyd, người da màu bị cảnh sát ghì chết tháng trước, kêu gọi Liên Hợp Quốc vào cuộc điều tra nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. "Cách mà các ông thấy anh trai tôi bị tra tấn và giết hại ngay trước camera là cách người da màu bị cảnh sát đối xử ở Mỹ", Philonise Floyd, em trai...